Viettel làm phi cơ quân sự không người lái
Cập nhật: 03:04 GMT - thứ bảy, 6 tháng 7, 2013
Viettel nói hãng này sẽ
công bố mẫu máy bay không người lái (UAV) có khả năng hoạt động quân sự
đầu tiên của Việt Nam vào cuối năm nay.
Báo trong nước ngày 5/7 dẫn lời ông Đại tá Đỗ
Văn Lập, Giám đốc Trung tâm khí cụ bay của hãng Viettel, nói mô hình máy
bay không người lái VT Patrol của hãng đã được đưa vào thử nghiệm kể từ
tháng 12 năm ngoái.Ông Lập cho biết chiếc UAV này được trang bị camera quang hồng ngoại, có độ phân giải cao, bay tự động với khả năng truyền thông tin, hình ảnh theo thời gian thực và có thể nhận diện được mục tiêu là con người trong khoảng cách 600 m.
Đại diện của Viettel được báo trong nước dẫn lời nói đến cuối năm 2013 sẽ chính thức cho ra mắt sản phẩm máy bay không người lái phục vụ cho mục đích quân sự đầu tiên ở Việt Nam, đồng thời sẽ triển khai vận hành thử nghiệm trong thực tế để tiến tới sản xuất hàng loạt.
Ông Lập cũng nói trong tương lai sẽ tiếp tục tiến tới sản xuất máy bay không người lái tầm trung, với thời gian bay 15-24 giờ phục vụ cho trinh sát cấp chiến lược và xa hơn nữa sẽ tiến tới máy bay không người lái trang bị tên lửa.
'Mô hình đồ chơi'
Trước đó, Viện Khoa học và công nghệ Việt Nam cũng triển khai việc chế tạo thiết bị bay không người lái với các mẫu máy bay có sải cánh nhỏ nhất từ 1m và rộng nhất 4,2m được đưa vào thử nghiệm hồi tháng Năm. Các mẫu này chỉ sử dụng cho mục đích nghiên cứu.Viện này đã tự nhận là "nhóm đầu tiên nghiên cứu, thiết kế, chế tạo thành công máy bay không người lái mang thương hiệu Việt Nam, hoàn toàn bằng sự sáng tạo của người Việt Nam."
Tuy nhiên, sau đó đã xảy ra tranh cãi khi đại tá Vũ Hồng Quang, viện trưởng Viện Kỹ thuật phòng không không quân hồi tháng Năm khẳng định UAV đầu tiên của Việt Nam là các mẫu M-100CT, M-400CT do chính một đơn vị của quân chủng thiết kế, chế tạo từ năm 2004.
Tranh cãi xung quanh định nghĩa về UAV cũng nổ ra trên các mặt báo và diễn đàn mạng khi đại tá Vũ Hồng Quang và đại diện Viên Khoa học và công nghệ Việt Nam, tiến sỹ Phạm Ngọc Lãng gọi mẫu UAV của nhau thực chất là "mục tiêu bay", vốn thường được sử dụng làm mục tiêu giả định cho các cuộc diễn tập bắn đạn thật phòng không.
Nhiều cư dân mạng cũng đã so sánh các mẫu máy bay này với máy bay mô hình hay đồ chơi vì kích cỡ nhỏ và chức năng cũng như trang bị thô sơ của chúng.
Báo Tuổi Trẻ hồi tháng Năm dẫn lời đại tá Quang nói trong vòng chín năm qua, tổng số tiền đầu tư mà Viện Kỹ thuật phòng không không quân nhận được cho việc nghiên cứu UAV chỉ có 150 triệu đồng.
"Nhu cầu phát triển UAV là rất lớn, nhưng vì chưa được đầu tư tương xứng nên hoạt động nghiên cứu này phần nhiều ở mức tự phát," ông Quang nói.
Trong khi đó, giáo sư Phạm Ngọc Lãng cho biết đề tài nghiên cứu UAV cho năm 2011-2014 của Viện Khoa học và Công nghệ, dù được phê duyệt với mức đầu tư 12 tỷ đồng, nhưng cũng chỉ nhận được tổng cộng 600 triệu đồng trong vòng ba năm qua.
"Số tiền ngân sách đã chi cho đề tài chỉ đủ để chúng tôi tổ chức một vài hội thảo và chuẩn bị một số tài liệu phục vụ nghiên cứu, chế tạo. Số tiền do chúng tôi bỏ ra để phục vụ cho đề tài chắc chắn lớn hơn rất nhiều so với tiền nhận từ ngân sách tính đến thời điểm hiện tại”, ông Lãng nói.
UAV Trung Quốc
AP cũng cho biết nước này đã sử dụng UAV làm nhiệm vụ trinh thám trong cuộc chiến biên giới năm 1979 với Việt Nam.
Theo nhà phân tích Ian Easton của Viện dự án 2049, Hoa Kỳ, đến năm 2011 chỉ riêng không quân Trung Quốc đã có hơn 280 máy bay chiến đấu không người lái.
Một nghiên cứu khác của nhà phân tích chính sách quân sự và đối ngoại của Ủy ban đánh giá kinh tế và an ninh Trung-Mỹ, ông Kimberly Hsu, nói 93% các dự án UAV của Trung Quốc là ở cấp chiến thuật. Chỉ 7% ở tầm chiến lược trong đó bao gồm máy bay không người lái có khả năng chiến đấu (UACV).
Tại Triển lãm hàng không Paris 2013 hồi tháng Sáu, mẫu UAV tấn công mang tên Dực Long của nước này cũng đã gây nhiều bất ngờ khi được chào bán với giá 1 triệu đôla.
Đây là giá thấp hơn rất nhiều so với chiếc Predator của Hoa Kỳ, vốn được bán với giá 30 triệu đôla.
Từ năm 2009, Trung Quốc cũng đã bắt đầu nghiên cứu loại UAV tấn công có khả năng tàng hình, dưới tên gọi Lợi Kiếm (Lijian). Mẫu thử nghiệm đầu tiên của dự án này đã bắt đầu thử nghiệm trên mặt đất vào ngày 13/12 năm ngoái.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét