Nhà báo Trần Đăng Tuấn lần thứ 2 viết ‘tâm thư’ cho Bộ trưởng Phạm Vũ Luận
Thưa Bộ trưởng!
Chúng ta đều nhớ ngày khai giảng
buồn 5/9/2011 của hai trường Mầm Non thuộc huyện Như Thanh (Thanh Hoá),
khi 62 giáo viên thuộc diện Hợp đồng lao động, trong đó có cô giáo đã 29
năm gắn bó với trẻ làng, đã đồng loạt nghỉ không lên lớp. Lý do là vì
sau khi trừ các khoản bảo hiểm, tiền lương của họ chỉ còn dưới
500.000 đồng/tháng. Có lẽ câu “Sống để yêu thương” đúng nhất với người
làm nghề chăm trẻ. Nhưng để yêu thương thì trước hết cần phải sống.
Sau 16,5 tháng kể từ “sự kiện”
không vui đó, ngày 25/12/2012, trong phiên giải trình của Chính phủ về
việc thực hiện chính sách pháp luật giáo dục Mầm Non và đảm bảo chất
lượng giáo dục phổ thông trước Uỷ ban Văn hoá – Giáo dục – Thanh niên –
Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc Hội, Bộ trưởng đã thẳng thắn chỉ ra
rằng: Cả nước còn thiếu tới 22.800 giáo viên (GV) mầm non. Số GV biên
chế nhà nước chỉ chiếm hơn một nửa tổng số GV mầm non với 135.744 người
(đạt tỷ lệ 56,1%).
Bên cạnh một số địa phương hỗ trợ
ngân sách, còn lại phần lớn GV mầm non ngoài biên chế chưa được hưởng
lương theo ngạch bậc, không tăng lương theo định kỳ. Thu nhập của GV cấp
học này nhìn chung còn rất thấp, ở nhiều nơi thậm chí thấp hơn mức
lương tối thiểu.
Bộ trưởng đã thổ lộ trước các đại
biểu Quốc hội rằng: Việc chưa cải thiện được lương cho giáo viên Mầm
non ngoài biên chế là nỗi “day dứt”của Bộ trưởng và là “món nợ” của Bộ
Giáo dục với các giáo viên này.
Nhưng có một sự thật là ngày
26/10/2011, tức là chỉ sau “Ngày khai giảng buồn” đã nói trên 50 ngày,
và trước buổi giải trình tại Quốc hội chẵn 14 tháng, Thủ tướng đã có
quyết định 60/2011/QĐ-TTg, ngoài nội dung trợ cấp cho trẻ 3,4 tuổi vùng
khó khăn (mà thư trước tôi đã đề cập), thì nội dung tiếp theo là:
Đối với giáo viên: Giáo viên
(bao gồm cả hiệu trưởng, phó hiệu trưởng) làm việc theo chế độ hợp đồng
lao động trong các cơ sở giáo dục mầm non công lập, dân lập được Nhà
nước hỗ trợ ngân sách để các cơ sở giáo dục mầm non thực hiện trả lương
theo thang bảng lương giáo viên mầm non, được nâng lương theo định kỳ,
được tham gia đóng, hưởng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo
hiểm y tế và các chế độ chính sách khác như giáo viên có cùng trình độ
đào tạo đang hợp đồng làm việc tại các cơ sở giáo dục mầm non công lập.
Với những người không quen ngôn
ngữ văn bản hành chính, điều trên diễn đạt giản dị là: Từ nay (chính xác
là khi Quyết định 60 có hiệu lực từ 15/12/2011) giáo viên Mầm non ngoài
biên chế (hợp đồng lao động) được hưởng chế độ trả lương và bảo hiểm
cùng các chính sách khác giống như giáo viên Mầm non có cùng trình độ
đào tạo trong biên chế.
Những tưởng ngành Giáo dục nhận
quyết định này thì ngang “vớ được vàng”, lại ở vị trí chủ trì phối hợp
để ra văn bản hướng dẫn thực hiện, sẽ đôn đáo để Thông tư liên tịch ra
sớm cho “người nhà mình” chóng hưởng. Nhưng không. Cho đến nay, như thư
trước tôi đã nói, thông tư hướng dẫn chưa có, và cũng như hàng chục vạn
bé Mầm Non 3, 4 tuổi, cả hơn chục vạn giáo viên Mầm non diện hợp đồng
lao đông vẫn khắc khoải “sống để yêu thương” với đồng lương ngang bằng
hoặc thấp hơn lương tối thiểu.
Ở ta, cách nghĩ chung của các
ngành là “cuốc vào lòng”, tức là cố sao cho người nhà có lợi ích. Ngành
này được gọi điện thoại miễn phí, ngành kia đi tàu xe miễn phí, có ngành
còn kiến nghị miễn thuế thu nhập cá nhân cho nhân viên của mình. Xã hội
không phải lúc nào cũng thông cảm chuyện này, thậm chí còn cho đó là
thứ lợi ích cục bộ. Nếu Bộ Giáo dục – Đào tạo có “cuốc vào lòng “ để
những giáo viên Mầm non được hưởng lương bổng khá hơn, tôi chắc toàn dân
(được cấu thành bởi những người có và sẽ có con, có cháu) sẽ nhất loạt
nhiệt thành ủng hộ. Trong trường hợp này, phải chua chát nghĩ rằng Bộ
Giáo dục – Đào tạo đã không nhiễm cái bệnh “cuốc vào lòng” nọ.
Cho dẫu để ra thông tư hướng dẫn thì phải thương thuyết với nhiều ngành, nhưng chậm trễ đến thế có quá vô tình không?
Nhưng ở đây, đâu phải “cuốc vào
lòng” theo nghĩa xé rào, mà là… thực hiện quyết định của Thủ tướng. Luật
quy định phải có văn bản hướng dẫn chi tiết kịp lúc quyết định có hiệu
lực. Rõ ràng chậm trễ là phạm luật. Như vậy có vô lý không?
Tôi xin phép góp ý thế này:
Xin Bộ trưởng hãy rà soát, nếu
thấy việc chuẩn bị các thông tư hướng dẫn không thể nào gói vào trong
hạn định thời gian của Luật, Bộ hãy kiến nghị với Chính phủ sửa cách ra
quyết định hoặc kiến nghị Quốc Hội sửa Luật. Trong trường hợp ngược lại,
xin Bộ trưởng không day dứt gì cả, mà nói với những quan chức, công
chức có liên quan của Bộ một điều: Hãy làm việc sao cho đúng lý (với Cơ
quan lập pháp, Cơ quan hành pháp cao nhất nước) và đạt tình (với trẻ em
và đồng nghiệp).
Lý do tôi buộc viết bức thư thứ
hai này là sau phản hồi của Bộ về lá thư trước, tôi, và chắc mọi người,
không ai hiểu bao giờ có Thông tư hướng dẫn thực hiện Quyết định
60/2011. Vì chưa hết những điều cần phải nói xung quanh thực hiện Quyết
định 60, tôi xin phép hai tuần một lần trao đổi tiếp với Bộ trưởng, cho
đến khi một Thông tư như thế được trên 25 vạn giáo viên Mầm non hợp đồng
và nhiều chục vạn trẻ mầm non vùng khó khăn hân hoan đón nhận.
Cám ơn Bộ trưởng.
Trần Đăng Tuấn
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét