Thứ Ba, 20/11/2012, 07:30 (GMT+7)
Quốc hội thảo luận dự thảo Luật đất đai (sửa đổi):
Chấm dứt tùy tiện thu hồi đất
TT - Quốc hội đã dành cả ngày 19-11 thảo luận ở hội trường về dự thảo Luật đất đai (sửa đổi). Vấn đề dự thảo luật trao quyền quá rộng cho Nhà nước trong thu hồi đất, giá đất vẫn chưa sáng rõ.
Người có đất bị thu hồi còn chịu nhiều thiệt thòi... được các đại biểu mổ xẻ.
Đoạn tuyệt với dự án “treo”
“Cần bổ sung rõ trách nhiệm người đứng đầu chính quyền các cấp đối với dự án “treo” theo hướng ngoài quy định ký quỹ như dự thảo luật xác định, tôi đề nghị cần sử dụng công cụ thuế để thúc đẩy tiến độ triển khai dự án theo quy hoạch và không hoàn trả chi phí đầu tư cho chủ đầu tư trong trường hợp bị thu hồi do không đảm bảo tiến độ theo quy định. Theo tôi, đây là giải pháp quan trọng để đoạn tuyệt với dự án “treo” và hạn chế đầu cơ đất đai”.
ĐB Trương Văn Vở (phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai)
|
“Do đất đai cũng là một loại tài sản, hàng hóa nên theo quy định của Hiến pháp không thể dùng biện pháp thu hồi. Chỉ sử dụng cơ chế trưng mua hoặc trưng dụng trong trường hợp thật sự cần thiết” - đại biểu (ĐB) Trần Ngọc Vinh (Hải Phòng) đề nghị Quốc hội lưu tâm.
Chứng minh, ĐB Vinh đọc nguyên văn điều 23 Hiến pháp năm 1992: “Tài sản hợp pháp của cá nhân, tổ chức không bị quốc hữu hóa. Trong trường hợp thật cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh và vì lợi ích quốc gia, Nhà nước trưng mua hoặc trưng dụng có bồi thường tài sản của cá nhân hoặc tổ chức theo thời giá thị trường. Thể thức trưng mua, trưng dụng do luật định”.
Cần coi quyền sử dụng đất là tài sản
ĐB Trần Ngọc Vinh đề nghị để đảm bảo tính hợp hiến, dự thảo Luật đất đai sửa đổi nên quy định Nhà nước chỉ thu hồi đất trong trường hợp cần thiết vì mục đích quốc phòng, an ninh và phục vụ các dự án vì lợi ích công cộng.
Còn các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng cho các khu kinh tế, khu công nghệ cao, khu công nghiệp, dịch vụ, các dự án 100% vốn nước ngoài, vốn ODA... thì sử dụng cơ chế trưng mua, trưng dụng.
Theo ông Vinh, một trong ba lý do để sửa luật lần này cũng nhằm đảm bảo hài hòa lợi ích của Nhà nước, của người sử dụng đất và của nhà đầu tư, góp phần ổn định chính trị xã hội.
Trong khi đó, về cơ chế thu hồi đất, Chính phủ trình Quốc hội dự thảo luật với quy định Nhà nước chủ động thu hồi đất theo kế hoạch sử dụng đất cấp huyện hằng năm đã được công bố, tổ chức việc bồi thường, hỗ trợ, tái định cư để tạo quỹ đất “sạch”.
Sau đó Nhà nước giao đất, cho thuê đất để sử dụng đất vào mục đích quốc phòng, an ninh, lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng hoặc đấu giá quyền sử dụng đất, giao đất, cho thuê đất để thực hiện các dự án đầu tư phát triển kinh tế - xã hội.
“Tôi đề nghị ban soạn thảo và Quốc hội cần cụ thể hóa quan điểm của nghị quyết trung ương 6 (khóa XI) của Đảng ta coi quyền sử dụng đất là một loại tài sản và hàng hóa đặc biệt...” - ĐB Lê Trọng Sang (TP.HCM) kiến nghị.
Cùng quan điểm với ĐB Vinh, ông Sang đề nghị Quốc hội cần sớm ban hành Luật trưng mua hoặc trưng dụng quyền sử dụng đất và các tài sản gắn liền với đất.
Người bị thu hồi đất bị bần cùng hóa
ĐB Nguyễn Mạnh Cường (Quảng Bình) đề nghị dự thảo phải thể hiện tư tưởng khi cần thiết mới thu hồi đất và phải rất chặt chẽ trong các trường hợp thu hồi đất. “Nhà nước phải mở rộng và tôn trọng hơn các quyền của người sử dụng đất” - ĐB Cường nói.
ĐB Lê Trọng Sang thẳng thắn: “Lâu nay trong chính sách bồi thường của Nhà nước, việc bảo đảm sinh kế cho người dân bị thu hồi đất thường bị xem nhẹ”.
Nhấn mạnh chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất là “điểm mấu chốt dẫn đến khiếu kiện đất đai ngày một gia tăng”, ĐB Trần Ngọc Vinh nói thẳng: “Tôi chưa thấy có bước đột phá về nội dung này, vẫn chỉ là những quy định chung chung, không sát thực tế”.
Theo ĐB Vinh, người có đất bị thu hồi quan tâm nhất là cuộc sống của họ ra sao khi đất, nhà bị thu hồi. Trong khi đó, bản dự thảo lại chưa tính đến, vẫn chỉ quy định “trường hợp bố trí vào khu tái định cư tập trung thì khu tái định cư phải đảm bảo có điều kiện hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ”.
Ông Vinh dẫn chứng có trường hợp sau khi nhận tiền đền bù phải đứng trước lựa chọn khó khăn: hoặc phải vay tiền để xây nhà mới, hoặc phải “bán lúa non” (đất tái định cư) để mua một mảnh đất khác vừa túi tiền và “vô hình trung lại đẩy họ vào tình trạng bần cùng hóa, cuộc sống khó khăn hơn trước khi bị thu hồi đất gấp nhiều lần”.
Ông Vinh đề nghị tạo lập chính sách nâng mức bồi thường cho nông dân bị thu hồi đất nông nghiệp, bắt buộc Nhà nước phải đào tạo nghề để chuyển đổi nghề nghiệp cho nông dân sau khi bị thu hồi đất.
ĐB Lê Trọng Sang đưa ra kiến nghị giá trị bồi thường cho người dân khi bị thu hồi đất ngang bằng với giá mảnh đất và giá trị các tài sản gắn liền với đất, hoặc ngang bằng với giá trị các điều kiện bảo đảm nguồn sinh kế tương đương cho người dân, như trước khi họ bị thu hồi đất.
“Công bằng giữa người bị thu hồi đất với người không bị thu hồi đất cần được sự quan tâm” - ĐB Sang nhấn mạnh.
Sẽ lấy ý kiến nhân dân
Chốt lại một số nội dung thảo luận, Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết về chế độ sở hữu đất đai, đa số ý kiến tán thành quy định đất đai thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu. Tuy nhiên, bà Ngân cho biết cũng có ý kiến đề nghị nên chấp nhận hình thức sở hữu tư nhân đối với một số loại đất như đất ở.
Riêng về giá đất, bà Ngân nhấn mạnh nên thống nhất mức giá bồi thường giữa các địa phương, không nên quy định phần hỗ trợ vì dễ xảy ra khiếu kiện.
Giá đất bồi thường cho người có đất bị thu hồi phải theo đúng mục đích sử dụng tại thời điểm thu hồi trên cơ sở có tính đến công sức đầu tư của người sử dụng đất nhưng không tính phần giá trị tăng thêm do quy hoạch của Nhà nước.
Việc thu hồi đất vì mục đích quốc phòng, an ninh, lợi ích quốc gia thì bồi thường theo giá Nhà nước quy định. Còn những trường hợp thu hồi vì mục tiêu kinh tế khác phải áp dụng giá thỏa thuận với dân.
Nguyên tắc xác định giá đất do Nhà nước xác định, đảm bảo nguyên tắc phù hợp với cơ chế thị trường, tuy nhiên nhiều đại biểu nói rằng quy định “như thế nào là phù hợp với thị trường” cần phải làm rõ.
Bà Ngân cho biết do dự luật rất quan trọng, nhân dân rất quan tâm, nên tới đây Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ phải làm nhiều việc để làm sao lấy được ý kiến rộng rãi nhân dân, các nhà quản lý, các nhà khoa học.
QUỐC THANH
Thu hồi đất phải hỏi ý dân
Bình luận quy định “Nhà nước quyết định thu hồi đất”, ĐB Bùi Sỹ Lợi - phó chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội - nói “quyền hạn thu hồi đất của Nhà nước quá rộng”. Ông đề nghị chỉ nên thu hồi đất giới hạn trong các trường hợp cần thiết vì quốc phòng an ninh và lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng.
ĐB Lợi nêu rõ quan điểm việc thu hồi đất cho phát triển kinh tế - xã hội cần được thông qua thương lượng và thỏa thuận dân sự không bắt buộc với người sử dụng đất.
Ông đề xuất cần quy định rõ quy trình thu hồi đất phải tuân theo các thủ tục minh bạch như thông báo công khai kế hoạch thu hồi, tổ chức lấy ý kiến nhân dân. Đất chỉ được thu hồi sau khi giải quyết xong thủ tục và cơ bản không còn khiếu kiện.
Ngoài ra, đền bù đất bị thu hồi cần phản ánh được tổn thất về sinh kế và các chi phí tái định cư cũng như giá thị trường của đất bị thu hồi. ĐB Lợi đồng tình với luồng ý kiến cho rằng “quyền sử dụng đất cần được đối xử như các quyền về tài sản”.
|
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét