Thứ Sáu, 15 tháng 3, 2013

THẢO LUẬN XÂY DỰNG HIẾN PHÁP MỘT CÁCH NGHIÊM CHỈNH ,TRÁCH NHIỆM

Đưa thảo luận Hiến pháp về đúng vị trí



image 


Cuộc vận động xây dựng Hiến pháp sắp được ba tháng, đang đến hồi “cao trào”. Người tham gia ngày càng đông đảo. Ở một số địa phương, Dự thảo được cán bộ đưa đến từng hộ gia đình để lấy ý kiến. Dù có thể có ý kiến khác nhau về cách làm này, nhưng việc đưa người dân tham gia vào sự kiện là điều đáng hoan nghênh. Mặt khác, quan sát tỉnh táo và khách quan cũng thấy đã bộc lộ một số biểu hiện chệch hướng cần khắc phục trong thảo luận xây dựng Hiến pháp. Bài viết này phân tích một số khía cạnh của vấn đề này.
I- Để đánh giá có chệch hướng hay không, cần trở lại việc trả lời đúng câu hỏi “Vì sao phải sửa Hiến pháp?”
Cần sửa vì Hiến pháp 1992 đã bộc lộ những sự bất toàn. Nếu những bất toàn đó chỉ thể hiện ở tầm lý thuyết, trên văn bản thì việc sửa cũng không bức thiết, cũng chưa thu hút sự quan tâm nhiều như vậy của toàn xã hội. Vấn đề là trong cuộc sống đất nước những năm qua đã nảy sinh hàng loạt vấn đề và tình huống xung đột có tính phổ biến và gay gắt, mà trong khuôn khổ cũ Hiến pháp đã tỏ ra không làm được chức năng là chỗ dựa pháp lý cao nhất để đưa ra những phán quyết và giải pháp đúng, có hiệu lực.
Vì thế, yêu cầu sửa đổi Hiến pháp đã nhanh chóng vượt khỏi dự kiến ban đầu hạn hẹp trong một số điều có liên quan đến chính quyền địa phương (trực tiếp là vấn đề tổ chức Hội đồng nhân dân ở một số “cấp”), để bao hàm một nội dung rộng lớn hơn nhiều cả về lượng và sâu sắc hơn nhiều về chất. Cuộc sống đặt ra những vấn đề bức xúc, cơ bản mà không ai có thể làm ngơ, từ người lãnh đạo cao nhất đến công dân bình thường, đòi hỏi phải được giải đáp, dù nhận thức chung có những điểm còn bất cập, chưa thống nhất. Ở đây có sự gặp nhau giữa ý chí lãnh đạo và mong muốn của nhân dân, cùng xuất phát từ mục tiêu phát triển đất nước. Sửa Hiến pháp là yêu cầu thực tế, là nguyện vọng chung của nhân dân, nhưng là việc do chính lãnh đạo khởi xướng. Thực tế đó bác bỏ luận điệu vu cáo, cho rằng sửa Hiến pháp là việc làm mị dân, giả danh dân chủ.
Có thể kể ra một số trong những vấn đề và tình huống kể trên, hiện đang trở thành tâm điểm của những cuộc tranh luận.
1- Vị trí Luật mẹ của Hiến pháp. Trên cơ sở Hiến pháp 1992 đã ra đời những luật và quy phạm pháp luật, trong đó không ít vấn đề có nội dung mâu thuẫn nhau; mâu thuẫn với tinh thần của Hiến pháp và không phù hợp với thực tiễn đang vận động. Một số Điều khoản của Hiến pháp chẳng những không được luật hoá, mà còn bị công khai coi thường, bị giải thích tuỳ tiện (ví dụ như phát biểu của một số chính khách và đại biểu Quốc hội về luật biểu tình, đình công…). Việc sử dụng phổ biến một câu “thòng” “theo quy định của luật pháp” sau nhiều Điều khoản của Hiến pháp vô hình chung bỏ ngỏ khả năng vô hiệu hoá chính Điều khoản đó bằng các quy phạm pháp luật dưới Hiến pháp…
2- Về vấn đề kinh tế nhà nước và sở hữu toàn dân về đất đai. Trong khuôn khổ của Hiến pháp và luật pháp hiện hành, nhiều năm qua trên hai vấn đề rất lớn này đã nẩy sinh rất nhiều bất ổn, thất thoát lớn về kinh tế, tham ô tài sản công, những xung đột xã hội gay gắt và phổ biến có nguy cơ châm ngòi cho mất ổn định chính trị (các vụ Vinashin, Vinaline.. các cuộc khiếu kiện đông người về đất đai là phần nổi lên của tảng băng chìm). Vấn đề đặt ra là những khuôn khổ đó có còn đúng không, có cần thay đổi không. Nếu vẫn giữ như cũ thì vì sao? Vì tầm nhìn xa trông rộng, vì ”định hướng xã hội chủ nghĩa” hay vì quyền lợi ích kỷ của một nhóm người, đi ngược lợi ích chung của xã hội?
3- Vấn đề suy thoái chính trị. Các nghị quyết của Đảng nói “suy thoái về chính trị tư tưởng đạo đức lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ đảng viên” cũng chỉ là một cách diễn đạt khác về sự suy thoái chính trị của cả Đảng lãnh đạo lẫn bộ máy cầm quyền, mà nếu không ngăn chặn được thì sẽ dẫn tới sự sụp đổ của chính thể và hỗn loạn xã hội. Đây là mối lo của mọi người. Do đâu mà suy thoái ngày càng nghiêm trọng? Có phải là do phương thức lãnh đạo của Đảng không phù hợp, do tổ chức bộ máy nhà nước không đảm bảo yêu cầu giám sát quyền lực, do công dân bị gạt ra ngoài mọi cơ chế giám sát trên thực tế? Khi tại diễn đàn Quốc hội, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất, việc chất vấn về trách nhiệm trong vụ Vinashin, về trách nhiệm của người đứng đầu chính phủ…bị chặn ngang chỉ bằng một thông báo miệng của những người trong cuộc “Bộ chính trị chủ trương không kỷ luật ai”, “Đây là sự phân công của Đảng”, thì là đúng hay sai theo Hiến pháp 1992 và các quy chế của Đảng? Nói rằng Điều 4 (cụ thể hơn là việc thiếu vắng một bộ luật làm khuôn khổ pháp lý cho sự lãnh đạo của Đảng) đã bao che cho những hiện tượng như vậy thì không đúng; nhưng cũng không dễ bác bỏ những ý kiến đó.
4- Vấn đề đối tượng trung thành của quân đội. Truyền thống anh hùng, trung thành với Tổ Quốc của Quân đội nhân dân Việt Nam là điều không thể nghi ngờ; mọi hành động làm suy giảm tinh thần và sức chiến đấu của quân đội là một tội ác, nhất là vào thời điểm hiện nay, khi nền độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của đất nước đang bị đe doạ. Toàn dân, toàn quân, toàn Đảng đều chung một nhận thức như vậy. Vậy tại sao phải sửa một Điều khoản đang tốt như vậy trong Hiến pháp 1992? Vì sao phải chuyển từ yêu cầu “phải tuyệt đối trung thành với Tổ Quốc và nhân dân” sang yêu cầu “phải tuyệt đối trung thành với Đảng Cộng sản Việt Nam, Tổ quốc và nhân dân”? Liệu một Điều khoản như vậy trong Hiến pháp có nguy cơ bị lạm dụng biến thành căn cứ pháp lý cho việc sử dụng quân đội sai trái như vụ Tiên Lãng hay không?
Nếu công tâm và thẳng thắn, không ai có thể phủ nhận rằng đó là những điều mà mọi người Việt Nam yêu nước không thể không quan tâm, một sự quan tâm chính đáng, xuất phát từ lương tâm và trách nhiệm với đất nước và dân tộc. Lẽ nào có thể nhắm mắt nói càn rằng đó là những vấn đề do các thế lực thù địch bịa tạc ra nhằm mục đích chống phá? Đó cũng chính là những vấn đề mà hầu như không ai  trong ban lãnh đạo đất nước không đề cập đến hoặc công khai trên các diễn đàn hay trong những trao đổi ý kiến riêng tư. Nếu hiểu và xử lý đúng thì đây là điều kiện chính trị-xã hội tuyệt vời để toàn xã hội, lãnh đạo và các tầng lớp nhân dân đồng tâm hiệp lực tập trung trí tuệ, thảo luận lý lẽ, tìm hiểu thực tiễn để đề ra các quyết định đúng đắn. Không làm được như vậy là chệch hướng.
II-  Những biểu hiện chệch hướng trong thảo luận xây dựng Hiến pháp.
Có thể kể ra một số biểu hiện cụ thể chệch hướng dưới đây.
1- Trong chỉ đạo nhấn mạnh quá mức và xử lý sai liều lượng vấn đề chống “thế lực thù địch”, tạo ra tình hình căng thẳng, hạn chế phát huy dân chủ và tự do tư tưởng trong thảo luận xây dựng Hiến pháp.
Một số cá nhân trong và ngoài nước công khai hoặc ngấm ngầm theo đuổi mục tiêu chống phá cũng là hiện tượng bình thường. Họ chỉ là thiểu số, dù cố ẩn mình, hoà giọng vào tiếng nói chung của những người phản biện xây dựng, vẫn bi lộ diện và không có khả năng lôi kéo, tập hợp bất cứ lực lượng nào.
Trong khi đó, hầu hết những người có lương tri, trong tình hình hiện nay nhiều hay ít đều có những ý kiến phản biện đối với Hiến pháp 1992. Bản Dự thảo phản ảnh và giải đáp đến mức nào những đòi hỏi bức xúc của cuộc sống, được công luận thừa nhân đến đâu là vấn đề còn để ngỏ, là đối tượng phán xét của công luận, và rồi cuối cùng sẽ được thực tiễn kiểm nghiệm. Nhưng có thể nói không vũ đoán là đại bộ phận ý kiến phản biện, kể cả nhiều ý kiến phản biện gay gắt là xây dựng, thể hiện cả ở động cơ, thái độ và nội dung cụ thể.
Xem những người phản biện xây dựng hoặc là “cùng hội cùng thuyền” với các “thế lực thù địch”, hoặc bị chúng lôi kéo là sai lầm. Quan niệm như vậy là cố tình bịt tai trước những lời nói phải, khăng khăng bảo thủ ý kiến mình bằng những lý lẽ thiếu căn cứ, bằng thái độ cả vú lấp miệng em, gây ra tâm trạng phản ứng công phẫn hoặc quay lưng từ phía số đông có thiện chí và trí tuệ, làm giảm giá trị của chính những thực thể muốn bảo vệ, tạo thêm chứng cớ cho những thế lực chống đối xuyên tạc.
Đây là một nguyên nhân làm cho việc thảo luận xây dựng Hiến pháp hiện nay nóng bỏng một không khí đấu tranh “ai thắng ai”, đối phó, nghi ngờ, với không ít những lời nói và việc làm nặng tính chất mạt sát, lăng mạ, đấu tố nhau, mà rất ít hàm lượng lý lẽ, trí tuệ, thiếu hẳn tinh thần thái độ khoa học, thái độ cầu thị, bình tĩnh, tôn trọng nhau. Chắc chắn những thế lực đích thực thù địch với đất nước, với chính thể không mong muốn gì hơn một tình trạng chia rẽ như vậy giữa những lực lượng lẽ ra phải cấu thành sức mạnh của đất nước.
2- Mặc nhiên coi những ý kiến phản biện, khác Dự thảo là sai trái. Biểu hiện này là một phó bản của sai lệch nói trên. Thật ra thì sau một số trường hợp phát ngôn có phần chưa kín kẽ, không ai trong số những người có trách nhiệm công khai xem những ý kiến phản biện, khác Dự thảo là sai trái. Nhưng trên các phương tiện thông tin đại chúng chính thống rất phổ biến cách gọi những ý kiến không đồng tình với điểm này, điểm khác trong Dự thảo là “trái chiều”, cùng với sự đồng tình im lặng của lãnh đạo. Một thái độ như vậy là đã cấp “chứng chỉ”, là định chuẩn đánh giá phân loại ý kiến và cá nhân tham gia ý kiến xây dựng Hiến pháp. Tán thành Dự thảo là phải, không tán thành Dự thảo là trái chiều. Với chứng chỉ đó, người tán thành Dự thảo mặc nhiên tự xem mình là những người bảo vệ Đảng, có những người hành động và phát ngôn rất khinh xuất, mâu thuẫn, thiếu sức thuyết phục, tạo thêm không khí mất đoàn kết giữa những người tham gia ý kiến xây dựng Hiến pháp.
3-  Dùng số đông áp chế lý lẽ.
Trong bất cứ chính thể nào cũng tồn tại một đa số im lặng trong dân chúng. Ở nước ta số tỷ lệ này có khi còn lớn hơn nhiều nơi, do tính tích cực xã hội của công dân còn hạn chế. Trong các chính thể đa nguyên, các chính đảng thi thố nhiều thủ đoạn cả hợp pháp lẫn không hợp pháp để tác động đến đa số im lặng này, cạnh tranh với nhau để giành ưu thế chính trị cho mình. Nhưng trong thể chế một chính đảng duy nhất cầm quyền và lãnh đạo thì làm như vậy không có ý nghĩa, nhiều khi lại phản tác dụng, tự mình huyễn hoặc mình. Việc nhiều địa phương tập trung chỉ đạo lấy ý kiến một cách cấp tập, riêng lẻ từng gia đình công dân hiện nay, cùng với việc đánh giá chất lượng công tác xây dựng Hiến pháp của các địa phương thông qua số lượng ý kiến…liệu ít nhiều có khía cạnh là để “đập” lại những ý kiến phản biện đối với Dự thảo?
4- Thảo luận quá tập trung một vài vấn đề, chưa chú trọng các nội dung quan trọng khác.
Các vấn đề được nói nhiều hoặc là vấn đề chung nóng bỏng mà xã hội có điều kiện tiếp cận rộng rãi. Bên canh đó, Hiến pháp còn nhiều nội dung không kém phần quan trọng, nhưng việc góp ý kiến đòi hỏi những kiến thức và kinh nghiệm chuyên sâu hơn, nên dễ bị xem nhẹ hay bỏ qua. Ví du như vấn đề nhân quyền, việc hiến định quyền lập hiến, quyền làm chủ trực tiếp của nhân dân, tổ chức giám sát quyền lực, vấn đề tổ chức và hoạt động của các cơ quan quyền lực nhà nước, vấn đề bầu cử và cấu trúc đại biểu quốc hội, vấn đề chính quyền địa phương….
III- Đưa thảo luận xây dựng Hiến pháp về đúng vị trí.
Với quyết định kéo dài thời hạn góp ý kiến xây dựng Hiến pháp đến tháng Chín năm 2013 thì ba tháng đầu năm 2013 trở thành giai đoạn mở đầu cho việc toàn dân tham gia xây dựng Hiến pháp. Tổng kết kết quả ba tháng này, bên cạnh việc tổng hợp những ý kiến đóng góp, thì nội dung quan trọng không kém là tổng kết việc chỉ đạo và tổ chức lấy ý kiến, từ đó có những điều chỉnh cần thiết trong thời gian hơn 6 tháng còn lại.
Nếu ba tháng đầu có ý nghĩa là giai đoạn “khai phá”, sản phẩm thu được là “nguyên liệu thô” thì thời gian tới là giai đoạn “tinh chế” “chưng cất” từ những tư liệu, thông tin thu thập được để có quyết định tối ưu. Đó là giai đoạn cần đến rất nhiều phương pháp tiếp cận vấn đề từ nhiều khía cạnh, tinh thần khoa học, thái độ cầu thị, thận trọng. Đó là giai đoạn cần rất nhiều tâm sức, trí tuệ của toàn xã hội, cộng tác trong một không khí hợp tác, cởi mở, tin cậy. Mọi sự ồn ào, áp đặt, đả kích, khích bác đều không có chỗ đứng ở đây.
Khắc phục những lệch lạc nói trên, đưa thảo luận xây dựng Hiến pháp về đúng vị trí nhằm tạo ra một không gian chính trị-xã hội như vậy, là mong muốn và trách nhiệm chung của cả xã hội, trước hết là trách nhiệm của lãnh đạo Đảng và Quốc hội.

Không có nhận xét nào: