Thứ Ba, 23 tháng 7, 2013

NƯỚC UỐNG ĐƯỜNG PHỐ HÀ-NỘI VÔ CÙNG BẨN

Trà chanh, nước ngô, nhân trần đường phố cực bẩn

(VTC News) – Nhiều mẫu nước uống đường phố gồm trà chanh, nước mía, nước ngô, nước trà đá, nước nhân trần, nước vối được xét nghiệm bị nhiễm khuẩn, kim loại nặng.

>> 4 trường hợp được gia hạn nộp thuế
>> Cơ hội cho bún sạch
>> Những mẫu ôtô đầu bảng dành cho phái nữ Việt

Tại hội thảo “Khỏe và an toàn để tận hưởng cuộc sống” diễn ra sáng 23/7 tại Hà Nội, PGS.TS Hồ Bá Do, Phó viện trưởng viện Thực phẩm chức năng Việt Nam đã công bố kết quả kiểm nghiệm mẫu thức uống đường phố.
9 mẫu nước uống đường phố thông thường gồm trà chanh, nước mía, nước ngô, nước trà đá, nước nhân trần, nước vối…đã được lấy tại nhiều địa điểm trên địa bàn thành phố Hà Nội như phố Nhà Thờ, Phố Cát Linh, Đê La Thành…
trà chanh
 
Các mẫu nước này được xét nghiệm khách quan tại Trung tâm Kiểm nghiệm và Hợp chuẩn, Viện Thực phẩm chức năng Việt Nam.
Kết quả cho thấy, vi khuẩn hiếu khí xuất hiện ở 3/9 mẫu vượt mức cho phép. Chỉ tiêu này đánh giá chất lượng của mẫu về vi sinh vật, gây hỏng thực phẩm, thời gian bảo quản của sản phẩm.
Với B.cereus: 9/9 mẫu vượt mức cho phép, đặc biệt cao ở mẫu nhân trần khô. B.cereus có mặt ở khắp nơi trong môi trường và gây bệnh bằng sinh độc tố.
E.Coli: 8/9 mẫu vượt mức cho phép. Là vi khuẩn có thể tìm thấy trong phân, có thể gây ngộ độc cấp tính, làm tăng nguy cơ mắc bệnh tiêu chảy… Men, mốc: 4/9 mẫu vượt mức cho phép. Các loại nấm mốc sinh độc tố Mycotoxin và Aflatoxin, gây nhiễm độc cấp và mạn, tăng nguy cơ gây bệnh ung thư.
Các kim loại nặng: 3/9 mẫu có Pb, Hg, Cd vượt mức cho phép. Trong đó, hàm lượng Pb, Cd trong mẫu nước trà xanh, mẫu nhân trần khô và mẫu nước nhân trần đều vượt xa giới hạn cho phép. Hàm lượng Hg trong mẫu nước nhân trần cũng vượt tiêu chuẩn cho phép.
Pb: hấp thụ vào cơ thể có thể ảnh hưởng ức chế enzyme tổng hợp máu, phá vỡ hồng cầu, gây bệnh cho cơ thể
Hg: có thể gây độc tế bào, nguyên nhân của nhiều căn bệnh hiểm nghèo.
Cd: gây độc mạn tính (vàng men răng, rối loạn chức năng gan, loãng xương, thiếu máu, tăng huyết áp, dị dạng thai nhi); gây ngộ độc cấp: đau thắt ngực, khó thở, tím tái, sốt cao, nhịp tim chậm, buồn nôn, nôn, tiêu chảy,... Nguy cơ gây ung thư tiền liệt tuyến, ung thư phổi…
Theo Cục An toàn và vệ sinh thực phẩm (Bộ Y tế): tính tới ngày 30/06/2013, toàn quốc ghi nhận có 87 vụ ngộ độc thực phẩm với hơn 1.800 người mắc, hơn 1.600 người nhập viện và 18 trường hợp tử vong.
Tuy có giảm hơn so với cùng kỳ 2012, nhưng vẫn tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây bệnh với sức khỏe cộng đồng. Lý do bị ngộ độc chủ yếu do ô nhiễm thức ăn, đồ uống ngày càng nặng nề hơn.
Đặc biệt là những thức ăn, đồ uống đường phố đã được làm sẵn hoặc chế biến, nấu nướng tại chỗ, có thể ăn ngay và được bán trên vỉa hè tại các hàng, quán, nơi công cộng, khu dân cư, công viên, chợ, khu du lịch…
Ô nhiễm thực phẩm nói chung và thực phẩm đường phố nói riêng đã, đang là nguy cơ cao phát triển các bệnh đường tiêu hóa. Và Việt Nam là nước đứng đầu khu vực mắc các bệnh đường tiêu hóa.

Nguyễn Tâm


Không có nhận xét nào: