Thứ Năm, 8 tháng 11, 2012

TỒN ĐỌNG 20 NĂM GIẢI QUYẾT TRONG 20 PHÚT !

Câu chuyện về “20 phút và 20 năm”

(VOV) - Hiệu quả của việc thực thi công vụ chính là nhờ tinh thần lắng nghe tiếng nói của dân của lãnh đạo.
Có một công dân ở thành phố Hồ Chí Minh sau khi được Bí thư Thành ủy tiếp và giải quyết công việc trong 20 phút đã rút lại đơn kiện, một việc mà ông đã phải tốn bao công sức gõ cửa nhiều cơ quan công quyền trong suốt 20 năm qua.
Giữa bao nhiêu thông tin sôi động của đời sống chính trị đất nước, câu chuyện được một vị đại biểu Quốc hội dẫn trong lời phát biểu của mình đã nhanh chóng gây được chú ý của dư luận. Không hẳn vì nội dung hay tính ly kỳ của vụ kiện, mà là ở chỗ tính hiệu quả của việc thực thi công vụ nhờ tinh thần lắng nghe tiếng nói của dân.
Báo cáo giám sát của Ủy ban Kinh tế Quốc hội cho thấy, trong số hơn 1,22 triệu đơn thư khiếu nại tố cáo mà cơ quan hành chính Nhà nước các cấp tiếp nhận và xử lý trong vòng 7 năm (từ 2003 - 2010), đã có 70% liên quan đến đất đai.
Thực tế các vụ việc khiếu nại, có cái đúng, cái sai, hoặc chỉ đúng một phần; nhưng rõ ràng, tình hình khiếu nại tố cáo của dân liên quan đến đất đai là rất nghiêm trọng. Nhưng nghiêm trọng hơn là có gần một nửa số quyết định hành chính của các cơ quan nhà nước liên quan đến đất đai bị sai, dẫn đến nhiều vụ tranh chấp đất đai kéo dài.
Điều đó chứng tỏ phải xem lại chính sách pháp luật và việc thi hành pháp luật về đất đai. Đáng ngại hơn là tinh thần trách nhiệm, thái độ của cán bộ xử lý các vụ liệc liên quan đến đất đai chưa tốt, thậm chí là vô cảm, nhũng nhiễu, tiêu cực đối với công dân.
Vì vậy, chuyện Bí thư Thành ủy thành phố Hồ Chí Minh Lê Thanh Hải dành thời gian trao đổi và trực tiếp giải quyết dứt điểm 2 vụ khiếu nại lâu năm, được coi là một cách tiếp cận và giải quyết hiệu quả tình trạng khiếu nại tố cáo của công dân. Thắc mắc, thậm chí là uất ức, người dân phải đeo đuổi suốt 20 năm, gõ cửa nhiều cơ quan, gặp không biết bao cán bộ tiếp dân, vẫn không có kết quả. Thế mà chỉ 20 phút gặp lãnh đạo thành phố, vụ kiện ấy đã giải quyết xong.
Câu chuyện ấy thật đáng để những cán bộ công chức ở các cơ quan công quyền phải suy nghĩ. Điều đó cho thấy, tinh thần và trách nhiệm của cán bộ công chức trong việc tiếp nhận và giải quyết khiếu nại tố cáo của công dân là rất quan trọng.
Những năm gần đây, người ta thường xem thành phố Đà Nẵng như một điển hình trong việc giải tỏa đền bù, chỉnh trang đô thị và cho rằng, Đà Nẵng có được cơ sở hạ tầng đồng bộ, đô thị khang trang như bây giờ, một phần rất lớn nhờ ở tinh thần gần dân, sát dân, biết lắng nghe dân của lãnh đạo thành phố.
Còn nhớ, khi có cán bộ Trung ương hỏi về bí quyết của Đà Nẵng, ông Nguyễn Bá Thanh- khi ấy là Chủ tịch thành phố đã không giấu giếm mà nói rằng: “Bí quyết gì đâu, làm lãnh đạo thì phải dám đối diện với những rắc rối hằng ngày. Càng lẩn tránh thì việc càng phức tạp. Dân đã thắc mắc, khiếu kiện, mà Chủ tịch thành phố lại đùn đẩy, đưa cấp phó ra giải quyết thì họ lại càng không nghe. Vì họ biết thừa là ông phó chủ tịch không quyết được vấn đề”. 
Rồi thấy như chưa đủ, ông nói tiếp: “Làm việc công mà lồng việc tư vào thì hỏng. Cán bộ làm công tác giải tỏa đền bù, chỉnh trang đô thị mà lại chăm chăm kiếm lợi cho bản thân và bà con mình thì làm sao dân họ nghe cho được. Dân bây giờ tinh lắm, đừng tưởng họ không biết”. 
Nói thế để thấy rằng một khi lãnh đạo sát dân, sát việc, dám thẳng thắn đối thoại với dân thì việc khó đến mấy, cũng có cách giải quyết. Thái độ công tâm, tinh thần phục vụ dân theo phương châm “cái gì có lợi cho dân thì hết sức làm, cái gì có hại cho dân thì hết sức tránh” chính là chìa khóa để giải quyết có hiệu quả tình trạng khiếu nại tố cáo của công dân, đặc biệt là trong lĩnh vực đất đai.
Cần cương quyết loại bỏ ra khỏi bộ máy những cán bộ yếu kém, cố ý làm sai pháp luật, vô cảm trước bức xúc, bất công và khó khăn của dân; nâng cao tinh thần trách nhiệm, ý thức công bộc của đội ngũ cán bộ công chức, nhất là trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan, đơn vị trong quá trình thực thi công vụ để ngày càng ít đi những vụ khiếu nại, tố cáo của nhân dân./.

    Không có nhận xét nào: