Thứ Tư, 8 tháng 1, 2014

NHÌN LẠI NĂM 2013

Nhìn lại 2013:

Khi nghị quyết chạm đến chuyện cốt lõi sinh tử

- Có lẽ chưa năm nào như năm 2013, Đảng ra nhiều nghị quyết đến vậy. Thông thường mỗi năm Ban chấp hành TƯ họp hai kỳ, mỗi kỳ cùng lắm đến 2-3 nghị quyết nhưng lần này lại nhiều hơn thế.

 
Hội nghị TƯ 7 bàn 6 vấn đề, hội nghị 8 bàn 5 vấn đề trong đó hầu hết là ra Nghị quyết toàn vấn đề lớn ảnh hưởng đến quốc kế dân sinh.
Nếu như Hội nghị TƯ 7 bàn những vấn đề: Hoàn thiện hệ thống chính trị; Tăng cường sự lãnh đạo đối với công tác dân vận; Dự thảo Hiến pháp; Sơ kết 1 năm về xây dựng Đảng; Xây dựng qui hoạch cán bộ cấp chiến lược; Ứng phó với biến đổi khí hậu, thì Hội nghị TƯ 8 bàn đến: Về phát triển kinh tế - xã hội; Về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo; Về dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992; Về chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới; Về công tác xây dựng Đảng.
Chỉ mới nhìn những vấn đề được bàn cũng thấy cái nào cũng quan trọng cũng cần phải làm ngay.
Song song với việc ra các nghị quyết, công tác cán bộ cũng được chú trọng. Năm 2013 Đảng chủ trương tăng cường củng cố các ban của Đảng, bầu bổ sung vào Bộ Chính trị những cán bộ ưu tú để tăng cường công tác lãnh đạo của các ban đảng.
Có thể thấy thời gian qua áp lực lớn cả trong và ngoài nước. Kinh tế khó khăn, còn ý kiến khác nhau thể hiện ở những vấn đề lớn như đánh giá sự hoàn thành của từng tổ chức, cá nhân, việc bố trí tuyển chọn cán bộ vào những vị trí cao nhất, về việc sửa đổi Hiến pháp…
Dấu ấn quan trọng là định hướng chỉ đạo xây dựng Hiến pháp và luật Đất đai được Quốc hội vừa thông qua cuối tháng 11. Nhìn vào nội dung của hai hội nghị, vấn đề Hiến pháp đều được nêu ra và định hướng đủ thấy vấn đề được Đảng quan tâm rất sâu sát.
Đầu năm phát động phong trào góp ý Hiến pháp. Đảng chủ trương góp ý không có vùng cấm nghĩa là có thể góp ý đụng chạm đến những vấn đề rường cột nhất như đổi tên nước, điều 4, về chủ đạo kinh tế nhà nước, về sở hữu đất đai…
nhân sự, Đảng, nghị quyết, Hiến pháp, Điều 4, đất đai
Phải nói chưa bao giờ việc góp ý cho Hiến pháp lại đông đảo và mạnh mẽ đến thế. Nhân dân trong nước, kiều bào ta ở nước ngoài cùng tham gia và được xem là bước thực hiện dân chủ chưa từng có. Báo chí là kênh thông tin chuyển tải những nội dung đóng góp nhanh và hiệu quả nhất.
Đại biểu Quốc hội, người mang trọng trách thay mặt cho cử tri cho rằng "Sửa đổi Hiến pháp là việc trọng đại, tác động của nó có thể thúc đẩy hoặc cản trở bước tiến của lịch sử. Hậu thế sẽ đánh giá Quốc hội khóa XIII sẽ làm gì để thúc đẩy chứ không cản trở sự phát triển của dân tộc".
Tuy nhiên cũng có người lợi dụng góp ý để đưa quan điểm cá nhân.
Tổng bí thư cho biết: "Vừa rồi đã có các luồng ý kiến, cũng có thể quy vào được là suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống. Xem ai có tư tưởng muốn bỏ Điều 4 Hiến pháp không? Phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng không? Muốn đa nguyên đa đảng không? Có tam quyền phân lập không? Có phi chính trị hóa quân đội không? Người ta đang có những quan điểm đấy, đưa cả lên phương tiện thông tin đại chúng đấy. Thế là suy thoái chứ còn gì nữa”.
Và Hội nghị TƯ đã có những định hướng kịp thời cho góp ý xây dựng Hiến pháp, hạn chế thấp nhất những ý kiến, kiến nghị kiểu như vừa nêu góp phần xây dựng bản Hiến pháp, nói như Chủ tịch Quốc hội, đó là ý Đảng - lòng dân.
Một vấn đề được nhân dân cả nước đặc biệt quan tâm và theo dõi đó là đánh giá của Đảng, về một năm thực hiện Nghị quyết Hội nghị TƯ 4.
Nghị quyết đã đặt ra vấn đề cốt lõi sinh tử là phải chống cho được suy thoái về chính trị tư tưởng, tham nhũng trong Đảng, đây được coi là nguy cơ có thể ảnh hưởng đến sự tồn vong của chế độ.
Trước đó vào cuối năm 2012, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã kiểm điểm một cách nghiêm túc chưa từng có. Soi vào thực tiễn để đánh giá. Các tỉnh thành, ban ngành cũng đã ra quân rầm rộ thực hiện kiểm điểm nghiêm túc.
Qua một năm thực hiện, mặc dù chưa kỷ luật ai để xảy ra tình hình yếu kém trong chỉ đạo và lãnh đạo, kinh tế chậm phát triển song Đảng cũng tự nhận thấy và xin lỗi trước dân.
Tổng bí thư nhận định: Trong hơn một năm qua, toàn hệ thống chính trị đã nghiêm túc quán triệt và tích cực triển khai thực hiện Nghị quyết; nhân dân đã nhiệt tình hưởng ứng tham gia xây dựng Đảng. Nhờ vậy, chúng ta đã thu được những kết quả bước đầu quan trọng.
Tổng bí thư cũng nói “kinh tế - xã hội nước ta hiện vẫn đang đứng trước nhiều khó khăn, thách thức lớn.
Kinh tế vĩ mô chưa thực sự ổn định vững chắc; vẫn tiềm ẩn nguy cơ lạm phát tăng cao trở lại; nợ xấu ngân hàng còn cao, hoạt động của một số tổ chức tín dụng chưa thật an toàn; cân đối ngân sách khó khăn”. Và Hội nghị TƯ 8 đã bàn những vấn đề này.
Trong năm 2013 kinh tế Việt Nam có những bước phát triển song so với tốc độ phát triển của các nước trong khu vực thì kinh tế của ta có sự sụt giảm chưa theo kịp, trong khi cùng tác động của thế giới như nhau. Nói như Phó chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan: Tình hinh kinh tế gay go lắm rồi.
Thực tế có hàng chục ngàn doanh nghiệp phá sản, tốc độ phát triển kinh tế chậm, bất động sản đóng băng, nợ xấu ngân hàng tăng cao…
"Tăng trưởng GDP và tổng vốn đầu tư xã hội không đạt được kế hoạch đề ra; số doanh nghiệp phải giải thể, ngừng hoặc thu hẹp hoạt động vẫn ở mức cao; việc làm và thu nhập của người lao động khó khăn. Trật tự, an toàn xã hội và các tệ nạn xã hội, tội phạm, tham nhũng, tiêu cực còn nhiều phức tạp…” như Tổng bí thư đánh giá trước đó.
Và cũng như nhận xét của các chuyên gia, nếu Đảng không lãnh đạo quyết liệt, thời gian còn lại của nhiệm kỳ 5 năm không đạt được những chỉ tiêu Đại hội XI đề ra.
Những yếu kém đó có nguyên nhân là do sự chỉ đạo lãnh đạo và vì vậy cần thiết phải có một cuộc kiểm điểm nghiêm túc. Bởi suy cho cùng như Hiến pháp đã khẳng định, Đảng phải chịu trách nhiệm trước dân về sự lãnh đạo của mình.
Và chính trong sự kiểm điểm nghiêm túc đó Đảng đã vạch ra định hướng cho những năm tiếp theo.
Có thể nói tình hình thực tiễn có nhiều vấn đề cấp bách cần sự chỉ đạo, lãnh đạo. Thời gian 5 năm quả là rất nhanh. Và những nghị quyết thì cần phải chuẩn bị công phu phải từ thực tiễn khái quát đề ra.
Một vấn đề như Tổng bí thư khẳng định trong Đảng cũng cần bỏ phiếu như Quốc hội, kỳ này chưa thực hiện được. Làm có lộ trình cũng là sự thận trọng cần thiết.
2013 là năm ra đời một loạt các nghị quyết quan trọng. Người dân kỳ vọng những nghị quyết đó nhanh chóng đi vào cuộc sống để những vấn đề nghiêm trọng như suy thoái đạo đức lối sống được hạn chế, Đảng trong sạch vững mạnh, kinh tế Việt Nam thoát khỏi khủng hoảng bắt kịp với các nước trong khu vực…

Nguyễn Đăng Tấn

Không có nhận xét nào: