Xây dựng trên nền móng granite yếu,
có khả năng trượt lở đất mạnh , nứt đất khi động đất mạnh xảy ra. Đó là
nguy cơ ở thủy điện Sông Tranh 2 mà nghiên cứu do GS Cao Đình Triều làm
chủ biên, công bố sáng qua 3.10 đã chỉ rõ.
Các nhà khoa học đề xuất hợp tác quốc tế để tiếp tục nghiên cứu động đất tại Sông Tranh 2 - Ảnh: Hoàng Sơn
|
“Dễ bị sạt lở đất mạnh”
GS Triều cho biết, hiện tượng nứt và sụt lở đất trong khu vực thủy
điện Sông Tranh 2 có biểu hiện rất mạnh dọc theo đới đứt gãy. Cụ thể, đá
granite tại lòng hồ Sông Tranh 2 bị cà nát, đập vỡ mạnh dọc đới đứt
gãy, tạo nên nguy cơ về tai biến trượt và sạt lở đất rất cao, có thể gây
ảnh hưởng tới các công trình dân sinh và hoạt động an toàn của đập cũng
như gây lấp lòng hồ, chặn dòng chảy… mỗi khi có động đất mạnh xảy ra.
TS Nguyễn Trường Tiền, Chủ tịch Hội Cơ học đất và địa kỹ thuật công
trình VN, bày tỏ băn khoăn: “Tôi không thể tưởng tượng vì sao chủ đầu tư
lại lựa chọn địa điểm này để xây thủy điện Sông Tranh 2. Chúng ta có
thể phải trả giá ghê gớm vì công trình này”.
Đồng quan điểm này, TS Phạm Tấn Quýnh, ĐH Quốc gia Hà Nội, chuyên gia
đã trực tiếp vào khảo sát tại huyện Bắc Trà My nhìn nhận: “Thủy điện
Sông Tranh 2 đặt không đúng chỗ, nằm trên các thành tạo granite phức hệ
Bến Giăng - Quế Sơn. Thân đập nằm trực tiếp trên đứt gãy đang hoạt động
Bắc Trà My chạy theo hướng đông tây, có nghĩa là nằm trên đới cà nát
granite, một yếu tố quan trọng đóng góp vào động đất kích thích ngoài
những yếu tố khác như áp suất, lỗ hổng trong quá trình tích nước”.
“Xây dựng thủy điện Sông Tranh 2 trên nền đá granite là một sai lầm.
Cấu trúc nền móng với thành phần tạo đá là granite và bị cà nát bởi
nhiều hệ thống đứt gãy đang hoạt động là điểm yếu nhất của công trình
này, bởi khả năng tự hủy hoại là rất lớn, kể cả khi không có động đất”,
TS Quýnh chỉ rõ.
Động đất kích thích có thể tới 6 độ Richter
"Tôi không thể tưởng tượng vì sao chủ đầu tư lại lựa chọn địa điểm
này để xây thủy điện Sông Tranh 2. Chúng ta có thể phải trả giá ghê gớm
vì công trình này"
TS Nguyễn Trường Tiền, Chủ tịch Hội Cơ học đất và địa kỹ thuật công trình VN
TS Nguyễn Trường Tiền, Chủ tịch Hội Cơ học đất và địa kỹ thuật công trình VN
GS Triều phân tích, đập thủy điện Sông Tranh 2 nằm trong phạm vi ảnh
hưởng của đới đứt gãy cấp 2 Trà My, vì vậy động đất ở đây sẽ tác động
trực tiếp tới vùng hồ và đập thủy điện. Hiện tượng tích nước gây nên
động đất kích thích sẽ xảy ra dọc theo đới đứt gãy cấp 2 Trà My và một
số đứt gãy cấp 3 trong phạm vi lòng hồ và lân cận.
Khi hồ chứa được tích nước, tải trọng nước trong hồ sẽ làm gia tăng
trường ứng suất của đất đá trong khu vực hồ chứa. Hiện tượng thẩm thấu
nước xuống độ sâu làm thay đổi ứng suất lỗ rỗng, giảm ma sát các mặt
trượt, tạo điều kiện thuận lợi cho phát sinh động đất kích thích. Đây là
lý do các chuyên gia cho rằng, khi các trận động đất nhỏ liên tiếp đi
kèm việc dâng lên của mực nước hồ thì phải nghĩ ngay tới động đất mạnh
hơn có thể xảy ra. Hiện tượng tích nước đột ngột hồ chứa đến cao trình
tối đa có thể thay đổi môi trường sinh chấn nhanh dẫn đến hoạt động động
đất gia tăng, bởi vậy, cần hạn chế tối đa sự biến động nhanh của mực
nước hồ. Chu kỳ động đất cũng liên quan mật thiết đến việc tích nước (3
chu kỳ động đất, mỗi chu kỳ cách khoảng 5 tháng).
Theo nghiên cứu, khả năng xảy ra động đất kích thích cực đại có tại
khu vực lòng hồ có thể đạt cấp độ mạnh tối đa 5,5 - 6 độ Richter. Mức độ
mạnh của động đất trong lòng hồ dự báo có thể đạt 5,9 độ Richter, độ
sâu tâm chấn không vượt quá 15 km, còn tại khu vực đập chính và vùng hạ
lưu có thể tới 6,1 độ Richter.
“Phải có kịch bản xấu nhất. Trên thế giới tất cả các dự án đều có
tính toán đến trường hợp xấu nhất và những chỉ dẫn khi sự cố xảy ra, vì
đây là tính mạng của con người. Sông Tranh 2 cũng không thể ngoại lệ”,
GS Triều nhấn mạnh.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét