Thấy mẹ vừa ra xe, Hà Dương quay lại nói với
chuyên viên tư vấn: “Chú ơi, cho con ngủ 30 phút nhé, con không có vấn
đề gì đâu, con chỉ thèm ngủ thôi”. Dứt lời, cậu bé nằm dài ra chiếc ghế
bành ngủ ngon lành.
>> Con trai tướng Trung Quốc đi tù vì hiếp dâm
>> Clip: Vạch trần chiêu lừa khách mua yến sào
Dương được mẹ đưa đến gặp chuyên gia tâm lý để nhờ "chữa bệnh mê
ngủ". Chưa biết thực hư tình hình người mẹ miêu tả, chỉ cần nhìn vào
thời khóa biểu của Dương (học sinh lớp 2 một trường tiểu học tại quận 1,
TP HCM), chuyên viên tư vấn phải “kính nể” với lịch học gần 18 giờ một
ngày.
Nhà ở quận Tân Phú, gia đình có điều kiện và cũng muốn con được học ở
trường xịn nên bố cố gắng bằng nhiều cách xin cho em được vào học ở một
trường có tiếng ở quận 1. Sáng 5h, em đã được bố mẹ đánh thức để sắp
xếp sách vở, ăn sáng, ôn bài và 6h là ra khỏi nhà để bắt đầu một ngày
“làm việc” cật lực.
21h tối, Dương vẫn phải cùng các bạn tiếp tục học vì chưa hoàn thành bài tập nâng cao. Ảnh: Phú Thi. |
Bố mẹ là viên chức, nên Hà Dương được học bán trú ở trường. Thời khóa
biểu hàng ngày của em như sau: Ở trường từ 6h30 sáng đến 16h30 chiều
mới được mẹ đón về. Trong khoảng thời gian 30 phút ngắn ngủi di chuyển
trên đường, em được mẹ cho ăn nhẹ và uống thêm hộp sữa để có sức học
tiếp. Hơn 17h, em đến một trung tâm rèn luyện toán thông minh.
Đến 19h tan lớp, Dương tiếp tục “quá cảnh” đến nhà một cô giáo dạy
thêm cùng với vài chục bạn khác tham gia lớp luyện chữ và học toán nâng
cao (ngày lẻ) hoặc đi học tiếng Anh ở trung tâm ngoại ngữ (ngày chẵn).
Nhiều hôm đến 21h nhưng Dương và các bạn chưa hoàn thành các bài toán
nâng cao thì vẫn được cô giáo "ưu ái" giữ lại cho đến khi làm xong mới
được về.
Dương kể, ngày nào cũng vậy em về tới nhà thường là khoảng 21h30, ăn
uống tắm rửa và làm các bài tập ở trường, ở lớp học thêm, ở trung tâm…
đến 23h mới được đi ngủ. Trò chuyện với chuyên viên tư vấn, Dương bí xị
mặt bảo: “Nói thật với chú, cháu chỉ thèm được một ngày nào đó ngủ cho
thật đã. Mà không chỉ mình cháu đâu, các bạn lớp cháu đứa nào cũng thế,
lên lớp cứ hễ cô giáo không để mắt một chút là bọn cháu tranh thủ ngủ
ngay, được tí nào hay tí ấy”.
Cũng giống Dương, Thùy Vi (học sinh lớp 5 một trường tiểu học ở quận
3) lên Facebook than thở: “Dạo này mình phải học nhiều quá chừng”. Là
học sinh học trung bình, đôi lúc hơi chậm chạp nên Thùy Vi bị thầy giáo
trên lớp và bố mẹ ở nhà bắt phải học “tăng ca” để có thể “tiến bộ nhanh”
hơn bạn bè.
Thùy Vi kể, hầu như ngày nào em cũng phải đi học từ sáng sớm đến tối
mịt, không có thời gian để chơi hoặc xem tivi. Bài các môn học ở trường,
bài tập cô giáo dạy thêm cho mỗi ngày 2 mặt giấy A4, bài học thêm tiếng
Anh làm em tối tăm mặt mũi.
Bữa nào Vi không hoàn thành công việc học tập thì sẽ là cả một ngày
cực hình vì thầy giáo phạt đứng học, cô giáo dạy thêm mắng em lười
biếng, mẹ nhăn nhó quát nạt. Để có thể hoàn thành khối lượng bài tập đó,
Thùy Vi bảo em phải tận dụng tối đa thời gian kể cả lúc ăn, lúc đi vệ
sinh hay khi ngồi trên xe đến trường.
Chưa hết, đối với Vi, những kỳ nghỉ lễ mới thực sự là ác mộng. Như
trong dịp nghỉ lễ 2/9 vừa qua, trong vòng 2 ngày em phải giải quyết “chỉ
có 50 bài tập các loại thôi”. Cô bé sợ nghỉ lễ đến mức đã phải thốt lên
“Thôi, đừng nghỉ lễ gì cả có khi con sướng hơn”.
Tranh thủ học bài khi ngồi sau lưng mẹ. Ảnh: Phú Thi. |
Theo thạc sĩ giáo dục Phạm Phúc Thịnh, với cách dạy và học hiện nay
trong trường, người lớn đang vô tình biến việc học từ “một niềm vui” trở
thành “một gánh nặng” cho trẻ. Bên cạnh đó, vì mục đích thành tích,
đang có hiện tượng trong một số trường giao chỉ tiêu cho mỗi lớp phải
tham gia dự thi các kỳ thi trên báo, trên mạng… với những bài toán mà có
thể ngay cả sinh viên đại học cũng chưa hẳn đã có thể giải được.
“Với cách dạy nhồi nhét hiện nay, vô tình chúng ta đang tạo ra một
thế hệ robot chỉ biết thu nhận và lặp lại những gì đã tiếp thu, làm mất
đi sự sáng tạo, sự chủ động trong học tập của các em”, ông Thịnh cảnh
báo.
Ông mượn lời của cậu bé Hà Dương muốn nhờ chuyên viên tư vấn gửi đến
“thế giới người lớn”: “Các cô, các chú, các bác ơi, tại sao tụi con lại
phải học nhiều dữ vậy? Đến khi nào thì tụi con mới được chơi thỏa thích,
ngủ đã mắt mà không phải bận tâm lo đến những bài tập, bài học ngày mai
phải nộp lại?”. Theo ông Thịnh, đây cũng chính là câu hỏi mà người lớn
đang nợ các em câu trả lời.
Theo một số giáo viên lớn tuổi đã nghỉ hưu tại TP HCM, thật ra chương
trình học không căng thẳng và nặng nề đến mức độ các em phải học như
vậy. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân: bệnh thành tích, cách thi cử, cách
nhìn nhận về một học sinh giỏi của bố mẹ, thầy cô… đã vô tình tạo nên ở
các em sức ép kinh khủng, để rồi các em phải căng hết sức mình ra để
học.
Phú Thi
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét