TT - Ngày 17-9,
Cục Điều tra liên bang Mỹ (FBI) đã công bố danh tính nghi can nổ súng
tại căn cứ hải quân ở trung tâm thủ đô Washington DC khiến 12 người
thiệt mạng. Theo báo Washington Post, FBI cho biết nghi can nổ súng tại
căn cứ Navy Yard là cựu binh Aaron Alexis, 34 tuổi, người Fort Worth,
bang Texas. Alexis giải ngũ khỏi lực lượng hải quân trừ bị Mỹ vào năm
2011 sau một loạt vụ vi phạm kỷ luật.
>> Mỹ truy tìm động cơ vụ xả súng ở Washington
>> Chỉ có một nghi phạm trong vụ xả súng ở Washington
>> Video: Hàn Quốc bắn chết người bơi sang Triều Tiên
>> Chỉ có một nghi phạm trong vụ xả súng ở Washington
>> Video: Hàn Quốc bắn chết người bơi sang Triều Tiên
Khi xông vào căn cứ Navy Yard, Alexis cầm trên tay một
khẩu súng tiểu liên AR-15, một súng săn và một súng ngắn. Alexis bắn
chết 12 người và làm tám người bị thương trước khi bị cảnh sát bắn chết.
Hiện FBI vẫn chưa xác định được động cơ gây án của Alexis nhưng xác
định hung thủ chỉ hành động một mình và không có chuyện hai tay súng
khác đang lẩn trốn.
Vụ xả súng ngay tại căn cứ Navy Yard chỉ cách đồi
Capitol, nơi Quốc hội Mỹ đặt trụ sở, vỏn vẹn 1,6km và cách Nhà Trắng
5km, đã làm chấn động cả Washington DC. “Đây là một ngày vô cùng đen
tối” - Washington Post dẫn lời Chủ tịch Hạ viện Mỹ John A. Boehner mô
tả.
FBI cho biết nghi can Alexis là nhân viên công nghệ
thông tin của Công ty The Experts, một nhà thầu của hải quân Mỹ, do đó
có thẻ ra vào căn cứ Navy Yard. Truyền thông Mỹ đã bực tức đặt câu hỏi
vì sao Alexis có thể mang theo nhiều khẩu súng vượt qua cổng căn cứ Navy
Yard, nơi các nhân viên an ninh hải quân có vũ trang kiểm tra tất cả
mọi người ra vào.
Nhà chức trách cũng loại bỏ khả năng
đây là một vụ tấn công khủng bố và cho rằng nguyên nhân gây án có thể
xuất phát từ quá khứ rắc rối của Alexis trong hải quân. FBI cho biết khi
còn tại ngũ, Alexis từng vi phạm kỷ luật nhiều lần, do đó bị cho giải
ngũ.
Trả lời Tuổi Trẻ
qua thư điện tử, cô Johanna Carrillo và cô Lindsey Wajert thuộc Trung
tâm Báo chí quốc tế (ICJ) tại Washington DC cho biết họ nghe thông tin
về vụ xả súng qua tivi và báo mạng. “Tôi vô cùng bàng hoàng và lo sợ.
Trước đây cũng từng có nhiều vụ xả súng tại Mỹ nhưng Washington DC là
một thành phố hết sức an toàn. Không thể tưởng tượng nổi chuyện này lại
xảy ra” - cô Carrillo cho biết.
Carrillo, Wajert và các đồng nghiệp đã bảo nhau ở lại
văn phòng do đọc trên CNN thấy tin cảnh sát tình nghi có hai tay súng
khác còn đang lẩn trốn. Là một người phản đối súng đạn, cô Carrillo
khẳng định vụ xả súng ngay tại Washington DC là giọt nước tràn ly.
“Không thể chấp nhận chuyện bắn giết xảy ra ngay cạnh trung tâm công
quyền của đất nước. Chính phủ phải hành động để hạn chế súng đạn ngay
lập tức chứ không thể nói suông được nữa. Máu đã đổ quá nhiều rồi” - cô
Carrillo nhấn mạnh.
HIẾU TRUNG
Bàn luận về súng kiểu Mỹ
Trong các vụ xả súng trước đây ở Mỹ, có một quy tắc bất
thành văn là người dân thường không bàn luận về súng. Chỉ một số ít
người sử dụng tin tức trên báo đài để thảo luận về văn hóa súng ống vốn
phân cực thành hai quan điểm trái ngược nhau ở Mỹ.
Lập tức những người chỉ trích thường phản ứng bằng cách
cáo buộc những người trên lợi dụng bi kịch để quảng bá cho một chương
trình nghị sự chính trị, chẳng hạn như ban hành luật lệ kiểm soát súng
hà khắc hơn. Những người chỉ trích lập luận rằng nên có một khoảng lặng
sau vụ xả súng, bởi lúc ấy không ai có tâm trí thảo luận chính trị mà
chỉ nên dành thời gian khóc than cho các nạn nhân. Do vậy không ai thật
sự bàn luận về súng.
Tuy nhiên, tất cả dường như thay đổi vào hôm thứ hai
(16-9) khi nghi phạm Aaron Alexis xả súng ở thủ đô Washington, giết chết
12 người và làm bị thương tám người. Thượng nghị sĩ Đảng Dân chủ Dianne
Feinstein ở California than phiền: “Quốc hội phải ngừng trốn tránh
trách nhiệm và bắt đầu tranh luận nghiêm túc về bạo lực súng ống ở đất
nước này. Chúng ta phải hành động nhiều hơn để chấm dứt số người chết
liên tục vì bạo lực súng ống”.
Bà Feinstein cũng cho rằng thảm sát ở căn cứ hải quân
do nghi phạm Aaron Alexis gây ra chỉ bổ sung vào “chuỗi vụ thảm sát do
những kẻ loạn trí hay những tên sát nhân phẫn uất nắm trong tay nhiều vũ
khí gây ra”.
Các thành viên Đảng Cộng hòa thường lấy tu chính án số
II (bảo đảm quyền sở hữu súng) để chống lại bên Dân chủ. Nhưng David
Frum, người chuyên viết diễn văn cho (cựu) tổng thống Đảng Cộng hòa
George W. Bush, đã phản ứng về vụ xả súng ở Washington bằng một phong
thái không hề bảo thủ. Ông viết đầy chất mỉa mai trên Twitter các quy
tắc phải tuân theo sau vụ xả súng cho khoảng 94.000 “bạn đọc” của ông.
“Quy tắc 1: Cực kỳ ghê tởm khi nghĩ việc dễ dàng sở hữu
súng có thể tạo ra những vụ tàn sát bằng súng” - Frum viết. Trong những
vụ thảm sát bằng súng trước đây, quy tắc này có lẽ đã được tuân thủ.
Nhưng lần này, Frum đã chỉ ra rằng những người vận động
hành lang không muốn người dân tranh cãi về luật kiểm soát súng. Chỉ
trong tháng này, hai thượng nghị sĩ bang Colorado bị mất chức vì ủng hộ
luật siết chặt sở hữu súng ống.
Bãi chức các chính trị gia là một điều vô cùng hiếm
thấy ở Mỹ, nhưng nó xảy ra ở Colorado bởi vì người sở hữu súng muốn tống
khứ bất cứ ai hạn chế quyền lợi của họ. Nó xảy ra ở Colorado ngay cả
khi bang này từng trải qua hai cuộc xả súng đẫm máu: một ở trường trung
học Columbine vào năm 1999, một ở rạp chiếu bóng Aurora năm 2012.
Có nhiều vụ thảm sát tương tự như thế trong những năm
gần đây. Và chúng đã làm nổi bật vị thế “độc nhất vô nhị” về bạo lực
súng ống của Mỹ trong các quốc gia phát triển. Tuy Mỹ chỉ chiếm 5% dân
số thế giới nhưng đất nước này sở hữu 50% số lượng súng ống của thế
giới.
Trong tin nhắn kế tiếp trên Twitter, Frum lại mỉa mai
đặt vị trí của Mỹ trong bối cảnh toàn cầu. “Quy tắc 5: Sở hữu súng là
cần thiết để có tự do như ở Serbia và Guatemala. Hạn chế súng dẫn đến sự
chuyên chế, bạo ngược như ở Úc và Canada”.
Frum ám chỉ đến niềm tin của những người sử dụng súng
rằng họ phải tự bảo vệ bản thân bằng súng, cho dù các quốc gia khác vẫn
kiểm soát xã hội ổn định khi người dân không sở hữu súng.
Các vụ xả súng dường như không làm nhụt chí những người
sử dụng súng hay Hiệp hội Súng trường quốc gia Hoa Kỳ - tổ chức đại
diện cho những người sở hữu súng ở Mỹ. Thay vào đó, họ thường khai thác
sâu vào những nguyên nhân khiến bạo lực súng ống lan tràn như các trò
chơi bạo lực hay các vấn đề về tâm thần... có thể khiến một kẻ sở hữu
súng như Aaron Alexis thực hiện một cuộc thảm sát điên rồ như vậy.
Những người sử dụng súng không muốn nói về những khẩu
súng gây ra bạo lực và họ cũng không muốn những người khác nói về việc
này. Nhưng vụ xả súng hôm thứ hai ở Washington lại khiến họ tiếp tục
thảo luận xôn xao.
LIÊN HOÀNG
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét