Thứ Hai, 29 tháng 7, 2013

THUYỀN VIÊN VINASHINLINES NGẮC NGOẢI

Hình ảnh chưa từng công bố về tàu Vinashinlines mắc kẹt ở Trung Quốc

(Dân trí) - Gọi điện thoại đến PV Dân trí, đại diện nhóm thuyền viên tàu Sea Eagle đang mắc kẹt tại Trung Quốc cho biết, người của Trung tâm thuyền viên có nói thủy thủ nào muốn về cứ thông báo, công ty sẽ giải quyết cho về nhưng sẽ khó lấy được lương.
 >>  Vinashinlines sắp phá sản: Sự “giải cứu” nào cho các thuyền viên?
 >>  Các thuyền viên Vinashinlines đặt hy vọng vào Bộ trưởng Thăng
 >>  Công ty Vinashinlines “ngóng” Chính phủ hỗ trợ giải cứu 18 thuyền viên mắc kẹt


Sau nhiều lần cố gắng liên hệ, đến chiều 27/7, phóng viên Dân trí đã có cuộc trao đổi trực tiếp qua điện thoại với các thuyền viên trên tàu Sea Eagle thuộc Công ty TNHH MTV Vận tải viễn dương (Vinashinlines) đang “mắc kẹt” tại Trung Quốc. Anh Chu Trọng Cường - thuyền phó 2 tàu Sea Agle - cho biết: “Chúng tôi đã nhiều lần gửi đơn thư kêu cứu đến các cơ quan chức năng có thẩm quyền. Tuy nhiên đến thời điểm hiện tại chúng tôi vẫn chưa có một câu trả lời rõ ràng về tương lai của chính mình. Sau khi người thân của 18 thuyền viên đến trụ sở công ty để kêu cứu, một người thuộc Trung tâm thuyền viên gọi điện trực tiếp cho tôi nói rằng: “Nếu ai muốn về thì cứ điện thoại cho Trung tâm thuyền viên, công ty giải quyết luôn nhưng sẽ khó lấy được lương”.

Hình ảnh các thuyền viên tàu Sea Eagle đang mắc kẹt tại Trung Quốc
Hình ảnh các thuyền viên tàu Sea Eagle đang mắc kẹt tại Trung Quốc
Hình ảnh các thuyền viên tàu Sea Eagle đang mắc kẹt tại Trung Quốc
Thủy thủ Lê Văn Thoan cho biết: “Sự thỏa hiệp của phía lãnh đạo công ty như vậy là hết sức vô lý. Chúng tôi đều là lao động chân chính bằng mồ hôi nước mắt, có hợp đồng lao động. Bây giờ cơ quan không giải quyết lương cho anh em thuyền viên, chúng tôi trở về biết sống bằng cách nào?”.
Hiện trên con tàu “mắc kẹt” Sea Eagle có 9 thuyền viên, nhận công tác từ ngày 23/8/2011 với thời hạn hợp đồng là 10 tháng + 1 và hạn chấm dứt hợp đồng là ngày 30/6/2012. Thuỷ thủ Lê Văn Thoan cho biết, đến nay công ty mới thanh toán 5 tháng lương, tức là còn nợ mỗi thuyền viên 18 tháng lương. Hầu hết các thuyền viên đều có hoàn cảnh gia đình rất khó khăn, mọi sinh hoạt trang trải cuộc sống đều trông chờ vào đồng lương của thủy thủ. Chính vì thế các thủy thủ cho rằng điều kiện ràng buộc này từ phía công ty mang tính... đánh đố.
Anh Thoan cũng cho biết, trước cuộc sống “giam lỏng”, bế tắc khốn cùng, cũng có thuyền viên chấp nhận “mất trắng lương” để được đoàn tụ với gia đình nhưng còn vướng thủ tục visa và hộ chiếu.
Theo video clip mà các thuỷ thủ gửi tới Dân trí, có thể thấy điện, nước, lương thực, thuốc men trên tàu Sea Eagle hiện đều vô cùng khan hiếm. Tất cả anh em thuyền viên đều đang bị bệnh ngoài da và đường ruột. Không có thuốc, nhiều người chỉ biết lấy nước biển và bã chè tươi chà lên vùng da bị bệnh để dứt cơn ngứa. Mỗi ngày, tàu được cấp 5 tiếng điện, chủ yếu phục vụ cho việc nấu nướng. Thời tiết Trung Quốc lúc này đang vào mùa hè, gió biển cộng với hơi nóng phả lên từ tàu khiến không khí vô cùng ngột ngạt. Không có điện, thủy thủ phải vạ vật “phơi” mình ra boong tàu để tránh nóng.
“Nước sinh hoạt vô cùng khan hiếm. Trung bình 4 ngày các thủy thủ mới được tắm một lần, thực chất là chỉ dấp khăn mặt để lau người. Tuy nhiên, nguồn nước cũng bị ô nhiễm nặng nề, lẫn cả gỉ sét, kim loại nặng. Mỗi lần sử dụng, anh em thuyền viên đều phải lọc qua cát và chỉ dám hớt nước ở trên”, một thuyền viên cho biết thêm.
Cũng theo các thuỷ thủ, do phía Vinashinlines liên tục chậm tiền ăn nên cuộc sống thủy thủ luôn trong tình trạng “ăn bữa sáng lo bữa chiều”. Có thời gian tàu vào cầu tránh bão, anh em thuyền viên phải chia nhau đi hái rau ngải, rau sam và bắt cáy ven bờ làm thức ăn cầm cự qua ngày. Việc thường xuyên phải ăn thức ăn ôi thiu, bị mốc là chuyện không hiếm gặp. Ăn uống không đảm bảo khiến sức khỏe, hệ miễn dịch của các thuyền viên đều bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Gần 2 năm sống tách biệt trong hoàn cảnh vô cùng khắc nghiệt, một số thuyền viên đã có dấu hiệu bệnh trầm cảm và hoảng loạn. Có người cả ngày u uất không nói chuyện với ai, có người đêm xuống là gào khóc... Tính mạng của các thuyền viên cũng đang bị đe dọa từng ngày bởi con tàu không còn khả năng hoạt động, chỉ cần mưa to hoặc gió lớn là có thể bị nghiêng và trôi bất cứ lúc nào.
Anh Chu Trọng Cường nói: “Chúng tôi cũng thấu hiểu Công ty Vinashinlines hiện nay đang gặp muôn vàn khó khăn, nhưng sự chịu đựng của thuyền viên đã là quá sức. Tôi mong Chính phủ, các bộ, ban ngành chức năng, cụ thể là Bộ trưởng Đinh La Thăng hãy tạo điều kiện cho công ty tôi được thanh lý sớm những tàu không còn khả năng hoạt động để từ đó có thể duy trì các tàu còn khả năng hoạt động... ”.
Được biết, Sea Eagle là tàu có trọng tải hơn 65.000 tấn, do khó khăn về tài chính của Vinashinlines nên con tàu này nằm bất động tại Trung Quốc từ năm 2008. Có 9 thuyền viên bị mắc kẹt do phải ở lại trông tàu. Tương tự, Hoa Sen là tàu chở xe và hành khách trọng tải lớn, được Vinashin mua lại từ Italy vào cuối năm 2007 nhằm chuyên chở hàng hóa, khách du lịch nhưng do hoạt động thua lỗ nên đã phải dừng hoạt động từ đầu năm 2009. Hiện tàu đang mắc kẹt tại Chiết Giang (Trung Quốc) với 9 thuyền viên. Các thuyền viên của 2 con tàu này đã nhiều lần yêu cầu công ty Vinashinlines đưa nhóm khác sang trông tàu để họ được trở về nước.
Hà Trang - Xuân Ngọc

Không có nhận xét nào: