Bỏ lọt Vinalines, không thanh tra, kiểm toán nào chịu trách nhiệm?
(Dân trí) - UB Tư pháp của Quốc hội đặt vấn đề, nhiều cuộc thanh tra kiểm toán đã tiến hành ở Vinalines nhưng không phát hiện tiêu cực, tham nhũng. Mặc dù vậy, các đoàn thanh tra, kiểm toán, thanh tra viên, kiểm toán viên… không bị xem xét, chịu trách nhiệm khi việc vỡ lở.
>> Chính phủ bảo lãnh trả 600 triệu USD cho Vinashin bằng trái phiếu
>> Đã bán được 6/7 con tàu “tai tiếng” của Vinashinlines ở xứ người
>> Vụ Vinashin: “Án phạt” 1.200 tỷ đồng khó thi hành
UB Tư pháp vừa hoàn tất báo cáo kết quả giám sát “Chấp hành
pháp luật trong việc xử lý tội phạm về tham nhũng, chức vụ” trình Quốc
hội kỳ họp này. Cụ thể, trong tháng 7/2013, UB Tư pháp đã thành lập 3
đoàn công tác tiến hành giám sát tại Hà Nội, TPHCM, các tỉnh Hà Nam,
Ninh Bình, Hải Dương, Bình Dương, Quảng Bình và Quân khu 3 (thời gian
lấy số liệu báo cáo từ ngày 01/10/2010 đến ngày 30/4/2013).
Tổng Thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh trao đổi với Bộ trưởng GTVT và Bộ trưởng Công an trong phiên báo cáo về công tác phòng chống tham nhũng.
Kết luận sau giám sát, UB Tư pháp cho biết, công tác thanh tra phát
hiện và xử lý hành vi tham nhũng ở nhiều địa phương còn rất hạn chế;
nhiều tỉnh, thành phố hàng năm tiến hành rất nhiều cuộc thanh tra, phát
hiện nhiều sai phạm trong quản lý Nhà nước với thất thoát nhiều tỷ đồng,
nhiều héc ta đất, nhưng lại không phát hiện được tham nhũng hoặc có
phát hiện được thì rất ít, phần lớn là các vụ nhỏ lẻ ở cấp xã, thôn.
Việc đánh giá tình hình tham nhũng tại các địa phương mà đoàn tiến
hành giám sát cũng như trên phạm vi cả nước theo tiêu chí mà Thanh tra
Chính phủ ban hành còn rất lúng túng, ít được quan tâm thực hiện.
Cụ thể, công tác theo dõi xử lý việc thực hiện kết luận, kiến nghị
sau thanh tra còn hạn chế, nhất là việc xử lý về tài sản sai phạm được
kiến nghị thu hồi, khắc phục đạt tỷ lệ thấp; việc khắc phục sai phạm qua
công tác thanh tra, kiểm toán chuyển biến chậm; có trường hợp kiến nghị
xử lý kỷ luật hành chính có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm.
Việc chuyển các vụ có dấu hiệu tham nhũng từ cơ quan thanh tra sang
cơ quan điều tra vẫn bị kéo dài, nhất là các vụ phức tạp, liên quan đến
nhiều ngành, nhiều cấp. Tình trạng kéo dài trên đã gây khó khăn cho các
cơ quan tiến hành tố tụng trong việc thu thập chứng cứ, chứng minh tội
phạm tham nhũng.
Việc kiến nghị xử lý hoặc tham mưu cho các cấp có thẩm quyền xem xét
trách nhiệm của người đứng đầu để xảy ra tham nhũng qua công tác thanh
tra còn hạn chế, chưa được quan tâm đúng mức, việc xử lý người đứng đầu
chủ yếu trong các trường hợp họ có hành vi liên quan tới vụ việc tham
nhũng; rất ít trường hợp người đứng đầu bị xử lý trách nhiệm về lãnh
đạo, quản lý, chỉ đạo, điều hành, thanh tra, kiểm tra, đánh giá, xử lý
cán bộ khi để xảy ra tham nhũng.
Đánh giá về nguyên nhân, cơ quan giám sát cho rằng, tình trạng này
có phần trách nhiệm, kỷ luật công vụ của các cơ quan thanh tra, kiểm
toán, đoàn thanh tra, kiểm toán và thanh tra viên, kiểm toán viên chưa
rõ ràng. UB Tư pháp chỉ rõ, hoạt động thanh kiểm tra còn bị buông lỏng
trong tổ chức thực hiện.
Phó Thủ tướng phụ trách vấn đề nội chính Nguyễn Xuân
Phúc trao đổi với Viện trưởng VKSDN tối cao Nguyễn Hòa Bình tại hành
lang Quốc hội.
Theo đó, tại một số bộ, ngành, địa phương tiến hành nhiều cuộc thanh
tra, kiểm toán, nhất là đối với các doanh nghiệp Nhà nước, doanh nghiệp
công ích, tổng công ty, các tập đoàn kinh tế nhưng lại không phát hiện
được tiêu cực, tham nhũng; tuy nhiên, sau đó báo chí, cơ quan điều tra
lại phát hiện ra. UB Tư pháp dẫn chứng 2 vụ sai phạm lớn xảy ra tại Tập
đoàn Công nghiệp tàu thủy Việt Nam Vinashin và Tổng Công ty Hàng hải
Việt Nam Vinalines.
Nghịch lý theo cơ quan giám sát là mặc dù vậy, các đoàn thanh tra,
kiểm toán, thanh tra viên, kiểm toán viên, cơ quan thanh tra, cơ quan
kiểm toán lại không bị xem xét trách nhiệm và không phải chịu trách
nhiệm về việc thanh tra, kiểm toán nhiều mà không phát hiện ra tham
nhũng.
Bên cạnh đó, UB Tư pháp cho rằng, cũng có nguyên nhân xuất phát từ
mô hình tổ chức thanh tra ở địa phương, nhất là về tính độc lập tương
đối của các cơ quan này.
Đánh giá về công
tác giải quyết khiếu nại tố cáo liên quan đến tham nhũng, UB Tư pháp cho
rằng, vẫn còn tình trạng kéo dài, đùn đẩy trách nhiệm, chuyển đơn vòng
vo, né tránh việc giải quyết, dẫn đến khiếu nại, tố cáo vượt thẩm quyền,
một số vụ việc người bị tố cáo lại là người giải quyết trực tiếp vụ
việc, nên thiếu khách quan trong việc giải quyết … gây bức xúc trong
nhân dân. Tỷ lệ số vụ việc tham nhũng phát hiện thông qua giải quyết
khiếu nại, tố cáo còn thấp; thực tế cho thấy, việc người dân đi tố cáo
tham nhũng là rất ít.
Số các vụ án tham
nhũng phát hiện được qua công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo lại chủ
yếu là ở xã, phường, thôn, bản với những vụ việc nhỏ lẻ, việc phát hiện
và xử lý các hành vi sai phạm có liên quan tới tham nhũng của lãnh đạo
từ cấp tỉnh trở lên là rất ít; các trường hợp tố cáo đích danh phần lớn
liên quan trực tiếp đến quyền và lợi ích hợp pháp của người tố cáo, gia
đình người tố cáo.
|
Bài: P.Thảo
Ảnh: Việt Hưng
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét