Thứ Ba, 4 tháng 9, 2012

NÓI PHẢI ĐI ĐÔI VỚI LÀM

Hợp tác quốc phòng Việt Nam - Trung Quốc: Nói phải đi đôi với làm

Theo đại tá Lê Thế Mẫu (ảnh), nguyên Trưởng phòng Thông tin - Khoa học quân sự, Viện Chiến lược quân sự (Bộ Quốc phòng), hợp tác quốc phòng Việt Nam - Trung Quốc là cần thiết nhằm giảm nguy cơ xung đột do tranh chấp lãnh thổ, nhưng trước hết Trung Quốc cần gây dựng được lòng tin bằng việc "nói đi đôi với làm". 
>> Mỗi người Việt gánh 750 USD nợ
>>  Chuyến đi khó khăn của bà Clinton

Đối thoại chiến lược quốc phòng Việt - Trung (ĐTCLQPVT) lần 3 vừa diễn ra tại Hà Nội với cam kết giải quyết tranh chấp lãnh thổ trên biển Đông bằng biện pháp hòa bình, không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực. Theo ông, hoạt động này có ý nghĩa như thế nào?
Trước hết, cần nhận thấy rằng, ĐTCLQPVT xuất phát từ quan hệ vừa hợp tác vừa cạnh tranh giữa hai nước. Đó cũng là mối quan hệ mang tính chất phổ biến, biện chứng và lâu dài trong một thế giới đã có những thay đổi căn bản sau Chiến tranh lạnh, trong đó sự đối đầu về ý thức hệ đã nhường vị trí hàng đầu cho sự cạnh tranh về địa -chính trị. Trong bối cảnh ấy nổi lên nhu cầu của tất cả các nước là bảo vệ lợi ích quốc gia, coi đó là mục đích tối thượng trong một thế giới đang khu vực hóa và toàn cầu hóa mạnh mẽ đồng thời đan xen hai quá trình vừa hợp tác vừa cạnh tranh.

Do đó, ý nghĩa xuyên suốt các cuộc ĐTCLQPVT là để hai bên bày tỏ quan điểm về các vấn đề quốc tế và khu vực liên quan tới hai nước; quan điểm của các bên về những mâu thuẫn song phương cần giải quyết cũng như những lĩnh vực mà hai bên có thể hợp tác, nhằm thu hẹp bất đồng, tăng cường hợp tác và tìm kiếm những khả năng hợp tác mới trên cơ sở các tuyên bố và thỏa thuận cấp cao của hai nước.
Mục đích cuối cùng là nhằm giải quyết mọi tranh chấp thông qua đàm phán hòa bình, dựa trên cơ sở công pháp quốc tế, vì lợi ích của mỗi nước, vì an ninh và hòa bình trong khu vực và thế giới. Cả 3 lần đối thoại, Việt Nam luôn khẳng định quan điểm về chủ quyền mình đối với 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
Trung Quốc quyết định thành lập cái gọi là “TP.Tam Sa” và bố trí một lực lượng quân sự lớn tại đây là vi phạm chủ quyền của Việt Nam tại quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa
Theo ông, với xu hướng tình hình biển Đông diễn biến ngày càng phức tạp, hợp tác quốc phòng giữa VN và TQ thời gian tới sẽ cần và nên tiếp tục phát triển theo hướng nào?
Đúng như Thứ trưởng Nguyễn Chí Vịnh đã khẳng định, hợp tác quốc phòng giữa VN và TQ thời gian tới phải nhằm góp phần đạt được mục đích không để xung đột xảy ra do bất đồng và không để điểm nóng bùng phát từ mâu thuẫn. Theo hướng đó, hợp tác quốc phòng giữa VN và TQ cần hợp tác trên 4 hướng chủ yếu.
Một là, hai bên cần tiếp tục đối thoại để thông báo cho nhau quan điểm của các bên về chính sách quốc phòng, về tình hình an ninh chính trị trong khu vực và trên thế giới nhằm tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau.
Hai là, hai bên cần tiếp tục đối thoại để làm rõ cơ sở pháp lý về các yêu sách của mỗi bên về chủ quyền đối với các vùng tranh chấp trên biển Đông.
Ba là, tiếp tục tìm kiếm, thực hiện và tăng cường các nội dung hợp tác trong lĩnh vực quốc phòng như trao đổi các đoàn quốc phòng các cấp; giao lưu, hợp tác, phối hợp giữa hải quân, biên phòng và các quân khu giáp biên hai nước; cùng tiến hành tuần tra chung trên biển; chia sẻ kinh nghiệm trong việc tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên Hiệp Quốc.
Bốn là, đẩy mạnh hoạt động thông tin tuyên truyền nhằm để cho quân đội và nhân dân hai nước VN và TQ hiểu rõ mối quan hệ hợp tác thiết thực và cùng có lợi giữa quân đội và nhân dân hai nước. Cần thông tin công khai đầy đủ, chính xác và minh bạch trên các diễn đàn trong nước và trên thế giới để nhân dân hai nước và cộng đồng quốc tế hiểu rõ bản chất vấn đề biển Đông.

Như các lãnh đạo quốc phòng cấp cao của VN từng nói, quan hệ quốc phòng trước hết phải tạo ra sự tin cậy lẫn nhau giữa hai nước VN và TQ. Ông đánh giá như thế nào việc thúc đẩy sự tin cậy đó?
Theo tôi, trong quan hệ quốc phòng, phía TQ đã có những hành động và lời nói không góp phần tạo ra sự tin cậy và sự tin tưởng lẫn nhau với VN cũng như với các nước trong khu vực. Thể hiện rõ nhất là TQ quyết định bố trí một lực lượng quân sự lớn tại “Tam Sa” - một khu vực hành chính do TQ thành lập phi lý và phi pháp. Điều đáng nói là quyết định này do Quân ủy trung ương TQ đưa ra. Hoặc, thời gian qua, trong khi cả trên lời nói và việc làm, VN luôn tôn trọng, giữ gìn, phát huy và củng cố quan hệ láng giềng hữu nghị với TQ, kể cả khi mâu thuẫn giữa hai nước đứng trước nguy cơ bùng nổ xung đột, thì TQ đã không hành động như vậy.

"Nhìn chung trong nhiều lĩnh vực, cũng như trong lĩnh vực quốc phòng nói riêng, nhiều chuyên gia nghiên cứu về TQ trên thế giới đã khái quát lại một nhận định: Một đặc điểm trong cách ứng xử của TQ với các nước là nói một đường, làm một nẻo "
Trên các phương tiện thông tin đại chúng ở TQ gần như đã thổi bùng chiến dịch chiến tranh thông tin chống VN, với những luận điệu đại loại như “VN xâm chiếm lãnh thổ của TQ”, làm tổn hại quan hệ giữa hai nước. Sau những hành động ngang ngược của TQ trên biển Đông, nhiều chuyên gia nghiên cứu quốc tế nhận định, hình ảnh về một nước lớn TQ “có trách nhiệm” đang bị đổ vỡ.
Bộ trưởng Quốc phòng TQ Lương Quang Liệt cho biết quân đội nước này phát triển các loại vũ khí mới với mục đích chủ yếu là để bảo vệ chủ quyền. Tuy nhiên, việc TQ không ngừng gia tăng ngân sách quốc phòng (con số công bố năm 2011 là 91,5 tỉ USD, năm 2012 là 106,4 tỉ USD, con số thực tế được cho là cao hơn rất nhiều) đã gây bất an cho cộng đồng quốc tế. Ông đánh giá như thế nào về sự tương phản giữa những tuyên bố của TQ về cái gọi là “trỗi dậy hòa bình” với những động thái gia tăng sức mạnh quân sự này?
Nhìn chung trong nhiều lĩnh vực, cũng như trong lĩnh vực quốc phòng nói riêng, nhiều chuyên gia nghiên cứu về TQ trên thế giới đã khái quát lại một nhận định: Một đặc điểm trong cách ứng xử của TQ với các nước là “nói một đường, làm một nẻo”. Tuyên bố của TQ về sự “trỗi dậy hòa bình” là minh chứng rõ nhất về nhận định này.

Trước đây, sau khi TQ tuyên bố chủ trương “trỗi dậy hòa bình” liền bị dư luận đặt dấu hỏi nghi vấn về những gì ẩn giấu đằng sau sự “trỗi dậy” đó.
Ngay sau đó, TQ đổi cách nói “trỗi dậy hòa bình” thành “phát triển hòa bình”. Nhưng dù có thay đổi cách nói thì bản chất vẫn chỉ có một. Có một điều lạ: TQ là quốc gia duy nhất trên thế giới gắn chữ “hòa bình” vào đằng sau thuật ngữ “phát triển”.
Với cụm từ này, TQ muốn biện minh rằng họ phát triển “chỉ nhằm bảo vệ hòa bình trong khu vực và trên thế giới”. Nhưng sau khi chỉ vừa mới lên vị trí số 2 trong nền kinh tế thế giới và với khả năng quân sự có thể sánh vai “ngang ngửa” với Nga và Mỹ, TQ bắt đầu đưa ra các yêu sách và có các hành động tranh giành chủ quyền một cách phi lý và ngang ngược với các nước trong khu vực.
Cách đây 20 năm, dư luận Nga đã cảnh báo giới lãnh đạo ở Điện Kremlin về việc chuyển giao công nghệ chế tạo máy bay và tên lửa cho TQ bởi họ lo ngại trước tham vọng của TQ đối với vùng Viễn Đông thưa thớt người ở của nước Nga. Hiện nay, sau khi đã làm chủ được công nghệ quân sự do Nga chuyển giao, TQ bắt đầu “ra giá” với Nga trong các hợp đồng kinh tế và nhiều lĩnh vực khác, thậm chí đang cho người TQ di cư ồ ạt sang khu vực Viễn Đông của Nga. Hóa ra, sự “phát triển hòa bình” của TQ chẳng thể hiện tính chất hòa bình như thế giới vẫn mong đợi ở một nước lớn như TQ.
Nguyên Phong (thực hiện)

Không có nhận xét nào: