Thứ Năm, 26 tháng 12, 2013

NHỮNG THẤT BẠI CỦA ĐẠI TƯỚNG VÕ NGUYÊN GIÁP

26-12-2013

Đáng tiếc cho những thất bại của đại tướng Võ Nguyên Giáp

Nguyễn Thành Công, cựu chiến binh QĐND Việt Nam
Thông thường khi một người đáng kính qua đời thì thân nhân cảm thấy đau đớn, thương tiếc. Nếu người đó có uy tín trong xã hội thì nhiều tầng lớp nhân dân sẽ thương tiếc như mất chính người thân của mình. Đại tướng Võ Nguyên Giáp mất đi đã được rất nhiều tầng lớp nhân dân đến viếng với tấm lòng thành kính, chứng minh uy tín lớn lao của ông trong xã hội. Với các cựu chiến binh quân đội nhân dân Việt Nam thì niềm thương tiếc này còn sâu thẳm trong trái tim, không dễ nói thành lời.
Nghe tin đại tướng mất, anh em chúng tôi lập ban thờ và vái vọng để tiễn biệt ông. Ngồi quanh bàn, các anh em mỗi người một chuyện nói về tướng Giáp lúc sinh thời. Những câu chuyện về ông chủ yếu nghe được qua các cuộc gặp gỡ với các bậc đàn anh trong quân đội, không có gì kiểm chứng tính đúng sai nhưng vẫn gieo vào lòng chúng tôi niềm tiếc thương đối với ông, người đã đạt chiến thắng vĩ đại trong chiến tranh, nhưng thất bại vĩ đại trong hoà bình.

Vào những năm đầu cuộc chiến tranh chống Pháp, ông nổi bật lên là một cán bộ quân sự có bản lĩnh, được phong hàm đại tướng đầu tiên của quân đội. Từ một đội quân nhỏ có 34 người, ông đã xây dựng một đội quân lớn mạnh, đủ sức đương đầu với đội quân hùng mạnh của nước ngoài. Về quân sự, có lẽ khỏi phải nói đến tài năng rực rỡ của ông. Điều mà anh em chúng tôi tiếc thương nhất nằm ở chỗ khác. Nghe nói ông là người không đồng tình với các kế hoạch cải cách ruộng đất, chống nhân văn giai phẩm, cải tạo công thương nghiệp tư bản tư doanh ở cả hai miền Nam Bắc. Ông đề xuất với Bộ Chính trị những cách làm hoàn toàn khác nhưng không được chấp nhận. Những năm đầu kháng chiến chống Pháp, lực lượng chỉ huy quân đội hình thành từ tầng lớp trí thức, dứt bỏ cuộc sống đô thị đến với nhân dân. Đây là tầng lớp có học nhất trong quân đội thời bấy giờ, vừa có tinh thần chống Pháp, vừa có tinh thần độc lập tự chủ, sẵn sàng bảo vệ độc lập tự do của Tổ quốc. Tuy nhiên, đội ngũ này còn thiếu kinh nghiệm tác chiến. Những năm ấy, lãnh đạo Đảng Lao động nhờ Trung Quốc giúp đỡ. Phải nói rằng khi đó Trung Quốc đã rất giầu kinh nghiệm tiến hành chiến tranh du kích, từ chiến tranh du kích phát triển lên thành đánh trận địa hiện đại, nhờ đó, đã giúp nhiều cho cuộc chiến của nhân dân Việt Nam. Nhưng các lãnh đạo Trung Quốc còn nhìn xa hơn nữa. Họ thấy được rằng nếu để lực lượng dân tộc của Việt Nam nắm quyền chỉ huy quân đội thì bước tiến của Trung Quốc xuống Đông Nam Á không dễ thực hiện. Trong một lần gặp gỡ Chủ tịch Hồ Chí Minh, Mao đã không úp mở: Tôi sẽ là chủ tịch của năm trăm triệu bần nông tiến xuống vùng Đông Nam Á. Để dễ dàng tiến xuống Đông Nam Á thì phải gạt bỏ hòn đá cản đường lớn nhất lúc ấy là các chỉ huy quân sự trong quân đội Việt Nam có tinh thần dân tộc. Theo chỉ đạo của Mao, các cố vấn Trung Quốc đã thúc giục phía Việt Nam tiến hành chỉnh quân giống như "chỉnh phong" bên Trung Quốc, Kết quả là nhiều cán bộ chỉ huy giầu kinh nghiệm của Việt Nam bị xử lý, vô hiệu hoá. Tướng Giáp dù không đồng tình nhưng không cản được quá trình "hán hoá" quân đội, ông đành phải nuốt bồ hòn khen ngọt.

Tướng Giáp là người có máu văn nghệ, thậm chí nghe nói ông chơi đàn piano khá hay. Chính ông là người không đồng tình với việc "đánh" nhân văn giai phẩm. Tuy nhiên, ý kiến lẻ loi của ông rơi tõm vào hư vô. Các tướng đàn anh hay kể trong thời kỳ nhân văn giai phẩm ông vẫn đến thăm hỏi những nhà văn đang bị "đánh" để an ủi họ. Có điều ông hoàn toàn không cứu được họ, tức là ông vẫn là kẻ thất bại.

Năm 1968, ông Lê Duẩn, Lê Đức Thọ lập kế hoạch "tổng tiến công". Kế hoạch này được đại tướng Nguyễn Chí Thanh khởi thảo xây dựng, sau đó nghe nói do Văn Tiến Dũng hoàn thiện. Tướng Giáp lúc ấy là Tông tư lệnh mà không được biết. Chỉ một ngày trước khi nổ súng người ta mới báo cáo ông, nghe báo cáo mà lòng ông nặng trĩu. Do kế hoạch khá phiêu lưu, trận đánh ở thành cổ đã làm chết rất nhiều chiến sĩ trẻ miền Bắc. Công việc của Tổng tư lệnh thành ra là "chữa cháy", cố gắng làm sao để quân ta rút lui an toàn, ít tổn thất. Và ngay cả cái nhiệm vụ sau cùng này ông cũng là người thất bại.

Năm 1975, trước thời cơ đánh lớn giải phóng miền Nam, ngoài việc phải lập kế hoạch quân sự để giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước còn phải nghĩ đến việc xây dựng chính quyền tiếp quản miền Nam. Nhóm ý kiến "cách mạng triệt để" mà người đứng đầu là ông Lê Duẩn cho rằng cần phải xoá bỏ hoàn toàn chính quyền Sài Gòn, giải thể chính quyền Cách mạng lâm thời Cộng hoà miền Nam Việt Nam, sáp nhập vào với chính quyền Việt Nam dân chủ cộng hoà, đưa cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội. Tướng Giáp đưa ra ý kiến cần phải xây dựng chính quyền "chuyển tiếp", nội dung như sau: Không tiến công vào Sài Gòn mà lập chính quyền ba bên ở Sài Gòn, do tướng Dương Văn Minh đứng đầu. Chính quyền "chuyển tiếp" này chỉ tồn tại ở Sài Gòn, còn lại ta sẽ nắm toàn bộ vùng nông thôn và chính quyền cấp cơ sở. Cách làm đó có 3 điều lợi: một là, giữ nguyên được cơ sở công nghiệp ở miền Nam với các mối quan hệ làm ăn với nước ngoài; hai là, Mỹ không bị "mất mặt" khi rút quân khỏi miền Nam; ba là, để xây dựng lại đất nước, chính quyền "chuyển tiếp" ở Sài Gòn có thể "danh chính ngôn thuận" kêu gọi viện trợ Mỹ, trong khi chính quyền Việt Nam dân chủ cộng hoà vẫn giữ được viện trợ từ các nước XHCN. Về chính trị, Việt Nam có thể tạo ra khung cảnh "thi đua hoà bình" xây dựng Tổ quốc từ hai chính quyền, điều này cực kỳ có lợi khi thu hút viện trợ từ hai khối. Nhưng ý kiến này của tướng Giáp bị bác bỏ và đó là thất bại lớn nhất của ông khi góp ý về chiến lược xây dựng Tổ quốc. Ngay trong vụ chiến tranh Căm-pu-chia đại tướng cũng có ý kiến khác. Ông đề nghị dùng đặc công vào Phnôm-pênh đưa ông Xi-ha-nuc ra vùng giải phóng, lập chính quyền danh nghĩa do ông Xi-ha-núc đứng đầu tiến vào giải phóng Căm-pu-chia. Từ đấy lập chính quyền mới ở Căm-pu-chia do ông Xi-ha-núc đứng đầu ở thủ đô, còn Việt Nam thông qua Đảng Nhân dân cách mạng Căm-pu-chia nắm lấy chính quyền cấp cơ sở. Nội dung cơ bản cũng giống như đề nghị cách làm ở Việt Nam. Nếu các ý kiến này của tướng Giáp được chấp nhận có lẽ Việt Nam đã có hình ảnh hoàn toàn khác sau chiến tranh, tình hình kinh tế cũng rất khác.

Đau đớn thay, chiến lược phát triển cho đất nước sau chiến tranh của ông bị bác bỏ, tức là ông hoàn toàn thất bại. Và qua ông, nhân dân Việt Nam đã thất bại hoàn toàn.

Không có nhận xét nào: