Nhạc sĩ Dương Thụ: “Đang có nỗi sợ hãi khi bị phê bình”
(Dân trí)- “Có thể nói, lời nhận xét của nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9
trong một xã hội bình thường là bình thường, nhưng trong xã hội ta là sự
dũng cảm”, nhạc sĩ Dương Thụ chia sẻ. Cũng theo ông, “người Việt Nam
xưa nay không quen nghe phê bình nên hiệu quả phê bình không tới”…
>> Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân, Cát Vận lên tiếng bênh vực nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9
>> Khi nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 lên tiếng: Không thể vùi dập những lời nói thật
Nhiều nhạc sĩ, ví dụ như nhạc sĩ Phú Quang, nhạc sĩ Nguyễn
Ánh 9…khá khắt khe trong việc chọn ca sĩ hát nhạc của mình. Hầu như các
nhạc sĩ đều e ngại tác phẩm không được truyền tải trọn vẹn, đúng tinh
thần tới khán giả.Bản thân nhạc sĩ Dương Thụ thì sao?
Tôi bị gọi là ông già khó tính, bởi những người hát nhạc của tôi ở
cái trình độ mọi người đều biết rồi. Còn tôi nói “không nên khắt khe quá
với các nghệ sĩ” vì người ta đi biểu diễn ngoài đời, lúc hát không được
cũng có nhiều nguyên do… Còn những nghệ sĩ hát nhạc của tôi mà thành
danh là phải hát tốt chứ.
Tất nhiên, các nhạc sĩ khác rất giỏi, rất khó tính, cái đó tôi hoan
nghênh. Trên đời này, khó tính về nghệ thuật là tốt. Tôi cũng không dễ
dãi, nhiều người muốn hát nhạc tôi, tôi đâu có bằng lòng. Không phải là
tri kỷ nghệ thuật, không đúng với yêu cầu của mình nên tôi từ chối
nhiều.
Trả lời phóng viên Dân trí, xoay quanh lời nhận xét lớp nghệ sĩ trẻ của nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 sáng ngày 28/8, nhạc sĩ Dương Thụ cho rằng: "Theo tôi, nên tôn trọng ý kiến mà ngay cả ý kiến không đúng cũng nên tôn trọng"
Là một trong những người khá thẳng thắn khi nhận xét, chỉ ra những
điểm mạnh điểm yếu của lớp nghệ sĩ, kể cả những ca sĩ tên tuổi như
Thanh Lam, Mỹ Linh, Hồng Nhung…, nhạc sĩ không ngại “sự thật mất lòng”?
Cuộc đời mà, ngay gia đình, anh em bố mẹ đôi lúc cũng giận nhau chứ,
tại sao phải nghĩ về chuyện đó. Ai giận tôi cũng có thể bỏ đi không gặp
mặt nữa. Cuộc sống không phải lúc nào như mình muốn và mình sống thế nào
thì phải giữ.
Tôi có nhiều sai lầm, nhiều cái xấu nhưng không rút kinh nghiệm được.
Mình vụng thì mình đánh đổ cốc nước là chuyện đương nhiên nhưng mình
không rút kinh nghiệm được vì nếu không làm đổ cốc nước mình sẽ làm đổ
cái khác có khi còn quý hơn…
Theo tôi, điều quan trọng nhất ở đây là sự trong sạch. Sự trong sạch
là không để các thứ khác lẫn vào.Trong sạch thường phải đi với thẳng
thắn. Người thẳng thắn là trong sạch.Và họ cũng rất nhạy cảm…
Vậy nhạc sĩ chia sẻ điều gì về những lời nhận xét của nhạc sĩ
Nguyễn Ánh 9 đối với các nghệ sĩ từ dàn Diva cho tới các ca sĩ dòng nhạc
thị trường?
Nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 nói đúng. Theo tôi, nên tôn trọng ý kiến mà ngay
cả ý kiến không đúng cũng nên tôn trọng. Phải biết rằng bố mình cũng
lắm khi sai nhưng cái sai của bố không giống như cái sai của bạn mình vì
thế phải biết cách ứng xử. Đó là văn hóa ứng xử. Người con xử sự với bố
thì không thể giống như với bạn được. Bố đâu phải là thánh. Ngay cả tôi
cũng vậy, tôi là con người đầy khuyết điểm, không phải lúc nào cũng
đúng. Nhưng với từng này tuổi, văn hóa như thế không thể ứng xử như bạn
bè cùng trang lứa được.
Hơn nữa, nhạc sĩ Nguyễn ánh 9 có quyền nhận xét. Chú ấy là nhạc sĩ
sáng tác, dân piano rất giỏi, chuyên môn giỏi, đã dựng nhiều ca sĩ
thành danh.
Dù chú ấy chê cái dàn ca sĩ mà tôi khen như Thanh Lam, Mỹ Linh…
nhưng tôi hiểu chú ấy có cách nhìn riêng. Về phía mình, tôi gần gũi hơn
với họ, làm việc nhiều hơn nên tôi có sự thông cảm hơn. Nghệ sĩ không
phải lúc nào cũng được hát ca khúc mình thích. Vì khán giả, vì hoàn cảnh
và nhiều lý do khác nên đôi khi ca sĩ không thể hát như mình mong muốn…
"Vấn đề rất chua xót, rằng chúng ta những người lớn tuổi mà chưa biết làm thế nào cho thế hệ trẻ lớn lên trong một môi trường văn hóa tốt như ngày xưa?"
Cũng từ lời nhận xét của nhạc sĩ gạo cội trên và phản hồi xung
quanh lời nhận xét này, có ý kiến cho rằng một bộ phận không nhỏ những
nghệ sĩ trẻ ngày hôm nay quá đề cao bản thân, không biết lắng nghe và
sẵn sàng “đáp trả” những lời chỉ chỉ trích về phía mình?
Sản phẩm của xã hội văn hóa nào thì sinh ra con người ấy. Ai phản ứng
thế nào thì biết con người đó ở vị trí nào. Đôi lúc, tôi cũng cảm thấy
có lỗi vì tại sao những người như mình lại để xảy ra một thế hệ trẻ như
thế. Mình vô can thế nào được nên mắng mỏ thế nào được? Giới trẻ là sản
phẩm của một xã hội: xã hội nào thì giới trẻ ấy và và giới trẻ nào thì
cái nhạc ấy.
Chúng ta cứ bảo nhạc thị trường, nhưng tôi có đến một trường quốc tế
nói chuyện và hỏi các bạn trẻ có nghe nhạc của tôi không, chúng nói rằng
“bố mẹ cháu thích nhưng cháu thì không vì nhạc chú… già lắm”. Dù chúng
có thể chưa nghe, nhưng đã kết luận thẳng luôn là: nhạc tôi già!
Nhưng mình nói thế nào được vì văn hóa đến tầm đó, quan niệm về âm
nhạc của chúng chỉ đơn giản ở nhạc thị trường có nhảy nhót, hát thì ít,
lộ hàng thì nhiều… Vấn đề rất chua xót, rằng chúng ta những người lớn
tuổi mà chưa biết làm thế nào cho thế hệ trẻ lớn lên trong một môi
trường văn hóa tốt như ngày xưa?
Tôi cũng nghĩ không nên “ném đá” nhau, kể cả ném đá “giới trẻ”. Người
Việt Nam hiếu thắng không chỉ có giới trẻ đâu, người già cũng thế. Nếu
nói ai đó rằng “mày là thằng mất dạy!”, sẽ chẳng ai nghe nhưng nếu bảo
rằng“cháu tốt lắm, nhưng cái này cháu làm chưa đúng…” thì lại khác.
Ví dụ, có cậu kỹ sư gửi mail cho tôi, rất yêu quý nhạc sĩ Dương Thụ
nhưng lại đề “thân gửi”. Tôi viết thư lại cho cậu này có “tái bút” rằng:
“với người lớn tuổi hơn mình thì phải kính gửi, nếu là người khác cậu
đã đánh mất một quan hệ”…
Theo nhạc sĩ, bản chất của vấn đề này là ở văn hóa ứng xử?
Tóm lại, tất cả nằm ở văn hóa ứng xử!
Để xảy ra tình trạng văn hóa ứng xử gây “sốc” đối với dư luận xoay
quanh những lời nhận xét của nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9, cũng phải đề cập đến
trách nhiệm của những nhà chuyên môn. Giới phê bình âm nhạc hiện nay
quá ít lời thẳng thắn, lời nói thật dẫn đến sự ngộ nhận và giá trị ảo
trong nền âm nhạc Việt?
Người Việt Nam xưa nay không quen nghe phê bình nên hiệu quả phê bình
không tới. Thường mọi người cho rằng phê bình là phải chuẩn mực, phê
bình chỉ là cái góc của người này nhận xét về cái kia.
Việc phê bình rất khó còn là bởi cả xã hội có nỗi sợ hãi mình bị làm
sao đó cho nên ai cũng muốn an toàn… Vì thế tự nhiên nó hình thành cách
an toàn là khen nhau, muốn chê thì chê sau lưng. Chê trước mặt có khi
bị…trả thù. Cả xã hội này có nỗi sợ hãi vì ai cũng mong an toàn, mong
khen để an toàn.
Có thể nói, lời nhận xét của nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 trong một xã hội
bình thường là bình thường, nhưng trong xã hội ta là một sự dũng cảm.
"Cả xã hội này có nỗi sợ hãi vì ai cũng mong an toàn, mong khen để an toàn"
Nói về thị trường nhạc Việt, nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 có cho rằng
“Nhạc thị trường tự động phát sinh rồi sẽ tự động chết bởi những gì
không hay sẽ không tồn tại”. Cách nhìn nhận của nhạc sĩ về quan điểm
này?
Nhạc thị trường không thể mất đi, chỉ có trình độ nghệ thuật cao hay
thấp hơn. Trình độ nghệ thuật của nó cao hơn tức là khi những người làm
ra nhạc thị trường và những người thưởng thức nó trình độ cao hơn.
Là một người yêu nhạc Việt, luôn tìm tòi những ca khúc giai điệu
đẹp, đậm màu sắc dân tộc tưởng như bị lãng quên đến gần với công chúng;
theo nhạc sĩ chúng ta cần làm gì để cân bằng giữa dòng nhạc chạy theo
thị hiếu kém về chất lượng và âm nhạc chính thống? Và làm sao để kéo
khán giả đến gần với âm nhạc chính thống hơn?
Theo tôi, phải xây dựng công chúng nghe nhạc. Muốn xây dựng công
chúng nghe nhạc, yêu nhạc thì những người làm nghề phải làm nhạc tử tế
cái đã.
Âm nhạc sinh ra là để nghe chứ không phải xem. Chúng ta hãy trả lại
cho âm nhạc cái vị trí của nó. Nó đang trở thành kép phụ của nghệ thuật,
tức là thời trang cũng dùng nhạc, múa may cũng dùng nhạc, và nhạc cũng
chỉ tôn lên cho những thứ kia, trở thành kép phụ trên sân khấu.
Tôi không phản đối mọi người làm giải trí nhưng với tư cách một nhạc sĩ, tôi mong muốn mọi người được nghe nhạc.
Tuy nhiên, mình là người sống thời hiện đại thì cũng không nên nhìn
cái gì quá phiến diện. Muốn âm nhạc đến gần với khán giả thì cũng nên
cân bằng giữa yếu tố nghe và nhìn, giữa yếu tố thưởng thức và giải trí.
Xin cảm ơn nhạc sĩ Dương Thụ!
Nguyễn Hằng thực hiện
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét