Khi người Việt làm Tổng thư ký ASEAN
Ngoại giao đa phương năm 2012 đánh dấu bước phát triển khi lần đầu tiên Việt Nam có một cá nhân được bầu làm Tổng thư ký ASEAN (nhiệm kỳ 2013-2017).
Thứ trưởng Ngoại giao Lê Lương Minh, người kinh qua 7 năm ở sân
chơi lớn Liên hợp quốc (LHQ) trong vai trò đại diện quốc gia, lần đầu
tiên đảm nhiệm vai trò đại diện cho 10 quốc gia tại các diễn đàn ngoại
giao đa phương khu vực và quốc tế.
Một tháng trước khi chuyển đến trụ sở làm
việc chính thức ở Jakarta, Indonesia - nơi đặt Ban thư ký ASEAN, ông Lê
Lương Minh bận rộn với những chuyến ngoại giao con thoi đến toàn bộ các
nước trong khu vực. Một dạng nghi thức "chào xã giao" của tân Tổng thư
ký ASEAN tương lai, nhưng hơn cả, đó là những chuyến thăm làm việc để
tham vấn mọi vấn đề quan tâm của từng nước thành viên.
Ông cũng tất bật chuẩn bị tiếp nhận điều hành
bộ máy nhân sự gần 300 người từ ông Surin Pitsuwan, người sẽ rời nhiệm
sở từ tháng 1 tới. Bên cạnh đó là hàng loạt các cuộc gặp với đại diện
các nước đối thoại, đối tác ngoài ASEAN.
Thứ trưởng Ngoại giao Lê Lương Minh (trái) sẽ chính thức đảm nhiệm vai trò Tổng thư ký ASEAN từ tháng 1/2013. Ảnh: TTXVN
|
Vụ trưởng Vụ ASEAN - Bộ Ngoại giao Nguyễn
Tiến Minh cho hay khối lượng công việc của tân Tổng thư ký ASEAN rất
nặng. Vụ ASEAN đã phối hợp chặt chẽ để hỗ trợ Thứ trưởng Lê Lương Minh
trong quá trình chuẩn bị đảm nhiệm công tác này.
"Đây là lần đầu tiên nhà ngoại giao Việt
Nam đảm nhiệm vị trí này, một nhiệm vụ đầy thử thách song cũng là vinh
dự của đất nước" - ông nói.
Cơ hội thể hiện trí tuệ Việt Nam
Ông Ngô Quang Xuân, nguyên Đại sứ Trưởng phái
đoàn đại diện thường trực Việt Nam bên cạnh LHQ và WTO đã từng "chung
một chiến hào" với Thứ trưởng Lê Lương Minh, cùng thuộc thế hệ được các
nhà ngoại giao kỳ cựu bậc thầy đi trước hướng dẫn, cho đi đào tạo cơ bản
về cả lý luận và thực tiễn ngoại giao.
Ông bày tỏ tự hào về người đồng nghiệp khi đảm nhiệm công việc ngoại giao ở tầm khu vực. "Đại
sứ Lê Lương Minh đã từng trải, nhiều lần xông pha trận mạc, nhất là
nhiều năm qua các lò tôi luyện tại LHQ và WTO, hai cơ chế quan trọng bậc
nhất của ngoại giao đa phương. Gần đây, những hoạt động thành công nổi
bật chung của Việt Nam với tư cách thành viên không thường trực của Hội
đồng Bảo an nhiệm kỳ 2008-2009 có cả dấu ấn đóng góp quan trọng của
ông".
Ông Xuân cũng chia sẻ: "Thực thi nhiệm vụ
Tổng thư ký ASEAN không hề dễ dàng, nhất là trước những cơ hội và thách
thức, cả từ truyền thống cũng như những thách thức mới nảy sinh. Nhưng
tôi tin với bề dày kinh nghiệm, bản lĩnh và trí tuệ xây dựng được, với
bản chất chân thành và tâm huyết, đủ mềm mỏng và khéo léo để tìm kiếm sự
ủng hộ của các quốc gia thành viên và đối tác, tôi tin rằng, Đại sứ Lê
Lương Minh sẽ hoàn thành sứ mệnh của mình một cách hiệu quả".
Theo dõi bước chuyển mới của ngoại giao đa
phương Việt Nam, nguyên Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Dy Niên cũng chia sẻ
sứ mệnh của ông Lê Lương Minh. Bởi đằng sau vai trò cá nhân là vị thế
quốc gia khi ông đại diện của Việt Nam làm Tổng thư ký ASEAN.
ASEAN 2010 tại Hà Nội. Ảnh: Lê Anh Dũng
|
"Ngoại giao đa phương quốc tế và khu vực
khác nhau. Tiếng nói, ngôn ngữ của ASEAN khác ngôn ngữ LHQ. Do đó,
chuyển từ ngoại giao đa phương thế giới sang ngoại giao đa phương khu
vực đòi hỏi bản lĩnh, sự nhuần nhuyễn, trí tuệ của nhà ngoại giao Việt
Nam".
Quyền hạn đặc biệt
Vụ trưởng ASEAN Nguyễn Tiến Minh cho hay khác
với cộng đồng châu Âu, một tổ chức có thể chế hóa cao cho phép Ủy ban
châu Âu có quyền lực lớn, Tổng thư ký ASEAN có quyền hạn đặc biệt.
Ở ASEAN, tổ chức liên chính phủ, chủ quyền
của hiệp hội vẫn thuộc về các quốc gia thành viên, tất cả các vấn đề bàn
bạc được phải được 10 nước thành viên thông qua theo nguyên tắc đồng
thuận, nếu không đều bị treo lại. Tổng thư ký và Ban thư ký ASEAN có
nhiệm vụ theo dõi việc thực hiện các quyết nghị của các lãnh đạo ASEAN
từ các cấp, đại diện ASEAN trong trao đổi với các đối tác.
"Điều ông Lê Lương Minh cam kết khi bước
vào văn phòng của Ban thư ký, đó là sẽ thực hiện vai trò một công dân
của ASEAN, phục vụ quyền lợi của tất cả các nước thành viên trong hiệp
hội, cố gắng thực hiện các vấn đề phản ánh lợi ích của cả 10 nước ASEAN" - ông Minh trao đổi.
Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh cho hay
ông Lê Lương Minh sẽ thực hiện các chức trách của Tổng thư ký ASEAN theo
Hiến chương của ASEAN và các quy định của ASEAN, phát huy vai trò và
trách nhiệm trong việc thúc đẩy các mục tiêu chung của ASEAN, nhất là
việc xây dựng Cộng đồng ASEAN, thúc đẩy liên kết và kết nối khu vực,
tăng cường quan hệ với các đối tác, ứng phó hiệu quả với các thách thức
đang nổi lên vì hòa bình, ổn định, an ninh hợp tác và phát triển ở khu
vực.
"Có thể nói, những gì Việt Nam tạo
dựng trong ASEAN đã tạo cho chúng ta một vị thế để các nước
thành viên tin cậy khi thực hiện vai trò đại diện làm Tổng thư ký
ASEAN. Tôi tin Việt Nam có đủ khả năng đảm nhiệm vị trí này,
đặc biệt khi ASEAN đang đứng trước một thời điểm quan trọng -
trở thành Cộng đồng chung vào năm 2015, vì thế vai trò của Tổng
thư ký rất quan trọng.
Tôi tin vào bản lĩnh, năng lực, kinh nghiệm ngoại giao đa phương hơn 30 năm của Thứ trưởng Lê Lương Minh, đặc biệt khi ông đã đảm nhiệm qua các công việc ngoại giao đa phương tại LHQ 7 năm qua, trong đó có những vấn đề lớn của quốc tế như duy trì hòa bình, ổn định, giải quyết các vấn đề xung đột ở các khu vực" - Bộ trưởng Phạm Bình Minh trao đổi với VietNamNet.
Tôi tin vào bản lĩnh, năng lực, kinh nghiệm ngoại giao đa phương hơn 30 năm của Thứ trưởng Lê Lương Minh, đặc biệt khi ông đã đảm nhiệm qua các công việc ngoại giao đa phương tại LHQ 7 năm qua, trong đó có những vấn đề lớn của quốc tế như duy trì hòa bình, ổn định, giải quyết các vấn đề xung đột ở các khu vực" - Bộ trưởng Phạm Bình Minh trao đổi với VietNamNet.
Về phần mình, Tổng thư ký ASEAN Surin Pitsuwan bày tỏ tin tưởng vào người kế nhiệm. "Bây giờ tôi đã cảm thấy nhẹ nhõm rồi", ông nói với báo chí bên lề cấp cao ASEAN tại Phnom Penh.
Theo Linh Thư
Vietnamnet
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét