Thứ Hai, 29 tháng 10, 2012

SỬA ĐỔI HIẾN PHÁP 1992

Sửa Hiến pháp: Thêm quyền giám sát Chính phủ cho Chủ tịch nước

(Dân trí) - Chủ tịch nước có thêm quyền bãi bỏ văn bản của Chính phủ, Thủ tướng, các Bộ trưởng trái lệnh của Chủ tịch nước; thêm quyền tham dự các phiên họp của Chính phủ… dự thảo Hiến pháp sửa đổi được trình Quốc hội xem xét lần đầu hôm nay, 29/10.

Tờ trình do Chủ nhiệm UB Pháp luật Phan Trung Lý trình bày trước Quốc hội nêu rõ nhiều nội dung bổ sung về thẩm quyền của Chủ tịch nước trong bộ máy lãnh đạo nhà nước.  
 
Cụ thể, trong mối quan hệ với hành pháp, dự thảo Hiến pháp sửa đổi Bổ sung thẩm quyền của Chủ tịch nước bãi bỏ văn bản của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các thành viên Chính phủ trái với lệnh, quyết định của Chủ tịch nước để đảm bảo tính thống nhất của hệ thống văn bản quy phạm pháp luật. Việc này cũng nhằm thể hiện rõ hơn mối quan hệ của Chủ tịch nước với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong hoạt động lập pháp; đồng thời phát huy tốt hơn cơ chế kiểm tra, giám sát việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
 
Chủ nhiệm UB Pháp luật trình dự thảo Hiến pháp sửa đổi Hiến pháp trước Quốc hội (Ảnh: Việt Hưng)
Chủ nhiệm UB Pháp luật trình dự thảo Hiến pháp sửa đổi Hiến pháp trước Quốc hội (Ảnh: Việt Hưng)
Cùng với quyền tham dự các phiên họp của UB Thường vụ QH, Hiến pháp sửa đổi dự kiến trao cho Chủ tịch nước thêm quyền tham dự các phiên họp của Chính phủ.
Ngoài ra, Hiến pháp sửa đổi giữ nguyên quy định Chủ tịch nước có quyền đề nghị Quốc hội bầu, miễn nhiệm, bãi nhiệm Phó Chủ tịch nước, Thủ tướng; căn cứ vào nghị quyết của Quốc hội, bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức Phó Thủ tướng, Bộ trưởng và các thành viên khác của Chính phủ; bãi bỏ văn bản của Chính phủ, Thủ tướng và các thành viên Chính phủ trái với lệnh, quyết định của Chủ tịch nước.
Trong mối quan hệ với tư pháp, Chủ nhiệm UB Pháp luật đề xuất bổ sung thẩm quyền của Chủ tịch nước căn cứ vào nghị quyết của Quốc hội bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức Thẩm phán TAND tối cao.
Chủ nhiệm UB Pháp luật, Phan Trung Lý giải thích, việc bổ sung quy định này nhằm nâng cao vai trò, vị thế của Thẩm phán TAND tối cao, bảo đảm tính nhân danh nhà nước trong xét xử, tăng cường tính độc lập của cơ quan tư pháp. Thẩm phán TAND tối cao cần phải được Quốc hội, với tư cách là cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức; Chủ tịch nước sẽ căn cứ vào nghị quyết của Quốc hội bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức chức danh này.
Về việc bổ sung thẩm quyền phong hàm, cấp sĩ quan cấp cao của Chủ tịch nước, hiện vẫn còn 2 quan điểm khác nhau.
Một số ý kiến đề nghị làm rõ thẩm quyền phong hàm, cấp sĩ quan cấp cao (cấp sĩ quan cấp tướng, phó đô đốc, chuẩn đô đốc hải quân), bổ nhiệm Tổng tham mưu trưởng, Chủ nhiệm Tổng cục chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam.
Loại ý kiến thứ 2 cho rằng, để phù hợp với thực tiễn phân cấp quản lý cán bộ, gắn kết giữa việc phong hàm và bổ nhiệm chức vụ, đề nghị Hiến pháp chỉ quy định Chủ tịch nước có thẩm quyền quyết định phong hàm, cấp sĩ quan cấp thượng tướng, đại tướng và đô đốc hải quân.
UB Sửa đổi Hiến pháp tán thành với loại ý kiến thứ nhất.
 
Kinh tế Nhà nước giữ vai trò chủ đạo
 
Về thể chế kinh tế, Chủ nhiệm UB pháp luật tái khẳng định, nền kinh tế Việt Nam là nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa với nhiều hình thức sở hữu, nhiều thành phần kinh tế, hình thức tổ chức kinh doanh và hình thức phân phối.

Theo ông Lý, hiện vẫn còn hai loại ý kiến khác nhau là về cách thể hiện các thành phần kinh tế trong Hiến pháp.
 
Ý kiến thứ nhất đề nghị nêu thành phần kinh tế nhà nước, kinh tế tập thể, kinh tế tư nhân, kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài và xác định vị trí, vai trò của từng thành phần kinh tế tại điều 55. Quy định như vậy để làm rõ hơn tính chất của nền kinh tế thị trường định hướng XHCN.

Loại ý kiến thứ hai đề nghị không nêu cụ thể tên các thành phần kinh tế mà chỉ xác định các thành phần kinh tế là bộ phận cấu thành quan trọng của nền kinh tế để bảo đảm tính khái quát, ổn định cao của Hiến pháp khi cơ cấu của nền kinh tế có thể thay đổi, đồng thời, thể hiện sự bình đẳng và cạnh tranh giữa các thành phần kinh tế trong nền kinh tế thị trường.
 
UB sửa đổi Hiến pháp tán thành loại ý kiến thứ nhất và đã thể hiện tại điều 55 của dự thảo sửa đổi Hiến pháp.

Theo đó, điều 55 khẳng định nền kinh tế Việt Nam là nền kinh tế thị trường định hướng XHCN với nhiều hình thức sở hữu, nhiều thành phần kinh tế, hình thức tổ chức kinh doanh và hình thức phân phối.
P.Thảo
Xác định chín nội dung sửa đổi Hiến pháp năm 1992
Cập nhật lúc 16:54, Thứ hai, 29/10/2012 (GMT+7)

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Phan Trung Lý.  
 
NDĐT – Theo tờ trình về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 do Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Phan Trung Lý đọc sáng nay, 29-10, tại kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa 13, Ủy ban đã xác định chín nội dung cơ bản sửa đổi Hiến pháp năm 1992. Dự thảo sẽ được lấy ý kiến toàn thể nhân dân trong ba tháng.
Chín nội dung này căn cứ vào Cương lĩnh, các văn kiện khác của Đảng, đặc biệt là Nghị quyết Hội nghị Trung ương 2, Kết luận của Hội nghị Trung ương 5 và Nghị quyết của Quốc hội, bao gồm:
Thứ nhất, sửa đổi Hiến pháp để tiếp tục thể chế hóa và làm sâu sắc hơn chủ trương phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa, bảo đảm tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân.
Thứ hai, sửa đổi Hiến pháp để tiếp tục phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, huy động các lực lượng xã hội phục vụ sự nghiệp phát triển đất nước.
Thứ ba, sửa đổi Hiến pháp để tiếp tục khẳng định và làm rõ hơn vị trí, vai trò, trách nhiệm lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước và xã hội.
Thứ tư, sửa đổi Hiến pháp để tiếp tục phát huy nhân tố con người, thể hiện sâu sắc hơn quan điểm bảo vệ, tôn trọng quyền con người, bảo đảm thực hiện tốt hơn quyền, nghĩa vụ cơ bản của công dân.
Thứ năm, sửa đổi Hiến pháp để tiếp tục xây dựng và hoàn thiện nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, phát triển văn hóa, giáo dục, khoa học, công nghệ, bảo đảm công bằng xã hội, bảo vệ môi trường.
Thứ sáu, sửa đổi Hiến pháp để tiếp tục bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Thứ bảy, sửa đổi Hiến pháp để tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Thứ tám, sửa đổi Hiến pháp để tích cực, chủ động hội nhập quốc tế, xác định rõ hơn vai trò, trách nhiệm của Nhà nước trong việc bảo vệ lợi ích quốc gia, quyền, lợi ích hợp pháp của công dân trong quan hệ quốc tế; tạo cơ sở hiến định để Nhà nước đẩy mạnh hợp tác quốc tế, thực hiện quyền, nghĩa vụ quốc gia, góp phần giữ gìn hòa bình khu vực và thế giới.
Thứ chín, sửa đổi kỹ thuật lập hiến và quy trình sửa đổi Hiến pháp để bảo đảm hiệu lực, tính ổn định, lâu dài của Hiến pháp.
Cụ thể hóa chín nội dung cơ bản nêu trên, Dự thảo Hiến pháp sau khi sửa đổi, bổ sung có 11 chương, 126 điều. So với Hiến pháp năm 1992, Dự thảo Hiến pháp giảm 1 chương, 21 điều, 18 điều giữ nguyên, 95 điều sửa đổi và bổ sung 13 điều mới.
Việc sửa đổi Hiến pháp năm 1992 lần này được thực hiện theo quy định tại Điều 147 của Hiến pháp hiện hành. Theo đó, Quốc hội quyết định việc sửa đổi Hiến pháp và thành lập Ủy ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp để xây dựng Dự thảo sửa đổi Hiến pháp trình Quốc hội cho ý kiến và trình xin ý kiến nhân dân. Trên cơ sở ý kiến của nhân dân, Ủy ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp chỉnh lý, hoàn thiện Dự thảo, trình Quốc hội xem xét, thông qua khi có ít nhất hai phần ba tổng số đại biểu Quốc hội biểu quyết tán thành.
Lấy ý kiến tất cả các tầng lớp nhân dân
Cũng trong sáng nay, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Phan Trung Lý đã đọc tờ trình về dự thảo Nghị quyết về việc lấy ý kiến nhân dân về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992.
Theo đó, Ủy ban đề nghị tổ chức lấy ý kiến về toàn bộ nội dung của dự thảo sửa đổi Hiến pháp, bao gồm: Lời nói đầu; chế độ chính trị; quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân; kinh tế, xã hội, văn hóa, giáo dục, khoa học, công nghệ và môi trường; bảo vệ Tổ quốc; tổ chức bộ máy nhà nước; hiệu lực của Hiến pháp và quy trình sửa đổi Hiến pháp; kỹ thuật trình bày các quy định của Hiến pháp.
Các cơ quan, tổ chức tham gia ý kiến vào toàn bộ nội dung dự thảo sửa đổi Hiến pháp; căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình, tập trung đóng góp ý kiến về những nội dung có liên quan trực tiếp đến phạm vi lĩnh vực hoạt động của cơ quan, tổ chức mình.
Việc lấy ý kiến nhân dân được thực hiện thông qua các hình thức: góp ý trực tiếp hoặc bằng văn bản gửi đến các cơ quan, tổ chức; tổ chức các hội nghị, hội thảo, tọa đàm; phản ánh trên các phương tiện thông tin đại chúng và các hình thức phù hợp khác.
Đối tượng lấy ý kiến bao gồm tất cả các tầng lớp nhân dân, các cơ quan, tổ chức ở trung ương và ở địa phương.
Ủy ban đề nghị Quốc hội tổ chức lấy ý kiến nhân dân trong thời gian ba tháng, bắt đầu từ ngày 2-1-2013 và kết thúc vào ngày 31-3-2013.

Không có nhận xét nào: