Chuyện kỳ lạ tìm được hài cốt liệt sỹ vô danh sau… 44 năm thất lạc
(Dân trí) - “Nói thật với anh, tôi là người phản đối mạnh mẽ nhất về việc tìm lại hài cốt của em tôi, đã hi sinh hơn 44 năm về trước. Tôi phản đối vì một điều, không có một tung tích, một dòng thông tin, một cơ sở khoa học cụ thể nào để tìm thấy...”.
“... Tôi lại càng phản đối việc tìm kiếm bằng tâm linh. Nhưng
đến bây giờ, khi em tôi được đưa về, được xác nhận kết quả xét nghiệm
ADN trùng khớp, thì tôi không tin cũng vẫn phải tin”, ông Tình bắt đầu
câu chuyện với tôi ở đền thờ của dòng họ Cung của mình.
Câu chuyện về phần mộ một liệt sỹ vô danh đã được thân nhân tìm
thấy sau gần nửa thế kỷ thất lạc, dù gia đình không hề có một tung tích,
khiến tôi không giấu được sự tò mò, tìm về nắm rõ hơn sự việc. Đó là
liệt sỹ Cung Văn Chiến, ở xã Bằng An, huyện Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh, hi
sinh ngày 7/3/1969 trong một trận càn quét của giặc Mỹ, được an táng tại
nghĩa trang liệt sỹ huyện Mộc Hóa (nay là thị xã Kiến Tường, thuộc tỉnh
Long An). Phần mộ vô danh nằm dưới lòng đất mấy chục năm trời, nay được
thân nhân tìm thấy vào cuối năm 2013 là một hành trình khó tin, mà nhất
là khi người thân tìm thấy không bằng một cơ sở khoa học nào mà chủ yếu
dựa vào… tâm linh.
Dù là người quyết liệt phản đối việc tìm kiếm hài cốt em trai bằng tâm linh, nhưng đến khi có bản giám định ADN xác nhận đúng liệt sỹ Cung Văn Chiến, ông Cung Xuân Tình đã tin và mừng rơi nước mắt.
Tiếp chúng tôi trong nhà thờ họ, ông Cung Xuân Tình, năm nay đã bước
sang tuổi 74, tóc đã bạc trắng nhưng vẫn ánh lên vẻ cường tráng, mạnh
khỏe của một người chiến sĩ cách mạng vào sinh ra tử một thời rồi trở
thành một lão nông chân chất kể từ sau thời bình, ông quả quyết, nếu
không có bản xét nghiệm ADN có lẽ ông sẽ không tin hài cốt của đứa em
trai cùng cha khác mẹ với mình đã được tìm thấy.
Bố của ông Cung Xuân Tình, cũng là bố của liệt sỹ Cung Văn Chiến,
tên là Cung Văn Tính (sinh năm 1920). Cụ Cung Văn Tính có 2 người vợ,
người vợ đầu là Dương Thị Nhọt (sinh năm 1922) và sinh ra 6 người con,
tất thảy đều là con trai. Ông Cung Xuân Tình là con trai cả. Người vợ
thứ hai của cụ Cung Văn Tính là cụ Nguyễn Thị Gái (sinh năm 1925), hiện
vẫn còn sống, vẫn khỏe mạnh, đi lại bình thường, chỉ có hơi chút lẫn của
tuổi già. Cụ Gái có cả thảy 8 người con, gồm 5 trai, 3 gái, trong đó có
liệt sỹ Cung Văn Chiến, là con trai thứ hai. Ngoại trừ liệt sỹ Cung Văn
Chiến, 13 người con của cụ Cung Văn Tính hiện đều còn sống.
“Trừ thằng út là Cung Văn Tám (hiện là Chi cục trưởng thi hành án
huyện Quế Võ – PV) không phải đi bộ đội, tất thảy anh em tôi đều đi bộ
đội, tham gia kháng chiến chống Mỹ từ khi mới 16, 17 tuổi. Thằng Chiến
nó cũng đi bộ đội, nhưng là trốn gia đình lén lút nhập ngũ, vì thế mà
gia đình chúng tôi không có một cái ảnh nào của nó. Chúng tôi không biết
em mình chiến đấu ở chiến trường nào, bởi nó cũng không hề gửi một lá
thư nào về cho gia đình để gia đình có thông tin về nó. Mãi đến năm 1970
chúng tôi mới có thông tin về nó, nhưng lại là… giấy báo tử”, ông Tình
nhấp ngụm trà kể tiếp về câu chuyện đứa em trai của mình.
Ông Cung Văn Toán, anh trai của liệt sỹ Cung Văn Chiến với Bằng Tổ quốc ghi công của em mình
Cũng nhờ giấy báo tử mà gia đình biết là liệt sỹ Cung Văn Chiến nhập
ngũ vào tháng 4/1966, chức vụ hạ sĩ, đơn vị chiến đấu C1D1-KT, hy sinh
ngày 07/3/1969. Hỏi tên đơn vị C1D1-KT thì không một ai biết, và lại
càng không ai biết liệt sỹ Cung Văn Chiến hy sinh ở đâu, trong trận đánh
nào, được chôn cất ở đâu.
“Mà ngay cái chuyện em trai tôi hy sinh cũng là một nhầm lẫn hy hữu,
bởi giấy báo tử người ta gửi về cho gia đình không phải là Cung Văn
Chiến mà là Cung Văn Toán, anh trai của liệt sỹ Cung Văn Chiến, tức là
con đầu của cụ Nguyễn Thị Gái. Thằng Chiến với thằng Toán lúc đấy đều
đang tham gia chiến đấu ngoài chiến trường. Lúc nhận giấy báo tử ghi tên
thằng Toán nên chúng tôi ngỡ là thằng Toán hy sinh chứ không phải
Chiến, gia đình và địa phương đã làm lễ truy điệu thằng Toán hẳn hoi, mà
sau này mới biết là nó vẫn còn sống”, ông Tình kể với tôi.
Số là, giấy báo tử ghi tên ông Cung Văn Toán, hy sinh ngày
07/3/1969, nhưng tháng 2 năm 1970, gia đình vẫn nhận được thư của ông
Toán gửi về gia đình hỏi thăm sức khỏe của mọi người. Thấy lạ, cụ Cung
Văn Tính, bố của ông Cung Văn Toán mới lên hỏi địa phương, mới biết là
nhầm lẫn người hy sinh. Người hy sinh chính xác là liệt sỹ Cung Văn
Chiến chứ không phải ông Toán.
Ông Cung Văn Toán từng bị báo tử và tổ chức truy điệu nhầm, dù người mất thật sự là em trai Cung Văn Chiến. Ông Toán lần giở cho chúng tôi xem Huân chương kháng chiến hạng Ba và Huân chương chiến sĩ hạng Nhì do những đóng góp trong cuộc chiến tranh kháng chiến chống Mỹ
Câu chuyện của ông Cung Xuân Tính kể cho chúng tôi mỗi lúc một… kỳ
lạ, nên tôi mới xin ông Tình sang gặp trực tiếp ông Cung Văn Toán, ở
cùng thôn Yên Lâm, cách nhà ông Tình vài trăm bước chân. Tại nhà ông
Toán, chúng tôi gặp cả cụ Nguyễn Thị Gái, tính năm nay là ngót nghét 90
tuổi, nhưng mắt vẫn tinh, tay chân vẫn cứng cáp, đi lại bình thường. Chỉ
có điều cụ đã hơi lẫn, nên khi tôi thử hỏi cụ có mấy người con thì cụ
cũng không nhớ. Nhưng khi gặp cậu con trai út Cung Văn Tám, lập tức bà
trả lời: "8 đứa, thằng Tám của mẹ đây nè".
Tôi lại ướm hỏi, liệt sỹ Cung Văn Chiến đã được tìm thấy và đưa về
quê hương, thì cụ rưng rưng đáp: "Mẹ mừng lắm". Cụ nói vậy thôi chứ tôi
đoán hình dung về đứa con trai đã mất khi chỉ vừa tròn 17 tuổi, chắc cụ
cũng chẳng còn nhớ bao nhiêu, nhất là cụ quá đông con và những ký ức
chiến tranh của hơn 40 năm là một quãng đời dài đằng đẵng của mỗi con
người.
Ông Cung Văn Toán, năm nay đã 67 tuổi, lần giở ký ức của mình bằng
những kỷ vật chiến công: đó là huân chương chiến sĩ giải phóng hạng nhì
do cố đồng chí Nguyễn Hữu Thọ, Chủ tịch Hội đồng cố vấn chính phủ cách
mạng lâm thời cộng hòa miền Nam Việt Nam trao tặng ngày 1 tháng 12 năm
1975 và Huân chương kháng chiến hạng ba cấp ngày 15 tháng 8 năm 1985 do
cố chủ tịch Hội đồng Nhà nước Trường Chinh ký.
“Hồi đó bị trúng pháo của địch, sức ép của pháo làm tôi ngất lịm,
khiến đồng đội tưởng tôi chết rồi. Khi người ta hạ xuống huyệt chôn thì
tôi mới tỉnh lại và được cứu sống. Sau đó vẫn tiếp tục tham gia chiến
đấu, mãi đến năm 1974 mới xuất ngũ trở về quê hương”, ông Toán bồi hồi
nhớ lại. Mãi đến năm 1982, ông Toán mới lập gia đình, đến nay có 3 người
con trai, hiện đều đã đi làm.
Lại nói, câu chuyện ông Toán từ cõi chết trở về khiến gia đình, dòng
họ vui mừng bao nhiêu thì sự trăn trở, tìm kiếm hài cốt của liệt sỹ Cung
Văn Chiến cũng nhiều bấy nhiêu. Có điều, tìm ở đâu khi một thông tin về
nơi hy sinh, nơi chôn cất của liệt sỹ đều không có. Không một bức ảnh,
không một dòng thư liên lạc của liệt sỹ còn lại để gia đình tìm kiếm.
“Không thể tìm bằng khoa học nên thằng út Tám trong gia đình mới
cậy nhờ đến tâm linh. Nó được anh trai mình báo mộng là phải nhờ đến nhà
ngoại cảm. Thằng út Tám nó cậy nhờ đến nhà ngoại cảm là bà Phan Thị
Bích Hằng, gửi thông tin liệt sỹ năm 2006 thì đến tháng 6/2008 mới có
kết quả. Hồi đó gia đình tôi phản đối cách tìm bằng tâm linh dữ quá, nên
mãi đến tháng 3/2013, thằng út Tám nó mới lén đi vào Long An lấy mẫu
xương về giám định từ phần mộ vô danh được Bích Hằng chỉ dẫn. Và điều
đáng mừng là kết quả xét nghiệm ADN hoàn toàn trùng khớp”, ông Tình kể.
Bản giám định mẫu xét nghiệm ADN hài cốt của liệt sỹ Cung Văn Chiến phù hợp với mẹ là cụ bà Nguyễn Thị Gái đã chấm dứt quá trình 44 năm tìm kiếm của gia đình đầy gian lao, vất vả
Ông Tình bảo ông là người phản đối cực kỳ chuyện anh con trai út Cung
Văn Tám đề nghị tìm hài cốt của liệt sỹ Cung Văn Chiến bằng cách nhờ
đến nhà ngoại cảm. “Nếu em tôi đang nằm ở đâu đó trên mảnh đất quê hương
Việt Nam này, dù là vô danh nhưng được an táng đàng hoàng, còn tốt hơn
là đưa một hài cốt về bằng tâm linh, mà chính mình cũng không biết có
thực là em trai mình không thì còn có tội hơn. Thà cứ để em ở yên nơi
nào đó, để trong kỷ niệm, ký ức của em mình vẫn tốt đẹp, hơn là đưa em
về chỉ bằng niềm tin”, ông Tình bảo.
Cũng chính sự phản đối quyết liệt của ông Tình và một số anh em
trong dòng họ Cung, nên câu chuyện tìm kiếm liệt sỹ Cung Văn Chiến bằng
tâm linh do cậu út Cung Văn Tám một mình thực hiện đã bị đình hoãn hơn 5
năm năm trời kể từ khi bà Phan Thị Bích Hằng thông báo cho út Tám đã
tìm thấy kết quả.
“Tôi nhớ năm 2006, phải hên lắm thì Bích Hằng mới đồng ý tìm giúp hài
cốt của anh tôi, bởi nguyên tắc của Bích Hằng, muốn tìm liệt sỹ thì
phải có di ảnh của liệt sỹ, trong khi trong tay tôi không có bất kỳ thứ
gì. Tôi nhờ Bích Hằng vậy thôi, chứ trong đầu cũng không tin sẽ có một
ngày tìm được. Vậy mà tháng 6/2008, chị Hằng gọi cho tôi, thông báo đã
tìm thấy, chỉ đích danh là anh tôi đang nằm ở khu mộ chưa có tên, vị trí
số 10, hàng 11, khu B, nghĩa trang liệt sĩ huyện Mộc Hóa (nay là thị xã
Kiến Tường, tỉnh Long An”, anh út Tám, hiện là Chi cục trưởng thi hành
án huyện Quế Võ, nói về câu chuyện tìm kiếm hài cốt của anh mình với
tôi, bằng một sự hồ hởi về một câu chuyện “thần bí nói không ai tin”.
Anh út Tám kể tiếp, lúc được bà Bích Hằng chỉ chính xác địa chỉ anh
trai đang ở tỉnh Long An, cả gia đình càng thêm… không tin, bởi lúc
liệt sỹ Cung Văn Chiến nhập ngũ là năm 1966, hy sinh năm 1969, thì bằng
ấy thời gian làm sao mà hi sinh ở tận chiến trường cách cả nghìn cây số
như vậy, chưa kể là phải tránh địch dạt qua tận Lào, Cam Pu Chia mỗi lần
hành quân vào Nam.
“Nếu có hi sinh, cùng lắm thì cũng chỉ ở Quảng Trị là xa nhất, vậy
mà vẫn không hiểu sao anh ấy vào được tận Long An. Tôi thuyết phục mọi
người không được, nhưng nhiều đêm nằm mộng thấy anh trai báo mộng, tôi
quyết tâm vào tận nơi để xác thực đúng sai. Tôi tìm theo đúng mộ số 10,
hàng 11, khu B của nghĩa trang liệt sĩ huyện Mộc Hóa, thắp nhang cầu
khấn anh trai rồi xin Ban Quản lý nghĩa trang được lấy hai mẫu xương về
giám định. Cũng may lúc đó nghĩa trang đang được sửa lại nên việc lấy
mẫu xương giám định mới có thể thực hiện. Tháng 8/2013, Viện Công nghệ
Sinh học đã kết luận kết quả giám định gen hài cốt liệt sĩ lấy tại mộ số
10, hàng 11, khu B, nghĩa trang liệt sĩ huyện Mộc Hóa và mẫu sinh phẩm
của cụ bà Nguyễn Thị Gái (tức mẹ liệt sĩ Cung Văn Chiến) có liên quan
huyết thống dòng mẹ, tôi mừng rơi đến nước mắt. Vậy là anh tôi đã trở
về, vậy là người con của quê hương Bằng An đã được tìm lại”, anh út Tám
kể.
Liệt sỹ Cung Văn Chiến vừa được quy tập về nghĩa trang quê nhà sau 44 năm thất lạc
Câu chuyện hài cốt liệt sỹ Cung Văn Chiến sau 44 năm thất lạc, nằm
lạnh lẽo ở phần mộ vô danh tại nghĩa trang huyện Mộc Hóa, tỉnh Long An
nay đã được tìm thấy, hẳn vẫn còn ít nhiều sự bán tin bán nghi với mọi
người. Nhưng tôi tin rằng, với kết quả giám định ADN của Viện Công nghệ
sinh học, liệt sỹ Cung Văn Chiến đã được trở về quê hương, về nơi chôn
rau cắt rốn, cho dù quá trình tìm kiếm bằng tâm linh hay bằng khoa học
gì đi nữa, thì hẳn nhiên vẫn là một kết thúc hết sức tuyệt vời.
PV Dân trí
đã tìm gặp bà Phan Thị Bích Hằng, Hội viên Trung tâm nghiên cứu tiềm
năng con người để xác thực câu chuyện về liệt sỹ Cung Văn Chiến vừa được
gia đình họ Cung ở xã Bằng An, huyện Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh tìm thấy sau
44 năm thất lạc. Bà Bích Hằng xác nhận, năm 2006 bà nhận được đề nghị
tìm hài cốt của anh trai mình của ông Cung Văn Tám. “Hồi đó, thương anh
Tám 12h đêm vẫn ngồi đợi tôi ở cổng nhà đề nghị tôi tìm giúp hài cốt của
anh trai nên tôi mới nhận, dù anh Tám không có di ảnh của anh trai. Tôi
bảo anh phải đưa ảnh của bố là cụ Cung Văn Toán để làm cầu nối tìm giúp
cho anh”, bà Bích Hằng nhớ lại.
“Chính xác là
tháng 3/2008, liệt sỹ Cung Văn Chiến đã “liên lạc” với tôi và chỉ nơi mà
liệt sỹ đang nằm là ở nghĩa trang Mộc Hóa, nay là thị xã Kiến Tường,
tỉnh Long An nhưng do lúc đó nhiều hồ sơ quá nên tôi trả kết quả chậm
cho gia đình mất 3 tháng. Tuy nhiên, vì nhiều lý do mà gia đình chưa tin
về kết quả đó. Đối với tôi việc tìm kiếm bằng tâm linh giúp các thân
nhân gia đình liệt sỹ là hoàn toàn thiện nguyện, khi có kết quả thì tôi
trả kết quả, còn gia đình có tin kết quả hay không thì tùy họ. Tôi đặc
biệt khuyến khích các gia đình nên xét nghiệm ADN vì bất cứ lĩnh vực
khoa học nào cũng có sai số, không chính xác. Giờ tôi cũng vừa biết
là sau 5 năm kể từ khi tôi trả kết quả, gia đình đã tìm thấy, và mừng
nhất là giám định ADN đã chuẩn xác. Niềm vui của gia đình cũng chính là
niềm vui của tôi đối với lĩnh vực khoa học tâm linh mà hoàn toàn thiện
nguyện này”, bà Bích Hằng khẳng định. |
Thế Nam
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét