Thứ Hai, 17/09/2012 - 09:53
Nắm được tài sản tăng bất thường mới “bắt” được tham nhũng
(Dân trí) - “Nguyên nhân khiến tham nhũng nghiêm trọng là do cơ chế phòng ngừa như kê khai tài sản chưa tốt. Làm được việc này mới kiểm soát được việc tăng tài sản bất thường của cán bộ, mới “bắt” được tham nhũng” - Tổng Thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh phân tích.
Tham gia chương trình “Dân hỏi -
Bộ trưởng trả lời” trên truyền hình hôm qua, Tổng Thanh tra Chính phủ
Huỳnh Phong Tranh xác nhận, những năm qua, phòng chống tham nhũng luôn
là nhiệm vụ được đảng, nhà nước và toàn xã hội đặt lên hàng đầu, nhưng
thực tế cơ quan chức năng vẫn chưa phát hiện, xử lý được nhiều vụ việc,
chưa đẩy lùi được tham nhũng.
Tổng Thanh tra thông tin, bước vào năm 2012, đảng, nhà
nước và toàn dân đã nỗ lực rất nhiều, triển khai nhiều biện pháp để đẩy
lùi nạn tham nhũng, từ việc kê khai minh bạch tài sản đến xử lý trách
nhiệm người đứng đầu đơn vị để xảy ra tham nhũng. Những giải pháp “mạnh
tay” đó đã đem lại kết quả bước đầu. Tiêu cực, tham nhũng trong một số
lĩnh vực đã được hạn chế. Năm 2012, CQĐT đã thụ lý 327 vụ việc với 822
bị can liên quan đến tham nhũng, tăng 80 vụ và hơn 200 bị can so với
cùng kỳ 2011.
Tổng Thanh tra Chính phủ trong chương trình truyền hình phát sóng tối qua.
Ông Tranh khẳng định, quyết tâm chính trị lớn, các biện pháp xử lý
tham nhũng của các cấp các ngành đã đề ra một cách toàn diện, toàn dân
tập trung cao.
Người đứng đầu ngành thanh tra nhà nước nhận định, quá trình đấu
tranh với vấn nạn này nổi lên nhiều khó khăn, hạn chế. Tổng Thanh tra
chỉ ra nguyên nhân cốt yếu khiến tham nhũng nghiêm trọng chính là vấn đề
thể chế, cơ chế phòng ngừa tham nhũng như quy định kê khai minh bạch
tài sản của cán bộ, hàng năm công khai tại nơi làm việc và cư trú vẫn
thực hiện chưa tốt.
“Làm được việc này mới quản lý được việc tăng tài sản bất thường của
người có chức vụ quyền hạn, mới bắt được tham nhũng” - Tổng thanh tra
Huỳnh Phong Tranh phân tích.
Ngoài ra, quy định luân chuyển cán bộ, chuyển đổi vị trí công tác, xử
lý trách nhiệm người đứng đầu hay công khai việc mua sắm tài sản lớn
của cơ quan nhà nước vừa qua có triển khai nhưng thực hiện chưa có hiệu
quả.
Ông Tranh nhấn mạnh vào giải pháp đề cao vai trò trách nhiệm người
đứng đầu khi để xảy ra tham nhũng; tích cực đề ra những cơ chế chính
sách gắn với thủ tục hành chính để làm sao công khai minh bạch, loại bỏ
những thủ tục phiền hà khiến người dân phải đi lại nhiều lần, cầu cạnh
khó khăn. Đó là nguồn gốc nảy sinh nhũng nhiễu, tham nhũng.
Về thể chế, Tổng Thanh tra Chính phủ cho biết, hướng sửa luật Phòng
chống tham nhũng tới đây sẽ mở rộng đối tượng kê khai tài sản cũng như
các quy định về việc công khai bản kê khai tài sản của cán bộ cấp cao.
Đối với lĩnh vực giải quyết khiếu nại tố cáo, Tổng Thanh tra Chính
phủ cho biết, năm 2012, nhiệm vụ này cũng được tập trung cao để giải
quyết. Từ đầu năm đến nay, ngành đã giải quyết trên 50.000/ 70.000 đơn
thư khiếu nại, đạt trên 84%. Sau khi rà soát những vụ việc tồn đọng kéo
dài trên phạm vi cả nước, đến cuối 2011 còn 528 vụ việc, Thanh tra Chính
phủ đã lập 9 tổ công tác, các bộ ngành đã thành lập 11 tổ công tác, đã
giải quyết dứt điểm được được hơn 70% số đầu vụ.
Đánh giá đây là một kết quả tốt, nhiều vụ việc khiếu nại đông người,
vượt cấp, lâu ngày đã được giải quyết một cách đến nơi đến chốn nhưng
ông Tranh cũng xác nhận nhiều hạn chế. Người dân vẫn tụ tập khiếu nại tố
cáo nhiều, khiếu kiện kéo dài, vượt cấp.
Ông Tranh nhấn mạnh lĩnh vực đất đai - lĩnh vực chiếm đến 70% khiếu
nại cả nước, chính sách pháp luật ban hành chưa kịp thời và sửa đổi chưa
phù hợp. Vướng mắc nhiều nhất là việc việc đền bù, thu hồi đất, giải
phóng mặt bằng, các quy định hướng dẫn luôn thay đổi nên nhiều người
dân bị thu hồi đất, quyền lợi chưa được đảm bảo, ảnh hưởng đến cuộc
sống, sinh hoạt, dẫn đến khiếu kiện.
Ngoài ra, Tổng Thanh tra xác nhận, một số địa phương thực hiện công
tác giải quyết khiếu nại chưa tốt. Vẫn còn hiện tượng đùn đẩy, kéo dài,
giải quyết chưa tốt, làm người dân phải đi lại nhiều lần mà không được
giải quyết.
Ông Tranh nêu giải pháp, tới đây các phòng tiếp dân ở mỗi cơ quan
chức, đơn vị phải gắn được việc tiếp dân với việc đối thoại, hướng dẫn
để sao người dân nắm được cách đi, hướng đi giải quyết khiếu nại cho
hiệu quả. Ngoài ra, để thực hiện các vụ việc giải quyết khiếu nại đã có
hiệu lực pháp luật, đặc biệt những vụ nghiêm trọng Thủ tướng có ý kiến
cần triệt để thi hành.
P.Thảo
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét