Chủ Nhật, 9 tháng 9, 2012


Tham vọng của ông Putin tại châu Á – Thái Bình Dương

Tổng thống Nga Vladimir Putin trong cuộc họp báo sau khi hội nghị APEC tại Vladivostok kết thúc ngày 09/09/2012.
Tổng thống Nga Vladimir Putin trong cuộc họp báo sau khi hội nghị APEC tại Vladivostok kết thúc ngày 09/09/2012.
REUTERS/Ria Novosti/Mikhail Klimentyev/Pool

Thụy My
Khi tổ chức hội nghị thượng đỉnh APEC tại Vladivostok, nước Nga đã bày tỏ tham vọng ở khu vực Thái Bình Dương cũng như mong muốn trở thành cầu nối giữa châu Âu và châu Á. Tuy nhiên theo các nhà phân tích, Nga sẽ phải đối diện với những thử thách như sự hiện diện của Hoa Kỳ và Trung Quốc trong khu vực.

Nước Nga « thực chất là thuộc khu vực châu Á – Thái Bình Dương ». Tổng thống Vladimir Putin đã tuyên bố như trên trong hội nghị thượng đỉnh quy tụ các nhà lãnh đạo Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á – Thái Bình Dương (APEC), tổ chức lần đầu tiên tại Nga, ở Vladivostok thuộc vùng Viễn Đông.
Theo các nhà phân tích, thì đây không phải là một sự chọn lựa vô tình. Chuyên gia Dimitri Trenine, thuộc trung tâm Carnegie ở Matxcơva nhấn mạnh, tổ chức hội nghị thượng đỉnh ở Vladivostok, thành phố quân sự khép kín trước đây, mang tính biểu tượng rất cao. Một trong những lý do là như thế « buộc nước Nga tự xem mình là một cường quốc khu vực châu Á – Thái Bình Dương ».
Tại Vladivostok, chặng cuối huyền thoại của đoạn đường Xuyên Siberia, một chiếc tàu ngầm S-56 nằm hùng dũng trước biển, được bao phủ bằng những ngôi sao đỏ xô-viết, biểu tượng của Liên Xô hùng mạnh trước đây.
Ông Trenine cho biết, Liên Xô từng « có năng lực quân sự khổng lồ » « ảnh hưởng chính trị tại nhiều quốc gia châu Á ». Tuy nhiên khả năng của Liên Xô đã giảm dần cũng với hồi cuối của cuộc chiến tranh lạnh, trong khi ngược lại Trung Quốc và Ấn Độ lại nổi lên. Theo chuyên gia này, thì « Sự thăng bằng giữa các cường quốc về chính trị và kinh tế đã thay đổi, và Nga trở thành một đất nước đứng bên lề. Nhiều nước châu Á không nghĩ về Nga như là một quốc gia châu Á ».
Trung Quốc – Mối đe dọa
Nhưng nay dường như Nga muốn sửa đổi tình trạng này. Matxcơva lớn tiếng khẳng định chủ quyền ở các đảo cực Nam quần đảo Kouriles, tiếng Nhật gọi là Chishima theo một sắc dân ở Bắc Nhật Bản. Đến nay Tokyo vẫn đòi chủ quyền trên các đảo đã bị sáp nhập vào Nga sau Đệ nhị Thế chiến.
Tuy vậy Nga phải tính đến ảnh hưởng to lớn của Hoa Kỳ và Trung Quốc trong khu vực. Bắc Kinh không ngừng củng cố sự hiện diện tại châu Á – Thái Bình Dương, và năm ngoái đã cho chạy thử chiếc hàng không mẫu hạm đầu tiên. Còn Washington thì đã ký hợp đồng với Canberra về việc đóng quân tại Bắc Úc.
Olga Oliker, nhà phân tích của Rand Corporation nhận đinh: “Có những người ở Nga xem Trung Quốc là mối đe dọa trong tương lai”, cho dù đến nay quan hệ hai nước vẫn tốt đẹp. Theo bà, nếu Nga tìm ra phương cách trở thành một nhân tố nổi bật hơn tại châu Á, thì có thể cần phải xác định các lợi ích của chính mình và theo đuổi chúng, chứ không luôn thích ứng theo nhu cầu của Trung Quốc. Nhà nghiên cứu nhấn mạnh, Hoa Kỳ và Nga cũng có thể thấy rằng hai nước « có những mục tiêu chung trong một số lãnh vực ».
Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton tham dự hội nghị thượng đỉnh APEC cũng tuyên bố Washington thấy « không có vấn đề gì trước ý tưởng nước Nga đóng một vai trò trách nhiệm tại châu Á ».
Tuy nhiên một thành viên phái đoàn Mỹ đã nhắc nhở rằng năm 1986, lãnh tụ cuối cùng của Liên Xô cũ là Mikhail Gorbachev trong một bài diễn văn cũng đã nhấn mạnh việc Nga muốn đóng một vai trò quan trọng hơn trong khu vực, nhưng cho đến nay vẫn chưa thủ vai tích cực.
Còn Richard Bitzinger, trường nghiên cứu quốc tế S.Rajaratnam ở Singapore cho rằng, trong lịch sử Nga thường ít coi trọng vùng Viễn Đông, và những cam kết của Nga tại khu vực này sẽ không kéo dài. Ông kết luận : « Nước Nga về lịch sử thường nghiêng qua ngả lại, khi thiên về Âu, khi lại ngả sang Á (…) Nói chung, khi nào thất vọng về khu vực này thì Nga lại có khuynh hướng nhấn sang khu vực kia. Có thể chúng ta đang nhìn thấy điều này trong hiện tại ».
tags: APEC - Châu Á - Chính trị - Hoa Kỳ - Nga - Quốc tế - Trung Quốc

Không có nhận xét nào: