Chủ Nhật, 31 tháng 3, 2013

TRUYỆN CỰC NGẮN


Chủ nhật, tháng ba 31

Truyện cực ngắn: Đường Tăng- Giải nhất cuộc thi Truyện cực ngắn. Trương Quốc Dũng

  
   Truyện cực ngắn "Đường Tăng" của tác giả Trương Quốc Dũng  đoạt giải nhất cuộc thi Truyện cực ngắn của tạp chí Thế Giới Mới và Hội Nhà Văn  tổ chức năm 1994.  Tác phẩm  đã gây xôn xao dư luận, thậm chí phản ứng mạnh mẽ  trong giới Phật tử thời đó và  nhận nhiều ý kiến khác nhau trong cộng đồng và công chúng văn học,  do văn hóa đọc, những cách đọc (tiếp nhận văn  chương) khác nhạu. TQH đăng lại truyện "Đường Tăng" và giới thiệu  cách tiếp thụ tác phẩm nầy của TS văn học Lê Ngọc Trà  và  của nhà nghiên cứu Nguyễn Thị Minh Tâm


      Đêm cuối cuộc trường chinh đầy gian khổ, ngày mai yết kiến Như Lai để lên kiếp Phật, Đường Tăng trằn trọc không sao ngủ được. Suốt cuộc đời tâm nguyện tới cõi này, giờ đây khi sắp trút bỏ kiếp người, ông bỗng thấy lòng day dứt.
Nhiều ngày nay, thân thể Đường Tăng đã rã rời, đầu óc đầy mộng mị, tay biếng lần tràng hạt. Tâm linh như muốn níu chân dừng lại. Máu ông nhức nhối thấm lần cuối qua tim, cứa vào quá khứ đau xé. Ông nhớ tới những người sinh thành ra mình. Tình cha, huyết mẹ tạo nên mà bao nhiêu năm nay ông không một lần thắp hương, không một lần nhắc nhở.
Chặng đường dài tới đất Phật khiến trái tim ông dần chai sạn. Ông đã quá nhiều lần phải lạy lục, cầu khẩn các thần linh thánh lớn bé, đã quá nhiều lần giẫm đạp lên xác máu yêu ma xa gần, chỉ với một mục đích: mau thành chính quả. Ông thương người. Nhưng đêm nay, trước ranh giới cuối cùng của cõi Người và Phật, ông chợt hiểu ra cội rễ của tình thương ấy. Mỗi lần cứu giúp con người, ông chỉ thầm tính toán như xây thêm cho mình một bậc thang tới Phật đài.
Nhiều lần Đường Tăng đã tự hỏi tại sao nước mắt mình ngày càng lạnh giá. Giờ đây ông thầm biết, trên con đường thỉnh kinh về cứu rỗi người đời, ông đã dần dần xa lạ với con người.
Ông trở mình, thở dài: không là người, ta sẽ là ai? Yêu quái cản đường, biết bao kẻ chính từ trên đây xuống, pháp thuật vô biên, ác nghiệt vô cùng. Ta nhập vào chốn ấy biết rồi thành Phật hay ma?
Đường Tăng chợt nhói trong tim. Ông khẽ rên lên, hai tay ôm ngực. Mở mắt thấy các đồ đệ đang đứng bên giường nhìn ông âu lo. Cả ba hình như đều không ngủ.
Đường Tăng thở hắt: "Không sao đâu. Ta chỉ chợt nhớ tới ngày xưa?". Nói rồi lại nhắm mắt.
Nghe tiếng Ngộ Không: "Xin thầy đừng tự dối lòng. Thầy đang nhớ cả kiếp người ?"  Đường Tăng rùng mình khi giọng Ngộ Không quá u uất . " Con từ đá sinh ra. Coi thường cả thần thánh, yêu ma, chỉ mong được thành người. Thầy đã là người lại tự bỏ mình đi tìm hồn phách khác. Đêm nay sao khỏi xót xa"
Bát Giới cười khẽ: "Làm người có gì vui. Chúng ta đã dốc lòng theo đạo, ngày mai được lên chốn thần tiên, sung sướng biết bao nhiêu. Thầy đừng luyến tiếc".
Sa Tăng an ủi:  "Thầy trò mình sắp hóa Phật mang đạo xuống khai sáng cho loài người. Công quả vĩ đại lắm".
Đường Tăng lắc đầu, nằm im hồi lâu, hai tay vẫn đặt lên tim, mắt vẫn nhắm, nước mắt trào ra ấm nóng lại. Rồi như trăng trối: "Ta ước gì đêm nay đừng sáng. Ta đau đớn cho mười mấy năm viễn du. Ngộ Không ơi! Một đời con mong được thành người thì bị bắt ép phải theo ta để thành Phật. Bát Giới tự dối mình giác ngộ thật ra chỉ là đi tìm một chốn hoan lạc mới. Sa Tăng rời cõi u mê này sang cõi hoang tưởng khác mà lại hy vọng khai sáng. Còn ta? Không còn là người không phải là người thì làm sao đồng cảm mà đòi khai sáng, cứu vớt con người?".
Ngộ Không sụp xuống nắm tay thầy nghẹn ngào: "Thầy đã nhận ra chân lý. Nhưng chậm quá rồi?".
 
Đường về. Qua sông. Thiên sứ vừa cười vừa chỉ cho Đường Tăng thấy thân xác ông đang trôi dạt dưới cầu.
Nhưng Đường Tăng đã không nghe thấy gì nữa. Đôi mắt vô hồn.
 Trương Quốc Dũng


 Lời bình của TS văn học Lê Ngọc Trà:

    Cũng như Ngô Thừa Ân ngày xưa, trong truyện rất ngắn trích dẫn ở trên, Trương Quốc Dũng đã hư cấu nhân vật Đường Tăng. Thành ra, đúng như Lê Ngọc Trà đã nhận định, ở đây "không phải là chuyện lựa chọn giữa Phật và đời, giữa tâm linh và vô thần, duy vật. Tác giả chỉ mượn cốt truyện xưa để gửi vào đó một điều mình suy nghĩ, vì vậy ở đây Phật chỉ có nghĩa như một điển tích, một hình ảnh". Phải chăng điều Trương Quốc Dũng muốn gửi gấm được gói trọn trong tâm sự cuối cùng của Đường Tăng: "Không còn là người, không phải là người thì sao đồng cảm mà đòi khai sáng, cứu vớt con người"?

    Nét sáng tạo độc đáo của tác giả nằm ở chỗ đề cao và gắn bó với kiếp người. "Khác với Tây Du Ký, ở đây Đường Tăng người hơn, đời hơn và dễ thương hơn. Cũng "nhại" truyện Tây Du, nhưng đến phần cuối, tác giả bất ngờ rẽ sang lối khác để cho Đường Tăng "ngộ" ra không phải cái thuộc về đạo mà là cái thuộc về đời - cái chân lý về giá trị của cuộc sống, ý nghĩa của sự hy sinh và con đường "cứu vớt con người"... Hóa ra kiếp người dẫu lầm than và buồn chán bao nhiêu vẫn là một kiếp sống, một sự sống trên cõi đời này. Được sống, được làm người vẫn là điều quý giá nhất" 

  Lời bình của nhà nghiên cứu Nguyễn Thị Minh Tâm 
 
  ... Hình ảnh bốn thầy trò Đường Tăng trải qua bao gian nan vất vả để đi Tây Trúc thỉnh kinh mong tu thành chính quả đã quá quen thuộc với người đọc. Trong truyện, sau khi nhiệm vụ hoàn thành, cả bốn được ban cho thoát khỏi chốn dương trần về với cõi Phật, trong đêm cuối cùng làm người, Đường Tăng không ngủ được. Tác giả đã viết về những con sóng trong lòng Đường Tăng trong đêm ấy. Trong truyện Tây Du Ký chúng ta chỉ tưởng ra sự hài lòng đến tuyệt đối của bốn thầy trò chứ chưa từng nghe nói đến một sự băn khoăn nào. Tác giả làm cho người đọc sửng sốt khi Đường Tăng tỏ ra băn khoăn về sự lựa chọn của mình, nghi ngờ chân lý mình theo đuổi. Nhưng đã quá muộn. Nếu như người đọc không hiểu dụng ý của tác giả thì sẽ ngỡ đó là sự cân đo giữa Đạo và đời, nhưng thực chất không phải thế. Phần hậu truyện này giúp chúng ta nhận ra rõ “đạo” không ở đâu xa mà ở ngay trong mỗi chúng ta...

Không có nhận xét nào: