Mạc Ngôn là ẩn ngữ: Nobel Văn
chương 2012
Trần Kiêm Đoàn
Sáng nay, 11-10-2012,
đài Truyền hình Trung ương Trung Quốc (China Central Television’s – CCTV) thông
báo tin nhà văn Mạc Ngôn (Mo Yan) đang sinh sống ở Bắc Kinh được giải thưởng
Nobel Văn chương năm 2012 chỉ cách 10 phút sau khi Hàn Lâm Viện Thụy Điển thông
báo tin trúng giải. Tiếp theo là báo chí toàn quốc Trung Hoa đã rộn ràng thi
nhau không tiếc lời ca tụng “vinh dự nước nhà”.
Đây là lần thứ hai trong
lịch sử 111 năm của giải văn chương Nobel với 108 người đã trúng giải, nhà văn
Trung Quốc được giải. Thế nhưng dòng truyền thông văn học “chính thống” của
Trung Quốc thì lại xem như lần đầu có
một tác giả Trung Quốc trúng giải Văn chương Nobel. Mặc dầu năm 2000, nhà văn
Trung Quốc đầu tiên được giải Nobel là Cao Hành Kiện (Gao Xingjian); nhưng Cao bị
xem là người “ngoại đạo” vì sống ở phương Tây và có quốc tịch Pháp nên thông
tin mấy ngày sau mới được loan ra một cách dè dặt... như thường lệ!
Mạc
Ngôn tên thật là Quản Mạc Nghiệp, sinh năm 1955 ở thị xã Cao Mật, tỉnh Sơn Đông
thuộc vùng Đông Bắc Trung Quốc; lớn lên trong môi trường nông nghiệp, cha mẹ
đều là nông dân. Mạc tốt nghiệp khoa văn của học viện Nghệ thuật Giải phóng
Trung Quốc.
Tác
phẩm Mạc Ngôn có 11 tiểu thuyết và khoảng 100 truyện ngắn, hầu hết lấy bối cảnh
sáng tác và phát hành ở Trung Quốc. Một nửa tiểu thuyết và vài mươi truyện ngắn
được dịch ra nhiều thứ tiếng là các tác phẩm: Hồng Cao Lương, Đàn Hương Hình, Cây Tỏi Nổi Giận, Rừng Xanh Lá Đỏ...
Dư
luận văn giới phương Tây và ngay cả tạp chí Global
Time tại Bắc Kinh đã đặt vấn đề là có chăng yếu tố chính trị toàn cầu đóng
một vai trò nào đó trong việc trao giải thưởng văn chương cho Mạc Ngôn. Sự ám
ảnh đó cho rằng, đây như một cử chỉ đưa cành cây Ô-liu ra hóa giải mối căng
thẳng vẫn còn nguyên trong tâm lý của giới lãnh đạo Trung Quốc đối với hội đồng
chấm giải Nobel khi nhân vật đối lập Lưu Hiểu Ba được trao giải Nobel Hòa bình
năm 2010.
Mặc
dầu đây đó vẫn có nhiều lời đồn đãi thị phi, tuy nhiên, phần đông các nhà bình
luận quốc tế vẫn chân thành chúc mừng Mạc Ngôn. Như trường hợp giáo sư đại học
Bắc Kinh, He Weifang nói rằng, ông lấy làm tiếc cho Mạc Ngôn vì nhà văn nầy từng
tự tay viết ra một tham luận theo kiểu Stalinist mà Mao Trạch Đông đã đưa ra
năm 1942 ra lệnh cho các nhà văn viết ca ngợi Đảng. Đồng thời, ông viết trong
“blog” của mình rằng: “Giải Nobel văn
chương năm 2012 trao cho Mạc Ngôn đã làm mất danh tiếng của giải văn chương
lịch sử nầy. Đây có thể là trò... uốn éo giữa Hội đồng chấm giải Nobel và giới
cầm quyền Trung Quốc.” Tuy nhiên giáo sư He Weifang vẫn cho là nhà văn Mạc
Ngôn rất đáng được chúc mừng.
Tại
Hồng Kông, báo South China Morning Post
đã mỉa mai so sánh hai người Trung Quốc được giải thưởng Nobel... đều “câm miệng hến” (Shut Up). Nhà bất đồng chính kiến Lưu Hiểu Ba thì bị
ra lệnh “Câm Miệng”; còn nhà văn Mạc Ngôn khi chọn bút hiệu nầy thì đã tự mình
“câm miệng” (mạc ngôn: không nói) từ lâu lắm rồi!
Trên
quan điểm văn học nghệ thuật thuần túy, thật không dễ gì thắp đuốc nhân gian
soi rọi để thấy rõ khuôn mặt trung thực của một nhà văn. Chính trị đi vào đầu
người bằng tiếng vang và búa gõ; văn chương đi vào lòng người bằng im lặng và âm
thầm.
Nói
như Phùng Quán, kẻ sáng tạo văn chương cũng ví như người xiếc đi dây. Tuy người xiếc đi dây thật khó, nhưng không khó
bằng làm nhà văn. Có lẽ Phùng Quàn đã đi trên con đường sáng tạo đồng thời
và đồng cảnh ngộ với Mạc Ngôn. Phùng Quán nói lên những thao thức, trăn trở của
mình – một người cầm bút – từ những biểu tượng nhân sinh và thực tế bạo liệt
qua Lời Mẹ Dặn. Mạc Ngôn tự chọn cho
mình một thế nhìn và thế đứng nói mà
không nói: mạc ngôn! “Mạc ngôn” trong văn hóa phương Đông không có nghĩa là
“không nói gì cả” như giới văn bút phương Tây thường chuyển ngữ. Cần nhìn khái
niệm “mạc ngôn” trên quan điểm văn hóa Phật giáo để thấy mạc ngôn là nguyên ngôn;
mạc ngôn là ẩn ngữ. Đó là sự chiêm ngắm hiện thực cuộc đời qua tinh thần quán
niệm. Có những lúc cần phải xếp chữ nghĩa, vùi thiên kinh vạn quyển qua một bên
để tự chính mính nói cho mình nghe và suy niệm trong vắng lặng. Che mắt đời ra
chợ giả ngu!
“Tác phẩm” đầu tiên giúp tôi biết đến Mạc Ngôn
là khi lần đầu được xem cuốn phim Hồng Cao Lương (Red Sorghum) ở Century
Theater tại Sacramento, một thành phố nhỏ vùng
Bắc Mỹ. Đây là cuốn phim dàn dựng theo tác phẩm được đánh giá là tiêu biểu nhất trong số 11 tiểu thuyết của nhà
văn Mạc Ngôn. Vì thích cuốn phim, tôi tìm đọc tác phẩm Hồng Cao Lương đã được Howard
Goldblatt dịch ra tiếng Anh (Viking Penguin – New York, Penguin, 1994).
Tôi tìm gặp một thế giới gần gũi với nông thôn ruộng đồng mà xa lạ như ảo ảnh.
Một thế giới bơ phờ, hoang vu đầy những uẩn khúc tình dục, mê muội và bạo động
vô nghĩa. Rõ ràng là tác giả muốn nói lên và chống lại một thế lực ám ảnh nặng
nề đang đè nặng lên thân phận bèo bọt của con người cùng khổ. Các nhân vật lại
hành động như những bóng ma ẩn hiện khi thật khi hư, khi say khi tỉnh. Đây rõ
ràng là một thế giới của khuynh hướng “hiện thực ảo giác” (hallucinatory
realism). Nó thật hơn cả thật nhưng cũng đầy ảo ảnh hơn cả ma trơi. Người đọc có
cảm giác như Mạc Ngôn viết xong dăm câu, vài đoạn thì buông bút đứng cười, nói:
“Tui là tui rứa đó. Dẫu bạn có cười hay khóc thì mặc bạn. Tui chỉ cười, có nói
chi mô!”
Năm ngoái về thăm quê, tôi
tìm được một tác phẩm của Mạc Ngôn với tên gọi rất chi là... hiện thực ảo giác:
Ma Chiến Hữu (Trần Trung Hỷ dịch).
Tác phẩm nói về cuộc chiến Trung-Việt năm 1979. Lúc đó, Mạc Ngôn là sĩ quan
tuyên giáo của binh đoàn, nhưng tác giả lại không hò hét “cầm gươm ôm súng xông
tới” mà chỉ nói khơi khơi chuyện người và ma rủ nhau lên những tàng cây uống
rượu và nói chuyện lan man nóng lạnh đời thường. Sau lăng kính mạc ngôn – nói không lời; lời mà không
nói – ấy, tác giả hướng về tầng lớp giai cấp nghèo khổ, quê mùa. Họ đi cày hay
vác súng ra trận cũng như đi đào mương làm thủy lợi trong xã hội Trung Quốc
thời nông trường tập thể. Tính nhân bản của một nhà văn có thể nhận ra khi biết
trái tim của họ thể hiện trong sáng tạo thật sự hướng tới ai và đứng ở vị thế
nào.
Có
thể nói Cao Hành Kiện và Mạc Ngôn đều là hai tài năng văn chương sáng giá. Sáng
giá không phải chờ đến khi nhận giải Nobel nhưng bởi sự dấn thân “xiếc đi dây”
trong hành trình sáng tạo. Dù rằng một bên đứng ở đỉnh Linh Sơn khoảng khoát tinh
thần trong một xã hôi phương Tây đầy bon chen, thực dụng và một bên dùng “mạc
ngôn” hư hư thực thực để vật lộn với một xã hội xem giá trị tâm linh và tinh
thần là biểu hiện của suy đồi, phù phiếm.
Dư
luận phương Tây lao xao tiếng bấc tiếng chì khi giải Nobel văn chương năm nay
về tay Mạc Ngôn, một phần vì nhà văn có chân trong đảng Cộng sản Trung Quốc.
Nhưng dư luận lại ít chú ý câu phát biểu chính thức đầu tiên của Mạc Ngôn ngay
sau khi được giải văn chưong Nobel là yêu cầu trả tự do cho Lưu Hiểu Ba, nhân
vật được giài Nobel Hòa Bình năm kia đã từng gây phẫn nộ cho giới cầm quyền
Trung Quốc. Thái độ phản kháng bất công và áp bức trong phút đầu tiên bước lên
đài danh vọng giữa lúc “quan trên ngó xuống, người ta trông vào” quả là sự hành
xử thiên chức đáng quý của một nhà văn có bản lĩnh. Muốn cho phải có vật cho.
Nhà văn muốn “phù thế giáo một vài câu thanh nghị” như Nguyễn Công Trứ nói về kẻ
sĩ thì phải kiểng chân đứng ở tầm cao trên tác phẩm mới có người nghe tiếng.
Nhìn
người lại nghĩ đến ta. Đâu mươi năm trước, từ quê người, tôi nghĩ về viễn ảnh
một giải Nobel văn chương sẽ đến với người cầm bút ở quê nhà qua bài viết nay
vẫn còn luân lưu trên các trang mạng: “Viễn
ảnh về một giải văn chương cho giới văn bút Việt Nam”**
. Có người cho là ảo tưởng vì trong điều kiện sáng tác “cái khó bó cái
khôn” thì làm sao mà có được. Năm mươi
năm trước, chú bé Mạc Nghiệp con nhà nông dân giữa một vùng quê nghèo đói Trung
Hoa mà nói đến một chữ bẻ làm đôi cũng còn là ảo tưởng. Nhưng hôm nay, Mạc
Nghiệp đã thành Mạc Ngôn.
Trong
muôn một và im lặng, một người vô danh đang chúc mừng nhà văn Mạc Ngôn của
Trung Quốc đã thành danh. Chúc mừng những nghệ sĩ văn bút Việt Nam đang trên
đường sáng tạo.
Sacramento, tháng Mười 2012
Trần Kiêm Đoàn
** http://www.trankiemdoan.net/butluan/vanhoc-nghethuat/nobel4vn.html
Nguồn: Mail của Trần Kiêm Đoàn
LƯU Ý:
Mời các tác giả, độc giả nhắp chuột vào LINK để đọc: QUY ƯỚC GỬI BÀI CỘNG TÁC
VÀ GÓP Ý trên Tạp chí TIẾNG QUÊ HƯƠNG trước khi gởi
bài/comment trên tạp chí để tránh những rắc rối không đáng có và tạo điều kiện cho BBT chỉnh sửa bài, lên trang.
TRÍCH DỊCH , ĐĂNG TẢI TÁC
PHẨM trên tạp chí TIẾNG QUÊ HƯƠNG , XIN GHI RÕ NGUỒN :
http://blog.yahoo.com/TIENGQUEHUONG
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét