Chủ Nhật, 14 tháng 10, 2012

VỀ KHO CỔ VẬT 500 NĂM Ở QUẢNG NGÃI

Chủ nhật, 14/10/2012, 16:36 GMT+7

Đề nghị khai quật khẩn cấp 'kho cổ vật 500 năm'

Nhận định vụ ném đá vào cảnh sát là có tổ chức, thiếu tướng Lê Xuân Hòa, giám đốc Công an tỉnh Quảng Ngãi đề xuất khẩn trương khai quật cổ vật ở vùng biển Bình Châu, nếu kéo dài người dân dễ manh động.
> Dân ném đá cảnh sát, ngăn khai thác 'cổ vật 500 năm'

Ngày 14/10, trước sự việc người dân ném đá vào lực lượng cảnh sát, ngăn cản khảo sát "kho cổ vật 500 năm" ở thôn Châu Thuận Biển, Phó bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi Nguyễn Minh chủ trì cuộc họp khẩn với chính quyền địa phương xã Bình Châu, thống nhất phương án khai quật khẩn cấp để bảo tồn cổ vật.
Ngư dân giả vờ tắm biển rồi đổ xô vào vùng cấm trục vớt cổ vật. Bị lực lượng cảnh sát bảo vệ nhắc nhở, ngăn chặn, họ ném đá làm bị thương nhiều chiến sĩ. Ảnh: Trí Tín.
Ngư dân giả vờ tắm biển rồi đổ xô vào vùng cấm trục vớt cổ vật. Bị lực lượng cảnh sát bảo vệ nhắc nhở, ngăn chặn, họ ném đá làm bị thương nhiều chiến sĩ. Ảnh: Trí Tín.
Theo thiếu tướng Hòa, hành động người dân ném đá vào lực lượng bảo vệ hôm qua (13/10) là có tổ chức, đã chuẩn bị từ trước. Khoảng 60 người giả vờ tắm biển rồi áp sát tàu của đơn vị được thuê khảo sát cổ vật và xông vào lặn cổ vật. Khi lực lượng công an vãn hồi trật tự, bắt kẻ quá khích thì nhiều người dân lại ném đá tới tấp, giải cứu người bị bắt khiến 7 chiến sỹ công an bị thương. Căn cứ vào băng ghi hình, Công an Quảng Ngãi sẽ phân loại, phân tích từng hành vi cụ thể để xử lý.
"Hành động hủy hoại tài sản nhà nước, tấn công cảnh sát là có dấu hiệu hình sự. Chúng tôi mong người dân thấy sai thì phải sửa, sớm ra đầu thú với chính quyền sẽ hưởng được sự khoan hồng của pháp luật”, thiếu tướng Hòa nhấn mạnh.
Kết luận cuộc họp, Phó bí thư Nguyễn Minh nhấn mạnh, việc khai quật và mang cổ vật từ dưới biển lên bờ không hề đơn giản. Lo nhất là trong quá trình khai quật dễ xảy ra tình trạng cướp cổ vật.
Ông Minh thẳng thắn, khi xảy ra sự việc thì không thấy bóng dáng các hội đoàn thể ở cơ sở, vì ngại đụng chạm, sợ mất lòng "và quan trọng hơn là thiếu trách nhiệm". Thời gian tới các cơ quan chức năng phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương tiếp tục vận động, tuyên truyền, giải thích để người dân hiểu "kho cổ vật" này là di sản văn hóa quốc gia, cần được bảo vệ nghiêm ngặt.
Trong khi chờ đợi cơ quan chức năng tiến hành khai quật
Trong khi chờ đợi cơ quan chức năng tiến hành khai quật "kho cổ vật", hàng trăm cán bộ, chiến sĩ công an, biên phòng dựng lều dã chiến ngay trên bờ biển và trên tàu thuyền, ca nô để bảo vệ ví trí con tàu đắm chứa cổ vật ở vùng biển Bình Châu. Ảnh: Trí Tín.
Trao đổi với VnExpress, TS Đoàn Ngọc Khôi, Phó giám đốc Bảo tàng tổng hợp Quảng Ngãi cho biết, việc khảo sát con tàu đắm chứa cổ vật ở vùng biển Bình Châu đã tạm dừng vì không đảm bảo an toàn, an ninh. Tuy nhiên, theo TS Khôi, đoàn công tác đã có kết quả khảo sát bước đầu, tạm tính toán được về kích cỡ và trữ lượng cổ vật bên trong con tàu đắm.
"Qua khảo sát bước đầu, chúng tôi đã xác định được bề ngang con tàu cổ rộng gần 5 mét và đã lấy một số mẫu để phân tích, đánh giá trữ lượng. Đây là con tàu cổ có kích cỡ khá lớn, thời gian qua ngư dân chỉ lặn lấy đi một ít cổ vật chứ chưa nhiều", TS Khôi nói.
Các cơ quan chức năng đang tổng hợp các thông số, dữ liệu cơ bản về chiếc tàu chứa cổ vật để bổ sung vào phương án khai quật trình Bộ Văn hóa thể thao và Du lịch thẩm định theo tình trạng khai quật khẩn cấp. Đơn vị khảo sát cũng đã chụp lồng sắt lên vị trí con tàu chứa cổ vật để tránh bị trục vớt trộm gây thất thoát. Dự kiến thời gian khai quật "kho cổ vật" này khoảng trong 3 tháng.
Trong khi chờ đợi khai quật, hàng trăm cán bộ chiến sĩ công an, biên phòng vẫn ngày đêm túc trực cả trên bờ lẫn các phương tiện tàu thuyền, ca nô ngoài biển đề phòng ngư dân lại đổ xô vào vùng cấm trục vớt cổ vật.
Trí Tín

Không có nhận xét nào: