(VTC News) - Vì không muốn người chết bị thú dữ ăn thịt, nên họ chôn ngay trong vườn, cạnh nhà, để trông xác.
Đại ngàn U Minh Hạ thật lắm chuyện kỳ bí,
khác người. Đến đại ngàn Vồ Dơi, là vùng lõi Vườn quốc gia U Minh Hạ
(huyện Trần Văn Thời, Cà Mau), hỏi nhà cụ Hai Tây, không ai không biết. Ông
là pho sử sống của vùng U Minh Hạ. Ông nổi tiếng vì là người từng giáp
mặt rắn hổ mây khổng lồ và cũng nổi tiếng là một thần y trị rắn cắn. Người
dân vùng U Minh Hạ khẳng định rằng, ông có thể cứu một người đã chết vì
rắn cắn sống lại được. Tò mò vì chuyện này, tôi đã tìm gặp ông. Ông
Hai Tây đã 95 tuổi nhưng vẫn rất khỏe mạnh, minh mẫn. Trời nắng chang
chang, ông vẫn đào đất gieo thuốc. Chỉ luống cây cỏ quanh nhà, ông bảo
toàn là cây thuốc quý, trong đó có những vị thuốc trị rắn độc vô cùng
hiệu nghiệm.
|
Ông Hai Tây |
Ông Hai Tây kể vô số trường hợp đã được ông
cứu mạng, giờ vẫn sống khỏe mạnh. Có trường hợp bị rắn hổ mây, hổ chúa
cắn, bệnh viện xác định đã chết, nhưng ông sờ người vẫn còn hơi ấm và
ông đã cứu được nhờ bài thuốc cải tử hoàn sinh của mình. Chuyện
này, tác giả chưa được chứng kiến, nên không giám khẳng định, nhưng
người dân trong ấp đều tin khả năng cải từ hoàn sinh cho những người bị
rắn cắn của ông Hai Tây là có thật. Ông
Hai Tây thực ra có tên thật là Nguyễn Văn Đã. Nhưng cái tên đó chả mấy
ai biết. Ông vốn to như Tây, lại nổi tiếng đánh Tây ở vùng U Minh Hạ,
nên người ta mới gọi ông là Hai Tây. Đang
nói chuyện hào hứng về bài thuốc trị rắn cắn, về chuyện giáp mặt rắn hổ
mây khổng lồ, rồi chuyện ông đánh Tây, tự dưng ông lôi tôi ra phía chái
nhà, như muốn khoe với tôi một bí mật.
|
Ngôi mộ xây trong vườn |
Tưởng có gì quan trọng lắm, hóa ra là ngôi
mộ. Đó là ngôi mộ xây bằng gạch, vẽ hoa hoét, phượng rồng hai bên. Ngôi
mộ xây nổi trên mặt đất, như một cái bể. Ông
Hai Tây bảo: “Ngôi nhà tui ở đây là do Nhà nước mới hỗ trợ xây cho đấy.
Vì tui có công đánh Tây, bảo vệ cụ Phan Trọng Tuệ. Nhưng tui già rồi, ở
được mấy nữa. Ngôi mộ này mới là nhà của tui”. Ông Hai Tây nói vậy, rồi
cười rung vai, ra vẻ mãn nguyện. Chị
Út Lê, con gái ông Hai Tây xen vào: “Ba tui còn khỏe lắm, sống trăm
tuổi chưa chết được đâu. Nhưng ba tui cứ hào hứng xây mộ, nên cả nhà
phải đồng ý à”. Ngoài Bắc, nghĩa địa
thường đặt xa khu dân cư. Người chết được chôn ở nghĩa địa. Ở một số
thành phố lớn, dân cư sống sát nghĩa địa bởi lý do đất đai ít ỏi. Nhưng ở
vùng U Minh Hạ này, đất đai thẳng cánh cò bay, mỗi nhà một cánh rừng,
nên chuyện xây mộ, chôn người chết vây quanh nhà, quả thật lạ lùng.
|
Người U Minh quan niệm chôn người chết gần nhà, để người chết gần gũi người sống |
Tôi kể chuyện nghĩa địa xa khu dân cư ngoài
Bắc, ông Hai Tây cười khà khà. Ông bảo, hồi các chiến sĩ cộng sản vào
đánh giặc ở U Minh Hạ, thấy người U Minh chôn người chết ngay ngoài
vườn, sát nhà, thì cũng thắc mắc như tôi. Theo
ông, xưa kia, tổ tiên về đây khai hoang lập ấp, thú dữ nhiều vô kể. Vậy
nên, người miệt vườn mới có câu: “Dưới sông sấu lội, trên bờ cọp um”.
Tổ tiên về đây khai hoang lập ấp phải sống co cụm vào một chỗ, để ứng
cứu nhau mỗi khi có thú dữ tấn công. Tổ
tiên ông Hai Tây, cách đây 200 năm, cũng là người ngoài Bắc di cư vào.
Tổ tiên ông kể rằng, xưa kia, người chết được chôn luôn xuống đất, chứ
chẳng có nổi manh chiếu để bó. Đêm xuống hổ bới xác lên ăn. Giống hổ thích ăn xác thối, nên xác người chết quả thực là khoái khẩu của nó.
|
Một ngôi mộ xây dựng khang trong trong vườn |
Tuy nhiên, ông Hai Tây cho rằng, không chỉ
có hổ là thủ phạm phá hoại mồ mả, ăn xác người chết, mà lợn rừng là loài
đáng sợ hơn. U Minh Hạ nổi tiếng có nhiều lợn rừng, chúng chạy nhung
nhúc trong rừng. Bây giờ, hổ không
còn ở U Minh Hạ, nhưng lợn rừng vẫn còn nhiều. Chúng là loài đào bới rất
khỏe và cũng khoái khẩu món xác thối. Hồi chiến tranh chống Mỹ, bộ đội
hy sinh, chôn sâu dưới lòng đất, song vẫn bị bọn lợn rừng bới lên ăn
thịt. Chính vì không muốn người chết
bị ăn thịt, nên khi ai đó chết đi, người sống chôn ngay trong vườn, cạnh
nhà, để trông xác, xua đuổi thú dữ. Giờ
đây, thú dữ không còn, người chết được nằm trong áo quan chắc chắn, mộ
xây bằng gạch, không loài thú nào xâm phạm được, nhưng việc chôn người
chết trong vườn, cạnh nhà đã trở thành tập quán của người dân vùng U
Minh. Người dân U Minh giải thích
rằng, sở dĩ chôn người chết trong vườn, gần nhà, là vì muốn linh hồn
người chết được gần gũi người thân, người quá cố được thấy cảnh sinh
hoạt hàng ngày của con cháu.
|
Một ngôi mộ xây trong phòng khách ở miền Tây. Ảnh: ĐS&PL |
Người U Minh cũng sợ ma, nhưng họ không sợ
ma người thân. Họ tin rằng, linh hồn người thân luôn bảo vệ con cháu
trong nhà, chứ không làm hại, nên không sợ. Người
vừa chết xong, con cháu làm tang lễ, rồi đặt xác vào ngôi mộ xây như
chiếc bể, đậy nắp lại, trát vữa kín là xong. Trong nhà nóng bức, con
cháu nằm trên nóc mộ ngủ qua đêm ngon lành, mà chẳng hề sợ hãi. Nơi đây, người sống và người chết dường như không có ranh giới. Người sống và người chết vẫn gần gũi, quấn quýt nhau. Cụ
Hai Tây trầm ngâm kể lại chuyện chính quyền Ngô Đình Diệm từng thất bại
trong việc xây dựng ấp chiến lược, cũng một phần vì cưỡng chế người dân
xa rời mồ mả tổ tiên của họ. Để tách
dân cư khỏi cộng sản, du kích, Ngô Đình Diệm đã cho xây những ngôi
làng, rồi tập trung dân cư lại. Tuy nhiên, Ngô Đình Diệm đã không hiểu
tập tục, văn hóa của đồng bào vùng cuối trời này, là cuộc sống của họ
không thể tách rời mồ mả tổ tiên. Vậy
nên, chẳng hộ dân nào muốn vào ấp chiến lược sinh sống, chẳng hộ dân
nào muốn xa rời mảnh đất có tổ niên nằm. Và tất nhiên là âm mưu lập ấp
chiến lược của Ngô Đình Diệm đã thất bại. Trong
khi ở các đô thị lớn, người ta tiến hành hỏa táng người chết, hoặc
chuyển nghĩa địa ra thật xa, để khỏi ô nhiễm, ảnh hưởng đến cảnh quan
chung, thì ở U Minh người sống ngày càng gần gũi với người chết. Người
ta thậm chí không chôn sâu người chết xuống đất, mà xây mộ như cái bể,
cao bằng mặt đất, để người chết nằm ngang bằng với người sống, để người
sống và người chết càng gần gũi nhau hơn. Thế
nên, chuyện một hộ dân ở xã Tân Thạch (huyện Châu Thành, Bến Tre) đặt
quan tài người xấu số giữa nền phòng khách căn biệt thự, rồi mới xây
tường thành ngôi mộ bao quanh, ốp đá hoa cương, chẳng gây ngạc nhiên gì
cho người dân cuối trời Tổ quốc. Họ chỉ đơn giản nghĩ rằng, làm như thế
thì người chết được ở trong nhà với người sống!
Đặng Tuyết Hiệp
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét