TT - Nhận được góp ý của một học viên
về việc tấm bản đồ treo tại phòng thảo luận ghi sai chủ quyền
quần đảo Hoàng Sa, lãnh đạo Trường đại học Chỉ huy - tham mưu
New Zealand đã quyết định gỡ ngay tấm bản đồ xuống.
Đại úy Vũ Văn Hiệp (bìa phải) trong một giờ học tại Đại học Chỉ huy - tham mưu New Zealand - Ảnh do nhân vật cung cấp
Tuổi Trẻ đã có cuộc trao đổi với đại úy - nhà báo Vũ Văn Hiệp, công tác tại báo Biên Phòng,
học viên của ĐH Chỉ huy - tham mưu New Zealand (New Zealand Defence
Force Command and Staff College), người phát hiện tấm bản đồ sai
phạm và đã gửi email tới lãnh đạo trường mà anh đang theo học.
"Một số bản đồ do nước ngoài xuất bản có sai
sót trong chú thích chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa của VN. Đây là
lỗi của nhà sản xuất, nhưng việc sử dụng rộng rãi các loại bản đồ trên
sẽ rất bất lợi đối với nước ta trong việc đấu tranh bảo vệ chủ quyền
quần đảo này. Người VN ở mọi nơi trên thế giới cần cảnh giác và kịp thời
phát hiện những sai sót để đề nghị hủy bỏ"
Đại úy Vũ Văn Hiệp
Đại úy Vũ Văn Hiệp cho biết cách đây ba tuần, anh tình
cờ phát hiện trên tấm bản đồ thế giới được treo tại một phòng thảo luận
của trường có một lỗi sai đặc biệt nghiêm trọng về chủ quyền quần đảo
Hoàng Sa của VN. Cụ thể, dưới quần đảo Hoàng Sa (Paracel Islands) ghi
chữ “China”, chỉ quốc gia chủ quyền của quần đảo là Trung Quốc. Anh đã
lập tức gửi thư điện tử tới ông hiệu trưởng và người phụ trách cơ sở vật
chất của trường. Trong thư, đại úy Hiệp khẳng định rõ chủ quyền hợp
pháp của VN đối với quần đảo này, đồng thời nhấn mạnh sai sót đó sẽ
khiến người xem nhầm hiểu chủ quyền hợp pháp đối với quần đảo thuộc về
Trung Quốc. Thêm vào đó, việc sử dụng bản đồ chứa những sai sót này là
điều không công bằng và sẽ dẫn đến những tranh cãi không cần thiết giữa
sinh viên của các quốc gia có liên quan đến chủ quyền quần đảo. Tiếp thu
ý kiến của anh Hiệp, lãnh đạo ĐH Chỉ huy - tham mưu New Zealand đã cho
gỡ tấm bản đồ này xuống.
* Anh có thể nói rõ hơn về đặc điểm của tấm bản đồ được treo tại trường?
- Đây là loại bản đồ khổ lớn do Hội Địa lý quốc gia Mỹ
(US National Geographic Society, tên viết tắt là NGS) xuất bản năm 2001.
Cũng cần lưu ý rằng tháng 3-2010 chúng ta đã phát hiện sai sót tương tự
này trên bản đồ mà NGS đưa ra trên trang bản đồ trực tuyến của họ. Theo
đó, quần đảo Hoàng Sa được viết bằng tên theo cách gọi của người Trung
Quốc là Xisha Qundao (Tây Sa quần đảo), tên tiếng Anh là Paracels, bên
dưới có ghi thêm chữ màu đỏ “China”, tức Trung Quốc.
Sau khi Bộ Ngoại giao VN lên tiếng phản đối, khẳng định
cách ghi như vậy là sai sự thật bởi VN có đầy đủ cơ sở pháp lý và bằng
chứng lịch sử để khẳng định quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền VN, Ủy ban
Chính sách bản đồ của NGS đã họp để thảo luận kỹ vấn đề này. Họ nói sẽ
đưa ra quy ước về quần đảo Hoàng Sa. Cụ thể, với những bản đồ khu vực
hay lục địa khổ lớn sẽ được sử dụng tên thông thường là “Paracel” kèm
theo chú giải: “Bị Trung Quốc chiếm giữ vào năm 1974 và gọi là Xisha
Qundao; VN tuyên bố chủ quyền và gọi là Hoàng Sa”. Đối với những bản đồ
thế giới khổ nhỏ thì NGS chỉ dùng tên thông thường là “Paracel Islands”
và bỏ các thông tin khác.
* Theo anh, việc ĐH Chỉ huy - tham mưu New Zealand
treo tấm bản đồ chi tiết sai về chủ quyền quần đảo Hoàng Sa của VN là cố
ý hay vô ý?
- Tôi có thể khẳng định rằng việc sử dụng tấm bản đồ
này chỉ là vô ý. Điều này được chứng minh bằng sự tiếp thu mang tính cầu
thị của lãnh đạo nhà trường - những người có thâm niên nghiên cứu khoa
học và giảng dạy trong lĩnh vực khoa học quân sự. Đây là môi trường hàn
lâm, các tài liệu phục vụ học tập đều phải tính toán để đảm bảo tính
khách quan và khoa học ở mức cao nhất có thể. Do đó họ đã kịp thời xem
xét nghiêm túc và đồng tình với đề nghị của tôi về việc thôi sử dụng
loại bản đồ này.
* Vì sao một cơ sở đào tạo khoa học quân sự lớn và
có uy tín như vậy lại nhanh chóng tiếp thu ý kiến góp ý của một học viên
nước ngoài?
- Đơn giản là họ tôn trọng sự thật. Tất nhiên để thuyết
phục được họ, trong nội dung bức thư gửi lãnh đạo trường và người có
liên quan tôi tóm lược những chứng cứ lịch sử, khoa học để chứng minh
chủ quyền của VN đối với quần đảo này. Đồng thời tôi cũng đính kèm một
số hình ảnh bản đồ của các tổ chức uy tín trên thế giới và đường dẫn của
chúng để họ tiện đối sánh, trong đó bản đồ Atlas thế giới chú thích
tương đối khách quan: dưới tên quần đảo Hoàng Sa bằng tiếng Anh (Paracel
Islands) chỉ ghi “Quản lý bởi Trung Quốc, VN tuyên bố chủ quyền
(Administered by China - Claimed by Vietnam)”.
Đại học Chỉ huy - tham mưu New Zealand
Là cơ sở đào tạo sĩ quan chỉ huy - tham mưu chiến dịch
thuộc Bộ Quốc phòng New Zealand. Theo chương trình hợp tác quốc phòng
song phương, bộ quốc phòng một số nước cử học viên tới học tại trường
này, như Mỹ, Úc, Singapore, Hàn Quốc, Malaysia, Indonesia, Tonga, Papua
New Guinea, Trung Quốc và Việt Nam.
Sau một tuần gửi bức thư đầu tiên chưa có hồi âm, tôi
gửi bức thư thứ hai, trong đó đính kèm cả đường dẫn thông báo của NGS về
việc họ đã nhận ra sai sót trong ghi chú địa danh đối với quần đảo
Hoàng Sa và hướng sửa lỗi. Tôi cũng nhấn mạnh hệ quả của việc sử dụng
bản đồ có chú thích sai sự thật này và đề nghị nhà trường xem xét nghiêm
túc và thấu đáo để đảm bảo khách quan, khoa học và công bằng.
* Qua việc này, anh muốn nói gì với các bạn trẻ và người Việt Nam đang sinh sống, học tập ở nhiều nơi trên thế giới?
- Tôi nghĩ bất cứ ai là người VN ở hoàn cảnh của tôi
cũng sẽ làm như thế. Cũng phải nói thêm rằng còn nhiều loại bản đồ chứa
sai sót như trên đang được sử dụng ở nhiều nơi trên thế giới. Đối với
các ấn phẩm của NGS, chúng ta dường như mới phát hiện sai sót của họ
trên bản đồ trực tuyến. Tôi chưa thấy thông tin nào cho thấy chúng ta
phát hiện ra lỗi tương tự ở bản đồ trên giấy hoặc dạng địa cầu. Mặc dù
tháng 3-2010 NGS đã thông báo hứa sẽ sửa lỗi trên, nhưng đến nay trên
nhiều loại bản đồ được NGS đăng trên trang mạng của mình, quần đảo Hoàng
Sa của VN vẫn được ghi là “Paracel” và bên dưới vẫn là chữ “China”. Do
đó chúng ta cần tiếp tục yêu cầu và thuyết phục họ sửa sai trên tinh
thần tôn trọng sự thật, khách quan và khoa học.
Hơn nữa, Trung Quốc đang phổ biến nhiều tài liệu sai
lệch về chủ quyền quần đảo Hoàng Sa, trong đó có nhiều loại bản đồ có
nội dung sai sự thật, như khẳng định chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa
và 80% diện tích biển Đông bằng “đường biên giới 9 đoạn” vô căn cứ.
Trung Quốc đang tận dụng triệt để việc này, bằng chứng là bản đồ có hình
“lưỡi bò” được phổ biến trên các trang mạng, treo ở nhiều nơi công cộng
và in cả vào hộ chiếu. Do đó người VN ở nước ngoài đang công tác, học
tập, sinh sống hay đi tham quan nước ngoài cũng cần cảnh giác để kịp
thời phát hiện và thuyết phục đề nghị không sử dụng loại bản đồ chứa
những thông tin sai sự thật trên.
NHÂM HỒNG thực hiện
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét