NHÀ THƠ NHÀ GIÁO LÊ THIÊN MINH KHOA




     Trong đời sống thơ ca Việt Nam hơn nửa thế kỷ qua, bên cạnh những cây đa, cây đề, có không ít những nhà thơ miệt mài, lặng lẽ sáng tác ra những “trang đời”, có ích cho tha nhân, góp nhặt những viên “gạch thơ” nhỏ bé, khiêm tốn của mình để xây dựng “tòa nhà thơ ca” Việt Nam.Một trong những nhà thơ đó là Lê Thiên Minh Khoa, một con người “tài hoa” và “đa hệ” , nói một cách hình tượng là một “cây rụng lá để nở muôn hoa cho đời”.

      NHÀ THƠ, NHÀ GIÁO LÊ THIÊN MINH KHOA

    Lê Thiên Minh Khoa sinh năm 1954 tại Quảng Trị. Anh là hậu duệ đời thứ 13 của Lê Duy Cán, một hoàng tử thời hậu Lê. Vào năm Đoan Khánh thứ 6, tháng chạp năm Kỷ Tỵ, tức tháng một năm 1510, triều đình nhà Lê hỗn loạn, vua Uy Mục bị bắt giam, phải uống thuốc độc tự tử, Gia Tu Công Lê Duy Oanh lên ngôi, xưng hiệu là Tương Dực, đặt niên hiệu là Hồng Thuận nguyên niên. Hoàng tử Lê Duy Cán đem gia quyến và gia tướng vào lánh nạn tại xứ Bái Trời, tức vùng Cồn Tiên, Gio Linh, Quảng Trị ngày nay.Ông Lê Duy Cán ( trong làng kỵ huý gọi “ cán” thành “cớn”: “cớn dao”, “cớn rựa” …) lập nên làng Trung An nổi tiếng đất rộng trù phú, ruộng làm quanh năm, cây lưu niên bốn mùa xanh tốt, bỡi có hệ thống giếng đá xây thô dưới dòng nước mạch đã có từ mấy ngàn năm nay và hệ thống dẫn thuỷ nhập điền tự nhiên lấy nước từ các giếng đá chảy suốt ngày đêm đó. Và ở Quảng Trị có câu tục ngữ: “ Đất Trung An, gan Mai Xá, đá Hảo Sơn”, nói lên sự trù phú, rộng lớn của đất làng Trung An. Đến đời ông nội anh là Lê Duy Kiều có công lao trong việc đắp đường, bắc cầu, xây chùa và lập một làng mới: phường Khe Me, đưa dân nghèo khổ ở vùng đồng bằng tỉnh Quảng Trị lên sống, cấp đất, cấp tiền, cấp lương thực và phương tiện canh tác…để lập nghiệp, nên được dân làng mới thờ là tiền khai khẩn. Từ đó, dân trong vùng gọi ông bà nội anh là “cậu mợ”.( Ở miền Trung quê anh, hai từ danh xưng này mang sắc thái kính trọng, chứ không chỉ quan hệ bà con). Có thể nói, đây là một gia đình, dòng họ có truyền thống làm việc nghĩa ở một vùng quê.
         Cuộc đời anh cũng “năm chìm, bảy nổi”, phài “hành phương Nam” từ nhỏ. Ba tuổi mẹ mất, mười lăm tuổi cha mất, đất đai mồ mã tổ tiên bị cày xới , vì cả làng cũ và làng mới của anh đều nằm trong vùng phi quân sự (DMZ). Tuổi hoa niên phải làm đủ việc để vừa kiếm sống, vừa có tiền đi học: Dạy kèm trẻ tại tư gia, bán báo, đạp xe xích lô, ba gác…Thời mới giải phóng, để có tiền học sư phạm, anh mua thuốc diệt chuột MYTOX từ TP.HCM về phân thành gói nhỏ đem ra bán cho dân Động Đền, Hàm Tân, Bình Thuận (và có lần anh phải đi cấp cứu vì ngộ độc khi hít phải thuốc), rồi mua thu gom các loại thuốc lá “cao cấp”: Sài Gòn giải phóng, Capstan, Rubi… mà nhà nước bán phân phối cho các hộ dân nơi đây đem vào thành phố sang lại cho các đại lý để kiếm lời. Rồi cả buôn lậu nữa: mua các loại cá khô ở Hàm Tân vào bán ở chợ Cầu Muối, mua gạo từ miền Tây cho vào ba lô sinh viên lên bán ở Chợ Lớn. Con đường học vấn của anh cũng lắm gian nan. Vì hoàn cảnh, anh phải chuyển trường liên tục, vì vậy phải học “đúp” lớp nhiều lần, cho nên đậu tú tài ban toán trễ so với tuổi mấy năm. Sau phổ thông, anh có ...hai văn bằng cử nhân: Tốt nghiệp khoa ngữ văn đại học Sư phạm TP.HCM, tốt nghiệp cử nhân báo chí,- Học viện Chính trị Quốc gia Hà Nội. Nhờ thế, nhờ sống nhiều nơi, đi nhiều vùng, học nhiều trường, từ nhỏ anh có dịp “thâm nhập” nhiều miền đất quê hương, tiếp xúc với nhiều giới, nhiều người và có nhiều bạn bè thân thiết ở khắp nơi

Anh làm thơ từ trước giải phóng, sau giải phóng vẫn tiếp tục sáng tác, nhưng đến năm 1985 mới được khẳng định qua giải thưởng thơ “Kỷ niệm 10 năm giải phóng miền Nam” của  tỉnh Đồng Nai với bài thơ “Cây đa ở một nông trường mới” viết về tâm tình của “người công-tra mấy chục năm xa xứ ¬_ đến nơi này mới được bóng đa che”. Bài thơ là tâm tình của người dân cao su, nguyên là dân công tra cũ nhưng cũng là tâm sự cuộc đời của chính nhà thơ: “một mình thôi mà không đơn độc _ rừng cao su bao bọc tứ bề.” Năm 2005, anh lại nhận được giải thưởng VH-NT lần thứ nhất (1991-2004) trao cho tập thơ “thị trấn tôi”.

LÊ THIÊN MINH  KHOA


 Nguyên quán : Lam Sơn , Thanh Hóa - Quê quán : Gio Linh , Quảng Trị.
Tốt nghiệp Khoa Ngữ Văn – ĐHSP Đại học Sư phạm TP.HCM
Tốt nghiệp cử nhân báo chí, Học viện Chính trị Quốc gia Hà Nội.
Hiện  dạy học , viết báo , làm thơ, sống tại TP Bà Rịa.
Hội viên hội VHNT tỉnh BR-VT
Hội viên hội Tâm lý- Giáo dục học VN
Hội viên hội  Khoa học Lịch sử VN
Hội viên hội Thơ Đường LAN ĐÌNH

TÁC PHẨM:


            -“Thị trấn tôi”(NXB Thanh niên –2002)
-“Giai điệu bốn câu” (NXB Trẻ – 2001 – in chung)
-  “Đồng vọng- tâp I” ( NXB Thanh  Niên –2000- in chung)
-  “Đồng vọng- tập II” (NXB Thanh niên –2002- in chung)
              - " Bến Xuân" ( NXB Thanh Hoá- 2011- in chung)

     * Thơ đưa vào các tuyển tập : “Khúc dạo đầu về một dòng sông” (NXB Đồng Nai – 1985), ),“ 300 thơ Bà Rịa- Vũng Tàu” (NXB Thanh Niên –2000), “10 năm thơ Bà Rịa- Vũng Tàu” ( Hội VHNT tỉnh BR-VT –2001), “Theo sóng Đồng Nai” (NXB Đồng Nai –2000), “Hồn biển” (Hội VHNT tỉnh BRVT –1992), ), “Thơ Bà Rịa- Vũng Tàu 1975-2005” ( Hội VHNT tỉnh BR-VT –2005); “Vầng trăng_Cửa biển” (NXB Hội Nhà Văn- 2010), "Chim đậu đất lành" (NXB Hội Nhà Văn- 2011),  v.v…

     GIẢI THƯỞNG VĂN CHƯƠNG:

_Giải thưởng thơ “Kỷ niệm 10 năm giải phóng miền Nam ”(1985) của  tỉnh Đồng Nai tặng cho bài thơ “Cây đa ở một nông trường mới”
 _ Giải thưởng “Văn học- Nghệ thuật lần thứ nhất “(1991-2004) của tỉnh Bà Rịa_ vũng Tàu trao cho tập thơ “Thị trấn tôi”
Liên hệ :  ĐT: 09.0827.4494 . Email:lethienminhkhoa@yahoo.com
HTTP: tapchitiengquehuong.blogspot.com
           my.opera.com/lethienminhkhoa

THƠ TÌNH- LÊ THIÊN MINH KHOA:

LỐI XƯA
Tặng Nguyễn Thị Bích Sơn

Một mình anh trở về phố cũ
Hàng cây sao rũ nhớ bên đường
Nhánh tay gầy âm thầm nhắc nhở
Chuyện xa xưa ngỡ đã chết trong lòng.

Chuyện xa xưa bật dậy trong lòng
Những bức tường rêu phủ màu rêu phủ
Bên cổng trường ngút ngàn là cỏ
Hơn một lần em ngượng ngập đến thăm

Lối ta đi về bỗng hóa trẻ cơn
Sắc già nua nhuốm dần mái tóc
Chuyện cũ mười năm, những trang sách mới đọc
Những trang đời lật ngược vẫn xuôi

Những trang đời đã viết có em
Mà giờ đây một mình anh đọc lại
Nên trang thơ chiều nay viết vội
Chữ câu đi luống cuống đời người
Vũng Tàu - ngày lễ các Thánh nam nữ
(Lê Nhật Linh phổ nhạc- Ái Vân ca. )_
***

YÊU NHAU DẠI KHỜ
( Cho những người từng yêu nhau)

Ngày xưa một thời anh rất yêu em
Ngày xưa một thời em rất yêu anh
Ngày xưa một thời đôi ta yêu nhau
Ngày xưa một thời mối tình thật đẹp.

Ngày nay một lần đôi ta gặp nhau
Ngày nay một lần đôi ta trẻ lại
Ngày nay một lần đôi ta hóa dại
Ngày nay một lần như thuở ngày xưa.

Ngày xưa một thời đôi ta yêu nhau
Ngày xưa một thời đôi ta bé dại
Ngày xưa một lần đôi ta rồ dại
Ngày xưa một lần đôi ta mất nhau.

Ngày xưa bao lần đôi ta ước thệ
Ngày sau một đời vẫn còn nhớ nhau.


***
LẠC ĐIỆU

Rồi một lần choáng ngợp trước tình yêu
Phút quyến rũ bắt nguồn bao nỗi nhớ
Điều bình thường khi lòng để ngõ
Ước vọng dẫn đi. Thực tại đưa về…

Ranh giới nào giới hạn nỗi cuồng si
Từ khoảnh khắc suy tư
Từ ước mơ sầu muộn
Từ sâu kín đáy lòng thanh thản
Hay từ em - một diễm phúc trắng trong

Những gì đã qua gọi là kỹ niệm
Em đi qua rồi, tình có qua đâu!
Để âm thầm chờ thời gian trang điểm
Rồi mỉm cười trên cuộc sống lặng câm

Giữa bao điều hỗn tạp vây quanh
Mọi giá trị chưa nằm đúng chỗ
Giữa sông đời bên bồi bên lở
Thuyền tình anh biết đổ về đâu?...
_ ***

RIÊNG LẺ

Gió ỡm ờ. Thuyền lặng lờ về bãi
Ðàn chim treo lơ lửng giữa trời
Mặt nước mênh mang
mây ngàn trôi nổi
Ôi ngọn sóng dâng trào
xoá vội dấu chân riêng!
***

THẾ THÔI!

Ta yêu nhau đâu phải chuyện vô tình
Mà xa nhau sao tình cờ đến thế
Khi hiểu ra anh là người đến trễ
Và ngày xưa đến sớm, thế thôi!


Và ngày xưa đời thong thả trôi
Đâu biết được lòng ai e thẹn
Đâu biết được đời không hò hẹn
(muốn hẹn hò có dám nói ra đâu! )

Chuyện ngày xưa nhắc lại thêm đau
Rồi ngày mai, ngày sau vẫn thế!
Khách đến sớm còn tàu thì trễ
Tàu vào ga, khách đã bỏ đi rồi...

Để giờ đây giữa vắng vẻ ga đời
Tàu vẫn đợi người khách xưa trở lại
_ ***

VỀ MỘT TÌNH YÊU

Có những điều chưa bằng lòng về nhau
Những điều vẫn chưa hiểu được
Sao trên trời hôm nào chẳng mọc
Thoáng làn mây trong mắt
khuất vời
_

Có những điều còn chưa hiểu nhau
Những điều không thể nào nói được
Đám mây chiều lững lờ phiêu bạt
Và sương khuya
từ chừng ấy dáng sông.

Có những điều không cần có thời gian
Và những điều đêm dài mới tỏ
Cớ những điều chỉ trái tim hiểu rõ
Và những điều trí tuệ thắp bừng lên

Hoa trên cành không hiểu nổi lá
Mây trôi hoài trăng không hiểu được
Nhưng bao giờ trong anh cũng mọc
Một vì sao
Lóng lánh
Là Em.

(Trần Quang Lộc phổ nhạc- Ái Vân ca. )
_
CẢM HOÀI

Có phải đi rồi đi mãi đâu
Người đi để lại những đêm thâu
Mòn khuya chỉ một mình em thức
Nhầu tóc còn bao nửa sợi sầu
Nhìn ngọn Chứa Chan chan chứa nhớ
Trông dòng Thương Bạc bạc thương đau
Còn xa xôi quá, thương thương lắm
Chưa thấy trùng dương đã bạc đầu!
• ***


ĐƯỜNG VỀ NHÀ EM

Đường về nhà em có gió ngược chiều
Ôm xiết toàn thân, hôn lên làn tóc
Ngọt lịm bờ môi, ướt mềm mi mắt
Em có trông về chiều gió không em?
***

L T M K
HÌNH LÊ THIÊN MINH KHOA QUA HÝ HỌA CỦA HS HUỲNH PHƯƠNG ĐÔNG