Vì sao ông Tập Cận Bình đẩy mạnh tăng cường quân sự?
(Dân trí) - Mặc dù tăng trưởng kinh tế đang chững lại, song ngân sách
quốc phòng 2013 của Trung Quốc vẫn tăng mạnh. Ban lãnh đạo mới của nước
này đang chủ trương dùng ngân sách để "ve vãn" quân đội trong bối cảnh
muốn đẩy mạnh tăng cường sức mạnh quân sự.
>> Trung Quốc tăng ngân sách quốc phòng năm 2013 lên 10,7%
>> "Đằng sau màn khói mờ của ngân sách quốc phòng Trung Quốc"
Chi tiêu quốc phòng của Trung Quốc tăng mạnh theo từng năm.
Trong báo cáo đọc
trước Quốc hội tại phiên họp thường kỳ đầu tiên khai mạc hôm 5/3, Thủ
tướng Ôn Gia Bảo cho biết tốc độ tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc có
thể đạt 7,5% trong năm 2013, thấp hơn nhiều so với mức bình quân 10%
trong suốt một thập kỷ qua. Mặc dù vậy, chi tiêu quốc phòng của nước này
vẫn tăng mạnh lên khoảng 115 tỷ USD, đứng thứ hai thế giới chỉ sau Mỹ.
Nhưng đây vẫn chưa
phải là con số chi tiêu quốc phòng thực tế của Trung Quốc. Theo nhận
định của giới quan sát, ngân sách quốc phòng thực của nước này phải cao
hơn nhiều so với con số công bố thì mới có thể đáp ứng nhu cầu hiện đại
hóa quân đội gấp rút hiện nay. Thậm chí nhiều chuyên gia quân sự còn
nhận định chi tiêu quốc phòng của Trung Quốc được tăng gấp đôi để đáp
ứng nhu cầu thay mới nhiều loại vũ khí và trang thiết bị tân tiến, có
thể thông qua việc mua sắm mới hoặc tự chế tạo trong nước.
Nhận định này không
phải không có cơ sở khi các số liệu cho thấy các nguồn tiền mà Trung
Quốc chi cho việc mua vũ khí từ Nga không nằm trong ngân sách quốc phòng
thường niên. Ngân sách dành cho hoạt động nghiên cứu - phát triển vũ
khí mới cũng được "lẩn" trong ngân sách rót cho Bộ Khoa học và Công nghệ
hàng năm.
Câu hỏi đặt ra là:
Tại sao Trung Quốc lại vung tay chi mạnh cho quốc phòng trong giai đoạn
hiện nay, khi kinh tế nước này rõ ràng đang có nhiều dấu hiệu suy giảm
đáng báo động?
Câu trả lời có thể
được mổ xẻ dưới nhiều góc độ, nhưng quan trọng nhất và cần phải nói tới
đầu tiên là hàm ý về mặt chính trị và quân sự. Yếu tố về kinh tế cũng
không thể bỏ qua.
Về chính trị,
do mới lên nắm quyền với gánh nặng phải nhanh chóng củng cố quyền lực
trong giai đoạn cực kỳ nhạy cảm của chính trị nội bộ Trung Quốc, tân
Tổng Bí thư và dự kiến cũng là Chủ tịch nước Tập Cận Bình rất muốn tranh
thủ sự ủng hộ của quân đội, lực lượng có ảnh hưởng chính trị rất lớn ở
trong nước hiện nay.
Vì vậy, trong rất nhiều phương cách có thể thực hiện, cách thức tốt nhất và nhanh nhất hiện nay là dùng ngân sách để "ve vãn".
Trước đó, ông Tập Cận
Bình cũng đã dành nhiều thời gian đến thăm các đơn vị quân đội thuộc cả
ba nhánh hải - lục - không quân sau khi tuyên bố "Trung Quốc cần có một
quân đội mạnh và đất nước phồn thịnh để tăng cường tiềm lực quốc gia".
Bình luận về những động thái “lấy lòng” quân đội gần đây của ông Tập Cận Bình, tờ The Economist
viết: "Trung Quốc đã dành ngân sách lớn cho công tác đảm bảo an ninh
nội địa. Điều này chứng tỏ các nhà lãnh đạo đang lo ngại trước nguy cơ
bất ổn từ trong nước". Tác giả bài báo cho rằng các yếu tố tự thân về
tình hình bất ổn chính trị nội bộ và chia rẽ phe phái sâu sắc trong hàng
ngũ lãnh đạo chóp bu ở Trung Quốc mới là nguyên nhân chính khiến ban
lãnh đạo mới của nước này phải đẩy mạnh các hoạt động căng thẳng bên
ngoài để kéo giãn sự quan tâm của công chúng đối với tình hình trong
nước.
Tất nhiên, các nhà lãnh đạo Trung Quốc đã lập tức bác bỏ nhận định này, nhưng số người cùng quan điểm với The Economist xem ra vẫn ở thế trội.
Về quân sự,
tăng chi quốc phòng phát đi tín hiệu quan trọng về định hướng chiến
lược phát triển mới của ông Tập Cận Bình, cũng như về triển vọng phát
triển của quân đội Trung Quốc trong nỗ lực trở thành cường quốc biển
trong tương lai.
Theo Trung tướng Qin
Weijiang thuộc Quân khu Nam Kinh, tăng chi quốc phòng sẽ giúp Trung Quốc
ngày càng trỗi dậy, duy trì môi trường an ninh và đảm bảo lợi ích quốc
gia.
Giáo sư Andrew
Erickson thuộc Đại học Chiến tranh Hải quân Mỹ cho rằng thông qua tăng
ngân sách quốc phòng, Trung Quốc muốn khẳng định vai trò của mình đối
với khu vực và trên toàn cầu. Ông nói: “Trong tương lai không xa, khi
lợi ích quốc gia ràng buộc với nhiều nước và nhiều khu vực trên thế
giới, quân đội Trung Quốc sẽ đảm nhận vai trò toàn cầu như Mỹ hiện nay”.
Tuy nhiên, sự lớn
mạnh nhanh chóng của quân đội Trung Quốc trong bối cảnh thiếu vắng những
thông tin minh bạch về tiềm lực quân sự thực tế của nước này đang khiến
các nước láng giềng và Mỹ lo ngại.
Trong tuyên bố gần
đây, Ngoại trưởng Nhật Bản Fumio Kishida cho biết Tokyo đang theo sát
những động thái mới trong chính sách quốc phòng và nỗ lực hiện đại hóa
quân đội của Trung Quốc. Chánh Văn phòng Nội các nước này Yoshihide Suga
thì nhấn mạnh sự cần thiết phải tăng cường tính minh bạch trong chính
sách quốc phòng của Bắc Kinh, nhất là trong chi tiêu mua sắm vũ khí
trang thiết bị.
Những lo lắng trên
không phải không có căn cứ bởi lẽ, một cường quốc kinh tế khi tập trung
phát triển tiềm lực quân sự sẽ làm nảy sinh vô số câu hỏi từ phía láng
giềng và cộng đồng quốc tế.
Trong số ra ngày 6/3, tờ Finacial Times
cho rằng điều khiến dư luận khu vực và quốc tế quan ngại nhất hiện nay
chính là quan điểm hiếu chiến của Trung Quốc trong các tranh chấp chủ
quyền biển đảo. “Một tiềm lực quân sự mạnh phục vụ cho chính sách hiếu
chiến theo hướng bất chấp luật pháp quốc tế sẽ đẩy cả khu vực tới nguy
cơ bùng nổ xung đột”, tờ báo này viết.
Cũng theo Finacial Times,
việc tàu sân bay đầu tiên của Trung Quốc – Liêu Ninh – mới đây đã rời
cảng Đại Liên để bắt đầu hành trình về phía Nam và neo lại ở Thanh Đảo
trong bối cảnh tranh chấp ở các vùng biển quanh Trung Quốc, gồm cả Hoa
Đông và Biển Đông, đang căng thẳng càng khiến dư luận không khỏi băn
khoăn về ý đồ của Bắc Kinh.
Trong khi đó, dù ý nghĩa kinh tế
không được đặt nặng bằng hai yếu tố chính trị và quân sự, song đây cũng
là một khía cạnh quan trọng cần xem xét trong chiến lược tăng chi quốc
phòng của Trung Quốc.
Trong hơn 10 năm qua,
Trung Quốc đã và đang tăng cường cung cấp các loại vũ khí cho một số
quốc gia châu Phi nhằm giành quyền khai thác các khu vực dầu lửa phục vụ
cơn khát năng lượng trong nước.
Trong suốt quá trình
ấy, ban đầu Trung Quốc chỉ có thể xuất khẩu các loại thiết bị rẻ tiền
được thiết kế bắt chước theo mẫu vũ khí do Liên Xô trang bị trước đây.
Nhưng nay, tình hình này đã dần thay đổi. Trung Quốc đang dần thay thế
các loại máy bay, radar, tên lửa và các trang thiết bị “bắt chước” bằng
các vũ khí chất lượng cao hơn, thiết kế tinh vi hơn và công nghệ hiện
đại hơn do chính nước này tự sản xuất. Cuộc triển lãm hàng không Chu Hải
với nhiều cái nhất – triển lãm lớn nhất, quy mô nhất, tổ chức tốt nhất
và thân thiện nhất – là dẫn chứng tốt nhất cho điều này.
Qua cuộc triển lãm,
cảm tưởng bao trùm nhất được phần lớn người tham quan cảm nhận là “cuộc
cách mạng quân sự của Trung Quốc đã đến tuổi trưởng thành”. Thành công
của triển lãm, cả về số lượng khách tham quan và số hợp đồng kỷ lục được
ký trong thời gian triển lãm, đã góp phần làm tăng niềm tự hào của
người dân Trung Quốc về vai trò đang nổi lên của họ trong cán cân địa
chiến lược thế giới.
Một nhà phân tích
quốc phòng của Mỹ khi xem triển lãm Chu Hải lần này cũng đã phải thốt
lên: “Trung Quốc có rất nhiều loại vũ khí mà tôi chưa bao giờ thấy từ
trước đến nay”. Chuyên gia này ám chỉ tới máy bay tàng hình J-31, máy
bay chiến đấu không người lái (UCAV) Wing Long, bom dẫn đường chính xác
YZ-102A, tên lửa không đối đất BA-7 được điều khiển bằng tia lade bán tự
động, bom điều khiển LS-6/50 kg và bom điều khiển bằng lade YZ-121…
Và tất nhiên, để có
thể sản xuất và chào bán các loại vũ khí hiện đại này, Trung Quốc đã
phải đầu tư rất mạnh cho chi tiêu nghiên cứu – phát triển vũ khí. Đổi
lại, nước này cũng sẽ thu về bội tiền từ các hợp đồng bán vũ khí cho thị
trường vốn không đủ khả năng với tới các loại vũ khí quá đắt đỏ của Mỹ
và châu Âu.
Tất nhiên, hiện tại
có nhiều ý kiến cho rằng sớm muộn ngân sách quốc phòng Trung Quốc cũng
sẽ phải được điều chỉnh theo hướng giảm tốc sau hàng chục năm ồ ạt đầu
tư mua sắm và phát triển nhiều trang thiết bị hiện đại khiến tăng trưởng
chi tiêu luôn ở mức hai con số. Tuy nhiên, nếu chỉ nhìn vào biến động
giảm tỷ lệ phần trăm ngân sách quốc phòng trong tổng GDP sẽ không chính
xác. Thực tế nhiều năm qua cũng đã cho thấy chi tiêu quân sự thực chất
của Trung Quốc tỷ lệ thuận với sự phát triển kinh tế nhưng không nhất
thiết phải theo nguyên lý đồng tốc.
Điều này sẽ càng được
thể hiện rõ hơn khi ngành công nghiệp quân sự Trung Quốc thực sự trưởng
thành, khi tham vọng trở thành cường quốc biển ngày càng thôi thúc mạnh
mẽ và “giấc mơ phục hưng Trung Quốc” của nhà lãnh đạo Tập Cận Bình
chính thức được khởi động.
Việt Giang
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét