Cuộc khủng hoảng tên lửa Cuba: Khi cả thế giới nín thở
(Dân trí) - 50 năm trước, việc phát hiện tên lửa hạt nhân của Liên Xô ở Cuba đã châm ngòi cho một cuộc khủng hoảng nghiêm trọng nhất thời kỳ Chiến tranh Lạnh, và có thể là thời khắc nguy hiểm nhất trong lịch sử nhân loại.
Kennedy (phải) và Khrushchev - hai "cái đầu lạnh" giải quyết cuộc khủng hoảng năm 1962.
Và sau đó, những người có liên quan ở cả hai phía của cuộc khủng hoảng đều tin rằng chỉ có may mắn mới cứu được hai cường quốc khỏi đẩy cả thế giới vào một thảm họa hạt nhân.
Trong suốt nhiều thập niên, cuộc khủng hoảng tên lửa đã được ca ngợi là màn biến hóa bậc thầy của Tổng thống Mỹ John F. Kennedy khi đó. Một số người ngưỡng mộ không khỏi ngợi ca ông đã giữ được thần kinh của mình vững vàng như thế nào và ngăn ngừa được một cuộc chiến giỏi ra sao.
Ông thường được đưa ra xem là hình mẫu của một nhà lãnh đạo khi hứng chịu áp lực. Thậm chí Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton còn so sánh cách tiếp cận của chính quyền hiện nay với chương trình hạt nhân Iran cũng tương tự như chính sách “ngoại giao được ăn cả ngã về không” của Kennedy.
Tuy nhiên, tài liệu trong kho lưu trữ bí mật trước đây của Mỹ và Liên Xô đã hé lộ những thực tế nghiệt ngã hơn rất nhiều. Đó là trong 13 ngày tháng 10/1962 đó, ông Kennedy và người đồng cấp Liên Xô Nikita Khrushchev đã phải nỗ lực kiểm soát sự leo thang một loạt các chuỗi sự kiện như thế nào.
Lo ngại về ranh giới mong manh của Mỹ trong lằn ranh dùng vũ khí hạt nhân cũng như nỗ lực lật đổ chính quyền thân Mátxcơva của Cuba, tháng 5/1962 nhà lãnh đạo Khrushchev đã quyết định phái hơn 40.000 binh sỹ và hàng chục tên lửa hạt nhân tới Cuba.
Trong khi đó, nhà lãnh đạo Khrushchev luôn đảm bảo với Washington rằng việc triển khai vũ khí tấn công của Liên Xô tới Cuba là hoàn toàn không có.
Giới lãnh đạo Mỹ đã vô cùng kinh ngạc khi ngày 16/10 năm đó họ biết về sự hiện diện của tên lửa hạt nhân Liên Xô tại Cuba , được máy bay do thám U-2 chụp rõ.
“Cảm giác bao trùm lúc đó là vừa sốc, vừa nghi ngờ”, em trai Tổng thống, Robert Kennedy, sau đó cho biết.
Tất cả đều kinh ngạc. Các cơ quan tình báo Mỹ đã không phát hiện ra được những dấu hiệu đáng ngờ.
Có hàng loạt báo cáo tình báo của CIA từ những người đưa tin ở Cuba về những phái đoàn đáng ngờ vào ban đêm, nhưng cơ quan tình báo Mỹ lại không tin những thông tin không có gì là cụ thể đó. Và những thông tin này cũng đi ngược với phỏng đoán chắc như đinh đóng cột tại Mỹ rằng Mátxcơva sẽ không dám triển khai bom gần sát biên giới Mỹ. Thông tin này được tiết lộ trong “One Minute to Midnight”, về lịch sử cuộc khủng hoảng của Michael Dobb.
Tên lửa Mỹ ở Thổ Nhĩ Kỳ
Tại Nhà Trắng, các tướng lĩnh cấp cao đã đề xuất không kích và sau đó là xâm lược Cuba . Trong khi đó, Bộ trưởng Quốc phòng Robert McNamara cùng các nhà ngoại giao cấp cao lại muốn phong tỏa hòn đảo Cuba để ngăn chặn tàu hải quân Liên Xô chở thêm vũ khí.
Vào ngày 22/10, Kennedy đã công bố cuộc khủng hoảng trong bài phát biểu trước dân chúng Mỹ và yêu cầu lực lượng Mỹ được đặt trong tình trạng cảnh giác cao độ nhất. Tổng thống Mỹ khi đó từ chối lời khuyên của các tướng lĩnh và chọn giải pháp ngăn chặn hải quân.
Với tàu chiến đã sẵn sàng vào vị trí, Nhà Trắng nín thở chờ đợi tàu Liên Xô hướng tới Cuba . Nhưng tàu Liên Xô đã quay đầu và trở về nhà, động thái được cả thế giới đón chào bằng cái thở phào nhẹ nhõm.
Tuy nhiên, đằng sau các bức màn, căng thẳng tăng cao
Kennedy và Khrushchev đã nỗ lực tìm cách thoát khỏi cuộc khủng hoảng tưởng chừng không có lối ra. Nỗ lực của họ bị cản trở bởi hàng rào ngăn cách, sự hiểu nhầm và những cản trở ngoại giao, không cho phép một kênh liên lạc trực tiếp giữa hai bên.
Vào tối ngày 26/10, Liên Xô đề xuất rút tên lửa của họ với điều kiện người Mỹ phải hứa không xâm lược Cuba . Nhưng vào ngày hôm sau, Mátxcơva công khai yêu cầu Mỹ phải rút tên lửa Jupiter ra khỏi Thổ Nhĩ Kỳ.
Vào ngày 27/10, ngày được mệnh danh là “Thứ bảy đen tối”, một chiếc máy bay U-2 đã bị bắn hạ trên bầu trời Cuba và các cố vấn của Kennedy khi đó đã thảo luận về một cuộc không kích trả đũa. Mọi việc có vẻ như đang trượt ra ngoài vòng kiểm soát.
Lầu Năm Góc đã dự định tiến hành một cuộc đánh bom dồn dập vào ngày thứ ba, tiếp sau đó là tiến hành một cuộc xâm chiếm toàn lực với 120.000 quân, một chiến dịch được so sánh với ngày đổ bộ giành chiến thắng D-Day trong Thế chiến II.
Không phải đến 30 năm sau người Mỹ mới biết “Liên Xô có hàng chục tên lửa tầm ngắn trên hòn đảo Cuba , được trang bị đầu đạn hạt nhân có khả năng xóa sổ toàn bộ lực lượng đổ bộ nào”, Dobbs cho biết.
Khi cuộc khủng hoảng bị đẩy lên đến đỉnh điểm, 2 bên đã vớt vát được một thỏa thuận.
Theo đó, Washington cam kết không xâm lược Cuba và bí mật đồng ý rút tên lửa khỏi Thổ Nhĩ Kỳ, trong khi Mátxcơva rút các đầu đạn tên lửa của mình khỏi Cuba.
“Trong suốt nhiều năm, tôi đã xem cuộc khủng hoảng tên lửa Cuba là cuộc khủng hoảng chính sách ngoại giao được giải quyết khéo léo nhất trong nửa sau của thế kỷ…”, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ McNamara khi đó cho biết trong một cuộc họp tại Havana năm 2002.
“Nhưng giờ đây tôi kết luận rằng, dù cuộc khủng hoảng được giải quyết khéo léo đến đâu, thì trong kết cục của gần 13 ngày đó, may mắn cũng đóng một vai trò quan trọng, nhằm tránh được một cuộc chiến hạt nhân đang ngàn cân treo sợi tóc”.
Đối với cựu trưởng văn phòng KGB ở Cuba , Nikolai Leonov, một kết thúc hòa bình dường như là điều kỳ diệu. “Thể như có sự can thiệp của đấng siêu nhiên nào đó, đã giúp chúng tôi tự cứu được chúng tôi”, ông cho hay.
Vũ Quý
Theo AFP
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét