Thứ Năm, 30 tháng 1, 2014

CHỊ CÔNG NHÂN CÓ 23 NĂM ĐÓN GIAO THỪA NGOÀI ĐƯỜNG

Chị công nhân 23 năm đón giao thừa ngoài đường

(TNO) 25 năm làm nghề môi trường thì 23 năm chị Hoàng Thị Yến (46 tuổi, làm việc tại Chi nhánh Hai Bà Trưng - Urenco 3, Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị Hà Nội) đón giao thừa ở ngoài đường.

Theo bà Trương Thị Kim Lan, Phó giám đốc Urenco 3: Ngày thường lượng rác trung bình trên toàn địa bàn quận Hai Bà Trưng do chi nhánh phụ trách là 315 tấn/ngày. Từ sau ngày ông Công ông Táo, lượng rác đã tăng lên ngót 400 tấn/ngày và tới ngày cuối cùng của năm là lên đến 700 tấn/ngày. Do vậy thay vì đi làm 1 ca, công nhân môi trường phải “chiến đấu” liên tục 2 ca/ngày, để đảm bảo đường phố luôn được sạch đẹp. Đặc biệt trong ngày giao thừa, toàn bộ quân số của chi nhánh phải ra đường và chỉ được về nhà sau 5 giờ sáng ngày mùng 1 Tết.

Chị công nhân 23 năm đón giao thừa ngoài đường 1
Chị Yến vệ sinh trên tuyến đường Trương Định - Ảnh: Xuân Bùi
Công việc cực nhọc, nhưng khi trò chuyện với chúng tôi, chị Yến chỉ cười và nói: “Bọn mình quen rồi, không sao. Nhưng chỉ thương mấy đứa mới vào, nghe nói chúng nó tủi thân nên khóc suốt”.
Rồi chị Yến kể: “Trước đây, đúng 20 tuổi mình đặt chân vào làm ở chi nhánh. Năm đầu tiên xuống đường làm vệ sinh, quét rác, tới thời khắc giao thừa, nhìn từng cặp đôi nam nữ thanh niên bằng tuổi mình, họ cầm tay nhau đi chơi, mà nước mắt cứ trào ra vì tủi thân, vì không được ở gần người thân”.
Cũng là đêm giao thừa, thời khắc thiêng liêng, mong chờ nhất trong năm của người Việt, nhưng nó lại luôn là nỗi lo với những người làm môi trường như chị Yến. Bởi ngoài việc phải xa chồng, xa con, xa người thân, họ lại phải đối mặt với cả một “núi” rác từ các công viên, điểm bắn pháo hoa, điểm vui chơi hay những dịch vụ bán cành lộc.
Theo lời chị Yến: “Khi mọi người dung dăng vui vẻ thì cánh môi trường tụi này phải lượn như đèn cù, mắt phải mở thật to, nhìn trước nhìn sau xem có ai xả rác không để còn nhặt cho nhanh. Chứ để đường phố lem nhem toàn rác, cán bộ đi kiểm tra là dính khiển trách, phạt tiền như chơi”.
Dịp Tết vất vả là vậy nên anh em trong nghề môi trường của chị Yến mới hay bông đùa với nhau, nếu ai vượt qua được mấy ngày Tết thì sẽ trụ lại được với nghề này lâu dài. Bằng không sẽ chỉ trong ngày một ngày hai là tự khắc nộp đơn xin nghỉ việc.
Chị Yến dẫn chứng: “Năm ngoái, một cô gái được tuyển vào chi nhánh làm việc. Biết em nó mới vào nên bọn mình sắp xếp làm ở những tuyến đường vắng, ít sự kiện. Nhưng cũng chỉ làm chưa hết ca, cô gái này đã khóc thút thít gọi điện cho chồng tới đón. Hỏi ra mới biết, vì khối lượng công việc nặng, không vượt qua được sự mặc cảm của người quét rác đường trong ngày Tết”.

Chị công nhân 23 năm đón giao thừa ngoài đường 2
Mỗi chuyến xe rác mà chị Yến thu gom, nặng gần 3 tạ - Ảnh: Xuân Bùi
Được biết, hiện chị Yến phụ trách tuyến đường Trương Định với 96 tổ dân phố. Thông thường mỗi ca làm việc, chị phải thu gom, vận chuyển tới 6 xe rác, mỗi xe có tổng trọng lượng từ 2,4 – 2,6 tạ và tổng số quãng đường phải di chuyển trong một ca làm vệ sinh đường phố lên tới 10 km.
Hà An


ĐỐI LIỄN MỪNG XUÂN

ĐỐI LIỄN MỪNG XUÂN CỦA BẠN ĐỒNG HƯƠNG Ở GIA -LỘC

Đối liễn Xuân Giáp Ngọ

@ Dán trước cửa Tòa án :

CHÍ CÔNG VÔ TƯ, TRÊN KHÔNG SỢ, DƯỚI KHÔNG OAN, TRA ÁN NGHIÊM MINH HỒN BÀNG THỊ*

CẦM CÂN NẢY MỰC, XỬ ĐÚNG HÌNH, QUY ĐÚNG TỘI, CHUẨN PHÊ CHÍNH XÁC DẠ BAO CÔNG

------
* Bàng Thị là Bàng Quý Phi, vợ yêu của vua Tống, nghe bố là Bàng Hồng âm mưu cướp ngôi vua, bị Bao Công xử án tử hình.

@ Dán trước Văn phòng luật sư :

LUYỆN KỸ NĂNG, RÈN ĐẠO ĐỨC, CHẲNG NGẠI KHÓ KHĂN, CÁI ĐẦU TỈNH TÁO VÌ CÔNG LÝ

NÂNG KIẾN THỨC, GIỮ LÒNG TRONG, KHÔNG NỀ CẢN NGẠI, CON TIM TRĂN TRỞ VỚI QUYỀN DÂN

Thứ Tư, 29 tháng 1, 2014

KHI CHỦ TỊCH NƯỚC CÚI ĐẦU NGHE DÂN


Khi chủ tịch nước cúi đầu nghe dân

Khi chủ tịch nước cúi đầu nghe dân
TTXuân - Đó là những ngày tháng 4 nắng gắt, gió biển thổi lồng lộng. Cuộc trò chuyện giữa những ngư dân huyện Núi Thành (Quảng Nam), Lý Sơn (Quảng Ngãi) với Chủ tịch nước Trương Tấn Sang diễn ra chân tình, cởi mở ngay trên bến cảng.
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang trò chuyện với mẹ Việt Nam anh hùng ở Đức Hòa, Long An - Ảnh: Giản Thanh Sơn
Chân thực, thẳng thắn, bà con ngư dân nói về việc ngày đêm bám biển đảo Tổ quốc, đánh bắt cá xa bờ. Giọng nói không hề gợi chút khoa trương, họ đã nối tiếp truyền thống của bao thế hệ cha anh đánh bắt cá ở khu vực Hoàng Sa, Trường Sa, nay vẫn quyết tâm bám biển. Chủ tịch nước lắng nghe và ghi chép tiếng nói sốt sắng của bà con về những bất cập, khó khăn trong nghề đánh bắt hải sản hiện nay. Chủ tịch nước đề nghị lãnh đạo các ngành, các địa phương trao đổi, làm rõ những ý kiến của bà con ngư dân và nêu lên các chính sách, những thành quả của công cuộc đổi mới là tạo điều kiện cho ngư dân yên tâm sản xuất để có cuộc sống ngày càng tốt hơn.
Thời gian thấm thoắt trôi nhanh, nối tiếp những chuyến làm việc trong nước và quốc tế của người đứng đầu Nhà nước. Còn nhớ chuyến thăm Trung Quốc, trên chuyên cơ trở về vừa đúng ngày 21-6, kỷ niệm Ngày nhà báo Việt Nam, Chủ tịch nước không quên chúc mừng cánh nhà báo theo đoàn.
Vui trong câu chuyện, Chủ tịch nước nói về sự cởi mở, thẳng thắn trong cuộc hội đàm cấp cao giữa hai nước. Việt Nam rất coi trọng mối quan hệ đối tác chiến lược toàn diện với Trung Quốc, nhưng trong quan hệ hợp tác kinh tế cũng gặp không ít trở ngại. Việt Nam còn phải nhập siêu cao, bởi vậy đề nghị phía Trung Quốc tạo điều kiện cho việc xuất khẩu hàng hóa, nông sản, thực phẩm của Việt Nam qua biên giới. Phía Việt Nam cũng yêu cầu giải quyết các vụ việc phát sinh đột xuất của hoạt động nghề cá trên biển bằng phương pháp hòa bình... Các thỏa thuận này giữa hai nước đã được ký kết.
Trong khó khăn phải biết chung lưng
Cuối năm, những nụ đào đầu tiên dần hé mở trong giá rét, báo hiệu một mùa xuân mới đang về trên mọi miền Tổ quốc. Qua những chuyến đi, dù về ven biển miền Trung hay lên tận huyện biên giới Xín Mần (tỉnh Hà Giang) với hơn 1.000 cua gấp khúc khuỷu, và qua những địa bàn khó khăn nơi Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã trực tiếp đến làm việc, chúng tôi thấy cuốn sổ tay của ông dày thêm những ghi chép.
Ở đâu trước khi làm việc với lãnh đạo chính quyền, Chủ tịch nước cũng gặp gỡ và lắng nghe ý kiến của người dân, nhất là lớp trẻ. Không chỉ nghe cái hay, những việc trung ương và địa phương đã làm được cho người dân mà còn nghe những điều “nghịch nhĩ”, nghe về những “lực cản”, về thói hư tật xấu của một bộ phận người có chức, có quyền đang làm suy giảm niềm tin của nhân dân.
Gặp gỡ bà con các dân tộc, các chiến sĩ biên phòng ở Xín Mần, Chủ tịch nước vui mừng trước những đổi thay bước đầu trên mảnh đất địa đầu biên cương này. Bài học làm nên sự phát triển mới là gì? Chủ tịch nước Trương Tấn Sang nói rõ trước người dân, lãnh đạo các cấp ở đây: “Chính quyền phải coi việc chăm lo cuộc sống người dân là nhiệm vụ hàng đầu. Đó là con đường để quy tụ lòng dân, tập hợp sức dân”.
Hơn ai hết, người dân và cán bộ ở vùng núi cao này cảm nhận được vị Chủ tịch nước đang nói những lời gan ruột. Họ còn nhớ rõ nhiều năm trước, lần đầu Thường trực Ban Bí thư Trung ương Đảng Trương Tấn Sang đến công tác ở Xín Mần, ông trăn trở vì thấy đời sống của bà con các dân tộc còn khó khăn, nhiều người chưa đủ ăn, trẻ em không được học hành đầy đủ, đường đi lại quá gian nan. Ngay ở thị trấn Cốc Pài - huyện lỵ Xín Mần, mùa mưa lũ nhiều nơi bị chia cắt bởi không có cầu cống. Kinh tế đã khó khăn, ngân sách càng hạn hẹp. Ông đã cùng với tập thể lãnh đạo huyện, tỉnh suy nghĩ tìm cách tháo gỡ.
Khởi đầu phải dựa vào sức dân và khả năng tài chính của doanh nghiệp ngoài địa bàn. Được sự ủng hộ của lãnh đạo Bộ Quốc phòng và một số doanh nghiệp, các đề án phi lợi nhuận nhằm hỗ trợ giảm nghèo cho huyện Xín Mần ra đời. Công thức hoạt động là  5 - 3 - 2, nghĩa là đầu tư 100 đồng thì 50% chi phí vào con người (giáo dục, đào tạo), 30% vào phát triển kinh doanh và 20% dành để phát triển hạ tầng cơ sở. Sau một thời gian ngắn chiếc cầu Na Lam được xây dựng và khánh thành vào cuối năm 2010, nối liền sáu xã phía đông của huyện với gần 20.000 dân, mỗi năm tiết kiệm hàng tỉ đồng tiền vận chuyển cho bà con. Nguồn lực từ các đề án trên còn tài trợ xây dựng ba trường học, mười nhà lưu trú, tặng bà con các dân tộc 400 tivi màu và một xe cứu thương…
Không ai nói ra, nhưng tất cả đều thấy rõ chính từ cuộc sống người dân đã thúc giục Chủ tịch nước bàn thảo từng việc cụ thể với lãnh đạo địa phương cũng như kêu gọi doanh nghiệp đến với vùng cao này, và kết quả thật đáng mừng.
Trong lần về làm việc ở xã Đại Trạch (tỉnh Quảng Bình), Chủ tịch nước đã đến thăm những nông dân tiêu biểu trong xây dựng nông thôn mới nơi đây. Gặp những con người trằn lưng với nắng gió, lắng nghe những câu chuyện làm ăn thật thà, chất phác của họ, ông không giấu nổi niềm vui. Soi rọi vào những nhân tố mới tích cực ở các địa phương, Chủ tịch nước khẳng định sự đúng đắn đường lối, chủ trương của Đảng và Nhà nước. Điều đó rất rõ ràng, ai cũng thấy được. Nhưng tại sao cái mới, cái đẹp lại chưa phát triển đúng tầm để lấn át cái xấu? Vấn đề cốt lõi là đội ngũ cán bộ.
Chủ tịch nước nói rõ: “Dân ta rất tốt, biết bao thế hệ đã dâng hiến cuộc đời mình vì độc lập, tự do của Tổ quốc. Giờ đây người dân đang nỗ lực xây dựng đất nước. Nhưng chúng ta không được lợi dụng lòng tốt đó. Đội ngũ cán bộ, đảng viên mà trước hết là những cán bộ chủ chốt phải nêu gương, bám sát thực tiễn, có năng lực đổi mới, sáng tạo, nói đi đôi với làm”.
Hiểu biết lớn nhất rút ra từ thực tiễn cuộc sống, giúp chúng ta hiểu đầy đủ hơn về các chủ trương, chính sách và để biết cách xử lý. Người dân đã nói là tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, kỳ vọng vào sự phát triển của đất nước. Bởi vậy người lãnh đạo càng biết ơn nhân dân và ráng sức để hoàn thành nhiệm vụ của mình. Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã nhiều lần tâm sự như vậy sau mỗi chuyến thăm và làm việc với các ngành, các địa phương.
Trên mỗi chặng đường đất nước đều nhìn thấy những công việc còn bộn bề. Những con đường quốc lộ đây đó còn dang dở, những vùng quê chưa thoát nghèo đã chìm trong bão lũ, những áp lực cạnh tranh quốc tế gay gắt hơn trong khi kinh tế nội địa chưa hết khó khăn… Phải chăng, từ thực tiễn đó, vào thời khắc giao thừa thiêng liêng cách đây vừa tròn một năm, trong lời chúc Tết của mình, Chủ tịch nước đã nói với đồng bào “những khó khăn thử thách trên con đường đi lên của đất nước mà chúng ta đã vượt qua có thể chưa phải là những thử thách cuối cùng”. Chúng tôi hỏi ông: “Thưa Chủ tịch nước, điều gì sẽ làm nên sức mạnh để đất nước vượt qua những thử thách tiếp theo?”.
Nhắc đến câu nói của người xưa “ôn cố tri tân”, Chủ tịch nước nói với chúng tôi: “Nhìn lại lịch sử chắc sẽ gợi cho chúng ta nhiều điều”. Theo Chủ tịch nước, trong những năm mà tên nước Việt Nam chưa có trên bản đồ thế giới, trong những tháng ngày giữa núi rừng Pắc Bó hoang sơ, khi trở về nước sau 30 năm xa Tổ quốc để trực tiếp lãnh đạo cách mạng, Bác Hồ đã có thư “Kính cáo đồng bào”. Trong thư, để hiệu triệu “hơn 20 triệu con Lạc cháu Hồng” lúc bấy giờ, Bác nhấn mạnh: “Ta chỉ cần một điều: Toàn dân đoàn kết”. Bao giờ cũng vậy, đứng trước khó khăn, truyền thống quý báu của dân tộc ta là phát huy cao nhất tinh thần đoàn kết, tạo thành sức mạnh toàn dân tộc để vượt qua.
Chủ tịch nước nhấn mạnh: “Các bậc tiền nhân đã trao lại cho chúng ta bài học lịch sử vô giá đó, thế hệ hôm nay phải biết chung lưng bằng nghị lực và niềm tin để cùng nhau xây đắp đất nước”.
Lắng nghe ông nói, chúng tôi lại nhớ đến ý kiến của nhiều vị đại biểu Quốc hội trên nghị trường, kinh tế khó khăn có thể vượt qua được nếu có niềm tin và sự đồng thuận, hơn nữa thăng trầm kinh tế vốn có tính chu kỳ, nhưng nếu để mất niềm tin là mất tất cả. Như Chủ tịch nước đã nhiều lần nói, độc lập - tự do - hạnh phúc muốn trường tồn và phát triển phải thực hiện lời Bác Hồ dạy, mưu cầu hạnh phúc cho nhân dân.
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang tiếp xúc cử tri Q.1, TP.HCM - Ảnh: Quang Định
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang hội đàm với Tổng thống Mỹ Barack Obama tại Nhà Trắng ngày 25-7-2013 - Ảnh:  Giản Thanh Sơn
Trên chuyến tàu hội nhập
Đón xuân mới Giáp Ngọ, nhìn lại một năm vừa qua, nguyên Phó thủ tướng Vũ Khoan chia sẻ góc nhìn của mình với báo chí: “Trong bối cảnh tình hình thế giới diễn biến phức tạp, bản thân kinh tế nước ta mấy năm qua có khó khăn nhưng ngoại giao vẫn là điểm sáng”. Có thể mỗi người từ cách tiếp cận của mình sẽ có nhìn nhận khác nhau. Nhưng rõ ràng tuy “lực” có hạn, với đường lối đúng đắn và phương pháp, bước đi thích hợp vẫn có thể tạo nên “thế” mới.
Những ngày cuối năm Quý Tỵ, Tổng thống Nga Vladimir Putin thăm Việt Nam theo lời mời của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, chính là một trong những hình ảnh thu gọn về mối quan hệ hợp tác ngày càng sâu đậm của các nước đối với Việt Nam. Chứng kiến ông Putin - người vừa được các tạp chí quốc tế uy tín bầu chọn là nhà lãnh đạo quyền lực nhất thế giới - bắt tay Chủ tịch nước Trương Tấn Sang ở Phủ chủ tịch, cánh phóng viên lại nhớ đến tại khu nghỉ mát Sochi (Liên bang Nga) hơn một năm trước, Tổng thống Vladimir Putin đã ra tận sảnh dinh thự đón và bắt tay thân mật với Chủ tịch nước Trương Tấn Sang. Sau hội đàm, ông đã trực tiếp lái xe cùng Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đến trung tâm báo chí chứng kiến lễ ký kết các văn kiện hợp tác và gặp gỡ với báo chí.
Cũng chỉ cách đây vài năm, vào cuối nhiệm kỳ trước, Phó thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Gia Khiêm lúc bấy giờ đã phát biểu trong một hội nghị của Chính phủ với các địa phương rằng: “Trong số năm nước lớn, có tiếng nói quan trọng trên trường quốc tế và là ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc, ta đã ký đối tác chiến lược với ba nước, chỉ còn hai nước Mỹ và Pháp”. Con đường để những cựu thù trở thành đối tác hẳn không đơn giản, nếu không nhất quán “gác lại quá khứ và hướng tới tương lai” cùng những nỗ lực ngoại giao con thoi theo thời gian. Và chính trong năm 2013, Việt Nam đã hoàn thành việc xác lập quan hệ đối tác chiến lược, đối tác toàn diện với tất cả các nước lớn, trở thành quốc gia Đông Nam Á duy nhất xác lập được vị thế này.
Trong khi đẩy mạnh phát triển các quan hệ song phương, đa phương, từ Bắc Kinh đến Washington, Matxcơva hay New Delhi, Jakarta hay Budapest, Copenhagen..., Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đều khẳng định đường lối đổi mới, độc lập, tự chủ và tinh thần bình đẳng, tôn trọng lợi ích của nhau trong hợp tác và quá trình hội nhập.
Cùng với những kết quả làm việc chính thức có thể đo đếm được qua các văn kiện hợp tác trong nhiều lĩnh vực khác nhau, bạn bè quốc tế còn chia sẻ với Việt Nam tình cảm chân thực không đơn thuần chỉ là ngoại giao. Như lần Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đến thăm Đan Mạch, đất nước Bắc Âu xa xôi và lạnh giá nhưng đầy hữu nghị. Chuyên cơ vào đến bầu trời Copenhagen thì được thông báo đang có mưa lớn nên chưa thể hạ cánh ngay. Một lúc sau, khi máy bay đáp xuống, giữa sân bay mà xung quanh còn đọng trắng những viên như mưa đá, toàn bộ thành viên Hoàng gia Đan Mạch gồm Nữ hoàng, Hoàng thân cùng hai hoàng tử và các công nương trong những lễ phục lịch thiệp nhất đã có mặt để đón Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam...
Trong bữa tiệc hoàng gia sau đó để chiêu đãi các vị khách quý, nhắc lại chuyện Hoàng thân Henrik từng sống nhiều năm tuổi trẻ ở Việt Nam, Nữ hoàng Margrethe II chia sẻ rằng “đất nước Việt Nam chiếm một vị trí đặc biệt trong trái tim của Hoàng thân”. Về phần mình, Nữ hoàng nhắc lại chuyến thăm Việt Nam vào năm 2009 và nói: “Trong chuyến thăm đó, tất cả chúng tôi càng hiểu hơn tại sao Hoàng thân lại bị đất nước Việt Nam quyến rũ đến thế”.
Thế giới vẫn đang trong giai đoạn cố gắng thoát ra khỏi khủng hoảng kinh tế, nảy sinh nhiều phức tạp mới. Mỹ phải chia sẻ ảnh hưởng với các cường quốc khác. Lợi ích các nước lớn đan xen nhau. Xu hướng hội nhập, cạnh tranh ngày càng rõ. ASEAN được các nước quan tâm chú ý. Trong bối cảnh đó Việt Nam khẳng định vị thế của mình, ổn định về chính trị, giữ được mức tăng trưởng kinh tế và có nhiều tiềm năng phát triển, hợp tác với các nước. Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đánh giá cao sáng kiến của Hungary với tư cách chủ tịch luân phiên nhóm Visegrad (gồm Hungary, Ba Lan, Slovakia và Cộng hòa Czech) mở văn phòng đại diện tại TP.HCM. Đó là cửa ngõ để Visegrad hợp tác với Việt Nam và các nước trong khu vực.
Trong chuyến thăm của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đến Đan Mạch, lãnh đạo của quốc gia đã đạt được tiêu chuẩn hàng đầu thế giới về môi trường kinh doanh này tái khẳng định cam kết thực hiện chiến lược tăng trưởng thị trường đối với Việt Nam - một trong mười nền kinh tế tiềm năng trên thế giới mà Đan Mạch lựa chọn để triển khai chiến lược nhằm khuyến khích các doanh nghiệp Đan Mạch mở rộng đầu tư. Đây cũng là chuyến thăm mang ý nghĩa lịch sử khi hai nước ký Tuyên bố chung về thiết lập quan hệ đối tác toàn diện.
Nước Mỹ ngày càng hiểu thêm về Việt Nam, tôn trọng thể chế chính trị nước ta và đặt niềm tin vào sự hợp tác phát triển toàn diện. Tại Hội nghị cấp cao APEC lần thứ 21, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã phát biểu với nhiều đối tác chiến lược, kinh tế, thương mại hàng đầu, nêu các đề xuất động lực mới cho liên kết kinh tế khu vực châu Á - Thái Bình Dương và cũng tại hội nghị này, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang khẳng định Việt Nam sẽ đăng cai Hội nghị cấp cao APEC 2017.
Sau niềm vui còn ẩn chứa bao nỗi lo mà Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã nhiều lần tâm sự với chúng tôi: Cộng đồng ASEAN 2015 đang cận kề, Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) hứa hẹn nhiều tiềm năng hợp tác mới. Xu thế mới trong liên kết kinh tế khu vực với nội hàm sâu rộng, mức độ cam kết cao, thách thức không nhỏ đối với các quốc gia có trình độ phát triển còn thấp như nước ta. Thách thức đó gây sức ép buộc chúng ta phải nỗ lực hết mình, chuẩn bị các điều kiện về mọi mặt, nhất là thể chế và năng lực, để đủ sức hội nhập và trưởng thành. Kinh tế thị trường đòi hỏi thông thoáng, công khai, minh bạch, bình đẳng là chuyến tàu không chờ đợi ai.
Đi qua những mùa xuân của dân tộc, đất nước, ở đâu cũng vậy, gặp gỡ người dân, cán bộ chiến sĩ trong nước hay đồng bào ta ở nước ngoài, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang luôn nhắc nhở, nói một cách thiết tha, nhân dân ta từ trước đến nay một lòng đi theo con đường của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại. Chúng ta phải gần dân, mở lòng với dân, lắng nghe ý kiến của nhân dân. Vị thế của Việt Nam hôm nay đang là cơ hội để mỗi người chúng ta vững niềm tin, chung sức hành động vì hạnh phúc của nhân dân. Kỳ vọng của người dân cũng là mong muốn của Đảng và Nhà nước về con đường xây dựng một đất nước Việt Nam kỷ cương, luật pháp, xã hội bình yên và thịnh vượng.
Cuộc sống gieo hạt niềm tin, làm nảy sinh trong con người và xã hội những năng lực mới để hành động. Ý chí đó, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã nhắn gửi với chúng tôi vào dịp cuối năm.
 
VÕ VĂN THÀNH - NGỌC ĐẢN

CHÂU Á RỘN RÃ ĐÓN TẾT CON NGỰA 2014

Châu Á rộn rã đón tết âm lịch


Kỷ niệm ngày Tết của sao Việt

Thú vị dưa hấu 'Mã đáo thành công'

TTO - Người dân ở Malaysia, Singapore, Hồng Kông và các quốc gia ăn tết âm lịch khác đang tất bật chào đón năm con ngựa với nhiều hoạt động đầy sắc màu.
Trung tâm thương mại Kuala Lumpur rực rỡ đèn lồng và các đồ trang trí đặc sắc - Ảnh: Trendsimages.

Trang trí tết bên ngoài trung tâm thương mại Kuala Lumpur - Ảnh: Trendsimages

Phố lồng đèn ở Malaysia trong dịp Tết Nguyên Đán 2014 - Ảnh: Trendsimages

Một phố lồng đèn ở Hồng Kông - Ảnh: blog.picatic

Hình ảnh ngựa phi ở khu Chinatown, Singapore - Ảnh: AsiaRooms

China Town, Singapore rực rỡ sắc màu về đêm - Ảnh: AsiaRooms

Du khách chụp ảnh ở China Town, Singapore - Ảnh: AsiaRooms

Du khách tham quan mua sắm ở Chinta Town, Singaore dịp tết âm lịch - Ảnh: AsiaRooms
Chỉ còn ba ngày nữa, năm Giáp Ngọ sẽ chính thức bắt đầu (31-1 – Mùng 1 Tết). Các con đường ở thủ đô Kuala Lumpur, Malaysia vào những ngày này rực sắc vàng và đỏ. Người dân đổ xô đến các trung tâm thương mại để chiêm ngưỡng đồ trang trí tết độc đáo cũng như mua sắm cho năm mới trong bầu không khí rộn rã.
Ông Martin Rayson, du khách người Anh, đến thăm Bukit Bintang và tỏ ra vô cùng thích thú khi chiêm ngưỡng các lồng đèn và hoa tươi đầy màu sắc được trưng bày ở đó. Ông hi vọng gia đình và bạn bè sẽ được an khang thịnh trong năm nay.
“Người dân Malaysia rất say mê nền văn hoá của họ. Tôi cảm thấy vô cùng hứng thú khi trở thành một phần của mùa lễ hội này” – Rayson nói với Malay Mail.
James, 15 tuổi, con trai ông Rayson, cho biết cậu rất thích không khí lễ hội cũng như các món ăn truyền thống phong phú ở Malaysia. Cạnh đó, cô bé người Singapore Faith Yeo, 6 tuổi, nhìn chằm chằm vào những con ngựa giấy, tỏ vẻ vô cùng thích thú. “Năm nay, con ước cha mẹ con bớt nghiêm khắc với con” – cô bé thật thà nói.
Trong khi đó theo Financial Express, Bộ du lịch Hồng Kông đón chào năm Giáp Ngọ bằng cách cùng hãng hàng không Cathay Pacific đồng tổ chức Đêm diễu hành Tết âm lịch 2014 ở khu Tsim Sha Tsui. Cuộc diễu hành dự kiến diễn ra vào ngày 31-1. Ban tổ chức bật mí chương trình này sẽ giới thiệu nhiều yếu tố liên quan đến con ngựa.
Sân khấu Trung tâm văn hoá Hồng Kông sẽ trở thành rạp xiếc chào đón sự tham gia của 34 đoàn xe diễu hành và các đoàn nghệ thuật đến từ 15 quốc gia và vùng lãnh thổ trên khắp thế giới. Các chú hề nổi tiếng ở Hồng Kông cũng sẽ tham gia lễ hội năm nay nhằm mang lại tiếng cười cho khán giả trong năm mới.
Trước khi đêm diễu hành bắt đầu, từ 7 giờ tối trở đi, khách tham quan sẽ có cơ hội thưởng ngoạn các tiết mục múa lân lửa trên xe đạp, nghe nhạc jazz, đánh trống kiểu Mỹ và những hoạt động đường phố khác. Du khách còn có thể xem bắn pháo hoa, tham gia lễ hội cầu nguyện cho năm mới, ngày hội lồng đèn hoặc xem các chương trình biểu diễn nghệ thuật ở nhà hát West Kowloon Bamboo.
Trong khi đó, nhiều dãy phố ở Singapore đỏ rực màu của những chiếc lồng đèn. Một trong những khu vực rộn rã đón chào năm mới nhất là khu China Town (phố người Hoa). Du khách đến tham quan China Town còn có cơ hội xem màn biểu diễn nuốt lửa, múa lân và các màn biểu diễn đặc sắc của các đoàn nghệ thuật nữ. Hoạt động múa lân và múa rồng diễn ra khắp Singapore trong suốt mùa lễ hội chào đón năm con ngựa.
Đề xuất nghỉ tết âm lịch cho cộng đồng người Mỹ gốc Á 
Dân biểu Grace Meng vừa đề xuất dự luật yêu cầu chính phủ Mỹ cho phép học sinh, sinh viên người Mỹ gốc Á được nghỉ tết âm lịch, theo Forest Hills Patch.
Theo nghị quyết của bà Meng, các trường học có đa số học sinh là người Mỹ gốc Á nên được khuyến khích đóng cửa vào kỳ nghỉ tết âm lịch. Bà Meng cho biết đó là cách chính quyền ông Obama công nhận tầm quan trọng của văn hoá đón Tết âm lịch của người châu Á.
Bà Meng quyết liệt bảo vệ dự luật này bởi vì theo bà những sinh viên không đi học vào dịp tết âm lịch không những bị điểm danh vắng mà kết quả học tập của họ bị ảnh hưởng do họ có thể bỏ lỡ những kỳ thi quan trọng.
“Trên 8,7 triệu người Mỹ gốc Á ở Mỹ đón tết âm lịch” – bà Meng cho biết. “Nó là kỳ nghỉ quan trọng nhất dành cho cộng đồng người Mỹ gốc Á. Do vậy những sinh viên, học sinh người Mỹ gốc Á không nên bị bắt buộc giữa hai lựa chọn: bỏ học hoặc ăn tết cùng gia đình”.
Theo bà Meng, những sinh viên của những nền văn hoá và sắc tộc khác đều có ngày nghỉ vào những dịp lễ lạc lớn ở đất nước của họ nên trẻ em ăn Tết âm lịch cũng cần được tạo điều kiện tương tự. Bà Meng cho biết khoảng 15,4% học sinh, sinh viên ở các trường công ở Mỹ là người Mỹ gốc Á.
Bà tiết lộ rằng ở các cộng đồng người Mỹ gốc Á lớn, nhiều giáo viên tạm dừng công việc dạy học để đón tết âm lịch.

Tết Hà Nội thời bao cấp

Con rể biếu bố mẹ vợ 30 triệu tiêu Tết

QUỲNH TRUNG (tổng hợp)

Chủ Nhật, 26 tháng 1, 2014

TUYÊN ÁN VỤ HUYỀN-NHƯ LỪA 4.000 TỶ ĐỒNG


Đang tuyên án vụ Huyền Như lừa 4.000 tỷ đồng

Sáng 27/1, sau hơn 20 ngày đưa ra xét xử và nghị án, TAND TP HCM đã tuyên án vụ Huyền Như và đồng phạm chiếm đoạt gần 4.000 tỷ của các tổ chức, cá nhân.

>> Xe khách chết máy, Đèo Cả kẹt cứng 5km
>> Tặng quà tết khách đi xe lửa đêm giao thừa
>> Xe chở dưa hấu bị nổ vỏ leo lên dải phân cách

Hơn 8h, Huỳnh Thị Huyền Như và các bị cáo được đưa đến tòa. Trong chiếc áo sơ mi màu xanh nhạt, Huyền Như vẻ căng thẳng lầm lũi đi theo các cán bộ dẫn giải vào phòng chờ. Cô luôn cúi đầu để né ống kính của phóng viên. Tuy là ngày cuối năm nhưng sân tòa vẫn khá nhiều người đến dự.

Huyền Như được dẫn giải đến tòa sáng nay. Ảnh: Hải Duyên.
Theo nhận định của VKSND TP HCM trước đó, việc truy tố Huỳnh Thị Huyền Như về các tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản và Làm giả con dấu, tài liệu của các cơ quan tổ chức là đúng người đúng tội, đúng pháp luật. Như đã đưa ra mức lãi suất huy động cao để dụ các tổ chức, cá nhân sau đó liều lĩnh thực hiện hàng loạt hành vi gian dối như làm giả 8 con dấu của các đơn vị, giả chữ ký và lừa luôn cả lãnh đạo Vietinbank để che giấu mức lãi suất ngoài hợp đồng với các đơn vị, cá nhân này. Lợi dụng sự sơ hở của cán bộ Vietinbank, Như đã chiếm đoạt số tiền lên đến 4.000 tỷ đồng của 3 ngân hàng, 9 công ty và 3 cá nhân.  
Dù Như phạm tội khi mang thai và đang nuôi con nhỏ nhưng theo VKS, hành vi phạm tội là đặc biệt nghiêm trọng, số tiền bị cáo chiếm đoạt đặc biệt lớn nên cần thiết áp dụng mức án chung thân (mức cao nhất của khung hình phạt) về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Ngoài ra, VKS cũng đề nghị mức án 5 – 7 năm tù đối với Như về tội Làm giả con dấu, tài liệu của các cơ quan tổ chức.
Với vai trò giúp sức đắc lực cho Như thực hiện hành vi lừa đảo của mình, Võ Anh Tuấn (nguyên phó giám đốc Vietinbank chi nhánh Nhà Bè) cũng bị đề nghị mức án tù chung thân.
Về phần trách nhiệm dân sự, cơ quan công tố bác bỏ quan điểm của các luật sư cho rằng hợp đồng tiền gửi với ngân hàng này là thật và buộc Vietinbank phải có trách nhiệm bồi thường. Theo VKS, Huyền Như phải là người có trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho các tổ chức cá nhân bởi ngay từ đầu, mục đích của Như là chiếm đoạt tiền chứ không phải Vietinbank. Hơn nữa, các tổ chức cá nhân này đã bị "sập bẫy" lãi suất cao do Như đưa ra khi mạo danh Vietinbank. Các giao dịch mà bị hại thực hiện đều thông qua Như mà không thông qua Vietinbank nên ngân hàng này không có trách nhiệm bồi thường. 
Theo đề nghị của VKS, Huyền Như và Võ Anh Tuấn phải chịu mức án tù chung thân. Ảnh: Hải Duyên. 
Trước đó, hôm 22/1, được nói lời sau cùng, Huyền Như nức nở, cho biết, trong suốt 2 năm bị tạm giam cảm thấy rất ân hận trước lỗi lầm gây ra với người thân, bạn bè, đồng nghiệp. "Dù đã muộn, bị cáo cũng xin nói lời tạ lỗi đến các bị cáo khác đang ngồi trước tòa và phải đối diện với trách nhiệm hình sự rất lớn. Bị cáo đã làm liên lụy mọi người, gây ảnh hưởng gia đình và Ngân hàng Công thương", Như nói và xin HĐXX chiếu cố cho anh em đồng nghiệp đã bị mình lợi dụng lòng tin mà phạm tội.
Như cũng xin lỗi chị gái Huỳnh Mỹ Hạnh và những người đang bị kết tội giúp sức cho mình lừa đảo, cũng chỉ vì đã quá tin tưởng mình và mong toà khoan hồng cho những người này. "Bị cáo biết mình phạm sai lầm lớn, bị cáo phải chịu trách nhiệm không thể chối bỏ. Cũng vì sai lầm của mình mà bị cáo khiến con phải theo mẹ vào trại giam từ khi còn trong bụng. Mong HĐXX cho bị cáo được hưởng khoan hồng để sớm trở về với con và làm lại cuộc đời, để cống hiến và khắc phục lỗi lầm đã gây ra", Huyền Như nức nở và không quên "xin toà cho hưởng mức án có thời hạn".
Tên bị cáo Tội danh Mức án đề nghị
Huỳnh Thị Huyền Như Lừa đảo chiếm đoạt tài sản và Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan tổ chức Tù chung thân
Võ Anh Tuấn Lừa đảo chiếm đoạt tài sản Tù chung thân
Huỳnh Mỹ Hạnh Lừa đảo chiếm đoạt tài sản 17 – 18 năm tù
Nguyễn Thị Lành Lừa đảo chiếm đoạt tài sản và Cho vay nặng lãi 10 – 12 năm về tội lừa đảo, 2 năm 6 tháng tù – 3 năm tù về tội Cho vay nặng lãi
Trần Thị Tố Quyên Lừa đảo chiếm đoạt tài sản 17 – 19 năm tù
Đào Thị Tuyết Dung Lừa đảo chiếm đoạt tài sản, Cho vay nặng lãi 16 – 18 năm tù, 2 năm 6 tháng tù đến 3 năm tù
Phạm Anh Tuấn Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ 13 – 15 năm
Trần Thanh Thanh Vi phạm các quy định cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng 14 – 16 năm tù
Phạm Thị Tuyết Anh Vi phạm các quy định cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng 16 – 18 năm tù
Tống Nguyên Dũng Vi phạm các quy định cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng 16 – 18 năm
Bùi Ngọc Quyên Vi phạm quy định cho vay trong hoạt  động của tổ chức tín dụng 14 – 16 năm
                                                    Hoàng Hương Giang
Vi phạm quy định cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng 10 – 12 năm tù
Đòan Lê Du Vi phạm quy định cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng 18 – 20 năm tù
Vũ Nguyễn Xuân Tiên Vi phạm quy định cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng 14 – 16 năm tù
Huỳnh Trung Chí Vi phạm quy định cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng 16 – 18 năm tù
Nguyễn Thị Phúc Ngân Vi phạm các quy định cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng 16 – 18 năm tù
Huỳnh Hữu Danh Vi phạm các quy định cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng 18 – 20 năm tù
Lương Thị Việt Yên Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng 8 – 10 năm tù
Hồ Hải Sỹ Vi phạm quy định cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng 6 – 8 năm tù
Lê Thị Ngọc Lợi Vi phạm quy định cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng 4 – 6 năm tù
Nguyễn Thiên Lý Cho vay nặng lãi 2 năm 6 tháng tù tổng hợp với bản án trước đó 4 năm tù về tội vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới.
Hùng Mỹ Phương Cho vay nặng lãi 2 – 3 năm tù
Phạm Văn Chí Cho vay nặng lãi 9 – 12 tháng tù
Hải Duyên 

Thứ Bảy, 25 tháng 1, 2014

NHÀ VỆ SINH CÔNG CỘNG 5 SAO Ở TRUNG TÂM SÀI-GÒN

Nhà vệ sinh công cộng 5 sao ở trung tâm Sài Gòn

Sáng nay, 3 nhà vệ sinh công cộng với tiêu chuẩn 4-5 sao ở các công viên Tao Đàn, 23/9 và Lê Văn Tám (quận 1) đã được đưa vào sử dụng sau 30 ngày thi công.



Đây là các nhà vệ sinh được xây dựng theo hình thức xã hội hóa, toàn bộ chí phí xây dựng đều do ngân hàng Sacombank chi trả với số vốn đầu tư từ 800 triệu đến 1 tỷ đồng mỗi cái với diện tích 60 m2.



Tất cả những người sử dụng được yêu cầu để giày dép bên ngoài và mang dép nhựa có sẵn ngay cửa khi vào nhà vệ sinh công cộng.






Nhà vệ sinh công cộng 5 sao cũng trang bị một buồng dành cho người khuyết tật.



Người dân và du khách được sử dụng các nhà vệ sinh này hoàn toàn miễn phí.



Các quy trình xử lý kỹ thuật, quy hoạch xây dựng và công tác quản lý đảm bảo an toàn với môi trường đã được các cơ quan chức năng kiểm duyệt và thông qua trước khi xây dựng. Theo Sở GTVT TP HCM, sau Tết nguyên đán, 8 nhà vệ sinh công cộng 5 sao còn lại cũng sẽ được xây dựng và đưa vào sử dụng. "Chúng ta vừa làm vừa tiếp thu ý kiến của người dân, nếu người dân ủng hộ thành phố sẽ nhân rộng mô hình này", ông Tất Thành Cang, Giám đốc Sở GTVT cho biết.




Bên trong nhà vệ sinh công cộng 5 sao cũng có cả âm nhạc, đồng hồ và lịch treo tường.



Các bồn rửa sạch sẽ và được trang hoàng bình hoa xinh xắn tạo cảm giác thoải mái, thân thiện.



Điện được thắp sáng 24/24 bên trong nhà vệ sinh.



Thông điệp dễ thương "Để bạn thực sự thoải mái khi gặp tôi, để tôi không ngại ngùng khi gặp bạn. Hãy cũng giữ vệ sinh nơi này bạn nhé" được dán bên trong nhà vệ sinh 5 sao.



Nhà vệ sinh cũng trang bị một buồng máy ATM ngay trước cửa để phục vụ du khách và người dân.



Đơn vị đầu tư xây dựng cũng sẽ bố trí nhân sự chuyên trách trực theo ca bảo đảm có người quản lý, giữ gìn vệ sinh cho nhà vệ sinh công cộng 5 sao luôn sạch sẽ, thoáng mát suốt 24/24h.
Hữu Nguyên

NỖI ĐAU GIÁP TẾT

Chết lặng nỗi đau mất 3 đứa con thơ

Chết lặng nỗi đau mất 3 đứa con thơ
TT - Chỉ trong vòng chưa đầy 30 phút, hai cặp vợ chồng trẻ tại thôn Ia Hrók, xã Chư Hđrông, TP Pleiku (Gia Lai) đã phải hứng chịu nỗi đau khủng khiếp: mất đi ba đứa con thơ dại của mình.
>>
Nhìn di ảnh của hai cháu Vi, Đồng, người lớn không cầm được nước mắt - Ảnh: B.D.
Đến 14g ngày 23-1, hàng trăm người dân vẫn tập trung để chia buồn, hương khói cho ba cháu nhỏ là con của hai cặp vợ chồng nhà ở cạnh nhau gồm anh Phạm Công Tiến, vợ là Trương Thị Hạnh và anh Nguyễn Ngọc Lân, vợ là Quách Thị Phượng.
Ông Trương Công Thạnh - người dân ở thôn 1, xã Ia Kênh (TP Pleiku) - cho biết khoảng 18g ngày 22-1, hàng chục người dân ở khu vực thôn Ia Hrók hoảng loạn chia nhau đi tìm ba cháu nhỏ gồm: Phạm Kiều Vi (10 tuổi, học lớp 4), Phạm Văn Đồng (8 tuổi, học lớp 2) - là con của anh Tiến, chị Hạnh và cháu Nguyễn Trọng Phát (10 tuổi) - con trai duy nhất của anh Lân, chị Phượng.
Theo ông Thạnh, lúc 16g45 ngày 22-1 cả ba cháu đi học về thì xin phép ba mẹ ra chơi trước nhà nhưng đến sẩm tối, khi ba mẹ các em đi tìm thì không thấy con mình đâu nữa...
Bi kịch đến quá đột ngột khiến vợ chồng anh Tiến, chị Hạnh không giữ được bình tĩnh. Đến chiều 23-1, anh Tiến vẫn nằm mê man trên giường, còn chị Hạnh khóc hết nước mắt.
Chị Hạnh cho biết do cả hai vợ chồng đều làm công nhân nên hằng ngày con cái được đưa đến trường và sau thời gian này thì nhờ ông nội trông giúp.
“Gần 17g chiều 22-1, khi vừa đưa con từ trường trở về nhà thì tôi chạy ra chợ gần nhà mua đồ ăn tối. Lúc đi tôi có dặn các con không được đi đâu xa, nào ngờ đi chưa được 30 phút về thì không thấy con đâu nữa” - chị Hạnh nghẹn ngào kể.
Chị Hạnh cho biết khi trở về gọi hai con không được, chị đã chạy qua nhà anh Lân, chị Phượng để coi con có chơi bên này không thì lúc này anh Lân, chị Phượng mới biết con mình không còn ở quẩn quanh nhà nữa.
Ngay khi phát hiện ba trẻ nhỏ mất tích, rất đông người dân ở cạnh đó đã tỏa ra các hướng để tìm. Đến khoảng 18g30, thi thể của cháu Phạm Văn Đồng được phát hiện nổi trên mặt hồ tưới cà phê của một hộ dân gần đó. Mọi người lặn tìm dưới đáy hồ thì phát hiện thi thể của hai cháu Vi và Phát trong tư thế níu tay nhau...
Ông Trương Công Thạnh dẫn chúng tôi ra hiện trường nơi ba cháu nhỏ chết đuối thương tâm và cho biết hồ này được người dân đào rất sâu để lấy nước tưới cà phê. Quanh hồ không được rào chắn.
“Ở đây dân đào hồ tưới nước rất nhiều nhưng ít hộ rào cẩn thận, hồ nước này cách nhà ba cháu gần 2km nhưng các cháu lại dắt nhau đi chơi quá xa. Khi phát hiện các cháu, chúng tôi cố cứu nhưng đã muộn mất rồi, các cháu chết thảm thương quá” - ông Thạnh nói.
Vụ việc thương tâm xảy ra vào những ngày cận tết khiến hai gia đình như chìm sâu hơn trong tang tóc, đau buốt. Khu xóm nghèo cũng chết lặng. Nhiều người đến viếng không cầm được lòng khi thấy di ảnh của hai cháu bé còn quá nhỏ đã phải đặt trên bàn thờ để người lớn thắp hương.
Chị Hạnh cho biết mấy hôm nay hai vợ chồng đang tính lấy tiền thưởng tết để đưa các cháu về quê đón tết với ông bà, nào ngờ xảy ra tai họa...
Cạnh bên nhà chị Hạnh, đến chiều 23-1 nhà của anh Lân - chị Phượng đã đóng cửa im lìm. Hàng xóm ở Ia Hrók cho biết sau khi mất đi đứa con duy nhất của mình, anh Lân và chị Phượng đã thuê xe chở con về quê nhà ở tỉnh Bình Định mai táng.
Ông Đặng Ngọc Thắng - chủ tịch UBND xã Chư Hđrông - cho biết chính quyền xã đã đến thăm hỏi và hỗ trợ bước đầu mỗi cháu tử vong 1 triệu đồng.
Ông Thắng cũng cho biết ngay trong ngày 23-1 xã đã chỉ đạo đến các thôn kiểm tra tất cả hồ chứa nước nguy hiểm chưa có rào chắn để yêu cầu người dân khắc phục. “Về mùa khô này nhiều hộ dân phải đào hồ nước rất sâu để lấy nước tưới cà phê. Các hồ chứa này là mối hiểm họa lớn nhưng nhiều hộ chủ quan không rào chắn cẩn thận, đến khi xảy ra chuyện mới hối tiếc. Chúng tôi đã yêu cầu công an xã làm việc với chủ hồ nước khiến ba cháu nhỏ chết đuối” - ông Thắng nói.

THÁI BÁ DŨNG

CHỦ TỊCH NƯỚC DÂNG HƯƠNG TƯỞNG NHỚ ĐẠI TƯỚNG

Chủ tịch nước dâng hương tưởng nhớ Đại tướng

Chiều 25/1, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã tới dâng hương, dâng hoa tưởng nhớ Đại tướng Võ Nguyên Giáp tại nhà riêng 30 Hoàng Diệu, Hà Nội.
chủ tịch nước, đại tướng, Võ Nguyên Giáp
Chủ tịch nước trò chuyện cùng gia đình Đại tướng. Ảnh: VOV
Bày tỏ lòng thành kính trước anh linh Đại tướng Võ Nguyên Giáp, người anh cả của Quân đội Nhân dân Việt Nam, vị tướng huyền thoại của dân tộc, Chủ tịch nước đã dâng hương, tưởng nhớ công lao Đại tướng đối với sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Đảng và dân tộc ta.
Chủ tịch nước đã ân cần hỏi thăm phu nhân và nói chuyện cùng gia đình Đại tướng.
Xúc động trước sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và đặc biệt là của người dân từ mọi miền Tổ quốc dành cho Đại tướng, ông Võ Điện Biên, con trai Đại tướng cho biết, trong những tháng qua, tại nơi an nghỉ của Đại tướng ở Vũng Chùa, tỉnh Quảng Bình, hàng ngày có từ 1.000 - 2.000 người, có ngày tới 6.000 người dân đã tới viếng Đại tướng.
Nhân dịp chuẩn bị đón Xuân mới Giáp Ngọ 2014, Chủ tịch nước chúc phu nhân cùng gia đình Đại tướng mạnh khỏe, có mùa xuân mới an lành.
Theo VOV
 
chủ tịch nước, đại tướng, Võ Nguyên Giáp

ÔNG NGUYỄN THANH CHẤN CHÍNH THỨC VÔ TỘI !

Ông Nguyễn Thanh Chấn chính thức vô tội

- Sáng 25/1, Cơ quan CSĐT Bộ Công an đã chính thức công bố quyết định đình chỉ điều tra bị can đối với ông Nguyễn Thanh Chấn trước sự chứng kiến của nhiều người dân.
Buổi công bố quyết định còn có sự tham gia của đại diện VKSND Tối cao và lãnh đạo UBND huyện Việt Yên (Bắc Giang) cùng đông đảo người dân xã Nghĩa Trung.
Nguyễn Thanh Chấn; Viện KSND Tối cao; án oan
Ông Nguyễn Thanh Chấn chính thức vô tội
Theo như công bố của cơ quan CSĐT Bộ Công an, căn cứ vào kết quả điều tra có thể khẳng định ông Nguyễn Thanh Chấn không liên quan đến việc sát hại chị Nguyễn Thị Hoan (thôn Me).
Bởi vậy, cơ quan CSĐT đã ra quyết định đình chỉ điều tra đối với ông Nguyễn Thanh Chấn.
Trước đó, ông Chấn bị bắt và kết án chung thân trong một vụ án mạng xảy ra tại thôn Me vào năm 2003.
Nguyễn Thanh Chấn; Viện KSND Tối cao; án oan
Đông đảo người dân đến chứng kiến sự việc
Cuối 2013, hung thủ của vụ án ra đầu thú. Hội đồng tái thẩm (TAND Tối cao) đã tuyên hủy bản án của 2 phiên tòa phúc thẩm và sơ thẩm có hiệu lực từ gần 10 năm trước. Đó là 2 phiên tòa đã tuyên ông Chấn tù chung thân về tội "giết người".
Trao đổi với PV, ông Nguyễn Thanh Chấn cho biết: “Sau bao nhiêu năm chờ đợi, cuối cùng tôi đã được minh oan, chính thức trở thành người vô tội. Gia đình tôi đã chờ đợi đến giây phút này 10 năm nay rồi”.
Hoàng Sang
 
Nguyễn Thanh Chấn; Viện KSND Tối cao; án oan

Thứ Sáu, 24 tháng 1, 2014

SĂN LÙNG ĐẶC SẢN "TIẾN VUA" ĐỂ MỘT LẦN SƯỚNG


'Trọc phú' hiện đại ham đặc sản 'tiến vua' để một lần sướng

Vét rừng, lùng bể săn đặc sản "tiến vua"
Sơn hào hải vị của Việt Nam có hẳn một danh sách các thức ăn, đồ uống danh bất hư truyền, chỉ được dùng để cống nạp lên bậc vua chúa xa xưa; tên của chúng sẽ được gắn thêm tính từ mỹ miều là "tiến vua", nào là cá anh vũ, chim sâm cầm, ếch hương, dơi ngựa...
Cá anh vũ là loài cá quý chỉ sống ở ngã ba Bạch Hạc (Việt Trì, Phú Thọ), nhờ ăn rễ cây chiên đàn nghìn tuổi mà trở nên thiêng quý. Với cái môi dày toàn sụn nhìn như mõm lợn, ăn vào giòn sần sật, những thớ thịt trắng, quánh, cá anh vũ được người sành ẩm thực cho là ngon hơn bất kỳ loài thủy sinh nào của sông nước. Từ xa xưa, cá anh vũ đã được dùng làm thức tiến ăn tiến vua, được các bộ chính sử ghi lại.
{keywords}{keywords}
Cá anh vũ sông Bạch Hạc ...
Ngoài cá anh vũ, các sản vật sông nước khác như hải sâm, trai tai tượng, cua huỳnh đế... ở miền Trung, miền Nam đất nước cũng được biết đến như những vị thuốc quý và là loại thực phẩm cao lương mỹ vị dành cho các bậc vua chúa thời xưa.
{keywords}{keywords}
... trai tai tượng Nha Trang ...
Trong các sản vật trên trời, các loài chim chóc, gia cầm, giống "tiến vua" nổi tiếng nhất phải kể đến là sâm cầm. Loài chim này, tương truyền là loài chim sống lâu trên dãy Trường Bạch của xứ Cao Ly (Hàn Quốc), ăn củ sâm quý nên cơ thể chứa bổ dưỡng ở tất cả ngóc ngách, từ cặp chân, cái mật, lông cho đến thịt da.
Sâm cầm là chim di cư, cứ đầu đông hằng năm, khi trời se lạnh và có sương mù, chúng lại bay qua Việt Nam. Sâm cầm xưa thích về Hồ Tây (Hà Nội), nhẩn nha ăn giống sen quý nơi đây. Chẳng vậy mà từ năm 1847, vua Tự Đức còn có cả chỉ dụ yêu cầu dân chúng ở làng Nghi Tàm ven hồ Tây (Hà Nội) phải cống nạp 10 đôi chim sâm cầm mỗi năm.
{keywords}{keywords}
... chim sâm cầm Hồ Tây ...
Ít quý hơn sâm cầm một chút, giống gia cầm cũng nổi tiếng vì được tiến vua là công, phượng, chim trĩ, "bình dân" hơn một chút là gà Đông Tảo. Hay như yến sào (tổ của chim yến) cũng được mệnh danh là cao lương mỹ vị.
Cũng là đặc sản trên trời, nhưng là loài nửa chim nửa thú, dơi ngựa (còn có tên "biển bức") ở xã Sài Sơn (huyện Quốc Oai) - một thứ thức ăn cực kỳ quý hiếm và bổ dưỡng cũng là được đem lên dâng vua. Loài dơi này chỉ có duy nhất ở những tảng núi lô nhô tự nhiên trong hang Cắc Cớ (đằng sau chùa Thầy), cực kỳ hiếm có, cả ngàn dơi trong hang may ra mới có một con.
Loài dơi này béo núc, có mặt giống hệt mặt ngựa, những con dơi ngựa đực còn có "của quý" to, lủng lẳng giống như của loài ngựa. Thịt dơi ngựa có vị ngọt, không độc, lợi tiểu, tiêu phù, chữa bệnh hen suyễn cho trẻ con, giúp thông minh, mau lớn, người già tăng tuổi thọ và đặc biệt được rỉ tai có khả năng làm sung mãn cho những cuộc "yêu".
Không chỉ các con vật miền xuôi, một số đặc sản miền ngược cũng được đem tiến vua, nổi tiếng là giống ếch hương sống ở những con suối nhỏ, có nhiều hang đá quanh đỉnh núi Mẫu Sơn (Lạng Sơn) hoặc SaPa (Lào Cai). Ếch hương còn có tên gọi nữa là ếch thương vì nếu đưa ngón tay vào bụng ếch, nó sẽ dùng hai chân trước ôm chặt ngón tay người.
{keywords}{keywords}
... ếch hương Mẫu Sơn ...
Cách đây mấy trăm năm, mỗi năm ba lần, người dân phải đi săn ếch hương làm thực phẩm cho hoàng cung. Thịt của loài ếch này có màu nâu đen, rất thơm, dai như thịt gà chọi và không bao giờ có giun, sán như ếch đồng và cũng được sử dụng như vị thuốc.
Ngoài các con vật, những đặc sản "tiến vua" nức tiếng còn có các thức hoa quả, rau quý hiếm như rau muống Linh Chiểu (Hà Nội), bưởi Diễn (Hà Nội), bưởi Đoan Hùng (Phú Thọ), cam Xã Đoài (Nghệ An)...

{keywords}{keywords}
... cam Xã Đoài Nghệ An đều là những sản vật tiến vua.
Những sản vật địa phương này, trên trời có, dưới biển có, trên mặt đất có, vốn xưa chỉ được dùng cho vua chúa, nay theo chân thương lái len lỏi đến những nhà hàng, khách sạn của những thành phố lớn để phục vụ giới lắm của nhiều tiền hoặc được giới đại gia sành điệu chú ý. Ngày thường, những loại đặc sản "tiến vua" này đã được săn lùng ráo riết, thì dịp Tết nguyên đán - những ngày nghỉ lễ quan trọng nhất trong năm, dịp các đại gia có thời gian trà dư tửu hậu, có khoảng thảnh thơi để thưởng thức món ngon và khoe mẽ, chúng lại được khao khát hơn bao giờ hết.
Giá cả của chúng, đương nhiên là tương xứng với độ quý hiếm, khó tìm, khó săn; nhưng có hề gì, càng đắt, chúng lại càng được săn lùng, càng thể hiện đẳng cấp và chịu chơi của những đại gia mang khát vọng đế vương.
Kiếm bộn tiền nhờ cung cấp giấc mộng đế vương
Thời nay, những đặc sản tiến vua được "đặc cách" dành cho những người giàu. Đã gọi là đặc sản "tiến vua", thì giá cũng tương xứng, ví dụ một 1 kg yến sào có giá vài chục triệu, một con gà Đông Tảo thuần chủng cũng tương đương chiếc xe tay ga, một cặp dơi ngựa khoảng chục triệu đồng, mỗi cân ếch hương bán tại chỗ đã ngót dăm bảy trăm nghìn, đem về xuôi giá "đội" lên vài triệu.
Cam Xã Đoài có xấu mã cũng cả 100.000 đồng/quả, mà phải đặt hàng từ nhiều tháng, có khi cả năm trước... Đắt thì đắt vậy, cầu kỳ thì cầu kỳ vậy, nhưng không ít đại gia sẵn sàng săn lùng những đặc sản tiến vua này về ăn Tết.
Có cung ắt có cầu. Khi những người giàu cần và sẵn sàng trả giá cao để làm vua thì lập tức sản sinh một đội ngũ chuyên đi săn lùng "giấc mộng đế vương" và kiếm bộn tiền. Họ có thể tự tay đi săn, có thể là "cò" đi vét các sản vật sống trong tự nhiên, cũng có thể là những người nhanh nhạy nuôi trồng con giống, cây giống quý, thậm chí là những kẻ bán giấc mộng hão cho những đại gia.
Ở nhiều địa phương, các sản vật bị giới "cò" và người săn vơ vét đến kiệt cùng, đến tuyệt chủng. Người dân ở đó ắt cũng giàu thêm chút đỉnh, có lẽ cũng mua được xe, xây được nhà, nhưng có lẽ tiền "chảy" nhiều nhất vào túi những dân buôn.
Sản vật thiên nhiên cạn, những người nhanh nhạy lại nghĩ ra cách nuôi trồng đặc sản tiến vua để đáp ứng nhiều hơn cái thú ẩm thực của giới "vua" lắm tiền. Thế là người ta dụ chim yến tự nhiên ngoài đảo về đất liền, xây nhà cho chúng ở và để chúng nhỏ dãi, nhỏ huyết ra làm tổ để con người khai thác.
{keywords}{keywords}
Nhiều người đã có thể dụ chim yến về nhà để tận dụng nguồn yến sào.
Rồi ở Hưng Yên, đã nhiều nhà "vớ bẫm" khi nuôi được giống gà Đông Tảo thuần chủng chân to như chân voi, mỗi vụ Tết thu được vài trăm triệu.
Ở Quảng Ngãi và ngoại thành Hà Nội, có những người nông dân đã nuôi thành công chim trĩ đỏ thuộc họ hàng chim công, chim phượng, cũng là một đặc sản tiến vua nổi tiếng và có tên trong Sách Đỏ Việt Nam.
Cách nuôi thì rõ cầu kỳ, mỗi tuần 3 lần vệ sinh chuồng trại, không để các vật sắc, nhọn, sợi nilon trong khu vực nuôi đề phòng chim ăn phải sẽ thủng diều, hóc mà chết, nhưng giá trị mang lại cũng không nhỏ, chim giống đã 150.000 - 200.000 đồng/con, chim mái đẻ hay chim trống làm cảnh khoảng 1,5 - 2 triệu triệu/con, chim thịt cũng chừng 350.000 - 400.000 đồng/kg. Tính ra, người nông dân nuôi gà, nuôi chim trĩ có thể thu về cả trăm triệu, vài trăm triệu một năm.
{keywords}{keywords}
Chim trĩ đỏ đã được một số hộ nông dân nuôi thành công.
Với những loài chẳng thể nuôi được như cá anh vũ hay chim sâm cầm, trong tự nhiên cũng đang cạn kiệt, cánh "cận thần" của những "ông vua" thời hiện đại sẵn sàng móc hầu bao "vua" bằng các chiêu lập lờ để bán cá đểu, chim đểu.
Không ít hàng quán có phục vụ món "cá anh vũ tiến vua" làm từ cá trắm, cá dầm xanh, cá trôi với giá cả chục triệu một con. Mà đương nhiên, để các "ông vua" yên tâm, trước khi xẻ thịt, đám đầu bếp sẽ bưng con cá quý hiếm còn sống nguyên ra trình rồi mới đưa ngược vào bếp.
Những "ông vua" trong cơn say ngà ngà, trong cái hứng chí nếm trải cảm giác đế vương không chắc phân biệt được cái sần sật sụn môi cá anh vũ với môi cá trôi, cá dầm, chưa chắc đã biết phần thịt trắng muốt, thơm ngậy kia có phải cá trắm hay không.
Rồi sâm cầm, chim rừng "tiến vua" nữa. Có một thời, ở trước cửa công viên Bách Thảo, công viên Thống Nhất của Hà Nội có bán những chú "sâm cầm tiến vua", nhưng con nào con nấy trụi sạch lông. Chúng vẫn sống, vẫn ngả nghiêng đi lại như người say không quần áo giữa cái rét buốt mùa đông để người mua có thể yên tâm đem về cắt tiết.
Cũng có những con "sâm cầm" còn nguyên lông, nhưng cặp chân "quý" đã bị cắt mất, nghe đâu vì riêng cặp chân sâm cầm đã có giá bạc triệu, được bán riêng cho những quý ông ngâm rượu để cường dương.
Chẳng ai dám chắc trong đám "sâm cầm" vỉa hè ấy có lẫn con le le, vịt trời nào không, chỉ biết, với cái giá vài trăm đến cả triệu đồng một con chim "tiến vua" trần như nhộng, cụt chân ấy, khách mua thì sung sướng, lái buôn thì hớn hở vì không ít người đã giàu lên trông thấy.
Những "đế vương" rởm đời và thói trọc phú
Cái chuyện ăn, chuyện tiêu tiền của đại gia, ngẫm ra cũng có cái lý riêng. Cái sự ham được làm "vua" trong ẩm thực, cái ham muốn được thưởng thức cái ngon, cái lạ ở đời là hoàn toàn chính đáng. Mà chẳng chỉ ganh với vua, họ còn ganh cả với nhau. Nếu ai đó kháo đại gia A, đại gia B đã nếm món này mà mình chưa được thưởng thức qua, người nghèo sẽ chép miệng "sướng thật", còn không ít kẻ giàu sẽ sốt xình xịch lùng bằng được món ngon vật lạ đó. Nếu thực sự am hiểu món ăn và ăn vì yêu thích thì quá tốt, còn nếu không hiểu, không rõ mà ăn vì ấm ức, những "ông vua" thời hiện đại này chẳng khác gì một kẻ trưởng giả học làm sang, dễ dàng trở thành "con mồi" cho những thương lái, "cò mồi" trục lợi.
Cũng còn một điều phải nói nữa về chuyện ham làm "vua" của đại gia, hay nói đúng hơn, của bất cứ ai trong chúng ta (nếu ta có đủ tiền), đó là khi tất cả đua nhau làm "vua", thực phẩm tiến vua sẽ dần cạn kiệt. Ta không bàn đến những thứ có thể trồng được, nuôi được (vì dù khó trồng, khó nuôi, khó gây giống, vẫn có cơ hội để khiến chúng sinh sôi) mà chỉ bàn đến những giống chỉ có thể sinh trưởng tự nhiên, mà cá anh vũ và chim sâm cầm là điển hình.
Xưa, để tìm sản vật tiến vua, người dân tết lưới, đan rọ thô sơ mà bắt cá, dẫu có "chỉ tiêu" hằng năm nhưng cũng không thể khiến chúng tuyệt diệt. Ngày nay, những người săn bắt không còn cách nào khác ngoài việc sử dụng máy móc hiện đại "vật ngửa" sông hồ lên, chăng lưới mắt nhỏ, dùng mìn, dí điện để tàn sát cá lớn cá bé, bắn đạn hoa cải, súng hơi, giăng bẫy để bắt chim to chim nhỏ... miễn là không để lọt những sản vật quý giá.
Hay như cách săn dơi ngựa chẳng hạn, phải căng lưới nơi cửa hang có dơi, mắt lưới thưa đủ lọt đầu, nhưng thân và cánh dơi mắc lại trong lưới. Khi bắt được dơi ngựa, người săn sẽ đưa ngay lên miệng mình mà cắn vào đầu nó nghe "đốp" một cái cho dơi chết, vừa không thể cắn người, vừa "hồi" mỡ, ngấm ngọt máu để ngon, bổ hơn.

{keywords}{keywords}
Dơi ngựa chỉ sống trong tự nhiên ở khu vực hang Cắc Cớ, chùa Thầy, Hà Nội.
Bị săn lùng ráo riết, dơi ngựa chùa Thầy đã thưa, sâm cầm trên bước di cư đã ít đám ghé hồ Tây, còn cá anh vũ đã gần như biến mất tại nơi vùng nước gắn với danh tiếng của mình. Nhưng trớ trêu thay, càng hiếm, chúng lại càng đắt, càng đắt, chúng lại càng được giới đại gia yêu thích, khao khát hơn!