Đảng bộ TP Hà Nội thực hiện Nghị quyết Trung ương 4
(khóa XI): Đề cao tinh thần tự giác sửa chữa, khắc phục khuyết điểm
Bài 2: Cầu thị, lắng nghe các ý kiến góp ý
20/09/2012, 06:17 (GMT+7)
Tin liên quan:
(HNM) - Quyết tâm thực hiện Nghị quyết TƯ
4 (khóa XI) "Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay" đã được lan tỏa
sâu rộng đến các tổ chức Đảng trong toàn Đảng bộ Thủ đô. Bước tiếp theo sau phổ
biến, học tập nghị quyết được Đảng bộ Thủ đô thực hiện có hiệu quả đó là lấy ý
kiến góp ý. Đây là điểm mới, được triển khai đồng bộ từ thành phố đến cơ sở, với
tinh thần cầu thị, lắng nghe và nghiêm túc tiếp thu các ý kiến góp ý để kiểm
điểm và đề ra biện pháp khắc phục.
Nhiều kênh thu nhận ý kiến góp ý Thực hiện hướng dẫn của TƯ, sáng tạo trong cách làm, Đảng bộ TP Hà Nội xác định đợt kiểm điểm tự phê bình và phê bình theo Nghị quyết TƯ 4 (khóa XI) không thể làm theo lối mòn cũ. Dù tự phê bình, phê bình là việc làm thường xuyên, nhưng mỗi cán bộ, đảng viên của Thủ đô phải nhận thức được yêu cầu, nội dung kiểm điểm lần này là những vấn đề cực kỳ hệ trọng. Không phải kiểm điểm sự lãnh đạo toàn diện các lĩnh vực phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh mà đi sâu kiểm điểm 3 vấn đề yếu kém nghị quyết đề cập, tập trung khắc phục cho bằng được. Do đây là đợt sinh hoạt chính trị đặc biệt quan trọng, rút kinh nghiệm những đợt tự phê bình và phê bình trước đây, BTV Thành ủy đã chỉ đạo hết sức nghiêm túc, chặt chẽ, khoa học với nhiều điểm mới, đặc biệt là về cách làm trong quá trình chuẩn bị để kiểm điểm, tự phê bình và phê bình. Nét mới là Thành ủy rất coi trọng việc tập hợp, lấy ý kiến và tiếp thu các ý kiến góp ý trước khi chuẩn bị báo cáo kiểm điểm và các bản tự kiểm điểm. BTV Thành ủy đã thực hiện đầy đủ, nghiêm túc, sáng tạo quy trình lấy ý kiến góp ý đối với tập thể và cá nhân đồng chí ủy viên BTV Thành ủy. Đối tượng lấy ý kiến có thể nói là rộng rãi nhất từ trước đến nay, bao gồm các cấp ủy và tổ chức Đảng trực thuộc Thành ủy, các đồng chí nguyên là lãnh đạo TP qua các thời kỳ, các chi bộ nơi công tác và nơi cư trú của ủy viên BTV Thành ủy; bao gồm cả ý kiến đương chức, nguyên chức, cả ý kiến cấp trên và cấp dưới, cả theo chiều dọc và theo chiều ngang. BTV Thành ủy đặc biệt coi trọng việc lấy ý kiến góp ý của các đồng chí nguyên là lãnh đạo TP. BTV Thành ủy đã tổ chức một hội nghị, mời các đồng chí nguyên là lãnh đạo TP đến để trực tiếp phổ biến mục đích, yêu cầu, phạm vi, nội dung, cách thức và thời gian tham gia góp ý kiến. Nội dung lấy ý kiến đóng góp bám sát vào 3 nội dung cấp bách đã nêu trong nghị quyết đối với tập thể, từng cá nhân. Để bảo đảm chặt chẽ, Thành ủy đã quy định rõ văn bản góp ý cho tập thể, cá nhân các đồng chí ủy viên BTV gửi trực tiếp cho đồng chí Phó Bí thư Thường trực Thành ủy và bộ phận tổng hợp. Trước đó, việc lấy ý kiến của các chi ủy nơi cư trú, chi ủy nơi công tác góp ý kiểm điểm cá nhân các đồng chí UVTV Thành ủy được tổ chức nghiêm túc. Kết quả cho thấy, tất cả đảng bộ trực thuộc, các sở, ban, ngành, đoàn thể TP đều góp ý cho tập thể, cá nhân các đồng chí ủy viên BTV Thành ủy với tinh thần, trách nhiệm cao, tâm huyết, sâu sắc, tập trung vào nội dung nghị quyết; những ưu, khuyết điểm, nhất là hạn chế, yếu kém. BTV Thành ủy đã nhận được hơn 842 lượt ý kiến góp ý từ 109 cơ quan, đơn vị, địa phương về những vấn đề còn hạn chế, nổi cộm cần tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo. 71 cán bộ TP đã nghỉ hưu đã góp 422 lượt ý kiến về ưu, khuyết điểm, những hạn chế, yếu kém cho tập thể và cá nhân các ủy viên BTV. Một kênh thông tin quan trọng nữa là tiếp thu các ý kiến góp ý của các bộ, ban, ngành TƯ, đặc biệt là yêu cầu kiểm điểm sâu mà Bộ Chính trị có văn bản yêu cầu. Những hạn chế, yếu kém của Thủ đô đã được chỉ rõ trong Nghị quyết số 11-NQ/TƯ của Bộ Chính trị (khóa XI) về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội giai đoạn 2011-2020. Bên cạnh những thành tựu đạt được trong 10 năm thực hiện Nghị quyết số 15-NQ/TƯ của Bộ Chính trị (khóa VIII) về nhiệm vụ, phương hướng phát triển Thủ đô Hà Nội trong thời kỳ 2001 -2010, thì hạn chế của Hà Nội là kinh tế phát triển chưa toàn diện; năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh nhìn chung còn thấp. Các nguồn lực về vốn, nhân lực và công nghệ trên địa bàn chưa được khai thác tốt. Sức lan tỏa của một "trung tâm kinh tế lớn", một "động lực kinh tế" trong vùng Đồng bằng sông Hồng và cả nước còn hạn chế. Công tác quy hoạch, xây dựng và quản lý đô thị còn nhiều hạn chế. Việc xây dựng và phê duyệt một số quy hoạch chung còn chậm; hệ thống hạ tầng đô thị và nông thôn còn lạc hậu và chưa đồng bộ. Nhiều vấn đề tồn tại trong quản lý quy hoạch, đất đai, trật tự xây dựng, xử lý úng ngập, ô nhiễm môi trường, ùn tắc giao thông, tăng dân số cơ học… chậm được khắc phục, gây nhiều bức xúc cho nhân dân. Công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị chuyển biến chưa đồng bộ. Vai trò hạt nhân lãnh đạo chính trị của một số tổ chức cơ sở Đảng, nhất là cấp xã, phường, doanh nghiệp còn thấp; thái độ, ý thức trách nhiệm của một bộ phận cán bộ, đảng viên chưa cao. Cải cách hành chính chưa đạt được yêu cầu đề ra. Trong kiểm điểm, Bộ Chính trị cũng lưu ý Hà Nội phải làm rõ những hạn chế trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo hai lĩnh vực. Đó là việc khắc phục tình trạng nhũng nhiễu, tiêu cực của một bộ phận cán bộ TP, đặc biệt là cán bộ trực tiếp giải quyết công việc liên quan đến tổ chức, cá nhân ở các sở, ngành, UBND các cấp gây nhiều bức xúc trong cán bộ và nhân dân; thứ hai là công tác quản lý quy hoạch, quản lý xây dựng, đất đai, đô thị, quản lý những tài sản, vốn đầu tư, dự án… còn lỏng lẻo, sơ hở, gây thất thoát; trước những khuyết điểm, yếu kém đó, trách nhiệm của cán bộ, nhất là người đứng đầu như thế nào? Những ý kiến góp ý đã được tổng hợp, tập hợp đầy đủ, khách quan, là căn cứ, cơ sở quan trọng để BTV Thành ủy giao Văn phòng Thành ủy chủ trì, phối hợp với các ban đảng Thành ủy xây dựng dự thảo báo cáo kiểm điểm tự phê bình và phê bình. Chuẩn bị kỹ lưỡng báo cáo kiểm điểm Tự phê bình và phê bình là quy luật, phương thức sinh hoạt quan trọng trong Đảng. Đảng ta giữ được thành quả vẻ vang, được nhân dân tín nhiệm, một trong những yếu tố quan trọng là toàn Đảng luôn tự soi xét hoạt động lãnh đạo của mình với đất nước, xã hội và nhân dân. Từng cấp ủy, từng cán bộ, đảng viên trên cương vị của mình cũng phải tự kiểm điểm thường xuyên. Tuy vậy, trên thực tế cũng có những lúc, những nơi, những người, cấp ủy chưa làm thường xuyên, hoặc làm không tốt, chưa kể một bộ phận làm sai trái. Từ đó nghị quyết nhận định, đánh giá có một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên bị suy thoái về tư tưởng, chính trị, phẩm chất đạo đức, lối sống. Lần này, Đảng ta đã dũng cảm chỉ ra điều đó, không giấu giếm khuyết điểm. Trước kia, trong quá trình lãnh đạo, Đảng cũng có những thiếu sót, khuyết điểm. Đồng chí Nguyễn Văn Cừ đã viết tác phẩm "Tự chỉ trích". Bác Hồ đã viết "Sửa đổi lối làm việc", "Nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân". Trong bản Di chúc, Bác Hồ đã viết: "Đảng ta là một Đảng cầm quyền. Mỗi đảng viên và cán bộ phải thật sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần kiệm liêm chính, chí công vô tư. Phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân". Thấm nhuần lời dạy của Bác Hồ và xuất phát từ đánh giá thực trạng tình hình đảng bộ, lắng nghe ý kiến, tâm tư, nguyện vọng của cán bộ, đảng viên và nhân dân, đặc biệt là bám sát 3 nội dung của nghị quyết, gợi ý kiểm điểm của Bộ Chính trị, góp ý của tập thể, cá nhân, ý kiến góp ý của các đồng chí lãnh đạo TP đã nghỉ hưu, BTV Thành ủy đã xây dựng báo cáo kiểm điểm làm rõ nguyên nhân, tìm ra biện pháp khắc phục cho được 3 yếu kém nghị quyết nêu. Báo cáo kiểm điểm của tập thể BTV Thành ủy được chuẩn bị công phu, nghiêm túc, với tinh thần cầu thị, tự phê bình cao, được tổ công tác của TƯ ghi nhận. Báo cáo đã đánh giá khách quan cả mặt ưu điểm, khuyết điểm, nhất là đi sâu làm rõ những hạn chế, khuyết điểm về công tác xây dựng Đảng, chỉ đúng nguyên nhân, đề ra biện pháp khắc phục, làm cơ sở cho việc kiểm điểm, tự phê bình và phê bình của cá nhân từng ủy viên BTV Thành ủy. Báo cáo kiểm điểm không sa vào mô tả công việc chuyên môn, nặng về kể lể thành tích, ưu điểm mà trọng tâm là nêu thiếu sót, khuyết điểm, nguyên nhân, trách nhiệm và phương hướng, biện pháp khắc phục. Báo cáo được xây dựng với tinh thần khách quan, nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đúng sự thật, không nể nang, né tránh, thể hiện quyết tâm làm nghiêm túc, gương mẫu, thiết thực, hiệu quả cho cấp dưới làm theo của BTV Thành ủy. Căn cứ vào trách nhiệm, quyền hạn của BTV Thành ủy, báo cáo kiểm điểm tập trung vào 3 nhóm nội dung của Nghị quyết TƯ 4: (1) Về đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống. (2) Về xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp. (3) Về giải quyết tốt mối quan hệ giữa đề cao vai trò, trách nhiệm cá nhân người đứng đầu với tập thể lãnh đạo cấp ủy, cơ quan, đơn vị, nhằm đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng, thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ, tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách. Quan điểm, thái độ đánh giá bình tĩnh, khách quan. Nói ưu điểm nhưng không chủ quan, thỏa mãn; nói khuyết điểm nhưng không bi quan, dao động. Trong từng nội dung, báo cáo tập trung làm rõ ưu, khuyết điểm, nhưng trong từng vấn đề cụ thể có liên hệ kiểm điểm để làm rõ trách nhiệm của tập thể và cá nhân. Thực hiện nghiêm túc lời căn dặn của Bác Hồ: "Một đảng mà giấu giếm khuyết điểm của mình là một đảng hỏng. Một đảng có gan thừa nhận khuyết điểm của mình, vạch rõ những cái đó, vì đâu mà có khuyết điểm đó, xét rõ hoàn cảnh sinh ra khuyết điểm đó, rồi tìm mọi cách để sửa chữa khuyết điểm đó. Như thế là một đảng tiến bộ, mạnh dạn, chắc chắn, chân chính...". |
Thứ Tư, 19 tháng 9, 2012
THÀNH ỦY HÀ NỘI VỚI NQ 4 TW
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét