HOẠT ĐỘNG CỦA BẠN BÈ

Vị tỷ phú ẩn danh ở Việt Nam

"Trở thành tỷ phú đôla nhờ mỳ ăn liền tại Ukraina và bất động sản ở Việt Nam, ông Phạm Nhật Vượng đang nuôi tham vọng vươn tới những cơ hội mới trên thị trường quốc tế", Bloomberg nhận định trong bài viết mới đăng.

>> Tân trang đồ điện tử: Nghề hốt bạc

>> Lẳng lặng tăng lãi suất cho vay

Phạm Nhật Vượng
Ông Phạm Nhật Vượng, ảnh: Vinacorp
Theo hãng tin này, dù đang sở hữu 8 dự án bất động sản hỗn hợp tại những khu đất vàng ở Việt Nam, ông chủ tịch 44 tuổi của Tập đoàn Vingroup vẫn tiếp tục phát triển những dự án mới, thu hút sự quan tâm của những người đang sở hữu vàng hay tiền mặt.
"Cũng tương tự như người Trung Quốc, nhiều người Việt hiện nay giữ vàng như một cách tiết kiệm", ông Phạm Nhật Vương trao đổi tại trụ sở chính của công ty ở Hà Nội. Theo ông, họ sẽ không thể ngồi trên đống vàng chôn dưới chân giường được mãi được. Cuối cùng gì người có vàng cũng sẽ phải mang chúng đi đầu tư. Nếu thu hút được nguồn vốn này, đó là cú hích lớn đối với thị trường bất động sản, ông nhận xét.
Ông Vượng và vợ - bà Phạm Thu Hương đang nắm giữ 50% cổ phần tại Vingroup, công ty được đánh giá lớn thứ năm tại Việt Nam về giá trị thị trường. Theo tính toán của Bloomberg, ông hiện sở hữu 1,3 tỷ USD, chưa kể những tài sản cam kết sẽ đầu tư vào một số dự án. Dẫu vậy ông chưa từng xuất hiện trong bảng xếp hạng tỷ phú quốc tế nào. Do đó, hãng truyền thông Mỹ gọi Phạm Nhật Vượng là vị tỷ phú ẩn danh.
Hiện Vingroup tìm cách huy động khoảng 300 triệu USD thông qua việc bán cổ phiếu tại Singapore, nhằm phục vụ tham vọng mở rộng tại Việt Nam. "Nếu đưa cho tôi 10 tỷ USD ngay bây giờ, tôi sẽ đầu tư hết vào lĩnh vực xây dựng vì ở Việt Nam, vẫn còn rất nhiều thứ cần phải xây", ông Phạm Nhật Vượng phát biểu. Tỷ phú ẩn danh này cho biết ông cũng lên kế hoạch xây bất động sản tại Singapore, Hong Kong, nơi có các công ty xây dựng hàng đầu châu Á.

Vị tỷ phú ẩn danh

Sau khi tốt nghiệp ngành kỹ thuật, kinh tế địa lý tại trường Đại học Moscow Geology ở Nga, ông Phạm Nhật Vượng chuyển đến Ukraine. Kể từ đó, ông sáng lập nên công ty LLC Technocom, sản xuất hơn 100 nhãn hiệu thực phẩm, bao gồm mỳ gói và khoai tây nghiền. Năm 2010, ông Phạm Nhật Vượng bán công ty cho Nestle SA với cái giá không được tiết lộ. Vào thời điểm bán, công ty Technocom đang có doanh thu hơn 100 triệu USD mỗi năm.
Ông Vượng trở về Việt Nam từ năm 2001 và thành lập công ty cổ phần Vinpearl. Một năm sau đó, ông thành lập tiếp công ty Vincom, chuyên xây dựng các trung tâm thương mại và nhà ở cao cấp. Đến năm nay, hai công ty trên được sáp nhập trở thành Tập đoàn Vingroup.
Bằng cách mua lại đất khi các nhà máy chuyển từ trung tâm thành phố ra ngoại ô, Vingroup dần nắm trong tay khoảng 10.200 hecta đất vàng tại Hà Nội, phía nam TP HCM cũng như các thành phố khác như Nha Trang, Đà Nẵng, Hải Phòng.
Mới đây, công ty đã bán 300 triệu USD trái phiếu chuyển đổi ra thị trường quốc tế. Đây là lần bán thứ hai sau khi huy động được 100 triệu USD cũng bằng hình thức này thông qua một công ty khác hồi 2009. Tính đến ngày 31/12 năm ngoái, Vingroup có tài sản 1,7 tỷ USD và khoảng 1,3 tỷ USD nợ phải trả, theo dữ liệu thống kê của Bloomberg.
Ông Phạm Nhật Vương tiết lộ đang lên kế hoạch đầu tư ra bên ngoài Việt Nam. Ông vừa thuê công ty tư vấn McKinsey & Co. để đánh giá hoạt động kinh doanh của Vingroup và đưa ra các lời khuyên thích hợp.
Trước khi lên ý tưởng cho một dự án mới, ông cũng thường đi đây đi đó để tham khảo. Ví dụ như trước khi xây Vincom Center ở TP HCM, ông tổ chức một chuyến tham quan Singapore. Cùng với nhân viên, ông đã tham khảo cách làm tại trung tâm thương mại Ion Orchard để học hỏi cách tạo một trung tâm thương mại hạng sang.
Hay trước khi bắt tay xây dựng dự án nghỉ dưỡng đầu tiên của mình ở Nha Trang, ông cũng bay qua Phuket để xem xét cách làm khách sạn ở đây. Khi vào phòng khách sạn, thậm chí ông còn lật tung hết đồ đạc lên trước khi sắp đặt lại như cũ để tìm hiểu cách bố trí.
"Ông ấy là một người rất giản dị và khiêm tốn", bà Lê Thị Thu Thủy, từng làm ở ngân hàng đầu tư Lehman Brothers và hiện là CEO của Vingroup cho biết. Theo bà, ông luôn thôi thúc ban lãnh đạo công ty phải tự học mỗi ngày, không được hài lòng thỏa mãn với những gì đã làm được.

Nguồn khách hàng có hạn

Hiện dân số ở các khu đô thị Việt Nam tăng trưởng khoảng 3,4% mỗi năm, nhanh nhất là ở Hà Nội và TP HCM. Tuy nhiên, chỉ có khoảng 5% trong dân cư ở hai thành phố này đủ sức mua nhà tại các dự án của những nhà thầu lớn, số liệu từ Ngân hàng Thế giới cho biết.
Theo một thống kê khác của CBRE, khoảng 47% gia đình tại Hà Nội và TP HCM có thu nhập hàng năm từ 7.425 USD. Điều này có nghĩa là một gia đình phải mất 51 năm tích cóp mới đủ mua căn hộ tầm trung với giá khoảng 72.000 USD (hơn 1,5 tỷ đồng). Còn để mua một bất động sản dạng xa xỉ có giá 342.000 USD, gia đình có mức thu nhập trung bình sẽ phải tích cóp 242 năm.
Giá nhà tại TP HCM đã tăng gần gấp 3 kể từ 2004 đến quý đầu năm 2008, cũng theo dữ liệu của CBRE. Từ đó đến nay, thị trường đã giảm khá mạnh do chính phủ tăng lãi suất và giới hạn các khoản vay cho bất động sản và các ngành phi sản xuất khác nhằm ngăn chặn lạm phát.
Vingroup đã bán được 7.000 đến 8.000 căn hộ tính đến cuối năm 2010, đầu 2011, ông Phạm Nhật Vượng cho biết. Một căn hộ tại tòa tháp Vincom Center ở TP HCM, từng có giá trung bình 8.000 USD mỗi mét vuông vào giữa năm 2010, thuộc hàng cao kỷ lục tại Việt Nam.
Là một người luôn đề cao kỷ luật, ông Phạm Nhật Vượng yêu cầu nhân viên của mình thuộc lòng câu khẩu hiệu "Tốc độ, sáng tạo và hiệu quả trong từng việc làm, trong từng hành động".
Trong bài viết của Bloomberg, chân dung ông Phạm Nhật Vượng cũng được khắc họa là một lãnh đạo hòa đồng. Hàng tuần ông thường chơi đá bóng, bóng rổ với nhân viên tại trung tâm thể thao của công ty. Trong bộ đồ thể thao và giày đá bóng, ông chọn chơi ở vị trí tiền đạo. "Tấn công luôn tốt hơn là phòng thủ", ông Phạm Nhật Vượng lý giải, và cho biết thêm rằng ông áp dụng kỷ luật sắt trong bất cứ việc gì mình làm.
>> Vàng phải chịu thuế như ôtô, rượu?
>> Công nghệ trồng rau sạch cho nhà phố hút khách
Anh Đức (theo Bloomberg)