(VOV)- "Người lãnh đạo phải biết đương đầu với mặt trái của cơ chế thị trường, với sự thoái hóa biến chất của một bộ phận cán bộ..."
Giám sát, phản biện sẽ thực hiện theo từng vấn đề
Quốc hội thông qua Nghị quyết chương trình giám sát
Phát huy tính giám sát, phản biện của MTTQVN
Công tác giám sát và phản biện là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong công tác mặt trận nhiều năm qua. Đảng ta luôn đề cao vai trò của MTTQ Việt Nam trong công tác tham xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền, đặc biệt là vai trò giám sát, phản biện của MTTQ Việt Nam.
Ông Vũ Trọng Kim, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam phát biểu tại Hội nghị
Tại Hội nghị bàn tròn nêu ý kiến, kiến nghị của nhân dân về “Phát huy vai trò của các Hội đồng tư vấn của Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam trong nhiệm vụ giám sát và phản biện xã hội” ngày (7/12), ông Vũ Trọng Kim, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam nhận định, các Hội đồng tư vấn có vai trò quan trọng trong việc giúp MTTQ Việt Nam đề xuất, kiến nghị liên quan đến các vấn đề chính trị-xã hội, đời sống dân sinh. Những đóng góp của các Hội đồng đã góp phần trong việc khẳng định vị trí, uy tín của Mặt trận đối với nhân nhân và cả hệ thống chính trị.
Giám sát, phản biện phải là bắt buộc
Ông Vũ Trọng Kim cho rằng, trước yêu cầu triển khai thực hiện nhiệm vụ giám sát và phản biện xã hội ngày càng nặng nề, thì việc phát huy vai trò của các Hội đồng tư vấn ngày càng cần thiết và có tính chiến lược.
“Giám sát và phản biện là nhiệm vụ quan trọng, khó và nhạy cảm. Việc thực hiện cũng cần phải có cơ chế cụ thể, không thể làm theo kiểu phong trào. Khi thực hiện cũng phải thận trọng từng bước và bài bản. Thậm chí tiến hành thí điểm, rút kinh nghiệm trước khi nhân rộng ra. Làm phải theo thủ tục, trình tự, không thể nóng vội”- Ông Kim nói.
Theo ông Lê Truyền, nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, sau 30 năm đổi mới, vấn đề về đại đoàn kết đã có nhiều bước tiến và thay đổi. Chất lượng đại đoàn kết phải gắn liền với dân chủ và đồng thuận xã hội. “Nếu không làm được việc này, hoạt động của Mặt trận sẽ bị lu mờ, quay trở lại tính tượng trưng, hình thức”- Ông Truyền nói.
Ông Truyền cũng cho rằng, giám sát và phản biện là việc cần thiết, nhưng đối với Mặt trận, còn nhiều khó khăn để làm việc này. Đó là những khó khăn về quy trình, quy chế, điều kiện hoạt động... Theo ông Truyền, đáng lẽ ra giám sát, phản biện phải là nhiệm vụ bắt buộc của Mặt trận, là việc cần cho Đảng, Nhà nước nhưng hiện nay việc này vẫn đang còn bị động.
Ông Nguyễn Túc, Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn Văn hóa Xã hội cho rằng, để làm tốt nhiệm vụ giám sát phản biện cần phải đảm bảo đủ điều kiện cho các hoạt động tư vấn, trong đó có vấn đề về tài chính. Ông Túc nêu dẫn chứng là nếu trong việc giám sát các vụ như Văn Giang (Hưng Yên), Tiên Lãng (Hải Phòng)… nếu các Hội đồng tư vấn có điều kiện về kinh phí thì sẽ chủ động hơn trong thực hiện nhiệm vụ của mình.
Còn theo Giáo sư Lưu Văn Đạt, Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn Dân chủ pháp luật của MTTQ Việt Nam, khi chưa ban hành Quy chế phản biện xã hội thì Hội đồng gặp nhiều khó khăn trong thực hiện nhiệm vụ của mình. Vì thế, cần có một cơ chế rõ ràng để thực hiện chức năng giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận. Có như vậy, giám sát và phản biện xã hội mới thực sự phát huy tác dụng, mới tạo ra được sự đồng thuận trong xã hội. "Phản biện không phải là phản bác, mà phản biện để tạo sự thay đổi tốt hơn, vì lợi ích của đất nước"- GS Đạt nói.
Phải giám sát đến cùng vụ việc
Theo ông Lê Truyền, phát hiện, kiến nghị là một chức năng quan trọng của Mặt trận. Nhưng nếu chỉ dừng lại ở đây thì chưa đủ, mà quan trọng hơn là phải giám sát đến cùng vụ việc. Nghĩa là khi phát hiện, kiến nghị vụ việc, Mặt trận phải giám sát được việc thực hiện kiến nghị đó đến đâu. “Hậu giám sát, phản biện là rất quan trọng. Cần phải có kế hoạch thường xuyên kiểm tra những kiến nghị đó”- Ông Lê Truyền nhấn mạnh.
Ông Trương Công Phú, Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn về Kinh tế cho rằng, trong những năm qua, Hội đồng đã thực hiện nhiều nhiệm vụ như góp ý các Dự thảo Luật, Pháp lệnh, Nghị định, Thông tư, tổ chức theo dõi, giám sát, phản biện những vấn đề “nóng” hiện nay về đất đai, thuế thu nhập cá nhân, phí lưu hành phương tiện giao thông…
Một trong những khó khăn nhất trong công tác giám sát, phản biện của Hội đồng hiện nay là chưa tiếp cận được ý kiến đóng góp của thành phố và các địa phương. Trong khi đó, đến nay vẫn chưa có một văn bản pháp quy nào quy định Mặt trận thực hiện công tác giám sát và phản biện xã hội.
Theo ông Phú, làm tốt công tác giám sát và phản biện xã hội chắc chắn sẽ góp phần ngăn chặn một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên thoái hóa, biến chất, tham nhũng. Vì thế, Quốc hội cần ban hành văn bản pháp quy về giám sát và phản biện xã hội.
GS Lưu Văn Đạt cho rằng, việc bảo vệ lợi ích chính đáng của người dân, công tác giám sát, phản biện có thành công hay không có vai trò rất lớn của Ban Thường trực Mặt trận, của Chủ tịch Mặt trận trong việc có đi đến cùng vụ việc hay không.
GS Đạt lấy dẫn chứng Mặt trận tham gia giám sát vụ án bà Ba Sương đạt được thành công là do Hội đồng tư vấn Dân chủ pháp luật đã phát hiện và tư vấn cho Ban Thường trực, cho Chủ tịch Mặt trận. Vụ án thành công là do Đảng đoàn Mặt trận, Chủ tịch Mặt trận đã quyết giám sát đến cùng vụ việc. “Nếu phát hiện mà để đó, không làm quyết liệt thì không thể có kết quả được”- GS Đạt chia sẻ.
Cùng quan điểm cho rằng vai trò của người đứng đầu rất quan trọng, ông Nguyễn Túc, Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn về Văn hóa-Xã hội cho rằng, trong bối cảnh hiện nay, người lãnh đạo phải biết đương đầu với mặt trái của cơ chế thị trường, với sự thoái hóa biến chất của một bộ phận cán bộ. “Phải có người dám nói, dám lên tiếng, không sợ mất chức, nói lên tiếng nói của người dân. Có như vậy công tác phản biện xã hội mới thực hiện được”- ông Nguyễn Túc nói.
Trao đổi với báo chí bên lề Hội nghị bàn tròn nêu ý kiến, kiến nghị của nhân dân về “Phát huy vai trò của các Hội đồng tư vấn của Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam trong nhiệm vụ giám sát và phản biện xã hội” ngày 7/12, ông Vũ Trọng Kim, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam cho biết, hiện nay, Bộ Chính trị đang xem xét quyết định Quy chế giám sát và phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam và các đoàn thể chính trị-xã hội.
Theo dự thảo Quy chế, việc giám sát, phản biện sẽ được thực hiện theo từng chủ đề, theo từng vấn đề nổi bật và quan trọng là việc đưa ra các giải pháp để thực hiện. MTTQ Việt Nam sẽ phân công cụ thể từng bộ phận chuyên trách, để tránh sự trùng lặp, chồng chéo.
Theo dự thảo Quy chế, việc giám sát, phản biện sẽ được thực hiện theo từng chủ đề, theo từng vấn đề nổi bật và quan trọng là việc đưa ra các giải pháp để thực hiện. MTTQ Việt Nam sẽ phân công cụ thể từng bộ phận chuyên trách, để tránh sự trùng lặp, chồng chéo.
Trong dự thảo Quy chế, một một dung quan trọng là cơ chế phản hồi. Đó là Mặt trận sẽ là cầu nối chuyển ý kiến của người dân tới các cơ quan có thẩm quyền; đồng thời giám sát, phản biện cũng như chuyển phản hồi của các cơ quan thẩm quyền đến người dân./.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét