Thứ Năm, 4 tháng 7, 2013

HÒN NGỌC CỦA NGÀNH DẦU KHÍ VIỆT NAM


Thăm “hòn ngọc” dầu khí Việt Nam

Từ sân bay Vũng Tàu, mất một giờ bay, chiếc trực thăng của Công ty bay dịch vụ dầu khí mới đưa chúng tôi ra đến mỏ dầu khí Hồng Ngọc, nơi được mệnh danh là hòn Ruby quý hiếm của ngành dầu khí Việt Nam.

Chiếc trực thăng hạ cánh xuống bãi đáp trên tàu RubyII, Chỉ huy trưởng Nguyễn Đức Chính đến tận nơi bắt tay từng người trong đoàn cán bộ lãnh đạo tỉnh Bình Thuận. Trong phòng VIP, khách lạ cảm tưởng như đang trên đất liền vì không hề cảm nhận được sự chòng chành của con sóng, dù nằm cách xa bờ biển Vũng Tàu tới 155 km.
Theo Chỉ huy trưởng Nguyễn Đức Chính, tàu Ruby II hiện là con tàu khai thác dầu khí hiện đại bậc nhất tại Việt Nam và các nước châu Á, một trong các kho chứa dầu nổi “khổng lồ” giữa biển khơi. Tàu có sức chứa khoảng 700.000 thùng dầu thô và có thể nạp khoảng 45.000 thùng dầu mỗi ngày. Tàu Ruby II có chiều dài 275m và rộng 43m, dịch chuyển được 180 độ bằng hệ thống điều khiển tự động. Ngoài Ruby II, còn có 2 con tàu lớn khác đậu gần đó làm phụ trợ cho các hoạt động khai thác dầu. Ở mỏ Hồng Ngọc hiện có tới 40 giếng khoan. Giếng khoan gần nhất cách tàu Ruby II khoảng 2,5 km, giếng xa nhất cách tàu chứa dầu gần 16 km. Từ các giếng khoan này, hệ thống điều hành tự động vận chuyển dầu về tàu Ruby II qua  ống dẫn nằm sâu dưới đáy biển. Ruby II là kho nổi của Tổng Công ty CP Dịch vụ kỹ thuật Dầu khí Việt Nam (PTSC- thuộc Tập đoàn dầu khí quốc gia Việt Nam) liên danh với đối tác MISC (Malaysia).
“Lính” trẻ và giỏi !
 

  Mỏ Hồng Ngọc là một trong nhiều mỏ dầu nằm trên vùng biển tỉnh Bình Thuận. Năm 2010, các mỏ dầu đóng góp cho ngân sách tỉnh Bình Thuận 5.200 tỉ đồng. Năm 2011 là 4.800 tỉ đồng; năm 2012 là 3.200 tỉ đồng và dự kiến năm 2013 là 2.300 tỉ đồng (nguồn: Sở Tài chính Bình Thuận).

Phó chỉ huy trưởng mỏ Hồng Ngọc Đinh Văn Tiến cho biết, làm việc trên tàu hầu hết là cán bộ, kỹ sư trẻ tuổi. “Do đặc thù của công việc, cán bộ trên tàu phải được đào tạo chuyên sâu kỹ thuật và giỏi về ngoại ngữ, có sức khỏe tốt”. Bản thân chỉ huy trưởng và phó chỉ huy trưởng có gần 15 năm làm việc trên các giàn gian dầu khí và 6 năm điều hành mỏ Hồng Ngọc. Trên toàn bộ mỏ Hồng Ngọc có khoảng 80 cán bộ kỹ sư (có 20 chuyên gia người nước ngoài) làm việc cả trên tàu RubyII và các giếng dầu xung quanh.
Một tháng trên tàu chỉ 14 ngày, nên giờ giấc làm việc của các kỹ sư trẻ rất bận rộn. “Ca thứ nhất phải làm việc từ 6 giờ sáng đến 6 giờ tối. Ca thứ hai từ 6 giờ tối đến 6 giờ sáng và chỉ được nghỉ giữa ca khoảng 1 tiếng đồng hồ”- Chỉ huy trưởng Nguyễn Đức Chính tiết lộ.  Bản thân Nguyễn Đức Chính là chuyên gia người Việt hiếm hoi được giao tổng chỉ huy toàn bộ một mỏ khai thác dầu khí có tới gần 40 giếng dầu và quản lý tài sản của nhà nước tới hàng chục tỷ USD. “Em rất vinh dự vì là số rất ít người Việt được giao chịu trách nhiệm quản lý điều hành khai thác mỏ dầu lớn như Hồng Ngọc. Vì vậy em luôn tự động viên mình phải luôn cố gắng hoàn thành nhiệm vụ một cách tốt nhất”- Chính tâm sự.
Thăm “hòn ngọc” dầu khí Việt Nam
Dòng dầu khí trên mỏ Hồng Ngọc đem nguồn lợi về cho ngân sách Quốc gia
Thăm “hòn ngọc” dầu khí Việt Nam
Thăm “hòn ngọc” dầu khí Việt Nam1
Máy bay vận chuyển tiếp tế và đưa đón cán bộ công nhân trên tàu chứa dầu RubyII
Chỉ huy trưởng Nguyễn Đức Chính đang hướng dẫn lãnh đạo tỉnh Bình Thuận tham quan RubyII
Quế Hà

Không có nhận xét nào: