Chủ Nhật, 9 tháng 12, 2012

MƯU ĐỒ TRUNG-QUỐC TRÊN BIỂN ĐÔNG

Mưu đồ thiết lập “trật tự biển Đông”

TT - Những ngày qua, dư luận quốc tế và Việt Nam lên án mạnh mẽ việc Trung Quốc cho phép lính biên phòng khám xét, bắt giữ và trục xuất tàu bè nước ngoài “xâm nhập phi pháp” trên biển Đông từ 1-1-2013.
Một quan chức tỉnh Hải Nam sau đó đã hạ giọng nói rằng quy định này chỉ nhắm vào tàu cá Việt Nam xâm nhập quần đảo Hoàng Sa, mà trước đó “chưa có cơ sở luật pháp để trừng phạt”. Ông ta còn nói thêm quy định này chỉ áp dụng trong phạm vi 12 hải lý tính từ các đảo mà Trung Quốc tuyên bố là “đường cơ sở”.
Tàu ngầm của Trung Quốc tại Thanh Đảo hồi năm 2009 - Ảnh: Reuters
Như ta đã biết, “đường cơ sở” được Trung Quốc công bố chính thức năm 1996 bao gồm cả Hoàng Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam. Tháng 6-2012, Trung Quốc lại thành lập phi pháp cái gọi là “thành phố Tam Sa” cùng “khu cảnh bị Tam Sa” thuộc quyền quản lý của tỉnh Hải Nam và được giao quản lý cả một vùng biển rộng lớn gồm ba quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa và Trung Sa rộng trên 2 triệu km2, gần tương đương diện tích biển nằm trong “đường lưỡi bò” vốn bao trùm 80% biển Đông, nghĩa là khoảng 2,5 triệu km2. Liệu “thành phố Tam Sa” có bao trùm toàn bộ “đường lưỡi bò” hay không vẫn là một điều mập mờ. Mà sự không rõ ràng và mập mờ chính là “tài sản” của Trung Quốc trong vấn đề biển Đông. Trung Quốc còn có các chiến thuật “Gặm nhấm từng miếng” và “Ba bước tiến, hai bước lùi” (tiến lên ba bước, bị phản đối, lùi lại hai bước, rốt cuộc vẫn tiến được một bước).
Nhờ vậy, từ năm 1946 đến nay, qua năm giai đoạn leo thang lấn chiếm biển Đông, Trung Quốc đang tiến tới giai đoạn cuối cùng: bá chủ biển Đông. Do đó, nếu quy định mới có hiệu lực và các nước liên quan cho rằng nó chỉ nhằm đối phó với ngư dân Việt Nam và loanh quanh ở vùng Hải Nam - Hoàng Sa thì tự do hàng hải trên biển Đông sẽ bị thách thức nghiêm trọng.
Ý đồ “lãnh địa hóa” biển Đông
Tại hội thảo “Xây dựng thành phố Tam Sa, mưu tính Nam Hải” do tờ Đại Công Báo (Hong Kong) tổ chức ngày 11-8 ở Bắc Kinh, tướng La Viện, thường trực Hội Khoa học quân sự Trung Quốc, đã nêu ra khái niệm “ba vùng biển” và “ba vùng trời” cho “khu cảnh bị Tam Sa”.
Về trên biển, một, cần vạch định tuyến hàng hải quốc tế mà tàu bè bất kỳ nước nào cũng có thể đi qua căn cứ vào Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển (UNCLOS) 1982. Hai, vạch ra vùng đặc quyền kinh tế là khu vực tàu bè các nước khác có thể qua lại một cách “vô hại”, ví như tàu ngầm cần phải nổi lên trên mặt nước và phải treo cờ khi qua vùng này. Ba, vạch ra các vùng biển của Trung Quốc mà tàu bè các nước khác muốn qua phải xin phép.
Về trên không, một, vạch ra các vùng để phân biệt máy bay bay qua là của nước nào, loại máy bay dân dụng hay quân sự. Hai, vạch ra vùng cảnh báo đối với máy bay của đối phương. Ba, vạch ra vùng phòng ngự, tức là “vùng trời của Trung Quốc”, chỉ cần đối phương tiến vào là kiên quyết bắn hạ.
Kế hoạch 1-1-2013 thực chất là sản phẩm tái chế từ đề xuất của tướng La Viện, được viên tướng này khẳng định là một “nghiên cứu khoa học công phu” của giới quân sự (theo đường lối cứng rắn) của Trung Quốc. Kế hoạch này có liên quan đến nỗ lực xây dựng Trung Quốc thành một “cường quốc biển” với việc gấp rút hiện đại hóa lực lượng tên lửa chiến lược và hải quân biển xa bờ.
Năm 2009-2012 đánh dấu thời điểm Trung Quốc đẩy mạnh tranh chấp biển Đông lên cường độ cao. Nửa đầu năm 2010, Trung Quốc bắt đầu đưa biển Đông vào phạm trù “lợi ích cốt lõi” và thực hiện các bước đi được tính toán sâu xa nhằm cụ thể hóa các đòi hỏi về “đường lưỡi bò” nhằm biến biển Đông thành một lãnh hải riêng, mà như một viên tướng Pháp gọi là nỗ lực “lãnh địa hóa” biển Đông.
Ngoài mục tiêu kinh tế (khai thác nguồn tài nguyên biển và dầu khí được xem là dồi dào), mục tiêu quân sự cũng hết sức quan trọng. Các tàu ngầm hạt nhân đặt căn cứ ở Tam Á thuộc đảo Hải Nam sẽ triển khai một cách an toàn hơn tại vùng nước sâu nhất của biển Đông, cách bờ biển phía nam Trung Quốc 430km.
Che giấu tàu ngầm
Sự cố tàu Impeccable, tàu thăm dò đáy đại dương của hải quân Mỹ, bị các tàu thuyền Trung Quốc quấy rối cách đường cơ sở của đảo Hải Nam 75 hải lý ngày 8-3-2009 không phải là một sự kiện ngẫu nhiên. Hải quân Mỹ muốn thu thập thông tin về tàu ngầm trang bị tên lửa đạn đạo mang đầu đạn hạt nhân của Trung Quốc ẩn sâu trong biển Đông, mà về mặt lý thuyết có thể tấn công nước Mỹ. Tàu ngầm chủ lực của Trung Quốc hiện thuộc lớp Tấn gây nhiều tiếng ồn, di chuyển lên phía bắc - một dải biển hẹp và tương đối nông - sẽ bị hải quân Mỹ và Nhật phát hiện. Chỉ có ẩn ở vùng biển sâu 5.000m của biển Đông là an toàn nhất.
Biển Đông trở thành một trong các hướng phòng thủ từ xa của các lực lượng vũ trang Mỹ, vì vậy Mỹ quyết tâm thiết lập hệ thống phòng thủ tên lửa, trong đó Đông Nam Á/biển Đông là một bộ phận của một hệ thống nối từ bắc Nhật Bản tới biển tây Philippines. Biển Đông vì thế cũng thành nơi “ngọa hổ tàng long”.
Mỹ xem tự do hàng hải trên biển Đông thuộc “lợi ích quốc gia”, mà một trong các mục đích là tự do thu thập thông tin tình báo quân sự trong vùng biển quốc tế. Thế nên Mỹ là nước bên ngoài biển Đông lên tiếng sớm nhất và đòi Trung Quốc ở cấp có thẩm quyền cao nhất làm rõ quan điểm về kế hoạch 1-1-2013.
Có thể hiểu việc nhà đương cục Hải Nam tung ra “điều lệ quản lý trị an biên phòng duyên hải Hải Nam” là một quả bóng thăm dò của Bắc Kinh. Và khi dư luận phản đối mạnh thì nói lấp liếm đi rằng quy định chỉ liên quan đến địa phương tỉnh Hải Nam và tàu bè đánh cá của ngư dân Việt Nam tại Hoàng Sa. Nhưng việc xuống thang này vẫn chỉ do một quan chức cấp tỉnh đưa ra, không có tính ràng buộc pháp lý.
Nếu qua mắt dư luận lần này, Trung Quốc sẽ tiến một bước lớn trên đường độc bá biển Đông. Trung Quốc sẽ tăng áp lực lên tàu bè của tất cả các nước hoạt động trên biển Đông và áp đặt luật chơi của Trung Quốc. Khi tiến trình ấy hoàn thành, một “trật tự biển Đông” sẽ do Trung Quốc chủ đạo.


Tiến sĩ NGUYỄN NGỌC TRƯỜNG

Không có nhận xét nào: