Thứ Sáu, 3 tháng 1, 2014

...MUỐN BỒI THƯỜNG ĐỂ CỨU DƯƠNG CHÍ DŨNG KHỎI ÁN TỬ HÌNH


Gia đình muốn bồi thường để cứu Dương Chí Dũng

Em gái cựu Cục trưởng Hàng hải Dương Chí Dũng cho biết, vợ ông Dũng và người trong gia đình thống nhất "dù có bán nhà, cầm cố tất cả tài sản cũng phải cứu anh ấy".

>> Nhật ký tham nhũng đến án tử của Dương Chí Dũng
>> Đại án Dương Chí Dũng: Đâu là "gót chân Asin" trong công tác cán bộ?
>> Đại gia 'sa cơ' kéo họ hàng vào tù

Tối 1/1, trò chuyện qua điện thoại, bà Dương Thị Băng Tâm (em gái Dương Chí Dũng) cho biết: “Đọc được thông tin về Nghị quyết số 01/2001/NQ-HĐTP của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân Tối cao cho thấy tội phạm bị tuyên án tử hình hoàn toàn có thể được giảm xuống chung thân hoặc giam giữ có thời hạn nếu tích cực bồi thường, khắc phục hậu quả. Thông tin này khiến tôi cũng như nhiều người thân khác trong gia đình bớt đi sự lo sợ về bản án tử hình dành cho anh Dũng tới đây”.
Cuộc trò chuyện liên tục bị đứt quãng vì tiếng nấc và nước mắt của bà Tâm khi nhắc đến quá trình rơi vào vòng lao lý của người anh trai mà bà đã đặt trọn niềm tin.
Theo lời bà, ông Dũng sống tình cảm, hiếu thảo với bố mẹ và luôn nhường nhịn em gái. “Sau khi tòa tuyên án tử hình đối với anh Dũng, gia đình tôi phải giấu bố vì sợ ông sốc quá mà đột tử. Còn mẹ tôi, ban ngày thì viết đơn gửi đến các cơ quan chức năng xin xem xét công – tội để dành cho con trai bà một đặc ân, tối đến bà lại khóc gọi tên con, chẳng màng chuyện ăn uống. Phận con cái chúng tôi nhìn thấy cảnh này cũng không cầm được nước mắt”, bà Tâm khóc nghẹn.
Cũng theo lời bà Tâm, sau khi bà và nhiều thành viên trong gia đình đọc được thông tin đầy đủ về Nghị quyết 01/2001 của TAND Tối cao thì như có thêm niềm tin vào vào đặc ân của pháp luật dành cho ông Dũng.
“Cám ơn mọi người đã chia sẻ với gia đình tôi lúc khó khăn hoạn nạn. Nói thật là có bệnh vái tứ phương, tôi cũng từng nghe nói về việc bồi thường để xin ân giảm nhưng không dám tin là anh mình có may mắn đó. Nay báo chí đã đăng tải rõ ràng nghị quyết này, gia đình cũng có thêm chút niềm tin”
Trả lời về việc gia đình có bồi thường thiệt hại để được xem xét ân giảm hay không, bà Tâm cho biết: “Hiện nay, chị Phạm Thị Mai Phương, vợ anh Dũng đang lâm vào tình trạng khó khăn, kinh tế kiệt quệ. Đến tiền thuê luật sư bào chữa cho anh Dũng chị ấy cũng phải đi vay mượn của nhiều người”.
Bà Tâm cho hay, trong những ngày tới gia đình sẽ họp bàn về việc khắc phục hậu quả trong vụ án Vinalines như Nghị quyết 01/2001 đã nêu. "Trước mắt phải cứu anh Dũng thoát bản án tử hình để anh có cơ hội được chứng minh phải trái cũng như khắc phục sai lầm. Tôi cũng đã nói chuyện với vợ anh Dũng và mọi người đều thống nhất: Dù có bán nhà, cầm cố tất cả tài sản chúng tôi cũng phải cứu anh ấy. Chúng tôi tin và có niềm hy vọng vào đặc ân của luật pháp", bà chia sẻ.
Do chủ mưu giúp Dương Chí Dũng bỏ trốn ra nước ngoài, bị can Dương Tự Trọng (bên trái, em ông Dũng) sẽ bị xét xử vào ngày 7/1.
Bà Tâm năm nay 47 tuổi, trú tại quận Ngô Quyền, Hải Phòng. Bà là con thứ ba trong gia đình họ Dương nổi tiếng đất Cảng. Bố bà là thiếu tướng, cựu giám đốc Công an Hải Phòng.
Theo chia sẻ của bà Băng Tâm, gia đình bà đang trong cơn bĩ cực, đau đớn và ảm đạm. Nếu chỉ mới hơn một năm về trước, nhà họ Dương vẫn còn được coi một “danh gia vọng tộc” nhất nhì đất Cảng thì nay mọi thứ đã sụp đổ một cách chóng vánh.
Khi ông Dũng vừa được bổ nhiệm là Cục trưởng Hàng hải Việt Nam thì lúc này người em là đại tá Dương Tự Trọng đang giữ chức Phó giám đốc Công an Hải Phòng, rồi làm Cục phó Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (Bộ Công an). Em rể ông Dũng là Nguyễn Bình Kiên (chồng bà Băng Tâm) - Phó giám đốc Công an Hải Phòng. Mới đây, ông Kiên cũng đã bị khai trừ khỏi Đảng do vi phạm quy định công tác và mất chức.
Ngày 16/12/2013, ông Dũng bị TAND Hà Nội tuyên án tử hình do tham ô 10 tỷ đồng, 18 năm tù về tội Cố ý làm trái quy định nhà nước. Tổng hợp hình phạt cho 2 tội là tử hình.
Nghị quyết 01/2001/NQ-HĐTP của TAND Tối cao
... Khi áp dụng điểm a khoản 4 Điều 278 Bộ luật Hình sự về tội Tham ô tài sản cần chú ý:
4.1. Trong trường hợp không có tình tiết tăng nặng và không có tình tiết giảm nhẹ hoặc vừa có tình tiết tăng nặng, vừa có tình tiết giảm nhẹ, nhưng đánh giá tính chất tăng nặng và tính chất giảm nhẹ tương đương nhau thì xử phạt người phạm tội mức án tương ứng với giá trị tài sản bị chiếm đoạt như sau:
a. Xử phạt hai mươi năm tù nếu tài sản bị chiếm đoạt có giá trị từ năm trăm triệu đồng đến dưới một tỷ;
b. Xử phạt tù chung thân nếu tài sản bị chiếm đoạt có giá trị từ một tỷ đồng đến dưới ba tỷ đồng;
c. Xử phạt tử hình nếu tài sản bị chiếm đoạt có giá trị từ ba tỷ đồng trở lên.
4.2. Trong trường hợp có nhiều tình tiết giảm nhẹ mà không có tình tiết tăng nặng hoặc có ít tình tiết tăng nặng hơn, đồng thời đánh giá tính chất giảm nhẹ và tính chất tăng nặng xét thấy có thể giảm nhẹ trách nhiệm hình sự cho người phạm tội, thì có thể xử phạt người phạm tội mức án nhẹ hơn mức án được hướng dẫn tại tiểu mục 4.1 Mục 4 này như sau:
a. Xử phạt tù từ mười lăm năm đến dưới hai mươi năm nếu tài sản bị chiếm đoạt có giá trị từ năm trăm triệu đồng đến dưới một tỷ đồng (trường hợp này phải có ít nhất hai tình tiết giảm nhẹ quy định tại khoản 1 Điều 46 BLHS);
b. Xử phạt hai mươi năm tù nếu tài sản bị chiếm đoạt có giá trị từ một tỷ đồng đến dưới ba tỷ đồng;
c. Xử phạt tù chung thân nếu tài sản bị chiếm đoạt có giá trị từ ba tỷ đồng trở lên.
4.3. Trong trường hợp có nhiều tình tiết tăng nặng mà không có tình tiết giảm nhẹ hoặc có ít tình tiết giảm nhẹ hơn, đồng thời đánh giá tính chất tăng nặng và tính chất giảm nhẹ xét thấy cần tăng nặng trách nhiệm hình sự đối với người phạm tội, thì có thể xử phạt người phạm tội mức án nặng hơn mức án được hướng dẫn tại tiểu mục 4.1 Mục 4 này như sau:
a. Xử phạt tù chung thân nếu tài sản bị chiếm đoạt có giá trị từ năm trăm triệu đồng đến dưới một tỷ đồng;
b. Xử phạt tử hình nếu tài sản bị chiếm đoạt có giá trị từ một tỷ đồng trở lên.
4.4. Trong trường hợp theo hướng dẫn tại các tiểu mục 4.1 và 4.3 Mục 4 này thì người phạm tội phải bị xử phạt tử hình, nhưng người phạm tội đã bồi thường được một phần đáng kể giá trị tài sản bị chiếm đoạt (hoặc người thân thích, ruột thịt... của người phạm tội đã bồi thường thay cho người phạm tội) thì có thể không xử phạt tử hình người phạm tội và tuỳ vào số tiền đã bồi thường được mà có thể xử phạt người phạm tội tù chung thân hoặc tù có thời hạn.
Được coi là đã bồi thường được một phần đáng kể giá trị tài sản bị chiếm đoạt nếu:
a. Đã bồi thường được ít nhất một phần hai giá trị tài sản bị chiếm đoạt;
b. Đã bồi thường được từ một phần ba đến dưới một phần hai giá trị tài sản bị chiếm đoạt, nếu có căn cứ chứng minh rằng người phạm tội (hoặc người thân thích, ruột thịt... của người phạm tội) đã thực hiện mọi biện pháp để bồi thường giá trị tài sản bị chiếm đoạt (đã bán hết nhà ở, tài sản có giá trị; cố gắng vay, mượn... đến mức tối đa).

Không có nhận xét nào: