Nước mắt nhiều hơn nước lũ
- Cơn lũ dữ đi qua để lại lớp bùn đất bạc phếch, rác rưởi và những giọt nước mắt khóc cho những thứ chắt bóp cả đời bỗng dưng trôi ngay trước mắt của người dân. Nước lũ to, nhưng nước mắt của người miền Trung cũng trôi nhiều không kém.CHUNG TAY ỦNG HỘ ĐỒNG BÀO LŨ LỤT:
Hãy đồng hành cùng miền Trung thân yêu
Các doanh nghiệp, các tổ chức và mỗi người dân đất Việt hãy cùng đồng hành với miền Trung thân yêu.
|
Trở lại xã Sơn Kim 2 (huyện Hương Sơn) sau cơn lũ quét sáng 16/10, cảnh tượng
tan hoang, xác xơ, người dân nơi đây vẫn chưa hết bàng hoàng khi nhiều người và
tài sản bị cuốn theo dòng nước chảy xiết.
Chị Lan bỗng chốc trắng tay, do lũ cuốn trôi nhà cửa và tất cả tài sản. (Ảnh: Trần Văn). |
Không bị mất mát về người, nhưng chị Nguyễn Thị Lan (31 tuổi, thôn Làng Chè,
xã Sơn Kim 2) đang khóc khi ngôi nhà gỗ 3 gian và 2 gian nhà bếp mà vợ chồng chị
dành dụm xây cất được, bỗng chốc chỉ còn lại nền đất trơ trọi.
Chị Lan ứa nước mắt kể, khoảng 7h30 sáng 16/10, mưa lớn, nước sông bắt đầu
dâng nhanh, vợ chồng chị vội vã dậy đi gửi 3 đứa con dại ở nơi cao hơn rồi tính
quay về cất dọn tài sản. Nhưng khi trở lại thì nhà đã bị nước ngập gần đến nóc.
"Nước chảy xiết, nhà ngập mỗi lúc một sâu, rồi bỗng dưng đổ oạp xuống
nước, trôi đi luôn. Vợ chồng tui bất lực đứng nhìn rồi ôm nhau than khóc, mà
không vớt vát được tý gì" - chị Lan xót xa kể lại.
Gia đình ông bà Phạm Khắc Khánh cùng đứa cháu đang đứng trên nền đất không còn nhà... |
Vừa nhặt nhạnh những gì còn sót lại, chị Lan mếu máo: "Lũ quét nhanh quá,
chẳng còn gì nữa. Vợ chồng con cái phải dắt díu nhau đi ở nhờ hàng xóm".
Cơn lũ quét 36 năm mới có một lần tại thôn Kim Quang (Hương Quang, huyện Vũ
Quang) cũng đã cuốn phăng nhiều nhà cửa của dân nghèo. Cây cầu nối băng qua sông
cũng đã bị lũ cuốn trôi mố cầu, chia cắt hàng chục hộ dân với phía ngoài.
Chiều 17/10, PV. VietNamNet đã có mặt tại hộ ông Phạm Khắc Khánh (53 tuổi),
một trong nhiều hộ dân bị lũ quét cuốn trôi nhà.
...và phải trú ngụ tạm trong túp lều bé tin hin. Họ đã đói và lạnh. (Ảnh: Duy Tuấn). |
Là người có hàng chục năm kinh nghiệm trên sông nước nhưng đối với ông Khánh,
hình ảnh trận lũ quét sáng ngày 16/10 khiến ông vẫn chưa hết ám ảnh.
Ông cho biết, lúc 4h30 sáng, ông cùng vợ và đứa cháu ngoại 10 tuổi đang ngủ
thì nghe tiếng nước đổ về như thác. Nhìn ra mới thấy nước mấp mé sân. Do ông ở
độ cao cách mặt nước 15m nên ông chủ quan, di chuyển đồ đạc tài sản lên gác xép
làm bằng tre.
"Vừa di chuyển được hai lần, nhìn xuồng nền nhà thì thấy nước đã dâng cao
1m. Tôi cố kéo cho được chiếc xe máy Tàu - tài sản lớn nhất của gia đình lên chỗ
cao.
Vừa đưa được xe lên, quay lại nhìn thì thấy căn nhà nghiêng dần rồi trôi
theo dòng nước chảy xiết", ông buồn rầu kể.
Lũ quét về nhanh và xuống cũng rất nhanh. Nước rút, căn nhà gỗ ông bà dành
dụm làm được, nay chỉ còn bãi đất đen.
Giờ ông bà và đứa cháu đang trú tạm trong căn lều bạt đủ đặt chiếc giường.
Tài sản trôi sạch, chỉ còn vài chiếc nồi và ít măng khô ông bà dành cho người
cháu ăn đỡ đói.
Vợ ông, bà Dương Thị Xay khóc lóc nói: Giờ mất sạch rồi, lương thực, quần áo
không còn. Cả ngày hôm qua không có gì ăn, xin được mấy gói mỳ thì để dành cho
cháu. Đói và rét lắm.
Mới sửa lại nhà sau bão, nay lũ cuốn mất
Tại Quảng Bình, người dân vùng lũ cũng đang rơi vào thảm cảnh. Mưa tạnh,
nước lũ đã rút gần hết nhưng những gì để lại không khỏi làm người
dân huyện Tuyên Hóa rơi nước mắt.
Nhà vừa bị tốc mái trong cơn bão vừa qua, mới sửa sang lại chưa
được bao lâu thì lũ ập tới, thấy trời mưa to nên chị Nguyễn Thị Huyền
ở thôn 4, xã Bắc Sơn - Tuyên Hóa đưa con trai hai tuổi sang nhà bà nội
chơi.
Căn nhà chị Huyền mới lợp lại sau bão nay bị lũ cuốn, chỉ vớt lại được bộ khung trơ trọi. Ảnh: Hải Sâm. |
"Khoảng 6h tối tôi đưa con về thì thấy nước lũ đột ngột dâng cao,
nhà lại ở giữa vùng nước xoáy nên bị lũ cuốn trôi mất. Chứng kiến
cảnh dòng nước đục ngầu cuốn theo căn nhà mà không làm gì được, tôi
chỉ biết đứng khóc. Tài sản cũng không còn gì nữa" - chị Huyền nói
trong nước mắt.
Khi nước đang xuống, xã đã cử mấy anh em cùng nhau xuống kéo lại
gần cái nền nhà cũ cho chị. Căn nhà mới ở được 2 năm, nay chỉ còn trơ
mỗi cái khung, đồ đạc trôi hết, chỉ sót lại cái màn và mấy tấm
thanh giường.
"Giờ tôi phải ở tạm nhà hàng xóm, đến bộ áo quần đang mặc
trong người cũng phải mượn. Lúa, ngô, lợn, gà cũng theo nước đi hết
rồi cô ơi, không biết lúc nào tôi mới lại có nhà", càng nói chị
càng khóc to hơn.
Nhà anh Nguyễn Hoài Thu ở thôn 3 - xã Thanh Thạch nước cũng ngập
đến nóc, dòng nước lớn cũng kéo theo nhà bếp của anh xuống miếng
đất trước nhà.
Nước gần ngập nóc nhà dân ở Thạch Hóa, Tuyên Hóa - Ảnh: Hải Sâm. |
Giờ chỉ còn trơ trọi nền nhà, đồ đạc cũng bị ngâm nước hỏng hết.
Hai cái giường chỉ còn trơ lại mấy tấm mạ, bàn ghế nằm chỏng chơ
trên đám nước lũ đọng lại trong vườn.
Vừa giặt đống áo quần sót lại trong nhà, chị Nguyễn Thị Hoa ở
thôn 4 - Bắc Sơn vừa khóc vừa nói: "Nhà tôi cũng chỉ còn chừng này
thôi".
Mức độ tàn phá của lũ tại huyện Hương Sơn thật kinh hoàng. (Ảnh: Trần Văn) |
Lũ trên sông Gianh lên nhanh và xuống nhanh. Lũ đến và đi đã cuốn theo
người, biết bao nhiêu lúa, ngô, lợn, gà, nhà.
Cơn lũ dữ vô tình chỉ để lại những lớp bùn đất bạc phếch, rác rưởi và những
giọt nước mắt khóc cho những thứ chắt bóp cả đời bỗng dưng trôi ngay
trước mặt của người dân.
Nước lũ to, nhưng nước mắt của người miền Trung cũng nhiều không
kém phần nước lũ. Họ đang cần lắm những tấm lòng sẻ chia của đồng bào cả
nước để vượt qua hoạn nạn.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét