Thứ Sáu, 28 tháng 12, 2012

HỒI ỨC CỦA NGƯỜI MỸ CÓ MẶT Ở HÀ-NỘI CUỐI 12-1972

Hồi ức của người Mỹ có mặt tại Hà Nội dưới mưa bom 1972

(VOV) - Barry Romo là thành viên của phái đoàn hòa bình Mỹ tới Việt Nam tháng 12 năm ấy, ông đã chứng kiến những trận bom rải thảm ác liệt
Phỏng vấn của PV ĐTNVN thường trú tại Mỹ với ông Barry Romo, thành viên của phái đoàn hòa bình Mỹ tới Việt Nam tháng 12/1972 và chứng kiến chiến dịch ném bom rải thảm của không quân Mỹ tại Hà Nội.
- Là người có mặt tại Hà Nội trong chiến dịch ném bom của Mỹ xuống miền Bắc Việt Nam, xin ông cho biết bối cảnh của chuyến thăm Việt Nam khi đó?
Tôi là thành viên trong một phái đoàn hòa bình Mỹ tới Hà Nội với mục đích thúc đẩy tiến trình hòa bình với người Việt Nam. Tôi từng tham gia chiến trường miền Nam Việt Nam trước khi trở thành một cựu binh phản chiến.
Đoàn chúng tôi gồm rất nhiều người với các thành phần khác nhau, trong đó có ca sỹ nổi tiếng thế giới Joan Baez và Trung tướng Mỹ trong Chiến tranh Thế giới thứ hai Telford Taylor.
Khi đó, chúng tôi không thể tin tưởng vào Tổng thống Richard Nixon hay Chính phủ Mỹ trong việc thực thi hòa bình. Ba ngày sau khi chúng tôi đặt chân tới Hà Nội, Richard Nixon tiến hành ném bom miền Bắc Việt Nam.
Barry Romo (trái) trong một buổi lễ của tổ chức cựu chiến binh Mỹ phản đối chiến tranh Việt Nam

 - Khi Hà Nội bị ném bom, ông có thấy bất ngờ không, phản ứng của ông khi đó như thế nào?
 Câu hỏi đầu tiên của chúng tôi là “Chuyện gì đang xảy ra đây?”, vì vào tháng 10/1972, Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Henry Kissinger đã tuyên bố rằng “Hòa bình trong tầm tay”. Chúng tôi đang kỳ vọng rằng chiến tranh sắp đến hồi kết nhưng không ngờ chiến dịch ném bom lại diễn ra vào đúng thời điểm đó.
Từng tham gia nhiều mặt trận, tôi và tướng Taylor hiểu thế nào là bom đạn, còn những người khác trong đoàn thì chưa từng trải qua cảm giác đó.
 - Khi máy bay Mỹ không kích Hà Nội, ông có thấy sợ không?  
 Khi máy bay B52 trút hàng tấn bom xuống Hà Nội, mặt đất như bị băm nát. Ngoài tiếng bom rơi đạn nổ, tôi còn thực sự cảm thấy mặt đất như trở thành một chiếc máy trộn khổng lồ, gần như một trận động đất và điều này cứ diễn ra liên tục cho đến khi trận bom kết thúc.
Thực sự lúc đó nỗi tức giận đã lấn át cả nỗi sợ hãi trong tôi. Như đã nói, tôi từng trải qua rất nhiều trận chiến nên chỉ cảm thấy cuồng giận khi thấy chính phủ của tôi đang định sát hại cả tôi nữa.
Phái đoàn hòa bình Mỹ tới bệnh viện Bạch Mai sau khi nơi này bị bom B52
 - Trong những ngày bom đạn đó, ông đã chứng kiến những gì và cảm nhận của ông ra sao?
 Trong hành trình tới những địa điểm bị bom Mỹ tàn phá, chúng tôi dừng chân tại một ngôi làng nhỏ gần một nhà ga xe lửa. Nhà ga đã bị phá hủy hoàn toàn, nhưng may mắn là ngôi làng gần như không hề hấn gì.
Khi thấy những người Mỹ đứng trong làng mình, các giáo viên đã đưa toàn bộ học sinh ra ngoài. Các em nhỏ trông thật ngộ nghĩnh, đáng yêu trong những chiếc mũ gắn hình các con vật. Các bé hát một bài ca chào mừng khách đến. Đó là ấn tượng mà chúng tôi khó có thể quên.
Thế nhưng, khi chúng tôi trở lại khu vực đó, ngôi làng đã bị san phẳng trong một trận bom. Dân làng chắc không ai còn sống sót nữa. Lúc đó, Telford, dù là một tướng lĩnh dày dạn kinh nghiệm trận mạc, đã không cầm được nước mắt.
 - Ông lưu trú ở đâu trong những ngày tại Hà Nội?
 Chúng tôi ở tại khách sạn Hòa Bình. Một điều nực cười là khách sạn chúng tôi ở mang tên Hòa Bình nhưng lại được “bao bọc” bởi 150 chiếc B52.
Đã từng vào sinh ra tử nên mỗi khi có báo động thì tôi không thể chịu nổi việc phải chui vào hầm trú ẩn. Trong một trận bom, tôi được đề nghị chui vào hầm nhưng vì không chịu được dư chấn nên đã đòi ra ngoài. Sau một hồi bàn luận với cán bộ Việt Nam, tôi trở lại hầm trú ẩn. Dưới hầm có rất nhiều thanh niên, trong đó có một cặp vợ chồng trẻ bế theo một đứa con nhỏ. Dù không thể nói chuyện được với nhau do rào cản ngôn ngữ nhưng chúng tôi đã cùng nhau trải nghiệm trận bom đó, cùng nhau chứng kiến máy bay Mỹ ném bom, chứng kiến máy bay Mỹ bị bắn hạ và chúng tôi trở thành bạn trong thảm cảnh do Mỹ gây ra.
 - Ông có thể kể lại một kỷ niệm đáng nhớ trong những ngày ở Hà Nội?
 Một đêm, khi máy bay Mỹ bắt đầu ném bom Hà Nội, tôi cùng các thành viên trong đoàn và một số nhà báo Pháp đang ở trong khách sạn. Joan Baez hỏi tôi “Có vẻ như anh không muốn xuống hầm trú ẩn phải không?”. Tôi nói “Đúng vậy!”. Thế là tất cả mọi người đều nhất trí không xuống hầm trú ẩn mà ở lại khách sạn.
Joan bước ra ban công và cất giọng hát khi vừa dứt tiếng bom. Lúc đó, ở Hà Nội chỗ nào cũng có những căn hầm nhỏ bằng bê tông để mọi người có thể trú bom trong lúc khẩn cấp. Khi Joan vừa ngừng tiếng hát thì những tiếng vỗ tay lẻ tẻ bỗng vang lên đâu đó từ những hầm trú ẩn xung quanh. Joan tiếp tục hát bài thứ hai, rồi đến bài thứ ba, trong đó có đoạn “Không gì lay chuyển được chúng ta”.
Khi đó, Joan đã chuyển lời bài hát thành “Không gì lay chuyển được Việt Nam”. Bài hát bằng tiếng Anh nhưng trong đó có từ “Việt Nam” nên tất cả mọi người trong hầm trú ẩn đều có thể hiểu được. Giọng hát của Joan tràn ngập các con phố trong mưa bom bão đạn. Khi còi báo yên vang lên, điện sáng trở lại thì cũng là lúc Joan kết thúc bài hát. Mọi người từ các khu vực xung quanh khách sạn ùa tới dưới cửa sổ ban công của Joan, vỗ tay tán thưởng. 
Một số thành viên trong đoàn 

- Theo cảm nhận của ông thì yếu tố nào đã khiến Hà Nội đứng vững trước sức mạnh của cường quốc quân sự số 1 thế giới?  
 Khi đó, đầu mối liên lạc của chúng tôi tại Hà Nội là Ủy ban đoàn kết Việt Nam với nhân dân Mỹ. Ngôi nhà của người đứng đầu Ủy ban này bị bom phá hủy hoàn toàn. Khi biết tin đó, chúng tôi rất lo sợ nhưng ông ấy nói rằng “Đừng lo, dù mất nhà nhưng gia đình vẫn bình an vô sự có nghĩa là chúng ta vẫn còn những gì quan trọng nhất”.
Tất cả chúng tôi đều thấy rõ quyết tâm trong mỗi con người Việt Nam. Tướng Telford Taylor nói, quyết tâm của người Việt Nam lớn đến nỗi dù đạn bom có ác liệt đến đâu cũng không bao giờ khuất phục được họ.
- Xin cảm ơn ông!

Không có nhận xét nào: