Đầu tư tràn lan ngoài ngành gây thua lỗ
lớn, hạch toán nhiều khoản vô lý vào giá thành điện... là những sai phạm
tại Tập đoàn điện lực VN được Thanh tra Chính phủ chỉ rõ.
>> Giải cứu anh khỏi côn đồ, em trai bị đâm chết
>> Đại tướng Võ Nguyên Giáp và chiến lược 'giữ biển'
>> Tết này sẽ được đốt pháo?
Trong cơ cấu giá điện của EVN có cả chi phí xây dựng biệt thự, hồ bơi - Ảnh: Ngọc Thắng |
Kết
luận của Thanh tra Chính phủ (TTCP) về việc chấp hành quy định pháp
luật trong quản lý, sử dụng vốn tài sản tại Tập đoàn điện lực VN (EVN)
cho biết, trong quá trình đầu tư các dự án nguồn điện, EVN đã đưa nhiều
khoản chi phí vô lý để tính vào giá bán điện. Cụ thể, qua kiểm tra, 6 dự
án của EVN có sử dụng hơn 355.000 m2 đất để xây dựng nhà ở
cho cán bộ công nhân viên gồm nhà biệt thự đơn lập, song lập, sân
tennis, bể bơi… với tổng giá trị gần 600 tỉ đồng, được Bộ Công thương và
EVN thống nhất đưa vào khoản mục “khu nhà quản lý vận hành và sửa chữa”
nằm trong tổng mức đầu tư của các dự án nguồn điện. Những khoản chi phí
này sau đó được đưa vào tính trong giá bán điện.
Tại dự án Nhà máy nhiệt điện Uông Bí mở rộng, có tổng mức đầu tư trên
4.200 tỉ đồng, TTCP phát hiện sau khi đưa vào vận hành nhà máy không
thể hoạt động liên tục trong 1 tháng. Trong 3 năm từ 2010 đến 2012 đã
xảy ra 37 lần sự cố, chỉ tính riêng việc khởi động lại nhà máy đã mất
hơn 12.500 tấn dầu FO trị giá hơn 163 tỉ đồng. Số tiền này Công ty TNHH
MTV nhiệt điện Uông Bí không lấy từ nhà thầu mà lại hạch toán vào chi
phí hoạt động sản xuất kinh doanh. Đây cũng là nguyên nhân khiến doanh
nghiệp này bị lỗ nặng trong năm 2010 và 2011.
Chưa hết, EVN đã hướng dẫn hạch toán nguồn vốn không đúng quy định
tại 11 dự án đã hoàn thành và đang hoạt động, làm tăng chi phí hoạt động
trong năm 2011 số tiền hơn 223 tỉ đồng.
Đầu tư ra ngoài hơn 1,5 lần vốn điều lệ
Theo kết luận thanh tra, tính đến hết năm 2011, công ty mẹ EVN đã đầu
tư vốn ra ngoài lên đến trên 121.000 tỉ đồng, trong khi vốn điều lệ chỉ
gần 77.000 tỉ đồng. Việc EVN đầu tư ra ngoài vượt vốn điều lệ khoảng
45.000 tỉ đã vi phạm quy định của Bộ Tài chính. Theo TTCP, trong tổng số
vốn đầu tư ra ngoài có hơn 69.000 tỉ đồng được EVN cho 23 đơn vị thành
viên vay từ nguồn vốn vay của nước ngoài có bảo lãnh của Chính phủ, phát
hành trái phiếu doanh nghiệp. Bên cạnh đó, EVN dành gần 2.000 tỉ đồng
đầu tư vào các lĩnh vực rủi ro như bảo hiểm, chứng khoán, ngân hàng
nhưng vượt tỷ lệ góp vốn theo quy định.
TTCP cũng chỉ rõ, EVN đầu tư vào EVN Telecom gây mất vốn nhà nước hơn
2.400 tỉ đồng; sử dụng hơn 1,6 triệu USD và hơn 467 tỉ đồng để ký kết
hợp đồng đào tạo thạc sĩ kinh doanh cho 164 cán bộ công nhân viên, nhưng
đến nay bằng cấp đối tác cấp cho cán bộ của EVN chưa được cơ quan nhà
nước của VN công nhận. Tại các đơn vị thành viên của EVN, TTCP cũng phát
hiện nhiều khoản thua lỗ nghiêm trọng. Trong đó, tính đến năm 2011,
Tổng công ty (TCT) truyền tải điện quốc gia (NPT) lỗ 3.145 tỉ đồng, TCT
điện lực miền Nam lỗ hơn 1.200 tỉ đồng.
Giao chỉ tiêu... lỗ
Trao đổi với PV Thanh Niên, ông Hoàng Quốc Vượng, Chủ tịch
HĐTV EVN, cho rằng việc EVN giao chỉ tiêu kinh doanh lỗ cho các TCT vì
năm 2010, 2011 rất khó khăn, nhu cầu phụ tải tăng cao trong khi nắng
hạn, thiếu nước, ngành điện phải huy động lượng dầu rất lớn để phát điện
nên 2 năm liên tiếp lỗ tổng cộng hơn 12.000 tỉ đồng. “Tại sao lại giao
lỗ? Vì quy trình dự toán kinh doanh hằng năm tập đoàn giao cho các TCT,
đơn vị trong tập đoàn, năm 2010, 2011 khó khăn nên dự kiến lỗ để các đơn
vị trong hoạt động thực tế lỗ giảm hơn so với lỗ kế hoạch”, ông Vượng
nói.
Báo cáo sản xuất kinh doanh năm 2011 của EVN cho biết, kết thúc năm
2011 EVN lỗ khoảng 3.500 tỉ đồng, nhiều đơn vị khó khăn như NPT. Tuy
nhiên, theo kết luận thanh tra, NPT đã không bảo toàn được vốn nhà nước
do phải thực hiện kế hoạch lỗ EVN giao (đến hết năm 2011 đơn vị này lỗ
3.145 tỉ đồng). Nhiều đơn vị khác cũng không bảo toàn được vốn do thực
hiện kế hoạch lỗ EVN giao như EVN Hà Nội, Điện lực miền Nam…
Việc hạch toán cả chi phí đầu tư “khu nhà quản lý vận hành và sửa
chữa” các dự án nhiệt điện (gồm cả biệt thự đơn lập, nhà song lập, nhà
trẻ, bể bơi, sân tennis) vào tổng mức đầu tư dự án và quy ra giá thành
điện cũng được thanh tra chỉ ra. Nhưng ông Vượng cho rằng: “EVN đã xây
dựng và được các bộ ngành cho phép xây khu điều hành khang trang hơn,
trong báo cáo gọi là biệt thự, tennis, vườn trẻ, để thu hút lực lượng
cán bộ có tay nghề tốt vận hành tài sản hàng tỉ USD. Tôi cho là nhân
văn, vì vùng sâu xa, cán bộ không có sân chơi thể thao, không có vườn
trẻ cho con cái cũng rất khó thu hút”.
Ông Vượng cũng khẳng định: “Hạch toán giá thành của EVN cơ bản tuân
thủ các quy định của nhà nước, năm nào cũng có kiểm toán, kiểm tra để
đảm bảo hạch toán công khai. Khi EVN chỉ tập trung vào lĩnh vực sản
xuất, kinh doanh mua bán điện thì mọi chi phí đầu tư cho các dự án điện
đều hạch toán vào giá điện”. Tuy nhiên, việc thiếu minh bạch trong hạch
toán kinh doanh của EVN đã làm tăng chi phí giá sản xuất điện, khiến
người dân phải gánh giá thành sản xuất điện bất hợp lý.
EVN cần sòng phẳng
Theo một chuyên gia kinh tế, EVN kêu lỗ mà chuyển vào giá bán điện là
không hợp lý, không thể bổ vào đầu người dân. Không chỉ thoái vốn ngoài
ngành, EVN cần sòng phẳng trong việc xử lý các kết luận của thanh tra,
thông báo với người dân. Trong khi đó, theo chuyên gia kinh tế Phạm Chi
Lan, nói là đầu tư nhà ở công nhân mà thành biệt thự, rồi tính vào giá
thành điện là vô lý, cần phải làm rõ, xác định lại giá thành điện thực
chất là bao nhiêu. Lâu nay bức xúc nhất của người dân vẫn là việc EVN
thiếu minh bạch trong giá thành, kết luận thanh tra đã cho thấy những
bất hợp lý trong cơ cấu tính giá của EVN. Điều người dân quan tâm là sau
khi có kết luận trên, EVN và Bộ Công thương sẽ xử lý, bóc tách thế nào
giá thành điện để người dân không phải gánh giá điện bất hợp lý.
Mai Hà
|
Thái Sơn - Mai Hà
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét