"Mùi của quỷ" được chiết xuất từ cây Borrachero, giống hoa loa kèn ở Việt Nam
Mùi của quỷ: Thứ ma túy đáng sợ nhất thế giới
Chủ Nhật, ngày 22/12/2013 19:00 PM (GMT+7)
Gần đây có nhiều thông tin cho rằng ở Việt
Nam đã xuất hiện loại thuốc "Mùi của quỷ", một loại ma túy đáng sợ nhất
thế giới có nguồn gốc từ Colombia
.
Loại thuốc “Mùi của quỷ” mà nhiều người cho rằng mới xuất hiện
gần đây ở Việt Nam thực ra là một loại ma túy có nguồn gốc từ Colombia
và một số quốc gia Nam Mỹ được coi là đáng sợ nhất thế giới bởi khả năng
làm tê liệt ý thức của con người, biến nạn nhân thành một “xác chết
biết đi” và ngoan ngoãn nghe theo mệnh lệnh của kẻ sai bảo.
Ở Colombia, loại thuốc “Mùi của quỷ” này có tên gọi là Scopolamine,
một loại thuốc được chiết xuất từ loài cây rất phổ biến ở nước này có
tên gọi là cây Borrachero với dược tính cực mạnh có thể xóa sạch trí nhớ
của nạn nhân và khiến họ không thể hành động theo lý trí của mình.
Cái tên “Borrachero” trong tiếng Colombia có nghĩa là “làm bạn say”,
và đây là loài cây dại thường thấy trong các khu rừng, thậm chí là trên
đường phố ở Bogota, Colombia. Cây Borrachero có hoa màu trắng và vàng,
rất giống với cây hoa loa kèn thường thấy ở Đà Lạt của Việt Nam.
Cây Borrachero rất giống với cây hoa loa kèn ở Đà Lạt
Loài cây này tiết ra chất Scopolamine tự nhiên nguy hiểm đến mức ở
các vùng nông thôn Colombia, các bà mẹ thường cảnh báo con mình không
được ngủ quên dưới những bông hoa loa kèn màu trắng và màu vàng rực rỡ
này, bởi chỉ cần hít phải phấn hoa của nó thôi cũng đã khiến trẻ con gặp
phải những giấc mơ lạ lùng.
Còn khi được chiết xuất và xử lý bằng hóa chất đặc biệt thành một
loại bột trắng không mùi, không vị, Scopolamine còn gây ra những hậu quả
khủng khiếp hơn thế rất nhiều. Bởi đây là loại bột tan rất nhanh trong
nước nên bọn tội phạm ở Colombia thường pha nó vào nước hoặc rắc lên
thức ăn để đầu độc nạn nhân.
Các phóng viên của Reuters cho hay, nạn nhân sau khi ăn hoặc uống
phải loại bột này sẽ trở nên dễ sai khiến đến mức họ ngoan ngoãn dẫn bọn
tội phạm về nhà mình để khuân hết đồ đạc và rút hết tiền trong tài
khoản ngân hàng cho chúng. Còn các nạn nhân là phụ nữ có nguy cơ bị
cưỡng hiếp tập thể mà không hề hay biết, thậm chí có thể bị bán cho các
động mại dâm.
Trước thông tin về loại thuốc “Mùi của quỷ” khủng khiếp này, phóng
viên Ryan Duffy của hãng tin VICE đã cất công bay tới Bogota, Colombia
để tìm hiểu và có những trải nghiệm thực tế về loại thuốc nổi tiếng này
cho thỏa trí tò mò.
Phóng viên Ryan Duffy tìm hiểu về "Mùi của quỷ" ở Bogota, Colombia
Sau khi đến Colombia và gặp gỡ người dân địa phương, quan chức cảnh
sát, chuyên gia về thực vật học, các đối tượng buôn bán ma túy và trực
tiếp phỏng vấn những người được cho là nạn nhân của “Mùi của quỷ”, Ryan
Duffy đã xây dựng bộ phim tài liệu “World’s Scariest Drug” (Loại ma túy
đáng sợ nhất thế giới) và thu hút 7 triệu lượt xem và bình luận trên
Youtube vào tháng 5/2012.
Trước đó, Tiến sĩ Stephen M. Pittel, một nhà tâm lý học nổi tiếng ở
Mỹ đồng thời là người tiên phong nghiên cứu văn hóa ma túy ở San
Francisco đã viết “có những báo cáo cho thấy nhiều vụ cưỡng hiếp, trộm
cắp, bắt cóc và các tội phạm khác ở Mỹ và Canada đều được thực hiện bằng
Burundanga, một hình thức của loại thuốc Scopolamine đã được sử dụng
trong nhiều thập kỷ ở Colombia như một loại vũ khí và công cụ gây án của
bọn tội phạm nhắm vào du khách.”
Năm 1995, tờ Wall Street Journal cho biết việc sử dụng thuốc
Burandanga đã gia tăng một cách nhanh chóng trong các băng đảng tội phạm
người Colombia nhập cư ở Mỹ, và hiện nay chúng đang sử dụng loại thuốc
này như một hình thức tiền bạc để trao đổi.
Wall Street Journal cho biết: “Thông thường, nạn nhân sẽ được mời một
loại đồ uống đã được pha sẵn hợp chất này. Điều tiếp theo mà nạn nhân
nhớ được là tỉnh dậy ở một nơi xa lạ và không có một chút ký ức nào
trong đầu về những việc vừa xảy ra. Rồi sau đó họ sớm phát hiện ra rằng
mình đã trao trang sức, tiền bạc, chìa khóa ô tô, thậm chí là rút tiền
từ các tài khoản ngân hàng cho những kẻ tấn công mình.”
Hạt của cây Borrachero dùng để chiết xuất Scopolamine
Một nạn nhân tên là Mel ở Naples, bang Florida, Mỹ kể lại trên tờ
Daily Mail: “Điều đó đã xảy ra với bà dì ngoài lục tuần của tôi ở
Medellin. Có ai đó đã sử dụng loại bột này thổi vào mặt bà, rồi sau đó
dẫn bà đến ngân hàng, nơi bà tự nguyện rút sạch tài khoản tiết kiệm để
trao cho hắn. Sau đó bà không thể nào nhớ được kẻ đó là ai.”
Đó chính là lý do mà trong vài năm gần đây, Bộ Ngoại giao Mỹ đã phát
đi lời cảnh báo cho các du khách nên cẩn trọng với “bọn tội phạm ở
Colombia sử dụng các loại thuốc gây tê liệt để tạm thời khống chế du
khách và những người khác.”
Ở Bogata, Colombia và California, Mỹ, thuốc Burundanga thường được
tẩm trong các thanh kẹo cao su, chocolate hoặc pha trong đồ uống hay phủ
trên một mẩu giấy. Chỉ cần một liều rất nhỏ của loại thuốc này có thể
khiến nạn nhân hoàn toàn quy phục, còn liều lớn hơn có thể gây nên tình
trạng mất tri giác ngay lập tức và hội chứng mất trí nhớ ngắn hạn khiến
nạn nhân không thể nào nhớ được những sự kiện vừa xảy ra.
Bộ Ngoại giao và Thương mại Quốc tế Canada cũng đã khuyên công dân
nước mình không nên du lịch tới những khu vực nông thôn hẻo lánh ở
Colombia. Chính phủ Canada thì cảnh báo rằng nếu du khách tới Colombia
thì nên tránh “đi tới các quán bar một mình” và “không bao giờ để đồ
uống hay thức ăn của bạn lại mà không có người trông nom”.
Bột Scopolamine sau khi được xử lý bằng hóa chất đặc biệt
Thủ đoạn phổ biến nhất mà bọn tội phạm thường áp dụng đối với các du
khách đó là giả vờ đến hỏi đường trên một tấm bản đồ, rồi nhân lúc nạn
nhân sơ ý thì thổi loại bột Burundanga được giấu trong một mảnh giấy vào
mặt nạn nhân. Tuy nhiên bọn chúng cũng thường rất thận trọng khi áp
dụng thủ đoạn này bởi Scopolamine có thể gây ra tình trạng hôn mê kéo
dài và các vấn đề nghiêm trọng về sức khỏe cho nạn nhân, thậm chí là tử
vong.
Trên trang web của mình, Bộ Ngoại giao Colombia cũng cảnh báo những
người có ý định “du lịch tới Colombia cần phải thận trọng với
Scopolamien, thường được gọi là Burundanga, một loại chất hoàn toàn tan
trong đồ uống hoặc được trộn trong thuốc lá hay thổi vào mặt” vốn được
sử dụng rất phổ biến trong các vụ cướp tài sản và bắt cóc tại các quán
rượu ở địa phương. Colombia cũng là một trong những quốc gia có tỉ lệ
tội phạm bắt cóc cao nhất thế giới.
--------------------------------------------
"Mùi của quỷ" khiến nạn nhân không còn khả năng suy nghĩ mà chỉ biết phục tùng mệnh lệnh của kẻ tấn công như một con rối. Mời độc giả đón đọc Mùi của quỷ nguy hiểm như thế nào? vào 19h00 thứ Hai (23/12/2013).
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét