Thứ Hai, 7 tháng 10, 2013

"ĐẢM BẢO KHÔNG CÓ TRƯỜNG HỢP THƯ BA" !

Suy nghĩ rất nhiều khi đọc " Đảm bảo không có trường hợp thứ ba!"

Nguyễn Mộng Hoài

Người già thường ít ngủ và hay dạy thật sớm. Tôi nay đã gần 80 tuổi càng ít ngủ hơn. Tuy nhiên, tôi vẫn "mê" vi tính và truy cấp nhiều trang báo điện tử, cả "quốc doanh" lẫn ngoài quốc doanh. Sớm nay, 7-10, bật dạy, lòng thấy nao nao, nghĩ về Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Chưa bao giờ được gặp Người nhưng vẫn thấy Người đi xa như tôi mất một người thân. Không phải là "thấy người sang bắt quàng làm họ đâu !" Hiểu cho tôi.
Chắc chắn nếu tôi không yếu đi vì cao tuổi thì tôi đã có mặt hòa vào dòng người đến ngôi nhà 30 Hoàng Diệu để được dâng một nén nhang thơm trước linh hồn Đại tướng. Tôi đành phải bái vọng Người và lục lọi trên các trang mạng cố gắng sưu tầm tối đa các bài viết về Người trong những ngày đau buồn tiễn Người về với thế giới người hiền. Và tôi bắt gặp trên "Quê choa" bài viết nhan đề "Dòng người như bất tận chờ vào viếng Đại tướng Võ Nguyên Giáp". Mở đầu, nhà văn NQL viết: "Kể từ năm 1945 đến nay, dân xếp hàng rồng rắn đi viếng lãnh tụ chỉ trong hai trường hợp Hồ Chí Minh và Võ Nguyên Giáp. Bảo đảm không có trường hợp thứ ba". Bảo đảm không có trường hợp thứ ba. Câu này xoáy vào tim tôi làm cho tôi suy nghĩ, liên hệ với thế sự, với tình hình đất nước...mà thấy chói trong trái tim già nua này. Bởi thế, ăn sáng là một thói quen thường trực của tôi mà bỗng hôm nay tôi không tài nào nuốt nổi bát "phở ăn liền" mà bà vợ trẻ của tôi chuẩn bị cho.

"Bảo đảm không có trường hợp thứ ba !" Chà cái ông nhà văn kiêm chủ một trang mạng nổi tiếng này có khi hơi vội vàng hoặc võ đoán. Mà có khi, từ thực tiễn cuộc sông của chúng ta hôm nay, trong thời gian này, tiên đoán của ông Lập có lẽ sát thực tế và nhiều phần đúng. Tất nhiên để thời gian minh chứng. Vì sau ông Giáp, nhiều người có cương vị cao cũng sẽ già, sẽ yếu và có thể sẽ về nơi vĩnh hằng theo quy luật "Sinh lão, bệnh tử". Âu đó cũng là cái lẽ thông thường. Còn nhớ, hồi Bác Hồ mất, nhiều người cả trong lời nói lẫn trong văn bản, người ta không dám dùng từ "Bác mất" mà đều nói là "Bác đã đi xa". Hồi ấy, Chủ tịch Cu ba Phi-den Caxtro nói rằng cái chết của Hồ Chí Minh là mầm của sự sống. Ngày hôm nay, trong những ngày đất nước có tàng lớn, Đại tướng Võ Nguyên Giáp từ trần, tôi xin nhắc lại câu nói của Phi-den "Cái chết của Hồ Chí Minh là mầm của sự sống", cũng có thể "Cái chết của Võ Nguyên Giáp cũng là cái mầm của sự sông, sự sống vị tha, sự sống hết mình vì nhân dân, sông nhân văn tốt bực"...Và chúng ta đang chứng kiến "sự hấp dẫn" của một con người vĩ đại, chắc chắn chỉ sau Hồ Chí Minh. Đó là dòng người như bất tận đang ngày đêm lặng lẽ, tấm tức khóc, có người không nén lòng được đã gào lên kêu tên Đại tướng, khi rồng rắn xếp hàng đến viếng Võ Đại tướng tại nhà riêng. Người ta ngưỡng vọng ông chắc chắn không phải vì ông là Đại tướng mà là vì tài năng, đức độ của ông trong cả một cuộc đời. Lịch sử Việt Nam đã từng tiễn đưa nhiều vị anh hùng dân tộc về nơi vĩnh hằng và rất nhiều nơi trên đất nước ta mọc lên những đền thờ những vị anh hùng ấy. Lịch sử rất công bằng, cho dù có người bóp méo, hoặc quên lịch sử, những lịch sử vẫn là lịch sử, và sự thật lịch sử vẫn là sự thật lịch sử. Dòng người tưởng như vô tận đến nhà riêng để kính viếng Đại tướng hoàn toàn xuất phát từ lòng tự trọng, từ sự ngưỡng mộ toát ra từ tài năng đức độ của vị Đại tướng huyền thoại. Ngày nay ta đã có nhiều đại tướng, nhưng nói như NQL, chắc không có người thứ ba, sau Hồ Chí Minh và Võ Nguyên Giáp !

Trong tóm tắt Tiểu sử của Đại tướng được công bố trên các báo quốc doanh, người ta cố tình "quên" giai đoạn Đại tướng được phân công phụ trách "kế hoạch hóa gia đình", tuy công tác này cũng có tầm quan trọng của nó. Nhưng đằng sau sự phân công ấy, là những gì thì mọi người cùng thời với ông đều có thể hiểu và không thể hiểu sai. Tôi còn được biết, sau khi nhận nhiệm vụ chỉ đạo "kế hoạch hoá gia đình" Đại tướng của chúng ta đã về nhà tâm sự cùng Cụ bố vợ là cụ Đặng Thái Mai có ý hỏi dò ý kiến người cha vợ kính mến. Cụ Đặng Thái Mai gượng dạy vỗ vào vai con rể: "Phải thật bình tĩnh và làm tốt nhiệm vụ được giao!" Võ Đại tướng cảm động nghe theo lời Cụ Đặng Thai Mai và ông càng bình tĩnh sáng suốt hơn bao giờ hết, trong việc thực thi nhiệm vụ "Tổng Tư lệnh" của mình. Một trong hai bức điện lịch sử từ Võ Đại tướng mà Tướng Hồng Cư còn lưu giữ và cho công bố, đánh dấu một trí tuệ tuyệt vời của người chỉ huy biết địch biết ta, nắm vững thời cơ chiến lược, để động viên toàn quân, toàn dân trong cuộc tổng tiến công và nổi dạy tháng Tư năm 1975 !

Người lãnh đạo, người cầm quân từ xưa đến nay đều là những người biết nắm và tận dụng thời cơ, biết hi sinh những cái thuộc về cá nhân ích kỷ, chiến đấu không mệt mỏi vì sự nghiệp lớn của nhân dân, không vì đôi điều thành kiến nhỏ nhen mà làm hỏng việc quốc gia đại sự. Giá như, những người cộng sự và cùng với Đại tướng chỉ huy, chỉ đạo, tổ chức, định đường lối, chiến lược sách lược và đặc biệt là xác định quan điểm "vì dân" một cách thực lòng, thực sự, thì từ năm 1975 đến nay, đất nước có bao nhiêu là thời cơ vàng để đưa đất nước tiến lên về mọi mặt không kém gì các nước bầu bạn trong vùng và trên thế giới. Vì sao cùng một hoàn cảnh ra khỏi chiến tranh như mình, đất nước nghèo, dân không đủ ăn như họ mà chỉ sau gần 40 năm, họ đã đưa đất nước của họ tiến lên sánh vai thực sự với các cường quốc về kinh tế, về khoa học kỹ thuật và đặc biệt là về dân sinh, dân chủ. So với thời Tương Giáp trực tiếp cầm quân thì ngày nay ta có nhiều tướng hơn, kể cả nhiều Đại tướng hơn. Nhưng...

Không giống như bạn Nguyễn Quang Lập, tôi có một suy nghĩ khác. Lịch sử Việt Nam cứ đến thời kỳ nào gặp khó nhất thì lại xuất hiện những người tài giỏi và xuất chúng, có thể là những vị cứu tinh dân tộc. Khi bị ngoại xâm đô hộ áp bức đến cùng cực, từ đầu công nguyên, đất nước sinh ra Hai Bà Trưng. Đầu thế kỷ thứ 10, có Ngô Quyền. Thời Nhà Trần có Trần Hưng Đạo và nhiều vị tướng tài khác. Thời đại Hồ Chí Minh có Võ Nguyên Giáp. Và khi đất nước bị dồn đến "chân tường" chắc chắn sẽ xuất hiện những vị "cầm cờ" xứng đáng được nhân dân tin theo. Nếu như Đảng Cộng sản biết phát huy công trạng từ những năm 1930 đến 1975 và những người cầm cân nảy mực của Đảng lãnh đạo đất nước đi theo con đường đúng, hoàn toàn vì dân, tôn trọng dân, không lừa dối dân, không để xảy ra thoái hóa biến chất thì không bao giờ dân mất lòng tin như ngày nay và trong xu thế ấy, sẽ xuất hiện những người tài, tất nhiên không thể đòi hỏi là "người thứ ba" như NQL nghĩ. Vẫn còn thời cơ, vẫn còn những yếu tố cơ bản để xoay chuyển tình thế, miến là Đảng lãnh đạo cứ lãnh đạo (và tôi tin là chưa có lực lượng nào thoán quyền lãnh đạo của Đảng), nhưng phải là một đảng thật sự trong sạch, không tham nhũng, lãng phí, quan liêu, không nói một đằng làm một nẻo và biết tôn trọng dân, khơi thác tốt sức mạnh của dân. Đó chỉ có một con đường là thực thi dân chủ thật sự, tự do thật sự, dân được làm chủ thật sự. Chứ dân không bao giờ chấp nhận một đảng suy thoái như hiện nay lại đứng trên cả Hiến pháp trên cả các tổ chức tối cao của Nhà nước...Tôi lo là "ngõ mòn lối cũ đi đà chán/Gửi lại cô em một tiếng đàn !"./.

Không có nhận xét nào: