Thứ Tư, 19 tháng 9, 2012

ÁN THAM NHŨNG XỬ DƯỚI KHUNG...

Thứ Tư, 19/09/2012, 18:02 (GMT+7)
Nhiều án tham nhũng xử dưới khung hình phạt
TTO - Đó là đánh giá của Ủy ban Tư pháp khi tổng Thanh tra Chính phủ trình bày báo cáo về công tác phòng chống tham nhũng năm 2012 tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội chiều 19-9.
Tổng thanh tra Huỳnh Phong Tranh (bên trái) trong một phiên trả lời chất vấn Quốc hội - Ảnh: VIỆT DŨNG
Sai phạm gần 6.500 tỉ, thu hồi 141 tỉ
Báo cáo do Tổng Thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh trình bày cho biết: năm qua, lực lượng cảnh sát điều tra tội phạm của công an đã thụ lý 551 vụ án, 1.277 bị can phạm tội về tham nhũng. Trong đó khởi tố mới 222 vụ, 469 bị can (so với cùng kỳ năm trước tăng 80 vụ và 224 bị can). Đã kết luận điều tra 197 vụ, 521 bị can. Hiện đang điều tra 137 vụ, 295 bị can.
Tòa án các cấp đã xét xử sơ thẩm 167 vụ, 338 bị cáo về các tội danh tham nhũng, trong đó tỉ lệ tội phạm nghiêm trọng, rất nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng chiếm 44,1%.
Qua hơn 6.000 cuộc thanh tra đã phát hiện sai phạm, kiến nghị thu hồi về ngân sách nhà nước 6.482 tỉ đồng, 1.291ha đất (đã thu hồi được 141 tỉ đồng); xuất toán, loại khỏi giá trị quyết toán do chưa thực hiện đúng quy định và đề nghị cấp có thẩm quyền xem xét xử lý 31.207 tỉ đồng.
Kiến nghị xử lý kỷ luật hành chính đối với 425 tập thể, 697 cá nhân; chuyển cơ quan điều tra xử lý hình sự 27 vụ, 35 người. Trong số sai phạm phát hiện được nêu trên có 49 vụ, 67 người có hành vi liên quan đến tham nhũng với giá trị tài sản là 132,7 tỉ đồng.
Thẩm tra báo cáo của Chính phủ, Ủy ban Tư pháp nhận xét: “Nhiều vụ án tham nhũng được xét xử dưới khung hình phạt, cho hưởng án treo, cải tạo không giam giữ, phạt tiền, phạt cảnh cáo chiếm tỉ lệ cao”.
“Các ông đòi ăn nên dân mới phải đút”
Nhiều ý kiến của Ủy ban Tư pháp đề nghị cần phải có cơ chế xử lý trách nhiệm đối với cơ quan thanh tra, kiểm toán trong quá trình thanh tra, kiểm toán không phát hiện được hành vi tham nhũng nhưng sau đó các cơ quan khác lại phát hiện và xử lý được nhiều hành vi tham nhũng.
Trong khi báo cáo của Chính phủ nhận định rằng không ít người dân, doanh nghiệp sẵn sàng hối lộ để được việc thì Ủy ban Tư pháp nhận định “nhận thức của nhân dân về công tác phòng chống tham nhũng được nâng lên phần lớn phụ thuộc vào việc tăng cường phát hiện và xử lý nghiêm minh các vụ án tham nhũng chứ không phải là do các hình thức tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật đang tiến hành mang lại”.
“Không nên nhận định người dân tiếp tay cho tham nhũng, sẵn sàng bôi trơn. Chỉ vì các ông tham nhũng buộc người dân đưa hối lộ thì người dân mới đưa cho ông ăn. Dân không bao giờ bỏ tiền nhà đi đút lót, vì các ông đòi ăn nên dân mới phải đút lót” - Phó chủ tịch Quốc hội Huỳnh Ngọc Sơn lên tiếng.

LÊ KIÊN

Không có nhận xét nào: