Thứ Ba, 3 tháng 9, 2013

BÀI TRÊN TRANG "QUÊ CHOA"

Tìm đâu ra khế ngọt bây giờ?

Nguyễn Mộng Hoài 
Thế là theo "Nghị định 76/1982", tôi được nghỉ hưu đến nay đã  30 năm. Ba mươi năm, một phần ba thế kỷ, "ngồi không ăn bám", lương hưu nhỏ nhoi, khi mới về tính bằng "đồng", nay thì tính bằng triệu, vừa đúng bằng một phần trăm lương ông giám đốc "công ty nào đó ở Sài Gòn 2,6 tỷ/năm". Chuyện lương lậu thời đại này ở nước ta tiếng là có ngạch có bậc, nhưng vô cùng lộn xộn, có người mức lương ngất ngưởng trên trời, nhiều người lương không đủ sống với mức sống tối thiểu. Nói qua vậy thôi, chứ tôi chưa có ý định viết bài bình về lương
Gần 40 năm công tác tại một cơ quan báo chí "quốc doanh" tầm cỡ quốc gia, mà được ăn tập thể, ở tập thể cho đến lúc được nghỉ hưu. Thèm một góc Hà Nội mà không có, đành phải về quê tìm một chùm khế ngọt. Xin lỗi nhạc sĩ Giáp Văn Thạch và thi sĩ Đỗ Trung Quân đã tạo nên bài hát rung động lòng người, rung động hàng triệu, hàng triệu con tim: "Quê hương mỗi người chỉ một/Như là chỉ một mẹ thôi !"..."Quê hương nếu ai không nhớ/Sẽ không lớn nổi thành người !" Rung động vì bài hát ấy, tôi nghỉ hưu hôm trước, hôm sau về quê.
 
 Quê tôi được người ta "quy hoạch" vào một khu công nghiệp. Khu công nghiệp này, ngoài sự lãnh đạo "toàn diện và tuyệt đối" của Tỉnh ủy, huyện ủy, Đảng ủy ra, nó còn phải chịu sự lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý của Ban quản lý các khu công nghiệp của tỉnh, Phòng công thương của huyện sở tại, của Ban quản lý khu công nghiệp "Thăng Long" 2. Xem ra, muốn vào đứng chân tại khu công nghiệp, nhà doanh nghiệp phải "đi qua nhiều cửa" quá, mà cửa nào cũng khó đi, khó lọt. Các cửa ấy không làm bằng bê-tông, cốt thép mà cũng không bằng gỗ tốt mà chỉ bằng những quy định văn bằng chiếu chỉ.
 
 Xã tôi có 1170 mẫu ruộng canh tác hai vụ lúa. Mười năm qua, dưới cái vỏ "đất đai thuộc sở hữu toàn dân, cơ quan Nhà nước là chủ sở hữu", theo lệnh của tỉnh và huyện, xã đã chuyển nhượng gần 1000 mấu Bắc Bộ cho doanh nghiệp, kể cả doanh nghiệp nước ngoài vào đầu tư, phát triển công nghiệp dịch vụ. Mười ba năm sau, đã có hơn 30 doanh nghiệp vào làm ăn trên đồng đất xã tôi. Nông dân toàn xã mất hầu hết ruộng canh tác, phải đôn đáo tìm công ăn việc làm. Cho đến từ năm 2011 đến nay, hầu như cả 30 doanh nghiệp đều đã bị "phá sản", hầu hết công nhân đã được về có phụ cấp thất nghiệp, nhưng lại phải tìm mọi công ăn việc làm. Giá đền bù "hoa lợi trên đất" từ 7 triêu một sào Bắc Bộ 360 mét vuông đến 85 triệu một sào, sau đó chuyển cho doanh nghiệp đổ nền dày 1, 2 mét dựng nhà xưởng, nhưng đến nay thì gần như tất cả đều "vắng vẻ" và nằm im, không còn cái cớ để xã báo cáo tăng trưởng kinh tế hàng năm kêu như trước nữa. 
 
Hồi viết Cương lĩnh đầu tiên, ông Trần Phú ghi rõ nhiệm vụ của ta là chống đế quốc và chống phong kiến. Chống đế quốc thì dân ta đã phải chống hai đế quốc to và một "bành trướng to" và đã đi đến thắng lợi. Núi xương sông máu đổ ra suốt mấy chục năm bom rơi đạn nổ không uổng và đã giành về đất nước thống nhất xây dựng hòa bình 40 năm. Những tưởng sau bốn mươi năm, đất nước phải sánh vai cùng các nước có hoàn cảnh giống ta, nhưng than ôi, nhìn vào mặt nào cũng còn lạc hậu, phải đuổi họ mấy chục năm mới kịp nếu họ đứng yên một chỗ cho mà đuổi. Tiếc rằng chẳng ai chịu đứng lại để cho Việt Nam theo kịp cả. 
 
Còn việc "chống phong kiến long trời lở đất" để giành về ruộng đất cho người cày, thực hiện "người cày có ruộng" thì chỉ được một năm sau sửa sai CCRĐ 1957, sang năm 1958, vào hợp tác, ruộng đất "công hữu hóa" HTX quản lý không khai thác được, đói vẫn hoàn đói, để ba chục năm sau giải tán HTX toàn xã cấp cao, trao khoán ruộng đất sử dụng lâu dài cho hộ nông dân mới có được 45 triệu tấn thóc hàng năm và có dư 7,5 triệu tấn gạo xuất khẩu.
 
 Nhưng người nông dân vẫn chưa là chủ sở hữu mảnh ruộng của mình, vẫn là những người làm thuê và còn phải è lưng đóng góp bao nhiêu thứ do thôn, do xã đề ra. Thực chất "người cày mất ruộng" chứ không phải là "có ruộng" tự do canh tác. Tôn chỉ "người cày có ruộng" bị biến tướng mà ngày nay những "ông bà chủ đất đai" không phải người cày mà là những người chưa bao giờ cầm cái cày. Họ đã và đang làm chủ sở hữu hàng chục, hàng trăm ha đất lấy từ nông dân, nông nghiệp để làm công nghiệp, xây dưng đô thị sinh thái, làm biệt thự riêng, làm trang trại riêng...
 
Ngay xã tôi, một ông phó chủ tịch xã hiện có 4, 5 mẫu đất nói là làm trang trại nuôi cá sấu, nhưng chỉ làm giả vờ một lần rồi trở thành đất tư và dựng nhà tầng ở giữa. Dựa vào giao đất cho doanh nghiệp, cán bộ từ thôn xóm trở lên ở xã tôi đều có đất giá rẻ, thậm chí không phải mất tiền mua . Con cán bộ chủ chốt thì đều được những mảnh đất vàng, ít bữa lên nhà tầng, thực hiện "nhà mặt phố, bố làm to"
 
 Trong khi đó người cần đất nhất, kể cả một số gia đình chính sách thì không bao giờ được mua đất cả. Nhìn vào một xã, cũng thấy "tôn chỉ mục đích" từ ngày ông Trần Phú viết Cương lĩnh đều "biến tấu" vào nhóm lợi ích cả. Nhiều người giầu lên từ đất. Họ mua đi bán lại rất tài tình, thu lợi nhuận kếch sù mà lại cứ báo "sở hữu toàn dân". Cho nên, hiện nay quê tôi và nhiều vùng quê khác nữa, nông dân đáng lẽ là người thiết tha với đất hóa ra lại là người "chán đất" muốn trả ruộng khoán ra tỉnh tham gia "chợ lao động" lại hay hơn !
Đại hội Công đoàn vừa rồi đã khẳng định vai trò của giai cấp công nhân Việt Nam. Lên công nghiệp hóa thì giai cấp công nhân càng lớn mạnh, xứng đáng với vai trò lãnh đạo cách mạng của giai cấp công nhân. Nhưng xin thưa, công nhân trong thời buổi này dường như là những người làm thuê mà ngày xưa thực dân xâm lược Pháp gọi là "cu ly". Thậm chí còn cực khổ hơn rất nhiều.
 
 Nhà thuê. Làm việc 16 giờ một ngày hưởng lương bằng tám tiếng. Không có phương tiện sinh hoạt văn hóa thể thao. Không báo chí TV, ở thuê chật chội, làm về mết mỏi lăn ra ngủ, mai lại phải làm "một ngày bằng hai", sơ xuất cái gì đó, thậm chí cãi lại quản đốc thôi lập tức bị đuổi việc. Nhiều trường hợp công nhân bị "ông chủ" tạt tai mà không dám hé răng. Đó là "cu ly" trong công nghiệp hóa. Còn đi "xuất khẩu lao động nước ngoài" chẳng qua cũng là một dạng làm cu ly mà thôi.
 
 Đất nước gì mà có đến hơn 30 vạn phụ nữ trẻ phải đi tìm chồng xứ ngoài ? Làm sao lại có đến 30 vạn gái bán dâm một cách lén lút, trong đó có loại "đĩ quý tộc" thu từ 1000 đến 1,500 USD/lần "mây mưa". Kẻ quý tộc bán dâm bị bắt và xử tù, còn kẻ mua dâm giá đắt thì không bị sao cả !
Ông Nguyễn Khoa Điềm nguyên là Ủy viên cao lắm, phải thốt lên: "Đất nước có bao giờ buồn thế này chăng?" Tại sao phải buồn ? Tại vì không vui. Vui làm sao được khi mà sờ vào đâu cũng có tham nhũng, cũng suy thoái đạo đức, cũng gặp quan liêu vô cảm, cũng xuống cấp về chất lượng, nhất là các mặt hoạt động văn hóa, giáo dục, nếp sống. Lịch sử văn chương ở nước ta chứng kiến thời kỳ "Tự lực văn đoàn" tài năng nở rộ và tác phẩm để đời, thì nay, hội Nhà văn đông đến 2000 hội viên, chưa kể những nhà văn chưa phải hoặc không vào Hội, mà ló ra một tác phẩm hiện thực nào đấy nhưng không hợp gu lãnh đạo thì lấp tức bị thu hối, gần đây nhất là tác phẩm "Đại gia" của nhà văn Thiên Sơn

Xã tôi bây giờ có nhiều nhà cao tầng. Thậm chí có một gia đình hoàn toàn nông dân ít chữ nhờ biết lấn chiếm thùng vũng, đất công mở rộng khu đất ở, vợ chống bàn với nhau bán mảnh đất có sổ còn xây nhà ba tầng trên khu đất lấn chiếm. Anh chồng khoe rằng: "Nhờ có Đảng, cháu mới biết đến cái mùi nhà ba tầng. Không chịu khó lấn đất và bán lấy tiền thì lấy đâu xây được nhà ba tầng ? Ơn Đảng quá chứ Bác?"
Xã tôi lên công nghiệp hóa như thế nào ? Nhà cao tầng làm nhiều do bán đất, bán bớt đất lấy đất làm nhà và mua sắm. "Cả làng lấp ao, toàn dân lấn chiếm" chứ có phải từ lợi nhuận tăng trưởng kinh tế đâu. Đội ngũ cán bộ đất nhiều, bán một xuất đất đẹp một tỷ đồng, thừa tiến xây nhà đàng hoàng hơn to đẹp hơn. Ông toàn dân sở hữu đất đai, lấn chiếm đất dễ lắm. Làng tôi lên "công nghiệp hóa" hễ mưa một trận là nước thải ứ lại không biết tiêu đi đâu. Cán bộ xã thì vô cảm, xa dân, chỉ đạo điều hành bằng mấy cái loa cộng cộng. Rất ít khi thấy cán bộ trò chuyện với dân. Mất dân chủ từ trong đảng mất ra. Dân thì im lặng chẳng tội gì mà nói, nhiều khi cậy răng cũng không hé miệng. Ông bà nhà báo nào lớ sớ gặp dân phỏng vấn thì lập tức họ trả lời theo đúng ý tuyên truyền của các nhà báo
Một vài ngày ngồi kể với nhau chuyện quê hương bây giờ, khi không còn một cây khế ngọt nào cả. Gần 100% ao hồ bị lấp tranh nhau làm nhà. Cần có "Sổ đỏ" hãy chi cho cán bộ địa chính xã ít nhất 15 triệu đến 25 triệu một tờ, sẽ có ngay, nếu không có tiền thì hãy đợi đấy ! Xã khuyết một chân Phó chủ tịch phụ trách Văn Xã. Một năm, lấy thủ tục, lấy phiếu tín nhiệm, chọn người có bằng trung học chính quy về quản lý văn hóa, đã làm trưởng ban văn hóa nhiều năm, lại là con liệt sĩ, nhà có bố và chú ruột hi sinh tại miền Nam là liệt sĩ, bà nội là Bà Mẹ Việt Nam anh hùng....quá đủ tiêu chuẩn về nhân thân, lại là một đảng viên liêm khiết, không tơ hào một xu vậy mà vẫn không được cấp trên phê duyệt.  Bà con bào nó còn thiếu tiền "mua". Thiếu tiền thì chẳng bao giờ có chức cả, mặc dù chỉ là cán bộ xã. Hãy đợi đấy !
Làng tôi bây giờ bói bảy ngày không thấy một cây khế nào, chứ chưa nói đến chùm khế ngọt. Hình như làng tôi đang sống ở một thế giới khác, dân ăn bánh vẽ nhiều hơn là bánh thật. Khế ngọt không còn thì lấy đâu để trèo hái mỗi ngày? Giá như có vị nào ở cái Bộ cao nhất về với dân chúng tôi, cùng ăn thịt chó cùng uống bia hơi và nghe chúng tôi kể thực đời sống bây giờ cho mà nghe thì quá hay. Nhưng dân chỉ mơ gặp cán bộ cao đấy thôi chứ có mục thất cũng chẳng bao giờ gặp. Đến cán bộ xã còn phải hẹn năm lần bảy lượt mới được găp mà còn đòi gặp cán bộ cao hơn, Có đến Tết !
                              
Tác giả gửi Quê Choa
Bài viết thể hiện văn phong và quan điểm riêng của tác giả

Không có nhận xét nào: