Thứ Sáu, 7 tháng 12, 2012

VIỆT NAM CẦN "CỞI TRÓI"...

Việt Nam cần 'cởi trói' cho các đô thị lớn

"Ngoài mô hình chính quyền nông thôn, Việt Nam cần đẩy mạnh mô hình chính quyền đô thị để đáp ứng thực tiễn", GS Katherne Graham (ĐH Tổng hợp Carleton, Canada) phát biểu.

Ngày 6-7/12, tại Đà Nẵng diễn ra hội thảo quốc tế về tổ chức và hoạt động của chính quyền địa phương do Ủy ban Tư pháp phối hợp với dự án hỗ trợ thực hiện chính sách (PIAP) tổ chức.
Đại biểu quốc tế chia sẻ kinh nghiệm tổ chức chính quyền đô thị. Ảnh: Nguyễn Đông.
Đa số đại biểu cho rằng, mô hình chính quyền địa phương hiện nay mang tính kiêm nhiệm, không đủ sức thực hiện quyền hạn và nhiệm vụ theo quy định của pháp luật, dẫn đến tình trạng mất dần tính thực quyền, nhiều chủ trương của địa phương chỉ mang tính hình thức.
Theo PGS TS Thái Vĩnh Thắng (ĐH Luật Hà Nội), do không có sự phân biệt giữa chính quyền đô thị và nông thôn nên nhiều quy định phù hợp với đô thị mà không phù hợp với nông thôn. "Như Nghị định 31/CP về công chứng và chứng thực với nội dung UBND các phường, thị trấn không được chứng thực các bản sao giấy tờ vô hình chung đã tạo sự quá tải cho các phòng công chứng và phiền hà cho người dân", ông Thắng dẫn chứng.
Bà Phạm Phương Thảo, nguyên Chủ tịch HĐND TP HCM cho rằng, cơ cấu tổ chức hiện nay khiến HĐND khó có thể làm tròn trách nhiệm là cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương. Việc bầu chức danh theo "cơ cấu" vẫn còn khá phổ biển khiến cán bộ không thực hiện hết chức năng của mình.
"Tại TP HCM, tất cả 24 quận, huyện và các phường trên địa bàn thí điểm bỏ HĐND đã giúp tiết kiệm được 30 tỷ đồng ngân sách mỗi năm, nhưng vẫn đảm bảo được sự hoạt động thống nhất của hệ thống chính trị", bà Thảo nói.
Nhiều đại biểu kiến nghị tăng thẩm quyền cho UBND các cấp, đổi tên UBND thành Ủy ban Hành chính và quan trọng hơn là cho phép các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban Hành chính thực hiện chức năng chính là quản lý, đồng thời tăng thẩm quyền của cơ quan này.
Trong đó, thủ đô Hà Nội, thành phố Đà Nẵng và TP HCM phải đi đầu trong việc thí điểm không tổ chức HĐND cấp huyện, quận, phường, chỉ giữ mô hình tổ chức HĐND ở cấp tỉnh, xã. "Luật Thủ đô vừa ban hành là gợi mở cho việc hướng đến những luật riêng ở các đô thị lớn", ông Lê Văn Cuông, nguyên Phó đoàn đại biểu Quốc hội Thanh Hóa nói.
GS Katherne Graham (ĐH Tổng hợp Carleton, Canada) - chuyên gia nghiên cứu về mô hình chính quyền địa phương cho rằng, áp lực dân số của các thành phố lớn đòi hỏi phải thành lập mô hình chính quyền địa phương để thực hiện các chức năng và nhiệm vụ khác nhau.
"Việt Nam ngoài mô hình chính quyền nông thôn cần đẩy mạnh mô hình chính quyền đô thị để đáp ứng thực tiễn này, trong đó chú trọng đến tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm của chính quyền đô thị", ông Graham nói.
Lãnh đạo thành phố Đà Nẵng lo ngại việc quá tải nhập cư vào khu vực trung tâm sẽ gây khó khăn trong việc quản lý và xây dựng cơ sở hạ tầng. Ảnh: Nguyễn Đông
Thành phố Đà Nẵng lo ngại việc quá tải nhập cư vào khu vực trung tâm sẽ gây khó khăn trong việc quản lý và xây dựng cơ sở hạ tầng. Ảnh: Nguyễn Đông
Đà Nẵng đã trình đề án chính quyền đô thị với Bộ Tư pháp và nhận được đánh giá cao về ý tưởng cũng như tính khả thi. Theo đó, chính quyền đô thị hành chính gồm cơ quan quyền lực nhà nước (HĐND) và cơ quan chấp hành, hành chính tại địa phương. Cấp hành chính trung gian là huyện, quận, phường.
Theo ông Đặng Công Ngữ, Giám đốc Sở Nội vụ thành phố Đà Nẵng, mô hình chính quyền đô thị trên thế giới không phải mới, nhiều nước đã áp dụng. Tuy nhiên, việc chuyển đổi sang chính quyền đô thị phải thực hiện một cách từ từ mới vận hành trơn tru được.

Nguyễn Đông

Không có nhận xét nào: