Thứ Ba, 18 tháng 6, 2013

LAO ĐỘNG ...LÀM "CHUI"


Lao động Trung Quốc lại làm “chui”

Nhiều lao động Trung Quốc đang làm việc “chui” tại công trường thủy điện Sông Bung 4 (H.Nam Giang, Quảng Nam) khiến tình hình an ninh trật tự ở đây trở nên bất ổn. Không ít vụ xô xát xảy ra mà người “khơi mào” chính là những lao động này.
>> Trung, Triều sắp đối thoại chiến lược
>> Những kiếp nạn trên đường đời chủ tịch Bảo Long
>> Tấp nập cảnh mua bán dâm tại Đồ Sơn
Chủ động đánh người

Trong ba năm qua, tại thủy điện Sông Bung 4 xảy ra không dưới 40 vụ việc gây mất an ninh trật tự. Trong đó, có nhiều vụ người TQ dùng hung khí tấn công công nhân Việt Nam, buộc họ phải nhập viện

Ông Tơngôl Kía, Chủ tịch UBND xã Tà Pơơ

Thủy điện Sông Bung 4 chính thức khởi công vào giữa năm 2010. Ba năm qua, hàng trăm lượt lao động (LĐ) người Trung Quốc (TQ), trong đó có cả kỹ sư và công nhân đã vào địa phương này để trực tiếp làm việc tại công trường. Địa bàn cư trú của những công nhân người nước ngoài tập trung chủ yếu tại xã Tà Pơơ. Theo ông Tơngôl Kía, Chủ tịch UBND xã Tà Pơơ, vào dịp cao điểm, có lúc có khoảng 400 người TQ vào địa bàn xã để làm việc, kéo theo tình hình an ninh trật tự cũng phức tạp theo. “Trong 3 năm qua, tại thủy điện Sông Bung 4 xảy ra không dưới 40 vụ việc gây mất an ninh trật tự. Trong đó, có nhiều vụ người TQ dùng hung khí tấn công công nhân Việt Nam, buộc họ phải nhập viện”, ông Kía cho biết.
Trưởng công an xã Tà Pơơ, Kriêng Diệu nói như than: “Công trình thủy điện này sớm hoàn thành ngày nào thì anh em chúng tôi đỡ vất vả ngày đó. Bởi trước đây, xã vùng núi chúng tôi bình yên lắm, giờ thì vài bữa lại nghe có đánh bậy do mâu thuẫn, rồi trộm cắp… buộc chúng tôi phải xử lý. Trong đó, có nhiều xô xát nghiêm trọng, có người phải nhập viện”. Ông Diệu kể, vào một buổi tối tháng 3.2012, tại công trường thủy điện Sông Bung 4 xảy ra vụ một bảo vệ người TQ dùng đèn pin đánh chấn thương vùng đầu một công nhân Việt Nam. Cách đây không lâu, vào tháng 2.2013, vì bức xúc trong việc chậm trả lương, một số công nhân người dân tộc H’re (Quảng Ngãi) đã đến tìm người TQ có chức trách để đòi tiền. Thế nhưng, thay vì giải quyết bằng lời nói, một số LĐ TQ đã dùng gậy gộc đuổi đánh.
Nghiêm trọng hơn, vào tháng 6.2012, tại một vụ “hỗn chiến” giữa công nhân TQ và Việt Nam đã có 2 người bị trọng thương phải nhập viện. Ông Diệu tiếp lời: “Trước khi xảy ra vụ việc, cả nhóm công nhân hai nước có ngồi nhậu với nhau. Thế nhưng, do người phiên dịch của TQ dịch sai lời nói của những công nhân Việt Nam nên những người TQ nổi giận. Ngay sau đó, một công nhân TQ đã dùng tuýp sắt đánh một công nhân Việt Nam rồi bỏ trốn. Vì quá bức xúc trước việc bạn mình bị đánh, hàng chục công nhân Việt Nam đã xúm vào đánh bị thương một công nhân TQ khác”. Theo ông Diệu, ngoài nguyên nhân bất đồng về ngôn ngữ dẫn đến mâu thuẫn, nhiều vụ khác còn có các nguyên nhân như: uống rượu say, nghi ngờ trộm cắp…
Lao động Trung Quốc lại làm “chui”
Nhiều lao động Trung Quốc đang làm việc “chui” tại thủy điện Sông Bung 4 (H.Nam Giang) khiến tình hình an ninh trật tự trở nên phức tạp - Ảnh: Hoàng Sơn
Bỏ “con rơi” trên đất Việt
Những ngày có mặt tại xã Tà Pơơ để tìm hiểu về LĐ TQ, chúng tôi nghe nhiều người kể về một cô gái xinh đẹp bị một người TQ “lừa tình”. Ông Kriêng Diệu xác nhận cô gái này tên là N.T.H (24 tuổi). Cuối năm 2012, cô đã sinh một bé gái mang dòng máu người TQ và một mình nuôi con cho đến nay. Đứa bé là “thành quả” của một mối tình chóng vánh mà ngay cả H. cũng không biết quê hương, địa chỉ sinh sống của cha con gái mình. “Chúng tôi chưa rõ danh tính “chồng hờ” của cô H. nhưng được biết anh này đã có vợ và 2 con tại TQ. Trước khi cô H. sinh con, anh ta đã bỏ về nước rồi biệt tăm biệt tích luôn từ đó”, ông Diệu nói.
H., người Kinh, tuổi ngoài đôi mươi, nổi tiếng đẹp mặn mà và có nhiều người theo đuổi. Những ngày đầu tiên xây dựng thủy điện Sông Bung 4, H. thường ra vào công trường để buôn bán giúp gia đình rồi gặp tay “lừa đảo” người TQ. Giữa họ nảy sinh tình cảm, mặc dù gia đình H. kịch liệt phản đối nhưng vì cả tin cô đã bỏ ngoài tai mọi lời khuyên của người thân. “Anh ấy dạy em tiếng TQ rồi hứa sẽ đưa em về nước để sinh sống. Bọn em qua lại với nhau chưa đầy năm thì em mang thai. Trước khi sinh vài tháng, anh ta có gọi điện để hỏi han và cho biết chuẩn bị mở công ty riêng gì đó ở TQ. Anh ta cũng hứa sẽ đưa mẹ con em sang bên đó. Nhưng rồi, khi em sinh xong giữa bọn em không còn liên lạc gì nữa”, H. kể.
Ông Kriêng Diệu cho biết thêm: “Chúng tôi đã biết việc cô H. có quan hệ với người TQ và họ không hề có đăng ký kết hôn. Ngay từ đầu, lực lượng công an xã đã liên tục bám sát đối tượng này (người có quan hệ với H. - PV) vì anh ta có nhiều biểu hiện khả nghi nhưng rất khó để quản đời tư của họ”. Theo đại tá Phạm Mưng, Trưởng công an H.Nam Giang, từ khi xây dựng thủy điện Sông Bung 4, tình hình an ninh trật tự trên địa bàn bị xáo trộn nên phía chính quyền địa phương đã lập tổ cảnh sát bảo vệ ngay cổng công trường để kiểm soát tình hình.
Lao động Trung Quốc lại làm “chui”
Nếu không được sự chấp thuận của UBND tỉnh Quảng Nam, hơn 100 lao động Trung Quốc tại công trình thủy điện Sông Bung 4 sẽ bị trục xuất
Cần thiết sẽ trục xuất
Theo số liệu do UBND xã Tà Pơơ cung cấp, tính đến ngày 10.6, trên công trường thủy điện Sông Bung 4 có 1.607 LĐ. Trong số 243 LĐ là người TQ chỉ có 125 người có giấy phép, số còn lại (118 người) đều đang làm “chui”. Tại cuộc kiểm tra trước đó vào ngày 24.4, lực lượng chức năng của tỉnh Quảng Nam đã phát hiện có 116 LĐ TQ đang làm việc tại công trường không có giấy phép. Sở LĐ-TB-XH Quảng Nam kết luận, việc tuyển dụng và quản lý LĐ nước ngoài tại BQL Dự án thủy điện Sông Bung 4 và nhà thầu Công ty TNHH Sinohydro (TQ) có nhiều sai phạm.
Bà Nguyễn Thị Thu Hương, Trưởng phòng Việc làm - An toàn LĐ, Sở LĐ-TB-XH Quảng Nam, cho biết: “Các đơn vị đang sử dụng LĐ TQ tại thủy điện Sông Bung 4 đã vi phạm pháp luật Việt Nam về sử dụng LĐ vì tự ý đưa người nước ngoài vào mà không xin phép cơ quan thẩm quyền. Sau khi kiểm tra, chúng tôi đã đề nghị nhà thầu Công ty Sinohydro có nhu cầu sử dụng LĐ TQ phải xin ý kiến UBND tỉnh Quảng Nam. Nếu tỉnh chấp thuận mới được tuyển”. Theo bà Hương, trong số 116 LĐ TQ đang làm “chui” (tại thời điểm kiểm tra) có hai loại, gồm: không cấp giấy phép LĐ và phải cấp giấy phép LĐ. Sau cuộc kiểm tra vào ngày 24.4 vừa qua, sở đã yêu cầu nhà thầu Sinohydro phân loại hai loại LĐ này. Cụ thể, trường hợp không cấp giấy phép LĐ, công ty lập danh sách trích ngang gửi sở; trường hợp phải cấp giấy phép LĐ, nhà thầu phải báo cáo bằng văn bản xin ý kiến Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam xem xét.
Bà Hương cho biết, ngày 11.6 Sở LĐ-TB-XH đã có văn bản đề nghị UBND tỉnh Quảng Nam xem xét, quyết định cho phép BQL dự án thủy điện Sông Bung 4, nhà thầu Công ty Sinohydro được tuyển dụng LĐ là người nước ngoài làm việc. “Sau khi có ý kiến chấp thuận của UBND tỉnh, sở sẽ cấp phép cho số LĐ đang làm việc tại công trường. Nếu tỉnh không chấp thuận, những LĐ TQ sẽ bị trục xuất”, bà Hương nói.
Hoàng Sơn
>> Bí ẩn những hòn đá biết đi ở thung lũng Chết
>> Những món ăn Việt được thế giới vinh danh
>> Video: Hàng nghìn tù nhân Peru lập kỷ lục nhảy đồng diễn

Không có nhận xét nào: