Obama phải ra đi
Niall Ferguson – Hoàng Vũ dịch
Tối ngày 03/10/2012 vừa qua cuộc tranh luận vòng 1 đã diễn giữa ứng cử viện Tổng Thống của Đảng Cộng Hòa, Mitt Romney và đương kim Tổng Thống Barack Obama của Đảng Dân Chủ đã diễn ra tại Denver, Colorado. Kết quả thăm dò dư luận của CNN cho thấy ứng cử viên Mitt Romney đã chiến thắng vòng đấu này với 67% phiếu bình chọn và 25% cho Obama. Giám đốc Phòng Thăm Dò Dư Luận của CNN, Keating Holland nói: "Chưa có ứng cử viên Tổng Thống nào đạt được mức 60% kể từ ngày có chương trình tranh luận vào năm 1984". Quả thật, theo dõi chương trình tranh luận chúng ta thấy ông Mitt Romney đã liên tục chất vấn sự thất bại của chính quyền Obama trong suốt 4 năm qua và Obama có tài hùng biện thế mà đã phải "lắp bắp" chống đỡ.
Để bạn đọc nắm vững hơn tình hình chính trị kinh tế của Hoa Kỳ trước kỳ bầu cử, trân trọng giới thiệu cùng quý độc giả bài viết "Obama’s Gotta Go" của Niall Ferguson - chuyên gia về kinh tế và sử học người Anh, giáo sư Sử học tại Harvard, cây bút chuyên viết bình luận cho tuần báo Newsweek, tạp chí Time, tác giả cuốn sách nổi tiếng "Empire: How Britain Made the Modern World".
Tại sao Paul Ryan lại đe dọa Tổng Thống nhiều như thế? Bởi vì Obama đã thất hứa, và rõ ràng rằng chỉ có chiếc vé Đảng Cộng Hòa (GOP - Grand Old Party - tiếng lóng gọi Republican Party) là niềm hy vọng duy nhất cho sự hưng thịnh của chúng ta.
Bốn năm trước, tôi thật sự là kẻ thất bại thảm hại. Trong bài viết "Kế hoạch vĩ đại của lịch sử", tôi viết một ngày sau khi Obama ứng cử Tổng Thống, "bốn thập kỷ không phải là một quãng thời gian thật sự quá dài. Tóm lược khoảng thời gian đó ở Hoa Kỳ là khởi đầu từ cuộc ám sát Martin Luther King Jr. đến việc thần tượng hóa Barack Obama. Vì thế nếu bạn không chấp nhận một niềm vui sướng thật sự thì bạn không có tấm lòng nhân bản."
Dẫu rằng —một tiết lộ công khai— là một cố vấn cho ông John McCain, tôi vẫn thừa nhận rằng đối thủ của John McCain có nhiều tố chất hoàn hảo: ông ta có tài thuyết phục đám đông, ông ta trầm tĩnh khó để mà chọc giận, và chiến dịch tranh cử của ông ta đã không phạm bất cứ một sai lầm nào.
Tuy nhiên câu hỏi trực diện cho quốc gia sau gần bốn năm trời không phải là ứng cử viên nào giỏi hơn mà phải là người thắng cử có giữ được lời hứa hay không. Và sự thật đáng buồn là ông ta đã thất hứa.
Trong bài diễn văn nhậm chức, Obama đã hứa "không chỉ tạo ra công ăn việc làm, mà còn kiến tạo ra nền tảng cho sự tăng trưởng". Ông ta hứa sẽ "xây dựng đường sá và cầu cống, mạng lưới điện và hệ thống truyền tải cáp để giúp nghành thương mại và nối kết mọi người với nhau." Ông ta khẳng định "khôi phục nghành khoa học với đúng chức năng của nó và vận dụng những kỳ công của kỹ thuật công nghệ để nâng cao chất lượng và hạ thấp chi phí chăm sóc sức khỏe và bảo hiểm y tế." Và ông ta cam kết "thay đổi trong các trường học, các trường cao đẳng và đại học để đáp ứng được các nhu cầu đòi hỏi của thời đại mới." Thật bất hạnh, bảng điểm của Tổng Thống trên từng mỗi lời cam kết chỉ là những kết quả thảm hại.
Hồi đầu năm nay trong lúc sơ ý, Tổng Thống đã buông lời nhận xét khu vực kinh tế tư nhân đã "hoạt động tốt". Chắc hẳn, thị trường chứng khoán cũng đã tăng lên (74%) so với thời điểm đóng cửa vào ngày ông ta nhậm chức Tổng Thống năm 2009. Thế nhưng tổng cộng con số công ăn việc làm của toàn bộ khu vự kinh tế tư nhân vẫn ít hơn 4.3 triệu khi so với lúc cao điểm vào tháng giêng 2008. Trong khi đó, con số khủng 3.6 triệu người Mỹ được ghi danh thụ hưởng vào chương trình bảo hiểm an sinh xã hội dành cho người khuyết tật. Đây chính là một trong những cách che dấu tình trạng thất nghiệp.
Trong ngân sách tài chính năm 2010 — ngân sách đầu tiên do ông ta đệ trình — Tổng Thống đã trình bày dự kiến tăng trưởng 3,2% trong năm 2010; 4,0% cho năm 2011; 4,6% vào năm 2012. Nhưng con số thực tế là 2,4% trong năm 2010 và 1,8% trong năm 2011; không có nhiều kỳ vọng cho mức tăng trưởng trên 2,3% trong năm nay.
Mức thất nghiệp được giả định là 6% cho năm nay thế nhưng cho đến nay con số trung bình đã là 8.2%. Trong khi đó mức thu nhập bình quân của mỗi gia đình đã giảm xuống hơn 5% kể từ tháng 6/2009. Gần 110 triệu người đã phải nhận trợ cấp an sinh xã hội trong năm 2011, chủ yếu từ chương trình chăm sóc sức khỏe (Medicaid) hoặc phiếu thực phẩm.
Chào mừng bạn đến quốc gia Hoa Kỳ của Obama: gần một nửa dân số không phải đóng thuế thu nhập – gần như chính xác tỷ lệ cân bằng là một hộ gia đình có ít nhất một thành viên nhận được một loại trợ cấp nào đó từ chính phủ. Chúng ta đang trở thành một quốc gia 50-50 – một nửa số chúng ta đóng các loại thuế, và phân nửa còn lại thu nhận tất cả các loại trợ cấp.
Và thế là tất cả những điều trái khoáy này hứa hẹn khoản nợ liên bang của chúng ta sẽ gia tăng mạnh mẽ. Theo ngân sách tài khóa 2010, các khoản nợ công phải được thanh khoản với tỷ lệ giảm đi so với tổng sản lượng quốc dân (GDP) từ 67% trong năm 2010 xuống dưới mức 66% trong năm nay. Nếu được. Cho đến cuối năm nay, theo số liệu từ Văn Phòng Ngân Sách Quốc Hội (CBO), tỷ lệ vượt lên đến 70% của tổng sản lượng quốc dân (GDP). Những số liệu này cho thấy rõ rằng có sự lấp liếm che dấu bớt các khoản nợ có vấn đề, bất kể như thế nào. Vấn đề đó là tỷ lệ của khoản nợ tính trên doanh thu. Theo số liệu của Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế (IMF) con số tỷ lệ này đã tăng vọt từ 165% trong năm 2008 đến 262% trong năm nay. Trong số các nước có nền kinh tế hùng mạnh, chỉ có Ái Nhĩ Lan và Tây Ban Nha mới có sự kiệt quệ tệ hại hơn thế.
Không chỉ riêng những viên kẹo bọc đường của công cuộc kích thích tài chính vội vàng trong năm 2009 đã nhanh chóng nhạt nhẽo, mà Tổng Thống cũng đã chẳng làm được điều gì để thu hẹp khoảng cách quá khổ của con số chi tiêu và thu nhập quốc gia.
Chương trình cải cách hệ thống y tế đầy khoác lác của Tổng Thống sẽ không ngăn chặn được việc tiêu xài xả láng trong các chương trình chăm sóc sức khỏe từ mức 5% tổng sản lượng quốc dân (GDP) hiện nay đến gần 10% vào năm 2037. Cộng thêm các khoản chi phí tăng vọt trong các chương trình an sinh xã hội và bạn sẽ thấy hóa đơn tổng cộng lên đến 16% vào 25 năm sau. Con số này chỉ thấp hơn chút ít khi so với chi phí trung bình của tất cả các chương trình hoạt động của chính phủ liên bang, đó là chưa tính đến các khoản tiền lãi phải thanh toán trong hơn 40 năm qua. Với các chính sách của Tổng Thống hiện nay, món nợ trên đà gia tăng đến 200% tổng sản lượng quốc dân (GDP) vào năm 2037 - núi nợ nần này sẽ ràng buộc kìm hãm đà tăng trưởng về lâu dài.
Và ngay chính con số này cũng mô phỏng không đúng về gánh nặng thật sự của món nợ. Giá trị ước tính gần đây về sự chênh lệch con số nợ thực của chính phủ liên bang hiện tại và số thu thực của chính phủ liên bang trong tương lai —con số mà kinh tế gia Larry Kotlikoff gọi là "khoảng cách ngân khố"— là $222 ngàn tỷ đô-la.
Tất nhiên, những người ủng hộ TổngThống sẽ cho rằng không thể đổ lỗi cho Tổng Thống về các hoạt động kém cỏi làm nền kinh tế kiệt quệ. Họ thích chỉ trích vào vị Thổng Thống tiền nhiệm, hoặc đổ vấy lỗi cho các kinh tế gia cố vấn của Tổng Thống, cho thị trường chứng khoán Wall Street, cho nền kinh tế Âu Châu— hoặc cho bất cứ ai ngoại trừ vị Tổng Thống đương nhiệm trong Toà Bạch Ốc.
Sự thật phơi bày trong điều này. Thật khó để có thể dự đoán được những gì sẽ xảy ra cho nền kinh tế sau năm 2008. Thế nhưng, chắc chắn chúng ta vẫn có thể quy trách nhiệm vào các sách lược chính trị sai lầm của chính Tổng Thống trong suốt bốn năm qua. Xét cho cùng, công việc Tổng Thống là phải điều hành— lãnh đạo quốc gia hữu hiệu. Và chính đây là thất bại thảm hại nhất.
Đâu là sự hồi phục kinh tế?
Biểu đồ tình trạng thất nghiệp theo kế hoạch
chống thất nghiệp của Obama
Nhìn vào giấy trắng mực đen rõ ràng Tổng Thống đang có đội hình như mơ các cố vấn chuyên gia kinh tế: Larry Summers, Christina Romer, và Austan Goolsbee, chưa kể đến Peter Orszag, Tim Geithner, và Paul Volcker. Thế nhưng, những câu chuyện nội bộ cho thấy Tổng Thống hoàn toàn không thể điều hành được những bộ óc siêu việt —và cái tôi— của những người mà ông ta đã mời gọi làm cố vấn.
Trong cuốn sách Confidence Men(Những Người Tâm Phúc), Summers nói với Orszag trong bữa ăn tối vào tháng 05/2009: "Ông biết đấy, Peter, chúng ta như những đứa trẻ bị bỏ ở nhà một mình... Tôi nói thật đấy. Chúng ta ở nhà một mình. Không có người lớn coi sóc. Clinton không bao giờ phạm phải sai lầm như vậy [lưỡng lự thiếu quyết đoán trong các chính sách kinh tế trọng điểm]." Từ chuyện này sang chuyện khác, theo Suskind, Summers từng bác bỏ ý kiến Tổng Thống. Summers nói với Orszag, "Ông không thể chỉ bước vào và trình bày lập luận của mình rồi để cho ông ta (Tổng Thống) quyết định, vì ông ta không biết phải quyết định cái gì." (Tôi đã từng nghe nhiều chuyện bên lề tương tự từ những thành viên chủ chốt tham gia các buổi "hội thảo" kéo dài lê thê của Tổng Thống về các chính sách đối với Afghanistan.)
Vấn đề này đã vượt ra ngoài Tòa Bạch Ốc. Sau nền Tổng Thống chuyên quyền thời ông Bush, hai năm đầu của chính quyền Obama giống thể chế chính quyền nghị viện. Tổng Thống đề nghị dự luật, Quốc Hội tùy tiện xử lý. Chính bà Nancy Pelosi và phe cánh của bà ta đã viết ra dự luật kích thích nền kinh tế và chắc chắn trong đó được nhồi nhét đầy ứ những trò chính trị xôi thịt. Và dự luật này được phe Đảng Dân Chủ thông qua—lãnh đạo bởi Christopher Dodd và Barney Frank—tác giả của 2,319 trang Dự Luật Cải Cách Thị Trường Chứng Khoán Wall Street và Bảo Vệ Người Tiêu Dùng (gọi tắt là Dodd-Frank), một kiểu mẫu hoàn hảo của sự phức tạp quá đáng trong các quy chế. Dự luật này đòi hỏi các nhà lập pháp tạo ra 243 điều luật, thực hiện 67 cuộc nghiên cứu, và phát hành 22 bản phúc trình định kỳ. Dự luật loại bỏ một quy chế nhưng lại lập ra hai quy chế mới.
Cuộc khủng hoảng tài chính đã trôi qua 5 năm, thế nhưng vấn đề cốt yếu —tập trung tài chính quá thừa thải và đòn bẩy kích thích tài chính quá mức— vẫn chưa được giải quyết.
Hiện nay chỉ có 10 tổ chức tài chính quá-lớn-khó-để-mà-sụp-đổ chịu trách nhiệm cho 3/4 tổng trị giá tài sản đang được quản trị tại Hoa Kỳ. Thế mà, ngân hàng lớn nhất tại Hoa Kỳ lại không đủ vốn ít nhất là $50 tỷ đô-la theo yêu cầu mới về vốn đầu tư của thỏa ước "Basel III" về việc quản trị bảo toàn vốn thích ứng cho các ngân hàng.
Và kế tiếp là chương trình bảo hiểm sức khỏe. Không ai còn nghi ngờ rằng Hoa Kỳ cần phải cải tổ hệ thống bảo hiểm sức khỏe. Thế nhưng Luật Bảo Vệ Bệnh Nhân và Chăm Sóc Sức Khỏe Theo Khả Năng (ACA) năm 2010 đã chẳng làm gì để giải quyết những khuyết điểm cốt lõi của hệ thống bảo hiểm sức khỏe: sự bùng phát kéo dài các chi phí Medicare cho thế hệ baby boomers (thế hệ bùng phát dân số sau WWII) đang đến tuổi về hưu, hình thức "lệ phí chữa bịnh" làm gia tăng lạm phát việc chăm sóc sức khỏe, sự trói buộc việc thuê mướn nhân công vào hệ thống bảo hiểm y tế lý giải tại sao rất nhiều công dân Hoa Kỳ không có được bảo hiểm y tế, và chi phí bảo hiểm trách nhiệm quá mức làm các bác sỹ cần phải tự bảo vệ mình trước các luật sư do chính chúng ta thuê mướn.
Thật mỉa mai, điểm cốt lõi của chương trình Obamacare là khái niệm "yêu cầu cá nhân" (đòi hỏi tất cả các công dân Hoa Kỳ phải mua bảo hiểm hoặc phải đóng tiền phạt) lại chính là những gì mà Tổng Thống đã chống đối kịch liệt khi tranh giành sự đề cử ứng cử viên Tổng Thống của Đảng Dân Chủ với bà Hillary Clinton. Cho nên gọi chương trình này bằng từ ngữ chính xác hơn là “Pelosicare”, vì chính bà ta đã thúc đẩy dự luật để được Quốc Hội thông qua.
Pelosicare không chỉ là một thảm họa trên chính trường. Các cuộc thăm dò ý kiến cho thấy chỉ có một thiểu số ít ỏi thích Luật Chăm Sóc Sức Khỏe Theo Khả Năng (ACA—Affordable Care Act), và đây chính là lý do mấu chốt giải thích tại sao Đảng Cộng Hòa đã nắm lại quyền kiểm soát Hạ Viện vào năm 2010. Và cũng chính đạo luật này làm ngân khố tài chính quốc gia hỗn loạn thêm. Tổng Thống cam kết công cuộc cải cách bảo hiểm y tế sẽ không làm tăng thêm một xu nào vào ngân sách đã bị thâm thủng. Thế nhưng theo Văn Phòng Ngân Sách Quốc Hội (CBO—Congressional Budget Office) và Tiểu Ban Liên Hiệp Thuế của Quốc Hội dự đoán các điều khoản trong Luật Chăm Sóc Sức Khỏe Theo Khả Năng (ACA—Affordable Care Act ) sẽ phải trang trải chi phí thực lên đến $1.2 ngàn tỷ đô-la trong giai đoạn 2012-2022.
Tổng thống vẫn tiếp tục ngụp lặn trong các vấn đề ngân khố tài chính quốc gia. Ngay sau khi thiết lập một ủy hội lưỡng đảng Hội Đồng Quốc Gia về Trách Nhiệm Tài Chính và Cải Cách, lãnh đạo là Thượng Nghị Sỹ Wyoming đã hồi hưu thuộc Đảng Cộng Hòa, Alan Simpson và Erskine Bowles, cựu chánh văn phòng TT Clinton, Obama đã dẹp ra rìa chẳng thèm để ý lời khuyến cáo của Hội Đồng về việc cắt giảm chi tiêu $3 ngàn tỷ và việc tăng thu $1 ngàn tỷ đô-la trong thập niên sắp tới. Và kết quả là không đạt được "thỏa hiệp lớn" nào với Đảng Cộng Hòa tại Hạ Viện—có nghĩa là, ngoại trừ một vài phép lạ, ngân khố quốc gia sẽ tiến đến bờ vực thẳm vào ngày 01 tháng Giêng khi mà Đạo Luật Cắt Giảm Thuế của Tổng Thống Bush hết hiệu lực và trước nhất con số thâm thủng $1.2 ngàn tỷ đô-la tự động buộc phải áp đặt cắt giảm chi tiêu có tác động đều khắp quốc gia. Văn Phòng Ngân Sách Quốc Hội (CBO) ước tính hiệu ứng thực sẽ tác động làm giảm 4% tổng sản lượng.
Sự thua kém về khả năng lãnh đạo trong các chính sách kinh tế tài chính suốt 4 năm qua đã cho thấy những hệ quả trên địa đồ chính trị thế giới. Ngân Hàng Thế Giới cho rằng Hoa Kỳ chỉ tăng trưởng ở mức 2% trong năm 2012. Trung Quốc sẽ đạt mức tăng trưởng gấp 4 lần hơn; Ấn Độ đạt mức gấp 3 lần hơn. Đến năm 2017, Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế dự đoán, tổng sản lượng quốc dân của Trung Quốc sẽ vượt qua mặt Hoa Kỳ.
Bình Đồ Tăng Trưởng của một Quốc Gia Thua Kém
GDP của Trung Quốc kỳ vọng sẽ vượt trội Hoa kỳ vào năm 2017
Trong khi đó, chiếc xe lửa tài chính tàn tạ vỡ nát vẫn đang mê mải trong tiến trình cắt giảm chi phí quốc phòng trong thời điểm mà thế giới khó có thể an toàn hơn—nhất là ở vùng Trung Đông.
Với tôi, thất bại thê thảm nhất của Tổng Thống là không đủ trí tuệ để suy xét những sự liên can đến những thách đố quyền lực của Hoa Kỳ. Không thiết tha khai triển một chiến lược hợp lý, ông ta tin tưởng —có lẽ do phấn khích vì được nhận một giải thưởng quá hấp tấp, giải Nobel Hòa Bình— rằng tất cả công việc mà ông ta cần làm chỉ là đọc những bài diễn văn động lòng-miễn phí trên khắp thế giới để giải thích cho mọi người biết rằng ông ta không phải là George W. Bush.
Tháng 11/2009 tại Tokyo, Tổng Thống đã nung nấu vòng-tay-đại-đồng trong bài diễn văn: "Trong một thế giới liên kết, quyền lực không cần thiết phải là trò chơi một mất một còn, và quốc gia này không nhất thiết phải sợ sự thành công của quốc gia khác... Hoa Kỳ không tìm cách kìm hãm Trung Quốc... Ngược lại, sự trỗi dậy mạnh mẽ, phồn thịnh của Trung Quốc có thể là nguồn tiếp sức cho cộng đồng thế giới." Thế mà đến mùa thu 2011, phương cách này đã bị vứt bỏ để ưu tiên quay trở lại "trục then chốt" Thái Bình Dương, bao gồm cả việc triển khai quân đội thật nực cười ở Úc và Singapore. Nhìn từ ưu thế của Bắc Kinh, không phương cách nào đáng tín nhiệm cả.
Bài diễn văn của ông Obama tại Cairo ngày 04/06/2009, là lời mời chào vụng về thô thiển để lấy lòng những gì được cho là sự khơi mào cuộc cách mạng trong vùng."Tôi rất hân hạnh mang theo cùng tôi," ông ta nói với người dân Ai Cập, "lời chào mừng an bình từ các cộng đồng Hồi Giáo ở đất nước tôi: Assalamu alaikum ... Tôi đến đây... để kiếm tìm sự khởi đầu mới giữa Hoa Kỳ và người Hồi Giáo trên khắp thế giới, đặt trên nền tảng... với sự thật là người Mỹ và người Hồi Giáo không loại trừ nhau và không cần phải kèn cựa nhau."
Kiểm chứng sự thật: Obama có giữ đúng lời hứa không?
Hình: Charles Ommanney - Newsweek
Tin tưởng rằng vai trò của mình là cự tuyệt chủ thuyết bảo thủ, Obama đã làm lỡ hoàn toàn cơ hội của làn sóng cách mạng dân chủ tại Trung Đông—chính xác là làn sóng của những người theo phái bảo thủ với ngòi nổ kích hoạt từ cuộc lật đổ Saddam Hussein ở Iraq. Khi cuộc cách mạng bùng phát —đầu tiên tại Iran, kế đến tại Tusinia, Ai Cập, Libya và Syria— Tổng Thống phải biết quả quyết khi đối mặt với sự lựa chọn rõ ràng. Ông ta phải cố nắm bắt làn sóng bằng cách dồn sức ủng hộ những người cách mạng trẻ tuổi và cố gằng lèo lái họ theo đường hướng thuận lợi cho Hoa Kỳ. Hoặc ông ta không làm được gì cả và để mặc cho các thế lực đối nghịch thắng thế.
Tổng Thống đã không làm gì cả khi cách mạng dân chủ nổ ra tại Iran, và những kẻ cuồng sát của nước Cộng Hòa Hồi Giáo đã nghiền nát cuộc cách mạng một cách rất tàn nhẫn. Tương tự cũng vậy với Syria. Tại Lybia ông ta can thiệp rất phỉnh phờ. Tại Ai Cập, ông ta cố gắng theo hai phương cách, thúc giục Tổng Thống Ai Cập Hosni Mubarak ra đi, rồi thối lui và gởi gắm cho "quá trình chuyển tiếp có trật tự". Kết quả là một chính sách ngoại giao thảm bại. Không chỉ riêng giới trí thức-tinh hoa của Ai Cập bàng hoàng trước sự phản bội, mà ngay cả những người chiến thắng —lực lượng Anh Em Hồi Giáo— cũng chẳng cần phải biết ơn. Ngay cả các đồng minh thận cân của Hoa Kỳ tại Trung Đông —Israel và Arab Saudis— cũng phải sửng sốt.
"Bạn rất ngạc nhiên, thế nhưng sự việc vẫn xảy ra như thế đó," một quan chức Hoa Kỳ không muốn nêu danh tánh đã nói với The New York Timeshồi tháng 02/2012. "Chúng ta đã có những phiên họp chiến lược bàn về hòa bình cho Trung Đông kéo dài lê thê không dứt suốt hai năm qua, kể cả bàn về các vấn đề với Iran. Thế mà có bao nhiêu lần họp bàn giải quyết tình thế của Ai Cập chuyển biến từ lúc ổn định sang tình trạng hỗn loạn? Hoàn toàn không."
Điều đáng lưu ý là Tổng Thống tương đối dễ dàng kiếm được khá nhiều phiếu cử tri trên phương diện về an ninh quốc gia. Có lẽ công chúng đã hiểu sai chính quyền của ông ta trong việc tự do sử dụng các chính sách tự sát chính trị một cách đáng kinh ngạc thay vì thực hiện một chiến lược rõ ràng. Theo Văn Phòng Điều Tra Báo Chí tại Luân Đôn, tỷ lệ tổn thất dân sự do máy bay không người lái gây ra là 16% vào năm ngoái. Bạn hãy tự hỏi xem giới truyền thông cánh tả sẽ cư xử ra sao nếu cựu Tổng Thống George W. Bush sử dụng máy bay không người lái như thế này. Thế đó không biết sao, duy chỉ có các ngoại trưởng của Đảng Cộng Hòa mới bị cáo buộc là "tội phạm chiến tranh" mà thôi.
Tội ác thật sự đó là kế hoạch tấn công truy sát của máy bay không người lái làm tiêu hủy tất cả các lực lượng tình báo quan trọng (cũng như chuốc lấy lòng hận thù của người dân địa phương). Kế hoạch này tượng trưng cho quyết định của chính quyền Obama rũ bỏ các cuộc chiến chống quân nổi dậy mà chiếu cố vào các cuộc chiến chống khủng bố một cách chật vật. Điều đó cho thấy thực tế việc bỏ rơi không chỉ với Iraq mà thôi và chẳng chóng thì chầy sẽ đến lượt Afghanistan. Thật dễ hiểu, những người đã phục vụ tại những nơi đó, đàn ông và cả đàn bà, luôn sẽ tự hỏi họ đã hy sinh cùng đích cho điều gì, nếu cho rằng sự hy sinh đó để xây dựng quốc gia của chúng ta thì khái niệm đó đã bị âm thầm vứt bỏ vào sọt rác. Đến khi cả hai quốc gia này lại sa lầy ngập chìm vào những cuộc nội chiến thì chúng ta sẽ thấy rõ nét giá trị thật sự của chính sách đối ngoại thời kỳ Obama.
Hoa Kỳ dưới thời Tổng Thống Obama là là một siêu cường thối lui, nếu không muốn nói là bỏ cuộc. Chí ít là 46% người dân Hoa Kỳ —và 63% người dân Trung Hoa— tin rằng Trung Quốc đã và đang thay thế Hoa Kỳ trong vị trí siêu cường hoặc cuối cùng cũng sẽ là như thế.
Đó chính là dấu hiệu cho thấy Barack Obama đã hoàn toàn "mất hút câu chuyện đời mình" kể từ khi đắc cử, thế nên việc tốt nhất ông ta cố làm khi ra tái tranh cử là cứ cố nói ông Mitt Romney không nên trở thành tổng thống. Trong bài diễn văn trơ trẽn "anh đã không làm được điều đó", Obama liệt kê những gì ông ta cho là thành tựu của chính quyền vĩ đại: mạng viễn liên, đạo luật GI (đạo luật ra đời năm 1944, cung cấp trợ cấp và phúc lợi cho các cựu chiến binh trở về từ Đại Thế Chiến II_diễn giải của người dịch), cầu Golden Gate, đập nước Hoover, phi thuyền Apollo hạ cánh xuống mặt trăng, và ngay cả (kỳ quặc) việc hình thành tầng lớp trung lưu. Thật đáng buồn, ông ta đã không thể kể ra được bất cứ điều gì mà chính quyền của ông ta đã thực hiện được.
Bây giờ Obama đang phải đối đầu trực diện với đối thủ của mình: một chính trị gia luôn cho rằng nội dung quan trọng hơn hình thức, thực hiện cải cách tốt hơn là nói lời khoe mẽ khoa trương. Trong thời gian vừa qua đã có nhiều bài viết về Thượng Nghị Sỹ Wisconsin, Paul Ryan, sự lựa chọn của Mitt Romney trong liên danh tranh cử Tổng Thống. Tôi biết, thích, và cảm phục Paul Ryan. Đối với tôi, nét nổi bật của ông ta thật đơn giản. Ông ta là một trong số ít các chính trị gia ở Hoa Thịnh Đốn, những người thật sự chân thành toàn tâm giải quyết cuộc khủng hoảng tài chính của quốc gia.Biểu đồ Thâm Hụt Ngân Sách
của chính quyền Obama
Chương trình "Con Đường đi đến Thịnh Vượng" của Ryan trong những năm qua đang trên đà tiến triển, hơn nữa những vấn đề chủ yếu được trình bày rất rõ ràng: thay thế chương trình Medicae bằng chương trình tem phiếu trợ cấp cho những người dưới 55 tuổi (không dành cho những người đang hoặc sắp sửa được nhận lãnh), chuyển đổi gom chương trình Medicare và tem phiếu thành một khối rồi giao việc trợ cấp cho các tiểu bang đảm nhận, và —quan trọng mang tính quyết định— làm đơn giản hóa các mã số thuế cũng như hạ thấp các loại thuế suất để bơm nguồn sinh khí vào cho lãnh vực kinh tế tư nhân của Hoa Kỳ. Ryan không rao giảng chủ thuyết khắc khổ thắt lưng buộc bụng. Ông ta chỉ thích nói đến sự tăng trưởng. Cho dù những vị cựu trào thời-Reagan như David Stockman có thể nghi ngại, họ có thể đánh giá thấp ưu thế của Ryan trên phương diện này. Thế nhưng đúng là không một ai ở Hoa Thịnh Đốn thấu hiểu thông suốt những thách thức của chương trình cải tổ nền kinh tế tài chính tốt hơn Ryan.
Cũng quan trọng không kém là Ryan đã học được bài học, chính trị là môn nghệ thuật của những gì có thể làm được. Trong kế hoạch của Ryan có những phần có thể hiểu được ngay là chỉ cần nhấn nhẹ bàn đạp thì khởi động ngay lập tức—đáng chú ý là những nguồn thu vào mới cho chính quyền liên bang như loại "thuế tiêu thụ kinh doanh" được nhắc đến trong chương trình "Lộ Trình cho Tương Lai của Hoa Kỳ" năm 2010. Stockman cần phải tự nhắc nhở mình rằng trong thực tế "câu chuyện-thần tiên-hư cấu về kế hoạch ngân sách" đã được Tòa Bạch Ốc phát hành từ năm 2009.
Lần đầu tôi gặp Paul Ryan vào tháng 04/2010. Tôi được mời dự bữa ăn tối tại Hoa Thịnh Đốn với đề tài thảo luận là cuộc khủng hoảng kinh tế tài chính của Hoa Kỳ. Vấn đề thảo luận khá quan trọng nên tôi nghĩ bữa ăn tối sẽ được tổ chức tại một phòng khánh tiết của một trong những khách sạn sang trọng tại thủ đô. Thực sự buổi tiệc diễn ra tại tư dinh của người chủ tiệc. Ba vị Thượng Nghị Sỹ đến dự buổi tiệc—một dấu chỉ cho thấy phiên bản "không hỏi, không nói" (về khoản nợ) của Tổng Thống thành công đến mức độ nào. Ryan lôi cuốn tôi thật mạnh mẽ. Từ dạo đó tôi đã muốn nhìn thấy anh ta bước vào Tòa Bạch Ốc.
Vẫn còn đủ thời gian nếu người dân Hoa Kỳ biết sẵn sàng nắm lấy thời cơ thực hiện kế hoạch kiểm tra chỉnh đốn lại toàn bộ nền kinh tế tài chính do Ryan đề xuất. Tư tưởng của đám đông quần chúng thường rất mâu thuẫn. Chỉ số tín nhiệm Tổng Thống đã tụt xuống mức 49%. Chỉ số Niềm Tin Kinh Tế của Viện Gallup là -28 (tụt xuống đến -13 điểm chỉ trong vòng tháng 05/2012). Tuy thế, Obama vẫn còn dẫn điểm sít sao trước Romney trong cuộc thăm dò lá phiếu phổ thông (50.8 so với 48.2) và yên tâm dẫn trước số phiếu cử tri đoàn. Những người thu thập ý kiến thăm dò cho rằng việc chọn Paul Ryan cho liên danh tranh cử chưa hẳn làm thay đổi cục diện cuộc tranh cử; mà quả thực, anh ta lại là một chọn lựa mạo hiểm vì nhiều người vẫn còn cảm thấy lo lắng về các kế hoạch cải tổ của Ryan.
Nhưng có điều thật rõ ràng. Ryan sẽ lật tẩy lá bài Obama. Điều quá hiển nhiên khi Tòa Bạch Ốc đã quay sang công kích Ryan từ mùa xuân năm ngoái. Và nguyên nhân Ryan sẽ lật nhào Obama là vì Ryan có một chương trình kế hoạch cho quốc gia, trái ngược và khác hoàn toàn kiểu cách của Obama —câu chuyện của những chiếc bánh vẽ.Tôi cho rằng Mitt Romney chưa phải là ứng viên tốt nhất ra tranh cử Tổng Thống. Thế nhưng ông ta vẫn là ứng cử viên sáng giá của Đảng Cộng Hòa. Là ứng viên Thổng Thống, ông ta mang theo nhiều kinh nghiệm thực tiễn —cả trên thương trường và trên chính trường— cái mà rõ ràng Barack Obama rất thiếu sót vào bốn năm trước. (Chỉ cần Obama được làm việc tại Bain Capital một vài năm, thay vì làm nhân viên tổ chức cộng đồng ở Chicago, có lẽ ông ta sẽ hiểu được chính xác tại sao khu vực kinh tế tư nhân không "hoạt động tốt" vào thời điểm này.) Bằng cách chọn lựa Ryan cho liên danh tranh cử Tổng Thống, Romney đã đưa ra một dấu hiệu khởi điểm thực sự rằng —không giống kiểu cách Obama— ông ta là một người lãnh đạo can đảm không ngơ ngáo tránh né những thách thức mà Hoa Kỳ phải trực diện.
Bây giờ cử tri phải dối diện với sự chọn lựa quả quyết. Họ có thể cứ để cho Barack Obama tiếp tục ngao du huyên thuyên chủ thuyết duy ngã với cái tôi của mình cho tới khi họ khám phá ra rằng họ đang sống với lối sống theo phiên bản của Âu Châu ngay tại Hoa Kỳ, với mức tăng trưởng rất thấp, tình trạng thất nghiệp cao, cùng món nợ ngày càng chồng chất— và thực tế suy tàn quyền lực trên địa bàn chính trị thế giới.
Hoặc họ có thể quyết định chọn sự thay đổi thật sự: chỉ có thay đổi mới chấm dứt được 4 năm của nền kinh tế hiệu quả thấp kém tụt hậu, chấm dứt sự lũy tiến kinh khủng của món nợ quốc gia, và tái thiết một nền tảng kinh tế tài chính vững chắc cho an ninh quốc gia Hoa Kỳ.
Như tôi đã trình bày: bây giờ là thời điểm để lựa chọn, hoặc Hoa Kỳ phiên bản Âu Châu hoặc Khải Hoàn Ca Cộng Hòa.
Bốn năm trước tôi là người thua cuộc. Nhưng năm nay, hừng hực phấn khích với đà thăng tiến của Ryan, tôi khao khát mãnh liệt sự chiến thắng.
- Niall Ferguson
Nguồn:The Daily Beast Obama’s Gotta Go
Hoàng Vũ chuyển ngữ -Obama phải ra đi (Niall Ferguson – Hoàng Vũ)
Hoàng Vũ chuyển ngữ -Obama phải ra đi (Niall Ferguson – Hoàng Vũ)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét