Thứ Bảy, 1 tháng 9, 2012

TÌM TRONG KÝ ỨC

Ký ức về nhà ngoại giao Xuân Thủy ở Hội nghị Paris

"Sau mỗi cuộc họp tại Hội nghị Paris, đồng chí Xuân Thủy đến bắt tay tôi và có lúc còn đưa cho tôi mấy câu thơ vừa sáng tác trong lúc họp. Trước một công việc căng thẳng như vậy mà đồng chí còn nghĩ đến thơ, thật là lạ", nguyên Phó chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình nhớ lại.

Chia sẻ những ký ức về "người anh lớn" Xuân Thủy, nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình nhớ lại, với những người từng làm công tác đối ngoại như bà, Xuân Thủy là bậc thầy ở lĩnh vực này. Nhớ lại thời điểm vừa từ miền Nam ra, làm thư ký cho bà Nguyễn Thị Thập, phải viết nhiều bài phát biểu, dự thảo nhiều công văn đưa lên cho đồng chí Trường Chinh, bà Bình thường phải nhờ ông Xuân Thủy hướng dẫn từng li từng tý. "Đồng chí động viên tôi: viết mà không sửa đến lần thứ 7 thì còn ít và chưa thể hay", bà kể.
Nhắc đến các cuộc họp "ngày thứ Năm" (tại trung tâm Kleber, nơi diễn ra cuộc đàm phán công khai giữa 4 đoàn ở Hội nghị Paris), bà Bình cho hay, trong lúc đoàn Mỹ luôn luôn tránh né sự có mặt của đoàn Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam, thì đoàn Việt Nam Dân chủ Cộng hòa lại ra sức đề cao đại diện của nhân dân miền Nam. Sau hơn 40 năm, đến nay, bà Bình vẫn "còn như nghe rõ giọng nói đồng chí Xuân Thủy" luôn ủng hộ phát biểu của bà tại các cuộc họp.
"Thường sau mỗi cuộc họp, đồng chí Xuân Thủy đến bắt tay tôi, và có lúc còn đưa cho tôi mấy câu thơ vừa sáng tác trong quá trình họp. Trước một công việc căng thẳng như vậy mà đồng chí còn nghĩ đến thơ, thật là lạ!", bà Bình nhớ lại với vẻ thích thú.
Trưởng đoàn Xuân Thủy (đứng giữa) trả lời phỏng vấn báo chí bên lề Hội nghị Paris về Việt Nam.
Trưởng đoàn Xuân Thủy (đứng giữa) trả lời phỏng vấn báo chí bên lề Hội nghị Paris về Việt Nam. Ảnh tư liệu.
Không chỉ có phong thái ung dung, trí tuệ trên bàn đàm phán, theo bà Bình, Trưởng đoàn Xuân Thủy còn khéo léo tranh thủ hai người bạn Liên Xô và Trung Quốc (lúc đó đang có mâu thuẫn với nhau). Trước và sau những diễn biến quan trọng của cuộc đàm phán, ông đều thông báo tình hình cho các bạn, nghe ý kiến các bạn nhưng vẫn giữ vững tính độc lập tự chủ của mình.
Vẻ đẹp nhân cách ở ông Xuân Thủy còn thể hiện ở sự quan tâm đối với tình hình gia đình của những người xung quanh. "Ở Paris về nước, đồng chí đến thăm các con nhỏ của tôi và khi quay trở lại Pháp, đồng chí cho biết tình hình của các cháu để tôi được yên tâm", bà bồi hồi nhớ lại.
Theo bà, con người và sự nghiệp của cố Bộ trưởng Xuân Thủy để lại nhiều bài học quý giá, đặc biệt đối với anh em làm công tác đối ngoại. "Không chỉ phải học tập cách làm đầy trách nhiệm, có trí tuệ của đồng chí mà cả đạo đức, lối sống giản dị của đồng chí, luôn luôn nghĩ đến cái chung, đến lợi ích của đất nước, nhân dân", bà nói.
Nhớ về "nụ cười chiến thắng" của Trưởng đoàn Xuân Thủy khi kết thúc cuộc đàm phán 5 năm tại Paris, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh cho rằng, đây là cuộc đàm phán dài nhất để chấm dứt một cuộc chiến tranh trong thế kỷ 20. "Cuộc đàm phán là tâm điểm đối chọi giữa nền ngoại giao nhà nghề của một siêu cường với nền ngoại giao của một nhà nước cách mạng còn non trẻ. Thắng lợi của đàm phán Paris và Hiệp định Paris ghi đậm dấu ấn Xuân Thủy", Bộ trưởng Minh khẳng định.
Theo vị Bộ trưởng, trên mặt trận ngoại giao cam go và hào hùng đó, ông Xuân Thủy trong cương vị Trưởng đoàn của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa trong suốt quá trình đàm phán luôn bám sát chỉ đạo của Bộ Chính trị, kiên định về nguyên tắc chiến lược, đồng thời linh hoạt, khéo léo về sách lược. Đặc biệt, ông đã vận dụng sáng tạo sách lược “tuy hai mà một, tuy một mà hai”, phối hợp chặt chẽ giữa hai miền Bắc - Nam trong quá trình đàm phán hướng tới mục tiêu chung là độc lập dân tộc và thống nhất đất nước.
"Suốt quá trình đàm phán “marathon” tại Paris, trong khi Mỹ đã phải 4 lần thay đổi Trưởng đoàn, đồng chí Xuân Thủy được tín nhiệm trao trọng trách Trưởng đoàn từ đầu đến cuối. Những năm tháng đàm phán tại Paris càng làm toát lên trí tuệ và nhân cách Xuân Thủy trong cuộc đấu trí đầy cam go với đối phương", Bộ trưởng Phạm Bình Minh nói.
Đối với ông Trịnh Ngọc Thái, thời gian mà ông có điều kiện gần gũi nhất với ông Xuân Thủy cũng chính là cuộc đàm phán kéo dài tới 5 năm tại Hội nghị Paris (từ 15/3/1968 đến 27/1/1973). Là thành viên đoàn đại biểu Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tại Hội nghị và là Thư ký riêng của Trưởng đoàn Xuân Thủy, ông Thái cho biết, khi ấy, Chủ tịch Hồ Chí Minh là người đã chỉ định ông Xuân Thủy làm Trưởng đoàn đàm phán và ông Lê Đức Thọ là cố vấn đặc biệt.
Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam Dân chủ Cộng hòa Nguyễn Duy Trinh ký Hiệp định Paris về Việt Nam, ngày 27 tháng Giêng 1973. Ảnh tư liệu.
Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam Dân chủ Cộng hòa Nguyễn Duy Trinh ký Hiệp định Paris về Việt Nam, ngày 27/1/1973. Ông Xuân Thủy ngồi ngoài cùng bên trái. Ảnh tư liệu.
Nổi tiếng với tài ngoại giao khéo léo, với mỗi đối tượng Trưởng đoàn Xuân Thủy lại có một cách nói chuyện phù hợp và phương cách giao tiếp riêng. Trong suốt thời gian sống tại Paris, ông luôn dành được tình cảm, sự quý mến của bạn bè, kiều bào, nhiều người Pháp và các lãnh đạo của Đảng Cộng sản Pháp.
Một ấn tượng khác về ông Xuân Thủy mà theo ông Thái là sự điềm tĩnh đến kỳ lạ. Trong những ngày tháng khó khăn của Hội nghị Paris, ông Thủy luôn giữ được thái độ bình tĩnh, dù ban ngày căng thẳng với các cuộc họp, nhưng buổi tối ông vẫn dành thời gian chơi cờ với anh em trong đoàn. Đặc biệt, ông Thái nhớ lại hồi ấy, mọi người đều được hưởng một khoản trợ cấp rất ít ỏi, trong khi anh em trong Đoàn dành dụm để mua vật dụng sinh hoạt về cho gia đình thì ông lại chỉ dành tiền để mua cravat. Có lẽ, sở thích này của ông xuất phát từ việc coi trọng người giao tiếp với mình cũng chính là việc coi trọng tác phong lịch thiệp trong ngoại giao.
Tuy nhiên, điều khiến ông Trịnh Ngọc Thái nể phục nhất ở vị Trưởng đoàn của mình là nghị lực và tinh thần đấu tranh với bệnh tật. Ông Xuân Thủy bị hen rất nặng, mỗi khi lên cơn hen ông rất khổ sở, nhưng tới cuộc họp, mặt ông lại tươi tỉnh như không hề có chuyện gì xảy ra và cũng không ai biết ông vừa bị căn bệnh đó hành hạ.
Xuân Thủy, tên thật là Nguyễn Trọng Nhâm, sinh ngày 2/9/1912. Ông là một nhà báo, nhà thơ, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao, Trưởng đoàn đàm phán của Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tại Hội nghị Paris. Ông còn liên tục là Đại biểu Quốc hội từ khóa 1 (1946) đến khóa 8 và từng giữ chức Phó Chủ tịch Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, Phó Chủ tịch Quốc hội. Ông còn là Phó Chủ tịch Hội đồng Nhà nước kiêm Tổng Thư ký năm 1981-1982...
Với những đóng góp của mình ông được trao tặng Huân chương Sao vàng, Huân chương Hồ Chí Minh, Huân chương Độc lập Hạng nhất, Huân chương Kháng chiến Hạng nhất... Ông mất ngày 18/6/1985.


Nguyễn Hưng

Không có nhận xét nào: