Trong khi các con suối khác đều chảy từ Tây
sang Đông, riêng suối Khe Thần “một mình một chợ”, chảy theo hướng từ
Đông sang Tây. Suối bắt nguồn từ đỉnh núi cao chót vót chưa ai đặt chân
đến nơi.
>> Bí quyết tập thể dục giúp thăng hoa 'chuyện ấy'>> Săn ếch vùng cao
>> Kỷ vật tình yêu thất lạc 70 năm
Ngày đói suối cho dân làng cá ăn, ngày hạn cho dân nước uống, đàn ông
quanh năm suốt tháng làm quần quật vẫn cường tráng, đàn bà không cần mỹ
phẩm vẫn đẹp da thắm tóc.
Ngược dòng bất chấp tạo hóa
Người dân địa phương cho rằng dòng suối đã xuất hiện cùng với non
nước, cây rừng xứ này từ thuở xa xưa. Nó bắt nguồn từ trên đỉnh Bồ Bồ là
đỉnh núi lớn nằm trên địa phận xóm 11 (xã Nghĩa Bình, huyện Tân Kỳ,
tỉnh Nghệ An). Dòng suối dài hơn 3 km, nước trong văn vắt và mát lạnh,
đặc biệt chưa bao giờ cạn, cho dù trời xứ Nghệ có khô hạn đến đâu.
Ông Lương Quang Vinh (73 tuổi), một cao niên trong làng cho biết
trước đây suối có tên là Khe Dọc. Được gọi như vậy vì thông thường tất
cả các dòng suối ở đây đều chảy theo hướng Tây sang Đông, nhưng riêng
con suối này lại chảy ngược lại theo hướng Đông sang Tây.
Đến khoảng năm 1945 mới bắt đầu có tên suối Khe Thần, không phải dân
làng nơi đây đặt mà do những người ở miền xuôi đi ngang thấy con suối
quá kì lạ và truyền tụng một câu chuyện cũng không kém thần bí.
Dòng suối chảy ngược hàng trăm năm gắn bó đời sống người địa phương |
Ông Vinh kể lại, ngày đó có một tốp người ở dưới miền xuôi lên rừng
để chặt cây đay về đan lưới, khi đi qua suối thì dừng chân nghỉ ngơi
uống nước. Lúc ăn cơm, những người này vô tình làm rơi cơm xuống suối,
một chú vịt gần đó bơi đến nhặt cơm rơi. Một người đàn ông trong đoàn
liền với tay bắt vịt mang về làm thịt, ăn xong bỗng phát điên, chạy chữa
khắp nơi không khỏi.
Gia đình đi xem bói được “phán” nguyên nhân bệnh do anh ta đã ăn trộm
vịt ở suối Khe Dọc nên bị trách tội. Cả nhà lạnh sống lưng, cuống quýt
đi mua một con vịt khác để đền cho người dân bị mất và ra suối tạ tội.
Không ngờ sau đó người đàn ông hết bệnh thật, nên dòng suối có tên mới
là suối Khe Thần.
Cũng từ đó người dân truyền tai nhau lời đồn: Kẻ nào trong bản dám
trộm cắp và làm điều xấu sẽ phát điên nếu cả làng phát hiện ra “mách”
suối thần. Tuy nhiên, nếu biết ăn năn đem trả lại đồ ăn cắp và ra suối
tạ tội thì sẽ bình thường trở lại.
Ông Vinh còn kể chuyện suối có tài chặn… hổ mà chính ông đã được tận
mắt chứng kiến. Trước đây khu rừng này có nhiều hổ dữ. Hàng đêm chúng
kéo đến bản làng để bắt lợn, trâu bò, dân bản vô cùng sợ hãi, chập tối
nhà nào nhà nấy đều đóng cửa kín mít.
Thấy không thể kéo dài tình trạng lúc nào cũng nơm nớp lo sợ, những
cao niên trong làng bàn nhau sắm lễ vật đến cúng tế tại suối Khe Thần
xin cứu giúp. Quả nhiên sau đó không thấy hổ về làng, mỗi lần chúng lao
xuống núi cũng chỉ đứng bên kia bờ suối gào rống rồi bỏ đi, không dám
lội qua để vào bản như trước.
Khỏe người, đẹp da nhờ nước suối
Theo truyền thuyết, trên đỉnh núi Bồ Bồ nơi con suối bắt nguồn có một
giếng thần, ở dưới toàn cá vàng. Tuy nhiên, chưa có ai tận mắt chứng
kiến hoặc kiểm chứng được điều này bởi cho tới nay vẫn chưa có ai đặt
chân được lên đỉnh Bồ Bồ.
Đã từng có nhiều người tò mò quyết tâm leo núi để khám phá và chứng
thực truyền thuyết, nhưng không hiểu sao cứ leo gần đến đỉnh lại cảm
thấy buồn ngủ, mắt ríu lại, cả người bải hoải không thể leo tiếp được.
Do đó việc con suối có phải bắt nguồn từ “mạch thánh” hay không vẫn là
điều bí ẩn.
Đã bao đời nay dân làng dùng nước suối để ăn uống sinh hoạt, nguồn
nước tinh khiết ngọt lịm, người dân rất ít khi đau ốm, bệnh tật, lao
động quần quật quanh năm suốt tháng cũng vẫn “khỏe như vâm”.
Đền Khe Thần được dân làng dựng lên để “tạ ơn” suối |
Người làng lúc “gần đất xa trời” đều có nguyện vọng cuối cùng được
uống một ngụm nước Khe Thần, uống xong sẽ thấy lòng nhẹ nhõm và ra đi
thanh thản.
Hàng năm các đồng bào dân tộc ở đây luôn tổ chức lễ cúng tế ở suối
thiêng để cầu mong ấm no, yên bình. Người dân lập đền Khe Thần ven suối
để tiện đến thắp hương và chưa năm nào dám lơ là việc tế lễ cầu an.
Bao năm nay, con gái làng Khe Thần nổi tiếng nhan sắc, đặc biệt nước
da đẹp mọng, mịn màng, rất ít khi phải sử dụng mĩ phẩm. Dưới cái nắng
cháy da cháy thịt, con gái ở gần suối Khe Thần vẫn “mặt hoa da phấn”,
mái tóc óng ả đen dài, mắt sáng trong như lòng suối và nụ cười rạng ngời
đến nao lòng.
Người nơi khác cho rằng nhờ uống nước suối, tắm suối từ nhỏ mà các cô
có được nước da trắng hồng, đặc biệt chỉ có các cô gái sinh ra lớn lên ở
đây mới được “ưu ái” như vậy, con gái các làng xung quanh thì không.
Nghe tiếng dòng suối kì lạ, một đoàn nhà khoa học đi ngang đã lấy
nước suối về nghiên cứu. Sau khi xét nghiệm, họ cho biết nước suối không
hề có vi khuẩn, lại có tác dụng diệt một số loại nấm bệnh.
Điều này giải thích vì sao từ trước đến nay, người dân lấy nước về
sinh hoạt thường rất khỏe mạnh, ít đau ốm. Tuy nhiên, vấn đề nhiều người
quan tâm thắc mắc: vì sao các cô gái ở làng đều có làn da trắng đẹp như
đánh phấn, có phải nhờ nước suối hay không, đến nay vẫn chưa có lời
giải thích.
Dòng suối được dân làng thờ cúng “tạ ơn”
Có truyền thuyết suối Khe Thần từ xưa đã rất linh thiêng, một năm
ngày mùa giáp hạt, dân đói quá không có gì ăn liền ra suối làm lễ, cầu
mong thần linh phù hộ cho qua được mùa đói. Điều kì lạ, khi lời khẩn cầu
mới vừa dứt, dưới lòng suối bỗng xuất hiện hàng đàn cá từ đâu kéo đến.
Người dân nhảy lên reo hò vì đã có cái ăn, cứ lần lượt thay nhau
xuống bắt cá đem về chiên nướng các kiểu. Năm đó cả làng vượt qua mùa
giáp hạt nhờ cá ở suối thần, trong khi những làng khác người chết đói
nhiều vô kể thì dân Khe Thần vẫn cầm cự không có ai thiệt mạng.
Dòng suối dạt dào trong mát và có ý nghĩa đặc biệt trong đời sống
sinh hoạt của người dân. Nhưng giờ đây người dân phải đối diện với nỗi
lo nguồn nước Khe Thần bị ảnh hưởng nghiêm trọng do rừng đầu nguồn bị
chặt phá. Nước bị ô nhiễm nặng không còn được trong lành như ngày trước,
nhiều năm nay cũng không thấy những đàn cá kéo về sinh sống.
Khỏe người, đẹp da nhờ nước suối. Ảnh minh họa nguồn Internet |
Ông Nguyễn Văn Ngọc, xóm trưởng xóm 11, xã Nghĩa Bình cho biết dòng
suối có vị trí rất quan trọng trong đời sống của dân làng nơi đây. Ngày
xưa mọi sinh hoạt của người dân đều dựa vào suối nước nên họ đặc biệt
quý nguồn nước Khe Thần.
Những câu chuyện linh thiêng ly kỳ có thể có phần thêu dệt do tâm lý
quá sùng bái, nhưng việc tổ chức cúng tế hàng năm vừa là nét đẹp văn hóa
vừa là cách người dân thể hiện tình cảm với dòng suối thiên nhiên đã
gắn bó với nhiều thế hệ. Nỗi trăn trở với người làng là làm sao có biện
pháp hữu hiệu để bảo vệ dòng suối trước nguy cơ ô nhiễm do nạn phá rừng.
Theo Phương Thảo (PLVN)
>> Ly kỳ chuyện bà hai 'nhường con' cho bà cả
>> Video: Tòa tháp xoắn cao nhất thế giới tại Dubai
>> Ảnh đẹp: Khủng long khổng lồ xuất hiện ở Pháp
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét