Thứ Bảy, 29 tháng 9, 2012

KIỀU BÀO VỚI TỔ QUỐC

TPHCM:

Kiều bào ủng hộ bảo vệ chủ quyền biển đảo bằng mọi khả năng

(Dân trí) - Ngay khi thiếu tướng Nguyễn Thanh Tuấn - Cục trưởng Cục Tuyên huấn (Bộ Quốc phòng) kết thúc bài nói chuyện về quyết tâm bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, biển đảo của đất nước, gần 1.000 kiều bào đã vỗ tay nồng nhiệt ủng hộ.

Trong chiều 28/9, buổi bế mạc Hội nghị người Việt Nam ở nước ngoài lần 2 kết thúc trong cảm giác ấm nồng, thắm đượm tình nghĩa giữa bà con kiều bào với quê hương, đất nước. Khi nghe bài tham luận của thiếu tướng Nguyễn Thanh Tuấn cả khán phòng rộng lớn như hòa theo nhịp của bài nói chuyện. Các đại biểu lắng nghe về tình hình biển đảo, đường lối, chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước về việc bảo vệ chủ quyền. Mọi người đều vỡ òa niềm vui khi đường lối chính sách phù hợp với tâm nguyện của đông đảo kiều bào.
Thiếu tướng Nguyễn Thanh Tuấn cho biết, biển Đông là vùng biển rộng lớn, diện tích khoảng 3,5 triệu km2, có 10 nước và vùng lãnh thổ có liên quan trực tiếp. Lịch sử lâu dài đã khẳng định 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là của Việt Nam. Trên thực tế đã có xảy ra tranh chấp tại hai quần đảo này. Nhưng Việt Nam có đầy đủ cơ sở pháp lý vững chắc để khẳng định chủ quyền và vấn đề này nhất quán trước sau như một.
 
Thiếu tướng Nguyễn Thanh Tuấn phát biểu tại Hội nghị
Thiếu tướng Nguyễn Thanh Tuấn phát biểu tại Hội nghị
Quần đảo Hoàng Sa có 30 đảo lớn, đảo chìm và bãi ngầm. Năm 1954, Pháp rút khỏi VN để thực hiện Hiệp định Genève, quân đội ta từ miền Nam tập kết ra Bắc. Trong bối cảnh chúng ta chưa đủ khả năng để bảo vệ chủ quyền biển đảo, Trung Quốc đã lợi dụng cơ hội đánh chiếm cụm đảo phía đông của Hoàng Sa, trong đó có Phú Lâm là đảo lớn nhất, nơi Trung Quốc đang xây dựng thành trung tâm của cái gọi là “TP.Tam Sa” và xây sân bay có thể cất và hạ cánh cho Su 27, Su 30. Khi quân đội Mỹ rút khỏi Việt Nam để thực hiện Hiệp định Paris và được sự thỏa hiệp của Mỹ, Trung Quốc dùng vũ lực đánh chiếm toàn bộ cụm đảo phía tây quần đảo Hoàng Sa vào tháng 1.1974 rồi chiếm đóng trái phép từ đó đến nay.
Đối với quần đảo Trường Sa, Việt Nam là nước đầu tiên làm chủ, nhưng với một vùng biển rộng lớn, trong khi lực lượng hải quân nhỏ bé và điều kiện phát triển còn hạn chế trước đây, chúng ta chỉ đóng giữ ở một số đảo. Năm 1988, tiếp tục lợi dụng lúc chúng ta đang giúp nước bạn Campuchia thoát khỏi thảm họa diệt chủng Khmer Đỏ, Trung Quốc đã tiến hành cuộc tấn công chiếm 7 bãi đá ngầm của Việt Nam ở quần đảo Trường Sa.
Bà con kiều bào đọc các tài liệu về chủ quyền biển đảo
Bà con kiều bào đọc các tài liệu về chủ quyền biển đảo
Thiếu tướng Nguyễn Thanh Tuấn nhắc lại lịch sử hào hùng của dân tộc: “Trong chiến tranh, không phải vũ khí là yếu tố chiếm lĩnh. Kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, vũ khí của chúng ta lạc hậu hơn Pháp, hơn Mỹ rất nhiều nhưng chúng ta chiến thắng vì chúng ta có cách đánh, có nghệ thuật quân sự, có truyền thống yêu nước và giữ nước. Năm nay, ta tổ chức kỷ niệm 40 năm trận Điện Biên Phủ trên không - kỷ niệm sự kiện một nước nhỏ bé, nghèo nàn như Việt Nam lại có thể bắn rơi B52 của quân đội Hoa Kỳ. Tướng Nguyễn Chí Thanh từng viết: “Ta dám đánh Mỹ, biết đánh Mỹ và quyết thắng Mỹ. Nhờ dám đánh, biết đánh và quyết thắng mà cuối cùng chúng ta đã thắng. Bà con yên tâm, Đảng, Nhà nước, Chính phủ ta đã lường hết tất cả những tình huống có thể xảy ra và có biện pháp ứng phó từ đơn giản đến phức tạp nhất”.
Trong tình hình thực tế hiện nay, khi xảy ra tranh chấp biển đảo, Đảng và Nhà nước kiên quyết bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc bằng mọi khả năng, quyết không để mất một tấc đất nào của biển đảo.
Thiếu tướng Nguyễn Thanh Tuấn mong muốn bà con kiều bào có cách nhìn nhận đúng và tin tưởng vào quyết tâm của đất nước trong việc giữ vững toàn vẹn lãnh thổ, đặc biệt là sẽ không bao giờ nhân nhượng đối với vấn đề chủ quyền.
Bài nói chuyện của thiếu tướng Nguyễn Thanh Tuấn đã có nhiều khoảnh khắc lắng đọng như lay động tâm hồn của gần 1.000 kiều bào tiêu biểu từ 104 quốc gia và vùng lãnh thổ có mặt tại hội nghị. Nghe xong bài nói chuyện của thiếu tướng Nguyễn Thanh Tuấn, bà con ai cũng phấn khởi. Người này rủ người kia đóng góp chút gì cho Trường Sa. Với họ, Trường Sa luôn ở trong tim. Họ cùng xiết chặt tay nhau, cùng hành động vì một chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.
Chia sẽ về chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc, bà con kiều bào ta ai ai cũng nồng nhiệt hướng về biển Đông với một tình cảm sâu đậm. Nhiều đại biểu cũng tâm đắc khi biết được trong quá trình đàm phán, giải quyết các tranh chấp trên biển Đông, lãnh đạo Đảng và Nhà nước luôn giữ vững lập trường bảo vệ lợi ích quốc gia. Rất nhiều bà con việt kiều bày tỏ sự vui mừng, ủng hộ khi Quốc hội thông qua luật Biển Việt Nam. Bà con kiều bào mong có những thông tin rõ ràng hơn về tình hình biển Đông và chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước trong việc bảo vệ chủ quyền biển đảo.
 
Bà con kiều bào chụp ảnh với lãnh đạo Đảng và Nhà nước
Bà con kiều bào chụp ảnh với lãnh đạo Đảng và Nhà nước
“Từ xưa đến nay, tôi nghĩ Đảng luôn rất khôn khéo trong giải quyết mọi vấn đề. Nhưng vì không có thông tin ra ngoài nên người dân ở nước ngoài chưa hiểu rõ, khiến các thế lực xấu dễ dàng lợi dụng tung hỏa mù. Mong là mỗi khi có chính sách, đối sách quan trọng thì Đảng và Nhà nước sớm công bố cho dân chúng, kể cả đồng bào ở hải ngoại, biết để không có sự nghi ngờ hiểu lầm gì về vị thế vững chắc và vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam”, ông Lê Văn Ninh, kiều bào Mỹ sống ở Texas.
Nhà báo Etcetera Nguyễn, Tổng thư ký tờ Viet Weekly (Mỹ) tâm sự anh mong muốn nhà nước tổ chức nhiều chuyến đi hướng về biển đảo cho bà con kiều bào để bà con hiểu hơn về một phần chủ quyền thiêng liêng, không thể tách rời của tổ quốc. Tình cảm kiều bào dù đang ở bất cứ nơi đâu, làm bất cứ việc gì vẫn luôn nhớ trong tự hào mang trong mình dòng máu Việt. Họ đang làm tất cả sứ mệnh, trí tuệ, tâm huyết để vun đắp cho đất mẹ thiêng liêng.
Công Quang

Không có nhận xét nào: