Thứ Hai, 10 tháng 12, 2012

HIẾN PHÁP VỀ BIỂN & ĐẠI DƯƠNG

C - K - X
Thứ hai, 10/12/2012, 05:46 PM GMT+7
Công ước Luật biển - Hiến pháp về biển và đại dương

Là một văn kiện quốc tế đa phương và đồ sộ, bao gồm 320 điều, chứa đựng hơn 1000 nguyên tắc và quy phạm pháp lý khác nhau, Công ước Luật biển được xem như “Hiến pháp về biển và đại dương”…

Công ước Luật biển - Hiến pháp về biển và đại dương

Khu dịch vụ hậu cần nghề cá ở đảo Đá Tây, Trường Sa, phục vụ cho ngư dân đánh bắt cá trên vùng biển thuộc quyền chủ quyền Việt Nam. Ảnh: Người lao động.
Cách đây đúng 30 năm, ngày 10/12/1982, Công ước LHQ về Luật biển (UNCLOS 1982) đã được ký kết tại Jamaica với sự tham gia của trên 150 quốc gia. Trước những diến biến trên biển Đông thời gian gần đây cho thấy, trong khi tìm kiếm một giải pháp cơ bản và lâu dài cho vấn đề biển Đông thì việc vận dụng và tôn trọng công ước sẽ nhằm thiết lập một trật tự pháp lý công bằng, bảo đảm quyền và lợi ích chính đáng của các quốc gia.    
                       
Là một văn kiện quốc tế đa phương và đồ sộ, bao gồm 320 Điều, chứa đựng hơn 1000 nguyên tắc và quy phạm pháp lý khác nhau, Công ước Luật biển được xem như “Hiến pháp về biển và đại dương” chỉ đứng sau Hiến chương LHQ bởi Công ước này liên quan tới 70% diện tích bề mặt trái đất.
 
Tiến sĩ Trần Công Trục, Nguyên Trưởng ban biên giới Chính phủ, một trong những người đầu tiên tham gia biên dịch các tài liệu và nội dung Công ước ra tiếng Việt nói rằng, Công ước là cơ sở pháp lý quốc tế quan trọng và đầy đủ nhất để Việt Nam xác định chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán đối với các vùng biển của mình.
 
Nắm bắt và căn cứ vào xu thế tiến bộ của luật pháp quốc tế về biển, ngay từ năm 1977, trước khi Công ước được thông qua, Chính phủ đã ban hành Tuyên bố về các vùng biển Việt Nam, xác định nội thuỷ, lãnh hải, vùng tiếp giáp lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của nước Cộng hoà xã hội Chủ nghĩa Việt Nam. Với tuyên bố này, Việt Nam đã cùng 10 nước khác trở thành những quốc gia đi đầu trong việc pháp điển hoá khái niệm “vùng đặc quyền kinh tế” trở thành một định chế quan trọng nhất của Công ước và luật tập quán quốc tế. Công ước là cơ sở pháp lý để Việt Nam từng bước nội luật hoá các quy định có liên quan của Công ước và hệ thống pháp luật quốc gia như Luật Dầu khí, Luật Tài nguyên nước, Luật Biên giới quốc gia, Luật Thuỷ sản và mới đây nhất là Luật biển Việt Nam sẽ có hiệu lực từ ngày 1/1/2013.
 
Tiến sĩ Trần Công Trục, Nguyên Trưởng ban biên giới Chính phủ cho rằng: “Lần đầu tiên Công ước cho phép chúng ta xác định cụ thể các vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam. Vừa qua Quốc hội thông qua Luật biển của Việt Nam, đó là thủ tục pháp lý hết sức quan trọng nhằm nội luật hóa Công ước thành Luật biển Việt Nam để Việt Nam áp dụng trên các quan hệ quốc tế có liên quan trên phạm vi các vùng biển thuộc chủ quyền của mình, quyền tài phán quốc gia”.
 
Chính thức phê chuẩn Công ước từ năm 1994, 18 năm là thành viên của Công ước, Việt Nam đã vận dụng nội dung công ước trong việc tiến hành đàm phán với các nước láng giềng về giải quyết một số tranh chấp về vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa chồng lấn. Cụ thể là đã đàm phán với Thái Lan ký Hiệp định phân định biển trong vịnh Thái Lan (1997), ký Hiệp định phân định ranh giới lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục trong vịnh Bắc Bộ với Trung Quốc năm 2000 và Hiệp định phân định ranh giới thềm lục địa ở phía Nam biển Đông với Indonesia năm 2003 và thoả thuận khai thác chung thềm lục địa chồng lấn với Malaysia năm 1992.
 
Năm nay, thế giới kỷ niệm 30 năm ngày Công ước LHQ về Luật biển, 10 năm Tuyên bố về ứng xử của các bên liên quan ở biển Đông (DOC) giữa ASEAN và Trung Quốc cũng đã đạt được thoả thuận về việc xúc tiến xây dựng Bộ Quy tắc ứng xử (COC) với những nỗ lực ngoại giao để giải quyết các tranh chấp. Trong nhiều hội nghị và trên các diễn đàn chính thức, việc duy trì hoà bình, ổn định và phát triển biển Đông đã trở thành chủ đề quan trọng.
 
Ông Trịnh Đức Hải, Vụ trưởng Ban nghiên cứu chính sách biển, Bộ Ngoại giao nhấn mạnh: “Các quốc gia có tranh chấp ở biển Đông hiện nay đều là thành viên của Công ước 1982 và điều này tạo điều kiện pháp lý để các quốc gia xem xét đến việc sử dụng và áp dụng tất cả các cơ chế và thủ tục giải quyết tranh chấp được quy định trong ước để giải quyết một cách hoà bình các tranh chấp liên quan. Trường hợp không giải quyết được thì trao đổi mang tính thương lượng hoặc hoà giải”.
 
Trong bối cảnh, tình hình phức tạp hiện nay, việc đưa ra đòi hỏi có nội dung hoàn toàn không rõ ràng với những tiêu chí mập mờ về hình thức, nhưng lại có phạm vi bao trùm phần lớn diện tích biển Đông thì không được coi là một yêu sách nghiêm túc và càng không thể là một tiền đề để các bên đi đến một giải pháp công bằng và hữu hiệu cho các tranh chấp hiện nay. Ngược lại, chính việc tuân thủ đầy đủ và các nội dung Công ước mới chính là tiền đề đi đến giải pháp công bằng, phù hợp với luật pháp quốc tế cho tất cả các tranh chấp hiện nay ở biển Đông.
 
Trước đó, phát biểu tại lễ kỷ niệm 30 năm ra đời Công ước Luật biển tháng 8/2012 diễn ra tại Hàn Quốc, Tổng Thư ký LHQ Ban Ki-moon đã khẳng định, Công ước là một trong những văn kiện pháp lý quan trọng nhất của thế giới và là công cụ cho sự phát triển bền vững mà các quốc gia cần phê chuẩn.
 
Nhân dịp này, Tổng Thư ký LHQ đã công bố sáng kiến “Thoả thuận Đại dương” nhằm đề ra “một tầm nhìn chiến lược” để giải quyết hiệu quả tình trạng bất ổn của các vùng biển trên thế giới, bảo vệ các đại dương khỏi nạn ô nhiễm và khai thác tài nguyên kiểu tận diệt.





Tác giả : Ngọc Hà

Không có nhận xét nào: