Thứ Ba, 12/03/2013 - 21:56
Người Trung Quốc nghĩ khác nhau về sự kiện 1979
Ở Trung Quốc tư duy phân tầng cực kỳ cao. Khoảng cách tư duy giữa một người bình thường và "tầng lớp trên" vô cùng cao, đúng hơn là hoàn toàn nghịch đảo, tư duy có thể khác nhau hoặc tiêu cực cũng là dễ hiểu.
LTS: Những
tin tức từ Biển Đông, cũng như những tranh luận gần đây của những nhà
giáo dục về việc đưa cuộc chiến tranh biên giới 1979 vào sách giáo khoa
khiến mối quan hệ giữa Việt Nam - Trung Quốc được quan tâm hơn lúc nào
hết. Tuần Việt Nam có cuộc trò chuyện cùng GS - TS Trần Ngọc Vương.
Tư duy nghịch đảo
Việc nên hay không đưa sự kiện 1979 vào
sách giáo khoa đang thu hút sự chú ý, là người có nhiều điều kiện tiếp
xúc, ông thấy người Trung Quốc nghĩ về sự kiện này như thế nào?
Cách đây 30 năm, ngay sau sự kiện 1979, tôi
đã viết bài Chủ nghĩa duy tâm của một quan niệm về lãnh thổ, cố gắng lý
giải cuộc chiến. Năm 1980, bài viết được đăng trên Tạp chí Triết học.
Thời gian gần đây những vấn đề giữa Việt Nam - Trung Quốc được quan tâm
nhiều hơn, tôi có đăng lại bài viết này trên mạng, bởi nó vẫn còn
nguyên tính thời sự.
Trước đây tôi cũng có thời gian được mời
giảng dạy tại một trường đại học Trung Quốc, nên có cơ hội tiếp xúc với
nhiều học giả và người dân Trung Quốc.
Có thể nói, trí thức Trung Quốc được chia ra
hai mảng, có nhận thức và hành xử rất khác nhau: bộ phận thứ nhất là
giới cầm quyền nắm được thông tin và chịu trách nhiệm ra quyết định
những chính sách. Họ nắm được tương đối toàn diện thông tin và hiểu đúng
bản chất của vấn đề. Thứ hai là bộ phận chịu ảnh hưởng của thông tin
gồm đại chúng nhân dân và cán bộ nhiều cấp, kể các nhiều học giả khi bị
tuyên truyền thì suy nghĩ vẫn rất nặng nề.
Có một bộ phận trí thức có góc nhìn toàn diện
hơn, họ nắm được thông tin và có quan điểm chính diện và chuẩn xác hơn
về bản chất vấn đề. Tuy nhiên tôi cho rằng tỷ lệ bị bưng bít thông tin
cao hơn. Người Trung Quốc mà tôi có dịp tiếp xúc, kể cả nhiều học giả
vẫn có những quan điểm tiêu cực và thiếu chuẩn xác về quan hệ với Việt
Nam.
Ở Trung Quốc tư duy phân tầng cực kỳ cao.
Khoảng cách tư duy giữa một người bình thường và "tầng lớp trên" vô cùng
cao, đúng hơn là hoàn toàn nghịch đảo, tư duy có thể khác nhau hoặc
tiêu cực cũng là dễ hiểu.
Ông đánh giá thế nào về Mạc Ngôn - nhà văn đoạt giải Nobel và tác phẩm Ma chiến hữu của ông ấy?
Người như Mạc Ngôn chắc chắn không mù thông
tin. Mạc Ngôn không ngộ nhận hay sai lầm về chiến tranh biên giới mà khi
đó Mạc Ngôn cầm bút với tư cách là cán bộ tuyên huấn của Tổng cục Chính
trị của quân đội Trung Quốc. Mạc Ngôn là cây bút thuộc lực lượng sáng
tác quân đội Trung Quốc. Ông viết Ma chiến hữu từ sự chỉ đạo chính trị,
phần nữa không loại trừ khả năng - qua nhiều tác phẩm của Mạc Ngôn như
Đàn hương hình, Báu vật của đời... - có thể thấy trong cảm thức của Mạc
Ngôn cũng có phương diện dân tộc chủ nghĩa khá đậm.
Có thể Mạc Ngôn tỉnh táo hơn nhiều người
khác, ông khách quan hóa một số sự kiện, nhưng về mặt xúc cảm ông vẫn
ảnh hưởng của chủ nghĩa dân tộc. Những người như vậy trong giới trí thức
hơi cao.
Việt Nam từng có mô hình 'lưỡng quyền phân lập'
Vậy việc Việt Nam cần làm là gì để có được sự độc lập và những giá trị riêng?
Khi độc lập về chính trị thì lại bị ảnh hưởng
văn hóa. Nhưng khi đã đứng ở một vị trí lãnh đạo đất nước có chủ quyền,
thì người lãnh đạo phải nghĩ đến vị trí của một chính thể, và một bộ
máy quản lý đất nước. Những người lãnh đạo từng phải đặt ra câu hỏi về
mô hình chính trị, hệ thống luật pháp, phương pháp quản lý xã hội... từ
quá trình đi tìm câu trả lời những câu hỏi đó bị ảnh hưởng của Trung
Quốc.
Điều đó rất khó tránh khỏi, khi Trung Quốc
luôn luôn ở bên cạnh, với những tri thức đã được tổng hợp sẵn, hệ thống
xã hội đã được sắp đặt, hệ tư tưởng đã tồn tại lâu đời.. làm thế nào
Việt Nam tìm cách thoát được cái bóng lớn đó? Trong lịch sử, Việt Nam
vẫn luôn cố gắng tìm phương cách riêng.
Những cái mới của Việt Nam thường chỉ nảy
sinh khi bị dồn ép hoặc va chạm với những sự đối trọng với những sự
tương đương về sức mạnh. Trứng không thể chọi đá, nhưng nếu hai đá chạm
nhau thì ảnh hưởng và biến đổi cả hai.
Trung Quốc có một lãnh thổ rộng lớn, với lịch
sử - văn hóa đồ sộ. Trung Quốc cấu trúc cho một hệ thống xã hội lớn và
Trung Quốc cư xử với các nước khác với tư thế của một nước lớn.
Còn Việt Nam phải tổng kết trên cơ sở nội
tại, không thể vận dụng mô hình vay mượn, sẽ sai, hỏng việc. Điều này
đúng với nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ chứ không chỉ riêng Trung Quốc -
Việt Nam.
Ý thức được điều này, Việt Nam cũng có nhiều
sáng tạo riêng: chiến tranh nhân dân là một ví dụ, với rất nhiều biểu
hiện sinh động cụ thể.
Trong những quốc gia trong khu vực chịu ảnh
hưởng của Trung Quốc, có Nhật Bản giữ được sự độc lập và giá trị riêng
nhất. Người Nhật nỗ lực tạo ra và duy trì giá trị cốt lõi là Thần đạo.
Người Nhật quan niệm rằng nước Nhật được tạo ra bởi một vị Thần chủ.Tất
cả người Nhật đều là con cháu của một vị Thần chủ là Thái Dương Thần nữ.
Tín ngưỡng này có ngay từ khi nước Nhật lập quốc, và được duy trì thành
một giá trị tinh thần cốt lõi quốc gia, sau đó mới tiếp thu những giá
trị tư tưởng khác. Chính vì có giá trị gốc đó nên Nhật vẫn giữ được sự
độc lập tư tưởng.
Cho đến nay Nhật là quốc gia duy nhất chỉ có
một dòng họ nắm vương quyền từ ngày lập quốc. Tôi từng hỏi những chuyên
gia Nhật, họ nói điều này thuộc bí mật tâm lý của người Nhật, không thể
giải thích. Hoặc chỉ có thể nói đó là sức mạnh tinh thần dân tộc của
người Nhật.
|
Việc nên hay không đưa sự kiện 1979 vào sách giáo khoa đang thu hút sự chú ý. Ảnh tư liệu
|
Nhờ có giá trị cốt lõi đó Nhật giữ được sự độc lập giá trị, vậy còn chúng ta tạo lập giá trị riêng như thế nào?
Chúng ta có những sáng tạo mang hiệu quả lớn,
nhưng chúng ta không tổng kết được lịch sử của chính mình. Ví dụ mô
hình lưỡng đầu chế thời Lê - Trịnh.
Lưỡng đầu chế là cơ chế cai trị gồm hai dòng: cùng lúc có cả vua và chúa. Đây là điểm khác biệt với Trung Quốc.
Suốt chiều dài lịch sử, Trung Quốc không có
hai triều đại cùng tồn tại. Nước không thể có hai vua, ngôi vua là tuyệt
đối, không bàn cãi. Chỉ có dòng họ này lật đổ dòng họ kia, người này
lật người kia để chiếm đoạt ngôi vua. Có những nhân vật được coi là
quyền thần, có mưu đồ đảo chính đoạt ngôi, nhưng không bao giờ tồn tại
lâu.
Nhưng Chúa Trịnh tồn tại được 8 đời trong 200
năm. Chúng ta vẫn thường chỉ nhìn nhận khai thác theo hướng Trịnh -
Nguyễn phân tranh, chia cắt đất nước; nhưng ở khía cạnh khoa học, phải
thấy rằng mô hình này cũng có rất nhiều điểm tích cực. Nếu không có sự
linh hoạt của nhà Chúa Trịnh, chúa Nguyễn thì bản đồ Việt Nam không được
như ngày nay, cả miền nam không có.
Theo nghĩa nào đó, Việt Nam đã từng có mô hình lưỡng quyền phân lập, khác hẳn Trung Quốc, Nhật Bản.
1000 năm Bắc thuộc và nhiều cuộc chiến
tranh, rồi sự đô hộ của Pháp, cuối cùng ta lại có Tiếng Việt từ chữ Nôm,
đó có phải một sáng tạo mang tính phản kháng, thoát ly văn hóa ngoại
của ông cha?
Ai cũng biết, chữ viết có vai trò vô cùng
quan trọng đối với bất kỳ nền văn hóa nào và là một trong những chỉ dấu
(index) thể hiện tập trung năng lực, sự trưởng thành và tính độc lập văn
hóa của cộng đồng sở hữu nó. Có được chữ viết riêng là khát vọng của
bất cứ nền văn hóa trưởng thành nào. Nhưng sáng tạo nên chữ viết đương
nhiên không phải là điều đơn giản, dễ dàng, cũng như đối với các loại
tri thức khác, một khi đã có sẵn ít nhất một mô hình bên cạnh để không
chỉ đối chiếu, học hỏi, mà để sử dụng. Trong ý nghĩa đó, thì việc tạo ra
chữ viết cho riêng cộng đồng mình, dù ở bất cứ nền văn hóa nào, cũng
đều có giá trị đặc biệt.
Chữ Nôm, chữ Quốc ngữ và văn hóa Việt, đó là
một hướng nghiên cứu cần tới sự tham gia của nhiều chuyên gia trong
nhiều lĩnh vực, cần một cái nhìn khách quan, khoa học, không bị định
kiến hay thành kiến che lấp. Một số nhà nghiên cứu thuộc thế hệ trẻ
đang tiếp tục đi sâu theo hướng này. (Cần lưu ý rằng vấn đề ngôn ngữ
hiện nay là một vấn đề tế nhị, nan giải trên phạm vi quốc tế. Theo nghĩa
thực dụng, người ta cần cổ xúy cho việc thông thạo một vài ngôn ngữ "có
tính quốc tế" nhưng ở quốc gia nào, cộng đồng nào cũng đều phấn đấu hay
đòi hỏi sử dụng tiếng mẹ đẻ)
Sự biến đổi của Myanmar là win - win
Ông đánh giá thế nào về sự thay đổi ở Myamar, Việt Nam học được gì từ quốc gia này?
Chỉ vài năm trước đây thôi, trên nhiều tiêu
chí Myanmar còn bị coi là "vùng trũng" của Đông Nam Á. Những biến đổi
theo chiều hướng tích cực rất mạnh mẽ và rõ ràng của quốc gia này gần
đây biến nó thành một điểm nóng, thành một tâm điểm của sự chú ý của dư
luận quốc tế. Chắc chắn là tôi không thấy những đánh giá tiêu cực, hoài
nghi hay chê trách đối với những tiến bộ to lớn ở quốc gia này.
Có vài câu hỏi cần được nêu lên ở đây: Vì sao
Myanmar có thể có được những chuyển biến ấy?Áp lực nào khiến họ phải
thay đổi? Có gì "sai lầm, chệch hướng" chăng ở giới cầm quyền của họ?
Giới cầm quyền của họ được gì, mất gì khi tiến hành những cải cách quan
trọng đến thế? Những cải cách, cải tổ ấy đưa đất nước họ về đâu? Có thế
lực thù địch, chống phá, hay ngược lại, "đỡ lưng" nào đối với họ
không?.. Nếu tìm câu trả lời thật nghiêm túc cho những câu hỏi đó thì sẽ
có những bài học thiết thực và to lớn đối với Việt Nam. Và ai là chủ
thể có trách nhiệm lớn nhất phải tìm kiếm câu trả lời cho những câu hỏi
vừa được nêu lên đó? Dĩ nhiên là những người đang nắm vận mệnh quốc gia
rồi!
Theo tôi, quá nhiều bài học có thể rút ra
từ thực tế Myanmar đối với Việt Nam. Và điều quan trọng là tôi thấy
những biến đổi ở Myanmar không gây tổn thất cho bất cứ một bộ phận nào,
một thành phần nào trong đất nước họ. Đó chính là biểu hiện của tinh
thần "win - win" (mọi bên cùng thắng) mà các nhà lập thuyết trên thế
giới nói tới!
Theo Hoàng Hường
Tuần Việt Nam
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét